Từ thiện và lợi dụng từ thiện
Nhà nước đã từng có nhiều văn bản quy định việc quyên góp từ thiện, giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh mà Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, cùng chính quyền các địa phương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện trung thực, vô tư, nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng làm từ thiện để làm những việc bất chính, kể cả đánh bóng tên tuổi, vận động phiếu bầu...
Nhân dân ta có truyền thống tương thân tương ái, thường giúp nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn, không bao giờ kể công, nhiều khi quên cả lời cảm ơn. Quy luật muôn đời là thế:- anh giúp tôi, tôi giúp người khác...cứ thế nhân lên mãi nên nhân loại không ngừng phát triển.
Trên thế giới từng có rất nhiều tỷ phú bỏ ra hàng triệu USD cho các nhà khoa học nghiên cứu tìm ra những phương thuốc chữa trị các căn bệnh hiểm nghèo, dù chưa thành công nhưng cũng không bao giờ họ đến kiểm tra, thúc giục hay đòi lại tiền. Ở Việt Nam ta cũng có nhiều vị “Mạnh Thường Quân” lặng lẽ xuất tiền xây hàng trăm ngôi nhà, cây cầu cho vùng sâu vùng xa, nhưng không bao giờ muốn nêu tên. Có trường hợp một phụ nữ ở Tp. Hồ Chí Minh liên tục hơn 10 năm trợ cấp hàng chục suất học bổng cho sinh viên nghèo thông qua một tờ báo, nhưng bà cương quyết giấu tên, giấu cả số điện thoại. Nghe nói có một chàng trai nhờ học bổng của bà mà trở thành tiến sĩ tại Hoa Kỳ, đã nhiều lần xin gặp bà để nhận làm mẹ nuôi. Bà cảm ơn và từ chối gặp với câu nói đáng suy ngẫm: - Tôi không muốn ai phải chịu ơn mình! Có lẽ bà cũng rất bận, rất nhiều việc và không muốn người thân biết việc mình làm dễ sinh ra phiền toái chăng?...
Gần đây khi mạng xã hội phát triển, ngày càng xuất hiện nhiều hiện tượng làm từ thiện rất “hiên ngang”, thậm chí còn quá trớn đến thành xúc phạm cả chính quyền, như trong trường hợp nhân vật nọ đã đòi lại 130 triệu đồng khi địa phương nhận từ thiện chậm trễ trong việc xây nhà cho người nghèo từ tiền quyên góp gửi cho xã, cho huyện. Các vị lãnh đạo địa phương trong câu chuyện này đã tỏ ra rất lịch thiệp, khiêm tốn trong việc nhận thiếu sót với ý thức rằng, sự giúp đỡ cho người nghèo thì một đồng cũng quý, nhưng họ sẵn sàng trả lại tiền ngay, vì như ông chủ tịch huyện nói thì nơi đây chỉ còn hộ cận nghèo thôi, chia cho ai xứng đáng phải tìm hiểu kỹ mới công bằng được...
Lại cũng có một vị đại gia nhờ buôn bán đất gặp may phất nhanh liền về quê xây cầu đường với điều kiện các công trình đó phải kẻ biển mang tên ông ta. Tất nhiên điều đó đã không được chấp nhận,
mặc dù xã và huyện đã từng có chút phân vân... Rồi chuyện một vị đại gia trong ngành xây dựng vừa bị công an Hà Nội điều tra bởi rất nhiều sai phạm, một nhà thơ nổi tiếng nói khẽ với tôi: “cũng khó xử tay này, vì hắn có nhiều quan hệ với các vị cực to...”, lại phải nói thêm: Lợi dụng sự quen biết, thân thiết “ông nọ bà kia” để kiếm ăn bằng cách làm từ thiện cũng đang là tình trạng khá phổ biến. Lợi dụng quan hệ, lợi dụng làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi, từ đó bước chân vào chính trường, trở thành Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, thậm chí là Đại biểu Quốc Hội để trục lợi cũng không phải là chưa từng có, và đã để lại những hậu quả đáng buồn... Tất nhiên ở đây không nói đến những trường hợp những nhà doanh nghiệp, những doanh nhân thực sự có tâm, có tầm, có trách nhiệm, tham gia vào vị trí là những người đại diện của nhân dân để đem lại lợi ích thực sự cho dân, cho nước, cho doanh nghiệp. Chúng ta chỉ phê phán trường hợp những người đang chuẩn bị hàng trăm phong bì tiền, hàng trăm suất quà để đi thăm viếng các gia đình nghèo theo kiểu “từ thiện” nhằm xây dựng hình ảnh để tranh thủ phiếu bầu trong những dịp sắp tới... Từ thiện là việc làm rất tốt đẹp mà tất cả mọi người, dù là người theo Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo hay Hồi Giáo, đều được khuyến khích nên làm thường xuyên. Song từ thiện chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được làm với sự vô tư không vụ lợi. Chỉ một thoáng ý nghĩ nhằm đề cao mình thì mọi ý nghĩa của từ thiện đã tự biến mất, chẳng còn giá trị gì. Vậy nên xin các vị thích đánh bóng tên tuổi mình đừng lạm dụng từ thiện đến mức xấc xược cả với Chính quyền, như chuyện đòi lại chút tiền đã ủng hộ vì một sự chậm trễ nào đó..., bởi đó là một việc làm vô văn hóa và trái với ý nghĩa cao cả của khái niệm này."
V.K.N
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)