Triết lý của phát triển
Tự do và công bằng là hai giá trị cao cả mà chúng ta hướng tới. Tuy nhiên, có vẻ như giá trị này tồn tại trong tương quan tỷ lệ nghịch với nhau. Chính vì vậy, ở tầm triết lý, hoạch định đường lối phát triển nghĩa là tìm cách cân đối giữa tự do và công bằng
Tự do là cơ chế để phát huy tối đa các tiềm năng và phân bổ tối ưu các nguồn lực. Trong một môi trường hoàn toàn tự do, đất sẽ được tập trung cho những người biết sử dụng đất, có hiệu quả nhất, tiền sẽ được tập trung cho những người biết làm ra nhiều tiền nhất. Của cải vật chất nhờ vậy được làm ra nhanh chóng. Và đó là nền tảng quan trọng nhất cho sự giàu có và thịnh vượng.
Mặt trái của tự do là nó dễ tạo ra sự bất bình đằng. Đối với những người có năng lực và cơ hội thì tự do sẽ mang lại tất cả. Ngược lại, đối những người bị đẩy ra bên lề, cuộc sống sẽ khó khăn và thua thiệt. Tự do vì vậy khó lòng bảo đảm được sự ổn định và sự gắn kết xã hội.
Công bằng là cơ chế để con người sống với con người trong sự hòathuận và an toàn. Trong một môi trường hoàn toàn công bằng, người ta ai cũng như ai; ai cũng được hưởng phần như nhau trong cuộc sống. Sự bất bình thù ghét lẫn nhau giữa con người với con người được giảm thiểu tối đa. Xã hội nhờ vậy trở nên tốt đẹp và yên bình.
Mặt trái của công bằng là nó triệt tiêu động lực. Nếu trước sau gì cũng chỉ được phân phối như nhau thì việc gì mà phải sáng tạo phải lao tâm khổ tứ nhiều hơn. Công bằng vì vậy khó lòng bảo đảm được sự giàu có.
Các biến thể chính trị ở trên thế giới chẳng qua chỉ là những sự dịch chuyển và định vị giữa tự do và công bằng. Các đảng phái chỉ coi trọng tự do được gọi là cánh hữu. Các đảng phái chỉ coi trọng công bằng được gọi là cánh tả. Giữa cánh hữu và cánh tả là vô số các đảng trung dung.
Thực tế cho thấy không một đường lối phát triển nào có thể mang lại thành công nếu nó không được xây dựng trên cơ sở kết hợp tự do với công bằng. Tuy nhiên, kết hợp tự do với công bằng như thế nào quả là một bài toán khó. Cần phải có bao nhiêu phần trăm tự do và bao nhiêu phần trăm công bằng là những câu hỏi chỉ có thể trả lời được trong những hoàn cảnh lịch sử và xã hội cụ thể. Không hiểu sâu sắc hoàn cảnh lịch sử và xã hội cụ thể của một đất nước khó có thể tìm ra được câu trả lời đúng đắn. Và cũng không có câu trả lời đúng cho muôn thuở. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, chúng ta lại phải tìm ra câu trả lời mới cho mình.
Từ ngày bắt đầu đổi mới đến nay, chúng ta phấn đấu cho một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này có thể diễn giải như sau: chúng ta phát huy động lực của tự do để mang lại sự phát triển, nhưng chúng ta sẽ phấn đấu để bảo đảm sự công bằng. (Đây là một mô thức phát triển đúng đắn, nhưng không mới mẻ. Các nước xã hội dân chủ như Thụy Điển, Đan Mạch Phần Lan . . . về cơ bản, lựa chọn một thức phát triển này). Tuy nhiên, chọn mô thức phát triển mới chỉ là một nửa của vấn đề, nửa còn lại là phải xây dựng được các thiết chế để cân đối liên tục giữa tự do và công bằng. Và đây bao giờ cũng là một cân đối động. Không tồn tại một chân lý đúng cho muôn thuở.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005