Tốt nghiệp cử nhân, làm lao động phổ thông
Việc làm cho sinh viên sau khi ra trường hiện đang là một vấn đề rất nan giải, chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Một thực tế trớ trêu hiện nay: người có bằng cấp, năng lực thật sự được đào tạo trong môi trường giáo dục tốt nhưng lại không có điều kiện xin việc, phải sống lay lất qua ngày với những công việc không cần đào tạo chuyên sâu.
Hiện mỗi năm các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cho ra "lò" hàng chục ngàn cử nhân, kỹ sư, công nhân tay nghề cao... nhưng trong số đó mấy ai có được công việc đúng ngành nghề đào tạo!
Tự hạ trình độ để kiếm cơm!
V.K là sinh viên vừa tốt nghiệp cử nhân năm 2003 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. K. học ngành xã hội nên khi ra trường đã ý thức được sự khó khăn trong việc lăn lộn để tìm một việc làm đúng với ngành học của mình chứ chưa nói đến ước muốn thu nhập cao, xứng đáng với công sức của bản thân và gia đình sau 4 năm đèn sách. Cầm tấm bằng cử nhân loại khá chạy đôn chạy đáo khắp các trung tâm giới thiệu việc làm nhưng không có kết quả vì nhiều lý do: không có hộ khẩu tại TP, không có kinh nghiệm, không có phương tiện..., một năm trôi qua K. vẫn chưa có việc làm ổn định mà chỉ kinh qua các việc như nhân viên phục vụ nhà hàng, tiếp thị mỹ phẩm, xà bông... và đêm đêm vẫn làm nghề đấm bóp dạo đã theo từ hồi năm thứ 3 đại học. Sự kiên nhẫn của K. chỉ với ước nguyện duy nhất là trong tương lai sẽ có một việc làm ổn định đúng ngành học ở TPHCM. Nhưng may mắn vẫn không đến, 2 năm trời trôi qua vẫn là một cử nhân thất nghiệp, K. xin được chỗ làm mới trong quán karaoke gia đình M.T trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q. Bình Thạnh. Nói là karaoke gia đình nhưng thực chất lại là một trong những điểm hẹn nổi tiếng của dân lắc. Để xin được vào làm việc ở đây, đầu tiên K. phải được sự giới thiệu của một người quen biết với ông chủ. Thay vì tấm bằng đại học phải cực khổ lắm mới có được thì hồ sơ của K. được ghi với trình độ lớp 9, nghèo, bỏ học đi làm thuê. Theo K. thì việc khai man lý lịch với trình độ thấp sẽ càng dễ xin vào làm ở đây bởi lẽ những nơi này chỉ cần người phục vụ trung thành, chịu thức đêm... Họ thuê người ít học vì đa số ít hiểu biết, dễ quản lý và không phải canh cánh chuyện tiết lộ thông tin cho pháp luật. Để tránh ánh mắt nghi kỵ của quản lý, những ngày đầu mới đến làm, mọi hoạt động đều phải hết sức kiêng khem, suốt ngày K. chỉ quanh quẩn trong nhà hàng, có khách thì phục vụ, nếu không thì dọn dẹp vệ sinh; thậm chí để thủ vai người ít học, ít quan tâm đến tin tức thời sự, văn hóa, nhiều lúc thấy tờ báo mới cũng không dám đọc. K. cam chịu làm việc như vậy cũng với hy vọng chờ đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Cũng như K. một trường hợp khác là H. (quê Long An) sau khi cầm tấm bằng kỹ sư ngành toán tin ra trường, những trường công nghệ tin học đang là mốt thời thượng, sẽ dễ dàng kiếm được việc làm nhưng rồi H. cũng không tìm được một chỗ làm ổn định. H. mượn bạn bè một số tiền mua linh kiện lắp ráp máy vi tính cho khách, làm ăn thất bại nên cụt vốn, phải chuyển sang nghề xe ôm, chờ cơ hội xin được việc làm tốt. H. tâm sự: "Tốt nghiệp đại học nhưng ngành tin học bây giờ cần phải bổ sung thêm chứng chỉ chuyên ngành của Microsoft thì mới mong tìm được việc làm ở TP này. Nhưng kiếm đâu ra tiền để học thêm chương trình đó? Hai chục triệu chưa chắc đã xong". Không biết nghề chạy xe ôm mà H. đang làm bao giờ sẽ kiếm đủ số tiền ấy?
Thấy gì qua vấn đề này
Sinh viên ở tỉnh lẻ về các TP lớn học rồi muốn ở lại lập nghiệp hiện là bao nhiêu thì khó ai có thể thống kê được. Nhiều người trụ lại đã phát huy được khả năng của mình nhưng phần lớn trong số đó có mấy ai kiếm được việc làm. Nhiều bậc cha mẹ không hiểu tâm tư nguyện vọng của con mình sau khi ra trường nên luôn tìm cách khuyên con phải kiếm cho bằng được việc làm ở TP để khỏi thua kém bạn bè. Muốn bám trụ lại TP nên nhiều cử nhân, kỹ sư không kiếm được việc làm, chán nản đã bước vào con đường phạm pháp để có tiền sống qua ngày hoặc theo bạn bè chơi bời, dẫn đến nghiện ngập ma túy. Trường hợp Trần Ngọc B. là một ví dụ điển hình. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm với tấm bầng kỹ sư loại khá, do lận đận trong vấn đề việc làm, chán nản và nghe theo lời bạn bè xấu rủ rê, B. tìm đến với thứ bột trắng chết người và từ một chàng kỹ sư trẻ có hoài bão, B. đã biến thành con nghiện nặng sống nhờ vào ma lực của "nàng tiên nâu". Rồi trong một lần đi mua hàng, B. bị Công an phường Nguyễn Cư Trinh bắt khi đang cầm trong tay 3 cục heroin. Mức án 2 năm tù không biết có kéo được B. trở lại với những hoài bão vốn có? Còn rất nhiều trường hợp khác sau khi ra trường cầm mảnh bằng trên tay mà không có được việc làm để rồi cuối cùng phải "chữa cháy" cho những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày bằng con đường phạm tội. Có một sinh viên sau khi ra trường không có việc làm nên tạm thời hành nghề xe ôm kiếm sống qua ngày rồi trở thành một tay chở gái chuyên nghiệp ở khu vực Tân Cảng. Khi gia đình biết liền lặn lội lên TP khuyên con về quê, nhưng đã quá muộn vì anh ta đã nghiện ma túy và xét nghiệm HIV có kết quả dương tính... Việc làm cho các cử nhân sau khi ra trường khó khăn là vậy nhưng ở nước ta hiện nay các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp lại không ngừng tăng lên. Theo con số thống kê, năm 2002 cả nước có 168 trường đại học, cao đẳng nhưng đến năm 2003 đã phát triển lên 179 trường; đến cuối năm 2004 tăng lên 187 trường đại học, cao đẳng và 238 trường trung học chuyên nghiệp. Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng tỉ lệ thất nghiệp tại TPHCM năm 2004 là 6,13%, trong đó giới trí thức có bằng cấp chuyên môn chiếm một phần không nhỏ. Các trường đào tạo ngày càng đông, bằng cấp, chứng chỉ này, chứng nhận nọ cũng được phát ra cho nhiều người hơn nhưng tỉ lệ thất nghiệp chẳng những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Các trường chỉ lo đào tạo, còn hướng giải quyết việc làm thì phó mặc cho các trung tâm giới thiệu việc làm.
Muốn giải quyết được điều này phải có sự phối hợp đồng bộ giữa địa phương, nhà trường và gia đình. Nhà nước cũng phải có giải pháp hợp lý trong việc tuyển dụng công chức, xóa nạn gởi gắm, ô dù; thực hiện công bằng trong tuyển dụng. Đó cũng là điều kiện giải quyết tình trạng đào tạo xong để những người tốt nghiệp đại học "lang thang" ở các TP lớn vừa lãng phí vừa gây thêm khó khăn phức tạp về an ninh trật tự, kinh tế - xã hội ở những TP vốn đã quá đông dân.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn