Vị nhân sinh đúng hay sai?
Tia sáng dành cho bạn trẻ số 1, ngày 25-5-2002, đăng bài dịch một bức thư Mỹ “có rồi hẵng cho” với lời đề tựa đầy ấn tượng: “Xin mọi người đọc thuật kỹ và thật bình tâm, đặt một ấm nước, lúc đọc xong là lúc nước sôi, pha bình trà, uống và ngẫm nghĩ về người Mỹ, về quan điểm đạo đức xem nó ra răng”. May mắn là bức thư khá ngắn nên đọc không mất nhiều thời gian cho lắm. Tuy nhiên vấn đề nó đặt ra thì không hề đơn giản là sáng tạo có vị nhân sinh hay không. Tôi xin mạnh dạn trình bày quan điểm cá nhân về vấn đề thú vị này, với mục đích góp thêm một tiếng nói nhằm rộng đường dư luận.
Nguyên tắc đạo đức mới là gì?
Đó là bức thư của H. Ayn Rand, người Mỹ gốc Nga, tác giả của nhiều cuốn sách, gửi Tom Girdler, nhà sản xuất thép người Mỹ. Quan điểm của Ayn Rand là “có rồi hẵng cho”, về thực chất là một quan điểm đúng đắn. Vấn đề là dường như Ayn Rand cho rằng, “có” ở đây chỉ là có các sản phẩm vật chất.
Ayn Rand viết: “Sai lầm lớn nhất của thế giới chính là ở chỗ chúng ta đã chấp nhận và tin rằng chủ nghĩa vị nhân sinh, tức là lấy việc phục vụ người khác như một nguyên tắc tối cao và coi việc đặt người khác lên trên bản thân mình là một biểu hiện của đức hạnh”. Và “chúng ta luôn được dạy dỗ rằng, đức hạnh cao nhất là “cho”, chứ không phải là “tạo”. Nhưng người ta không thể cho cái chưa được tạo ra. Do vậy nhu cầu về người sáng tạo phải có trước nhu cầu về người hưởng lợi. Người sáng tạo phải đứng trên bất kỳ người theo chủ nghĩa vị nhân sinh nào (humanitarian)”.
Theo Ayn Rand, những nhà sáng tạo và sản xuất như Thomas Edison hay Henry Ford không đặt ra mục đích sáng tạo vì con người. Khi Edison phát minh bóng đèn điện, ông không nghĩ tới những người dân nghèo khó. Girdler sản xuất thép chỉ để sản xuất, chứ không phải để bán thép rẻ cho mọi người. Những người như Girdler “không bị dao động bởi cái động cơ phục vụ người khác mà cả thế giới tin vào”, họ sáng tạo chỉ để sáng tạo, “chỉ đi theo một động cơ đơn giản, mang tính cá nhân, đi theo một tình yêu ích kỷ và cao quí đối với công việc của chính mình. Đó chính là động cơ đạo đức chân chính nhất và là đức hạnh lớn nhất của con người”.
Hơn thế nữa, khi Girdler viết trong cuốn Quyền được lao động của mình rằng: “Tôi phản đối bất cứ ai có quan điểm rằng những người như tổng thống Roosevelt là những người đáng kính hơn, tốt hơn ít vụ lợi hơn người khác, bởi vì họ không phải có nghĩa vụ kiếm sống”, Ayn Rand cho rằng Girdler chưa đi đến rốt ráo vấn đề. Ông “phản đối bất cứ ai có quan điểm rằng nhà chính trị và những người làm công tác xã hội không tồi tệ hơn những người phải lao động để kiếm sống”. Vì thế ông nhấn mạnh, “những kẻ theo chủ nghĩa nhân văn – trên nguyên tắc và cả trên thực tế - là những kẻ ăn bám bởi mối quan tâm hàng đầu của họ là phân phát chứ không phải là sản xuất; nói đúng ra thì là quan tâm đến việc phân phát những gì mà họ không sản xuất ra. Những kẻ ăn bám thì không bao giờ đáng kinh hay tốt cả”. Và Ayn Rand kết luận, những nhà sản xuất như Girdler không bao giờ chứng minh được rằng họ tốt hơn nhiều, đáng kính trọng hơn nhiều những người làm công tác xã hội và chính trị, “cho đến khi chúng ta có một nguyên tắc đạo đức mới”!
Đầu tiên tôi muốn lưu ý rằng người dịch (không thấy đề tên) rất vội vàng trong việc thuật và công bố bức thư, có thể do quá say sưa với nó. Vì thế ngay tựa đề cũng mang màu sắc văn nói. Sao không dịch là “Có rồi hãy cho”? Rồi những câu văn thiếu trong sáng, lặp từ, không gẫy gọn....Đầy rẫy trong bức thư chỉ mấy trăm chữ. Phải chăng quan điểm của Ayn Rand mang tính đột phá tới mức, khi đọc và lĩnh hội nó người dịch dường như mất tự chủ, mất sự phê cần thiết – nguyên tắc hàng đầu của thao tác nghiên cứu khoa học? Thiết nghĩ có gì khó khăn lắm đâu trong việc nhận chân cái quan điểm dường như rất “tân kỳ” của Ayn Rand.
Cần nói ngay rằng, thực chất nguyên tắc đạo đức mới của cái bà người Mỹ gốc Nga đó là, phải “tạo” hay “sản xuất” mới là người tốt. Còn người theo chủ nghĩa nhân văn và hoạt động xã hội, gồm cả nhà chính trị, là kẻ ăn bám, vì họ chẳng tạo hay sản xuất cái bóng đèn như Edison hay cái ô tô như Ford. Họ chỉ dây máu ăn phần khi phân phát cái mà họ không tạo hay sản xuất được! Muốn biết quan điểm này đúng sai, ta hãy đem nó áp dụng vào thức tiễn.
Chẳng hạn ngay chính tại Mỹ, chỉ khoảng 20% dân số là người tốt, vì họ sản xuất. Còn 80% còn lại là kẻ ăn bám vì họ chỉ làm dịch vụ, phân phối, thậm chí chỉ viết văn làm thơ, hoạt động xã hội, tôn giáo và từ thiện hay những việc “ăn bám” khác. Rồi cái nước Mỹ giầu mạnh kia, họ sáng tạo nhiều và sản xuất đến một phần ba của cải toàn thế giới, chắc chắn họ đáng kính và tốt hơn những nước sáng tạo và sản xuất ít hơn, chẳng hạn như Việt Nam. Và Bill Gates thì tốt hơn Mẹ Teresa, vì vị nữ thánh thì chẳng sản xuất được gì ngoài việc mang tình thương đến cho dân nghèo Ấn Độ trong tư cách một người nhân văn chủ nghĩa, tức đích thị là kẻ ăn bám!
Đó là cái gì nều không phải là nguyên tắc tôn thờ vật chất và rẻ rúng các giá trị tinh thần của giới trọc phú Mỹ? Rõ ràng tác giả bức thư rất thiều hiểu biết về hoạt động của xã hội loài người, nhất là khía cạnh phân công lao động và hợp tác cùng có lợi. Và thật đáng tiếc, tuy là nhà văn những Ayn Rand lại khinh rẻ chủ nghĩa nhân văn, khinh rẻ lòng tốt và chủ nghĩa vị nhân sinh – điều ngược với thiên chức của văn học. Tôi là nhà vật lý nên không dám tranh lời các văn nghệ sĩ mà chỉ bàn luận trên góc độ khoa học tự nhiên, theo tinh thần tích hợp văn hoá đang được chuộng trên toàn thế giới, mà ở đây là thuyết tiến hoá Darwin, được xem là có ảnh hưởng lớn nhất tới tư duy hiện đại (theo tạp chí Người Mỹ khoa học, số 7-2000).
Theo thuyết tiến hoá, con người có bản năng thiện tính, xuất phát từ thực tế là chúng ta được tự nhiên trang bị kém nên không thể tự phục vụ cho mọi nhu cầu cá nhân. Và đó là lý do giống như các động vật xã hội tính khác, chúng ta chỉ tồn tại được khi đảm trách một nhiệm vụ cụ thể theo sự phân công lao động, nguồn gốc của sự hợp tác xã hội. Như đối tượng của tiến hoá, sự tồn tại của một xã hội phụ thuộc chủ yếu vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên. Sự hợp tác cũng có vai trò quan trọng không kém sự cạnh tranh trong việc thúc đẩy xã hội loài người. Và sự hợp tác thì nhất định dựa trên lòng vị than. Nói cách khác, quá trình tiến hoá cổ vũ lòng vị tha, sự phân công lao động và sự hợp tác cùng có lợi thuyết tiến hoá hiện đại hoá, cho rằng không chỉ các cá nhân mà các nhóm xã hội cũng là đối tượng của tiến hoá (xem S.J.Gould, Cấu trúc thuyết tiến hoá, NXB Belknap, 2002). Có nghĩa lòng tốt và chủ nghĩa nhân văn có nguồn gốc rất sâu xa từ chính quá trình tiến hoá và là những tính chất căn bản giúp con người có thể sinh tồn và phát triển. Vì thế đối lập sự sáng tạo với chủ nghĩa nhân văn là một sai lầm không thể chấp nhận được về mặt khoa học.
Về mặt đạo lý, xem những người nhân văn chủ nghĩa là ăn bám cũng là sai lầm nghiêm trọng. Tự do, bình đẳng, bắc ái chính là tiêu chí căn bản của một xã hội bắt đầu hiểu bản chất con người. Chúng ta sinh ra ai cũng có quyền bình đẳng, nhưng tạo hoá không thể công bằng với mỗi một cá nhân. Tạo hoá không thể phân phát trí tuệ và kỹ năng như nhau cho tất cả mọi người. Chúng ta không thể chọn cha mẹ, chọn gia cảnh để sinh ra. Có nghĩa con người sinh vốn lại không bình đẳng. Vậy thì ai sẽ mang lại cho chúng ta sự bình đẳng nếu không phải là những người theo chủ nghĩa nhân văn- những người quan tâm không chỉ tới những cá nhân xuất chúng mà còn tới từng mảng đời bất hạnh – nền tảng quan trọng của một xã hội tìm kiếm sự công bằng? Và để đảm bảo sự đánh giá công bằng đối với ngưới sản xuất, có thể dẫn ra một quan điểm, ai đóng nhiều thuế và tạo nhiều việc làm cho xã hội là người tốt. Giá trị của một người chính là ở chỗ người đó phục vụ xã hội như thế nào. Mà phục vụ thì không chỉ là “Tạo” hay “sản xuất”, mà quan trọng hơn cả là tổ chức được một xã hội dân chủ, công bằng, phát triển và văn minh, nơi lợi ích riêng của mỗi cá nhân kết hợp nhuần nhị với lợi ích chung của toàn xã hội. Sẽ sai lầm nếu cho rằng sức sống của nhà sáng tạo hay nhà sản xuất lâu bền hơn của nhà chính trị. Truyền thuyết Nghiêu thuần xưa là một trong những bằng chứng rõ ràng cho điều đó. Cũng xin nhắc lại chuyện cũ tại nước ta hơn mười năm trước. Khi đó có người cho rằng văn nghệ và chính trị đều là những hình thái ý thức xã hội nằm trên thượng tầng kiến trúc nên chỉ tác động qua lại chứ không thể chi phối nhau. Có thể họ đã nhầm giữa chính trị và tư tưởng chính trị. Với tư cách toàn bộ những hoạt động có liên quan đến mối quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc, các tầng lớp xã hội, chính trị có khả năng chi phối hầu như tất cả các hoạt động, kể cả năng lực sáng tạo của xã hội. Đó là lý do Nguyễn Trãi phò Lê Lợi hay Ngô Thì Nhậm theo Quang Trung. Phò chính thống là nét tự nhiên của trí thức, vì như thế họ sẽ có điều kiện phục vụ xã hội và con người, cũng như phổ biến cái đạo của họ một cách trực tiếp, thuận lợi, nhanh chóng và rộng rãi nhất. Kẻ sĩ xưa luôn tìm minh chủ để phò, vậy nay minh chủ là ai? Xin được trở lại chủ đề khi có dịp.
Cũng xin nói thêm, “nguyên tắc đạo đức mới” đó chắc chắn bị phản đối ngay tại nước Mỹ. Nên biết rằng chính Edison quan tâm sâu sắc tới nhu cầu xã hội, tớ người nghèo bằng nhiều phát minh cụ thể như nhà bê tông đúc sẵn, phao cứu sinh cho lính thuỷ thời Chiến tranh thế giới thứ II, qui trình tuyển Quặng ít ô nhiễm, ô tô điện,...(xem Người Mỹ khoa học, số 2-1997). Ông chính là một người vị nhân sinh chân chính với tất cả những gì cao quí nhất cần phải có. Hay Bill Gates đã lập quĩ từ thiện hàng tỷ đô là và tuyên bố đến 50 tuổi sẽ hiến toàn bộ tài sản cho quĩ này. Còn theo Michael Dertouzos, người đã hơn 30 năm lãnh đạo Phòng thí nghiệm khoa học tính toán, Viện công nghệ Massachusetts, một cái nôi của công nghệ thông tin, thì phương Tây đã sai lầm khi chia tách công nghệ và chủ nghĩa nhân văn 300 năm trước; và nay chính là thời khai sáng mới để nhập chúng lại với nhau (xem Người Mỹ khoa học, số 7 – 1997 và Time, số đặc biệt tháng 1 – 1998). Không nên quên rằng, chủ nghĩa đơn phương... mới chỉ là một nửa sự thật về người Mỹ. Một nửa khác nằm ở Luther Kinh, Morrison, Edison và hàng triệu người nhân văn chủ nghĩa yêu công lý, chuộng tình thương và giầu lòng sáng tạo khác. Muốn “ngẫm nghĩ về người Mỹ, về quan điểm đạo đức xem nó ra răng”, cần suy nghĩ nghiêm túc, toàn diện và sâu sắc, chứ không thể tuỳ tiện và giản lược như cái bà người Mỹ gốc Nga ấy được. Và cho dù con người và xã hội Mỹ có hay đến đâu chăng nữa, những cái hay đó chưa chắc đã hợp với con người và xã hội khác, nhất là với phương Đông.
Thang nhu cầu của con người
Nói đi thì cũng cần nói lại, tác giả Ayn Rand cũng có điểm đúng khi cho rằng trong lúc sáng tạo, những nhà sáng tạo chỉ đi theo một động cơ cao quí, có tính ích kỷ và đậm màu sắc cá nhân đối với công việc của riêng mình. Như lời Nguyễ Khải, trí thức là kẻ đại ích kỷ, bản thân hắn mà hắn còn không quan tâm (ăn uống thất thường, lười tắm rửa, quần áo lôi thôi...), vậy hắn quan tâm được đến ai! Ta cũng thường nghe nói tới tháp ngà sáng tạo. Có thể hiểu rõ hơn điều đó khi nghiên cứu thang nhu cầu của nhà tâm lý Abraham Maslow (1908 -1970).
Theo Maslow, nhu cầu con người được xếp thành hệ bậc thang. Tuỳ cách trình bày mà ta có thang năm hay thang bảy bậc, trong đó thang bảy bậc thì tiện lợi hơn. Bậc dưới cùng là các nhu cầu sinh lý như đói, khát, nóng, lạnh....Bậc thứ hai các nhu cầu an toàn và an ninh. Bậc thứ ba là các nhu cầu của cải, tình yêu và được thừa nhận. Bập tiếp theo là nhu cầu được kính trọng. Tiếp nữa là nhu cầu nhận thức: Muốn biết, muốn tìm hiểu và khám phá. Cao vũ trụ như tính đối xứng, sự trật tự và vẻ đẹp ẩn giấu dưới những biểu hiện đó. Và ở bậc thang cao nhất là nhu cầu khám phá đến tận cùng khả năng đơn nhất của bản thân, theo nghĩa nó khác biệt với tất cả các cá nhân khác. Đạt tới bậc thang này là những người biết sử dụng một cách khác thường toàn bộ năng lực bản thân. Theo Maslow, đó là Spinoza, Jefferson, Lincoln, Einstein, Edison hay Roosevelt...Và đáng buồn thay cho Ayn Rand, trong số các đặc tính của những nguời tự biến thành hiện thực đó, ngoài khả năng văn (xem R.L.Atkinson, Nhập môn Hilgard của tâm lý học, NXB đại học Harcourt Brace, lần xuất bản thứ 12, 1996, trang 446-467). Vì lẽ đơn giản sáng tạo không chỉ là công việc của bộ óc mà còn của trái tim. Những người có khả năng sáng tạo nhất cũng chính là những người có tấm lòng nhân bản, vị tha, vị nhân sinh nhất. Họ chỉ sáng tạo càng nhiều càng tốt mà không quan tâm tới việc bản thân được xếp ở đâu trong ký ức xã hội. Và họ cũng khiêm nhường không tự cho mình cao quí, đáng kính trọng, tốt hơn những người khác. Nếu thiếu tính khiêm nhường và lòng khoan dung, thiếu sự nhạy cảm với nỗi đau của con người, nếu ích kỷ và khoa trương, chắc chắn họ không thể sáng tạo. Thêm một lần nữa chúng ta thấy, đối lập sức sáng tạo với chủ nghĩa nhân văn là quan điểm không thể chấp nhận được. Vậy xin Ayn Rand và những ai đồng ý kiến hãy yên lặng để những con người xuất chúng đó thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng là cống hiến toàn bộ năng lực tuyệt vời của mình cho hạnh phúc toàn nhân loại. Chỉ theo nghĩa đó họ mới đáng kính trọng, mới là người tốt trong mắt mỗi chúng ta.
Cần nói thêm là như bất cứ một lý thuyết tâm lý nào khác, thang nhu cầu Maslow cũng chịu nhiều chỉ trích. Người ta cho rằng, Maslow đúng với các cá nhân xuất sắc nhất, thành đạt nhất phương Tây. Với các cá nhân và các xã hội khác, thang Maslow không hoàn toàn đúng nữa. Và điều đó đúng với bản chất con người, đúng với bản chất của văn hoá. Con người và các nền văn hoá có nhiều nét khác biệt đến mức, ngoài một số chuẩn mực chung, không thể có một thang giá trị dùng được cho tất cả mọi người và mọi nền văn hoá. Ayn Rand đã rất sai lầm khi mang những tiêu chí đúng cho dưới 1% dân số ra để bắt hơn 99% còn lại phải theo, trong khi ngược lại mới là chuẩn xác.
Điều đó có nghĩa cần loại bỏ thang Maslow? Không hẳn như vậy, nó vẫn có thể dùng như một tham khảo tốt. Chẳng hạn dựa vào đó có thể lý giải tại sao Tolstoy viết được Chiến tranh và hoà bình, vì ngoài những điều kiện khác, ông may mắn vượt qua năm bậc thang đầu tiên. Và đó cũng có thể là một lý do giải thích tại sao chúng ta chưa có một tác phẩm văn học xứng tầm với cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Thang Maslow mang nét duy vật và là minh hoạ tốt cho tinh thần của ông cha ta “có thực mới vực được đạo”.
Nghệ thuật vị cái gì?
Vấn đề chưa dừng ở đó. Trong bài “Sáng tạo, nhu cầu người nhất của con người” trên Tia sáng dành cho bạn trẻ số 2, một nhà văn đoạt giải thưởng nhà nước (nhưng không nhận) quay trở lại cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh trên văn đàn nước ta 70 năm trước. Ông kể rằng năm 1992, trong cuộc hội thảo kỷ niệm 50 năm ngày thành ra đời cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, ông đã mạo muội hỏi các nhà lý luận phê bình văn học rằng, tại sao với quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật sai lầm, Hoài Thanh lại chọn được 45 nhà thơ tiêu biểu mà ngày nay chỉ thấy rơi rụng đâu có 5-7 người. Có nghĩa sự đánh giá và chọn lọc của cái ông chủ trương quan điểm nghệ thuật rất đỗi suy đồi ấy về cơ bản là chính xác! Còn những nhà phê bình kiên định quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh thì chẳng làm được cái điều tương tự.
Nhà văn của chúng ta cho rằng, chỉ có hai cách lý giải hiện tượng trên.
Thứ nhất, Hoài Thanh không hề thực sự chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật” mặc dù ông có tự nhận như vậy. Thậm chí sau này dưới sức ép nào đó, ông còn mấy lần công khai bầy tỏ sự hối hận sâu sắc về sai lầm chết người này. Thứ hai, quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” của ông là đúng, đúng đến nỗi ông là người duy nhất nhận ra chân lý. Nhà văn nhấn mạnh, ông thiên về khẳ năng thứ hai, tức xem nghệ thuật vị nghệ thuật là đúng. Điều đó cũng có nghĩa nghệ thuật vị nhân sinh là sai, dù ông không nói thẳng như vậy. Nhà văn đi đến kết luận này sau khi “đọc thật chậm” thư của Ayn Rand, cho thấy ông đồng ý với quan điểm rằng, con người đã rất sai khi coi trọng chủ nghĩa vị nhân sinh. Vị nhân sinh sai vậy vị nghệ thuật phải đúng! Rõ ràng dù đã đọc thật chậm những nhà văn vẫn bị lừa khi không biêt chính ông cũng bị xếp vào hạng ăn bám, vì Ayn Rand chỉ nói về “tạo” hay “sản xuất” các giá trị vật chất mà thôi.
Tiếp theo nhà văn cho rằng, “khác với những điều vẫn thường được rao giảng ra rả về “sự phục vụ”...bản chất của nghê thuật là thuần tuý, thuần tuý vì chính nó”. Do đó ông đồng tình với Ayn Rand: "Hãy vì chính mình mà sáng tạo trước đã, để có rồi hẵng cho!”. Và ông cũng kêu gọi một nguyên tắc đạo đức mới, “một nguyên tắc đạo đức thật, không giả vờ, không dối trá, không mị dân”, trước khi hoà giọng cùng Ayn Rand phê phán những kẻ ăn bàm mà theo ông thì “có bao giờ thiếu” và lắm mồm hơn tất cả”.
Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa trước khi bàn về học thuật rằng, nhà văn của chúng ta chưa hiểu quan điểm của Ayn Rand, cái quan điểm mà lẽ ra với tư cách một nhà văn có thiên chức đề cao chủ nghĩa nhân văn, ông phải kịch liệt phê phán và bác bỏ. Chẳng lẽ chỉ vì sự giống nhau ở lớp vỏ ngôn ngữ của thuật ngữ “vị nhân sinh” mà ông lại nhầm lẫn đến vậy?
Quay trở lại với vị nghệ thuật hay vị nhân sinh, đầu tiên chúng ta cần nhìn cuộc tranh luận giữa Hải Triều và Hoài Thanh bằng con mắt lịch sử. Nhớ tới cảnh nước mất nhà tan, dân ta rên xiết dưới ách nô lệ, thực dân Pháp thì bày đủ trò để thanh niên ta quên nỗi nhục mất nước mà tiêu tan ý chí đấu tranh, ta sẽ hiểu vì sao Hải Triều được ủng hộ. Tiếp theo, không như nhà văn quả quyết rằng, đánh giá chính xác của Hoài Thanh chỉ có thể do quan điểm vị nghệ thuật là đúng, quan điểm vị nhân sinh là sai; tôi cho rằng tính chính xác đó xuất phát chủ yếu từ con mắt xanh, từ khả năng cảm thụ và phát triển của nhà phê bình. Rất nhiều người khác cũng vị nghệ thuật, tại sao họ không thẩm định được như Hoài Thanh? Quan điểm nghệ thuật chỉ là kim chỉ nam mà thôi, muốn đến được Nam Cực, cần thêm rất nhiều thứ khác ngoài cái la bàn. Chỉ với quan điểm nghệ thuật đúng mà thành công trong lý luận phê bình văn học thì có lẽ cả nước trở thành phê bình! không nên quên rằng việc cảm thụ văn chương độc lập tương đối với trình độ học thuật của người thưởng thức. Người bình dân Việt Nam xưa trình độ thấp, quan điểm nghệ thuật không thể xem là chuẩn xác. Nhưng điều đó không ngăn cản việc họ sáng tác được cả một kho tàng tục ngữ, ca dao vô giá; không ngăn cản việc họ thưởng thức Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm hay thơ Hô Xuân Hương. Đó chính là sự kỳ diệu của văn chương, nghệ thuật –sự kỳ diệu của điều giản đơn ai cũng có thể hiểu, theo lời Einstein ca ngợi vua hề Charlot, tất nhiên là với mức độ khác nhau.
Và cho đến tận hôm nay mà vẫn còn băn khoăn xem nghệ thuật vị cái gì thì thật là khác thường. Cũng chẳng biết nói sao nữa khi nhà văn cứ nhất định cho rằng một số nhà khoa học vị nhân sinh giải thích hình vẽ các con vật trên vách hang động là để người nguyên thuỷ tập bắn, tập đâm chúng, luyện khả năng cho các cuộc đi săn. Nhà khoa học nào giải thích như vậy? Và tại sao ông dị ứng với vị nhân sinh đến vậy?
Tôi nghiên cứu vật lý nên không rõ nghệ thuật ra đời như thế nào. Nhưng là người tin tiến hoá luận Darwin nên tôi mạo muội cho rằng, nghệ thuật hội hoạ như thế trước hết là để phục vụ các lễ nghi mang tính tín ngưỡng của người nguyên thuỷ. Đến lượt mình, các lễ nghi đó lại có ý nghĩa sinh tồn. Có giả thuyết cho rằng tín ngưỡng bắt nguồn từ chính bản năng sinh tồn của con người (xem J.D.Barrow, Vũ trụ nghệ thuật, NXB Clarendon – Oxford, 1995). Như vậy ngay từ nguồn gốc phát sinh, nghệ thuật đã vì con người, đã vị nhân sinh, chứ không phải “bản chất của nghệ thuật là thuần tuý, thuần tuý vì chính nó”. Và nó chỉ có thể vì con người, vị nhân sinh khi nó đúng là nghệ thuật, tức khi nó vị nghệ thuật. Theo thiển ý, vị nghệ thuật là thuộc tính, vị nhân sinh là mục đích. Chỉ với thuộc tính đó mới đạt tới mục đích đó. Thực ra nhà văn của chúng ta tự mâu thuẫn đấy thôi, chứ ông cũng rất vị nhân sinh khi nhận định: “tính người của con người bắt đầu khi nó biết sáng tạo vì chính nó, hoàn toàn vô tư, chẳng “vị” cái gì hết”. Con người “biết sáng tạo vì chính nó” tức biết sáng tạo vì con người, sáng tạo vị nhân sinh (chứ chẳng lẽ lại vị con trâu hay con bò?).
Nói như giới nghệ thuật học , nghệ thuật có các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và giải trí. Điều đó chứng tỏ nghệ thuật có mục đích vị nhân sinh, vì con người, phục vụ con người. Và nghệ thuật chỉ có thể hoàn thành tốt điều cao quí nếu trước hết nó vị nghệ thuật, có tính nghệ thuật, đúng là nghệ thuật. Phải chăng đó chưa phải là những điều rất đỗi tự nhiên?
Cuối cùng xin nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng, nhân văn là thuộc tính căn bản của con người, một thuộc tính đã được gìn giữ và lưu truyền qua hàng triệu năm tiến hoá sinh học và tiến hoá văn hoá. Thuộc tính đó không hề mâu thuẫn với sức sáng tạo của toàn xã hội và của mỗi cá nhân. Và như mọi yếu tố khác của văn hoá như nền sản xuất, khoa học hay tôn giáo, nghệ thuật bao giờ cũng vì con người, phục vụ con người, cũng vị nhân sinh từ trong bản chất.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015