Từ viên kẹo đến cái còng

08:45 CH @ Thứ Ba - 21 Tháng Tám, 2018

Trong Phật giáo thường nhắc nhở: “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Không ai có thể nghĩ tưởng tới cảnh này mười năm trước. Và có lẽ do vậy nên con người ta thường vội vã vì nhiều nguyên nhân khác, thiếu sự tỉnh giác, dừng lại ở những sai lầm đầu tiên và tìm cách khắc phục, không vá víu bằng cách dùng “lợn lành chữa thành lợn què” gây nên hậu quả chất chồng...

Từ sự cám dỗ của những viên kẹo


Có bà mẹ nhờ Gandhi - một người được tôn vinh như “thánh”, nhà lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Ấn Độ trong cuộc đấu tranh bất bạo động chống lại chính sách cai trị của người Anh - khuyên bảo đứa con mình thôi ăn kẹo, nhưng ông lại khất đến hai tuần sau mời bà quay trở lại.

Đúng hẹn, khi bà đưa con đến, ông đã ân cần khuyên cháu đừng ăn kẹo nữa vì sẽ làm hư răng. Trả lời thắc mắc vì sao không khuyên ngay hai tuần trước đó, ông nhẹ nhàng trả lời: “Vì hai tuần trước, tôi vẫn còn ăn kẹo!”.

Vậy đó, khi mình còn ăn kẹo thì làm sao có thể làm gương cho người khác. Nhất là khi những viên kẹo ấy là quyền lực, là những ngân quỹ khổng lồ, trong một chừng mực nào đó, chưa được giám sát chặt chẽ, nên người sử dụng mặc quyền tận dụng, lại thêm những ảo giác có lúc tưởng chừng địa vị ấy “đời đời bền vững”.

Viên kẹo ấy khiến bao người, thậm chí lãnh đạo ở các cấp cao rơi vào vòng xoáy của mối quan hệ nhập nhằng giữa các tập đoàn - Ban quản lý dự án và chính quyền. Để rồi xã hội sẽ phải gánh chịu tất cả hậu quả của những bất ổn khi sự cộng thông giữa cả hai hay ba tổ chức ấy thiếu tính giải trình, sự minh bạch và vắng mặt sự can thiệp của các tổ chức thanh tra. Lúc ấy, như các nhà kinh tế nói, đồng tiền - nói chính xác là lòng tham đã biến tất cả bạn bè, cả tình đồng chí thành đồng lõa và đồng phạm trong những cuộc chia sẻ quyền lợi, khai thác vô độ tất cả những gì có thể, bất chấp hậu quả. Fidel Castro có lần nói: “Không nắm được quyền thế, lý tưởng khó có điều kiện cần thiết để được hiện thực hóa. Nhưng có được quyền thế trong tay, lắm khi lý tưởng chỉ là những viễn mơ của một thời, mông lung và thoi thóp”.

Đến cái còng hôm nay

Hình ảnh một số nguyên là lãnh đạo cao cấp, những người có vị trí trong thế giới tài chánh, mới đây còn uy quyền cao tột, ra trước Tòa án Hà Nội và TP.HCM mấy ngày gần đây, tay bị còng gợi lên những cảm xúc lẫn lộn trong công chúng, trong lòng người quan sát. Có người hân hoan cho rằng ngọn lửa pháp quyền đã được thực thi, nhưng cũng có người thấy xen lẫn nhiều cảm xúc về thế thái nhân tình bởi sự thay đổi quá nhanh trong ngôi vị, vai trò giữa cuộc đời.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh viết: “Chiếc còng số 8 trên tay ông Thăng là một ‘cái còng tay lịch sử’… Quả thật, nhìn hình ảnh cái còng số 8 trên tay Đinh La Thăng, tôi không khỏi xót xa, buồn và nghĩ ngợi. Đời người không biết đâu mà lần, có ai sinh ra đã hoạch định được cuộc sống của mình đâu. Lúc lên voi, lúc xuống dê lợn, gà vịt là chuyện thường của chính trường nhân loại. Không ai lường được cái sự ngoắt ngoéo, biến hóa vô cùng của thời thế lúc mưa lúc nắng, lúc sáng đúng chiều sai đến mai lại đúng. Người minh triết hiểu thời thế. Kẻ vô minh chỉ biết mình. Vô minh bởi vận thân đang lên, làm chúa một cõi, ngồi ở đỉnh cao quyền lực của ngành, không còn biết sợ ai...”.

Trong Phật giáo thường nhắc nhở: “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Không ai có thể nghĩ tưởng tới cảnh này mười năm trước. Và có lẽ do vậy nên con người ta thường vội vã vì nhiều nguyên nhân khác, thiếu sự tỉnh giác, dừng lại ở những sai lầm đầu tiên và tìm cách khắc phục, không vá víu bằng cách dùng “lợn lành chữa thành lợn què” gây nên hậu quả chất chồng, kéo theo bao hệ lụy và tai họa cho mình và cho người khác, và quan trọng hơn cả là cho xã hội, sự ổn định của đất nước.

Đọc lại kinh Phật, chúng ta thấy điều này không mới, bởi từ hơn 2.500 về trước, Đức Phật, vị đã từ bỏ ngai vàng quyền lực và những cám dỗ hưởng thụ vật chất khác, để dấn thân thực nghiệm tâm linh, trở thành Người Tỉnh thức, đã dạy rằng:

Thế gian vô thường
Đất nước mong manh
Tứ đại khổ không
Ngũ ấm vô ngã
Sinh diệt biến đổi
Hư ngụy không chủ
Tâm là nguồn ác
Thân là rừng tội
Quán chiếu như thế
Dần lìa sinh tử.

(Kinh Bát đại nhân giác)

Với nhận thức đó, chỉ như thế chúng ta mới sống trong đời mà không bị làn sóng vinh hoa, phú quý, danh vọng, quyền lực… nhấn chìm. Bởi chúng ta hiểu rằng: 1. Mọi vật trên thế gian biến đổi trong từng giây từng phút, đó gọi là sát-na vô thường. Mọi vật kể cả sinh mạng, núi sông, thể chế chính trị… đều trải qua những giai đoạn sinh trưởng, tồn tại, biến hoại. Tài sản tiền bạc cũng là vô thường, không có gì là chắc chắn, dễ bị lửa cháy, nước trôi, trộm cướp và con cái phá tán. 2. Danh vọng địa vị là vô thường: Công danh sự nghiệp chức tước địa vị thăng giáng vô thường, vinh quang rồi tủi nhục, kính trọng hay khinh bỉ không có gì tồn tại mãi. 3. Hoàn cảnh vô thường: Hoàn cảnh xã hội, đường lối chính sách cũng luôn thay đổi theo hoàn cảnh và yêu cầu thực tế, núi non hay biển cả, mây gió trăng sao đều luôn luôn chuyển biến là điều thường thấy, gần đây sự biến đổi khí hậu làm đất lở sông dời, nhiều hiện tượng mà chúng ta chưa từng thấy.

Cũng trong kinh Bát đại nhân giác, Đức Phật dạy:

Đa dục là khổ
Sinh tử nhọc nhằn
Đều do tham dục
Thiểu dục vô vi
Thân tâm tự tại.

Lòng dục không cùng
Tìm kiếm chẳng ngừng
Thêm lớn tội lỗi
Bồ-tát trái lại
Thường niệm tri túc
Sống nghèo hành đạo
Xem tuệ giác là
Sự nghiệp duy nhất.

Nguồn gốc đau khổ là do tham dục. Tham nhiều thì khổ nhiều, người ít tham dục thì không bôn ba tìm kiếm, không tạo nghiệp bất thiện, không bị các đối tượng của dục hay ngoại duyên chi phối nên được thảnh thơi, thoải mái, an vui. Trong kinh Ðại khổ uẩn (Trung bộ kinh I), Ðức Phật cũng dạy: “Bản chất của dục có ba khía cạnh, mà người tu hành cần phải biết rõ: Vị ngọt của dục, vị đắng của dục và sự giải thoát khỏi chúng”.

Với xu hướng vận hành của tham, sân, si, con người không bao giờ biết đủ, ngược lại chỉ mong cầu được nhiều nên càng nhiều tội ác. Còn người tỉnh giác thì chẳng phải vậy, vì họ thường nghĩ nhớ về pháp biết đủ, sống an vui trong cảnh nghèo khó mà giữ Đạo, và chỉ lấy trí tuệ làm sự nghiệp duy nhất cho đời mình.

Luật gia Acton viết: “Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối”. Một số người khi có chức quyền đã đánh mất mình, vong thân trong đam mê danh vọng và tiền bạc, mất sự tự chủ, và không còn giữ được bản lĩnh hay lương tâm chính trị đặt lợi ích của đất nước, dân tộc lên trên hết nữa. Nếu đã bị mê hoặc vì những viên kẹo quá hấp dẫn, quá hào nhoáng thì chính điều đó sẽ dẫn đến hậu quả cuộc đời của họ cũng bị thấp thỏm trong lo sợ, não phiền, cảm giác bất an…

Trong tinh thần duyên sinh, khi một cá nhân phạm lỗi, không chỉ hoàn toàn do cá nhân đó, bởi họ là những mắt xích trong một guồng máy. Để tránh được việc xảy ra những lỗi nghiêm trọng luôn cần một hệ thống giám sát hay thanh tra hoạt động đúng trách nhiệm và có thẩm quyền can thiệp kịp thời. Chúng ta nhìn sang một đất nước trong khu vực là Singapore: các quan chức trong khi làm việc luôn đặt dưới sự kiểm tra của những cơ quan chế tài theo dõi nghiêm ngặt mọi biểu hiện sai hiến pháp hay quy định pháp luật. Cục Điều tra Tham nhũng có quyền điều tra, khám xét, quyền lấy thông tin về tài sản, của bất cứ nghi can nào.

Trong kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống, Đức Phật đề cập đến những phẩm chất của một nhà lãnh đạo tốt, đó là người luôn tôn trọng pháp luật, thực thi pháp luật; bảo vệ dân, vô tư, không thiên vị; từ bỏ mọi dục vọng cá nhân, không tham nhũng; lắng nghe các ý kiến chánh đáng của dân. Nếu thiếu những phẩm chất này làm lãnh đạo thì chắc chắn sẽ không có sự ổn định và phát triển bền vững.

Lịch sử của dân tộc chúng ta trong những giai đoạn phát triển, vững mạnh đã từng có những mẫu người lãnh đạo như thế, luôn lấy lợi ích của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân đặt lên trên tất cả.

Quản lý quyền lực là một diễn trình dân chủ, tôn trọng giá trị nhân bản và phát huy nội hàm nhân văn trong các hệ thức văn hóa. Tất cả là nền tảng cho một nền kinh tế bền vững, trong một xã hội văn minh.

Nhìn hai mặt của một vấn đề, chúng ta thấy xã hội cũng đã mở rộng lòng, nhìn nhận “những đứa con lầm lạc” trong cuộc chơi quyền lực đầy cám dỗ, lắm rủi ro bất trắc và kết cục thường là cay đắng cho cả người dự phần và cộng đồng chung quanh họ. Trong môi trường đó, công minh là điểm tựa duy nhất cho lòng tin, là thế mạnh giúp mọi người vượt khó, dấn thân để đem lại những sự thay đổi tốt đẹp cho xã hội.

Nguồn:Giác Ngộ
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Năm Quy luật gốc và chứng ngộ Luật Nhân Quả

    14/06/2019Nguyễn Tất ThịnhTôi viết bài này bởi trong tôi và Bạn bè có cuộc trao đổi : thực ra Luật Nhân Quả có thực không? Bởi vậy tôi muốn làm rõ thêm về nó cho những ai còn nghi ngờ!
  • Tiền và luật nhân quả

    09/04/2019Đoàn TuấnThiên hạ ai cũng nói đến tiền. Song có một kẻ không thích tiền. Hắn sợ tiền. Bởi học thuyết của hắn cho rằng, đồng tiền là thủ phạm chính gây nên mọi sự bất ổn trong xã hội. Hắn đã xây dựng một xã hội mà trong đó người dân tuyệt đối không được sử dụng đồng tiền. Và kết cục số phận của hắn và số phận xã hội đó thế nào, mọi người đều biết. Hắn chính là Pol Pốt với chế độ kỳ quái có tên gọi là “Campuchia dân chủ”.
  • Lý thuyết nhân quả trong triết học Phật giáo và trong học thuyết siêu nghiệm của Kant

    10/08/2018Thái Kim LanBài viết vừa được hoàn tất khi tin trận động đất và sóng thần tại vùng Fukushima Nhật Bản cùng với những thảm hoạ liên quan đến lò nguyên tử Fukushima được loan báo trên thế giới. Cảnh tàn phá và nỗi lo sợ mồn một xót xa trên màn hình. Liên cảm về khổ nạn làm nhói tim bởi kinh hoàng và bàng hoàng...
  • Nhân Quả đường đời

    27/01/2015Nguyễn Tất ThịnhThuyết ‘Nhân Quả’ thực ra không xa lạ gì với thực tiễn quản trị ( bản thân, tổ chức hay xã tắc ) ! Nhân Quả không phụ thuộc vào ‘ý thích’ của một ai cả, vì đó là quy luật tuyệt đối ! Tuy nhiên chúng ta muốn diễn giải sao cho tích cực, trên hết và xuyên suốt phải tri kiến ‘trên thông Thiên Văn, giữa tường Địa Lý, giữa hiểu Con Người’ . Nhiều bạn hỏi tôi về Nhân Quả, tôi xin chia sẻ bằng vài câu thơ…
  • Nhân Tâm , Nhân Trí , Nhân Cảm… và Nhân Quả

    20/07/2014Nguyễn Tất ThịnhỞ những loạt bài trước tôi đã viết : Nhân Quả trong thế giới tự nhiên rất dễ nhận ra bởi SVHT chịu sự chi phối của các Quy luật Vật lý. Cũng thế với thế giới Sinh vật, chúng sống thuận đúng theo quy luật sinh tồn ( sinh sản, kiếm ăn, di cư…) tạo nên chu kỳ sinh tôn và tiến hóa của Loài. Trong bài này tôi viết tiếp Nhân Quả đời người...
  • Đôi điều luận về nhân quả- nghiệp báo

    02/04/2014Phật tử Diệu Thanh Đỗ Thị BìnhMặc dù các tôn giáo nhất là Phật giáo đều nhấn mạnh đến vấn đề Nhân Quả - Nghiệp báo, song Luật Nhân quả không phải là của riêng một tôn giáo nào, nó là một luật của tự nhiên (Law of Nature). Đã là luật của tự nhiên thì ai cũng hiểu rằng không có một sức mạnh, hay ý chí nào can thiệp vào để bắt nó phải theo ý muốn của riêng mình cả. Nó sẽ vận hành theo đúng luật của nó, ai không biết hay cố tình không hiểu thì sẽ phải chịu tác động của luật, ví như một cái máy đang chạy mà một người cứ cho tay vào thì sẽ bị máy nghiền đứt, cho dù có kêu van xin xỏ cũng không được.
  • Nói thêm về Nhân Quả

    01/11/2013Nguyễn Tất ThịnhNhân Quả thiên về xây dựng Niềm Tin ! Nếu con người không tin vào Nhân Quả nữa thì Xã hội đã vô cùng tăm tối ! Để còn hy vọng vào sự công bằng tuyệt đối ở Luật Nhân Quả!
  • xem toàn bộ