Tình "nắng quái chiều hôm"

09:56 SA @ Thứ Hai - 01 Tháng Sáu, 2020

“Phúc thay cho kẻ trung niên còn nếm được lần nữa ngọt chát ấy” là một câu nói ám ảnh tôi mãi.

.

Ở cái tuổi trải qua thứ gọi là “khủng hoảng trung niên” (midlife crisis), khi mà đám trung niên đang phản ứng với những lo lắng về tuổi tác bằng cách chấp nhận những thách thức dường như chỉ thuộc về giới trẻ, đẩy lùi giới hạn khả năng chịu đựng về thể chất, tham gia các môn thể thao về sức bền và sức mạnh, thì yêu lần nữa là một sự hồi xuân hay sự điều chỉnh giữa cuộc đời đầy bất ngờ và không khỏi hoang mang?

Khủng hoảng trung niên là một khủng hoảng về ý nghĩa sống, nó càng rộng ra nếu không có sự chia sẻ của người phối ngẫu về những lo âu, sự rối loạn sinh lý, hoang mang về tương lai, bất lực về thời cuộc và sự ám ảnh của tuổi già đang đến.

Ông T. - một người tạm gọi là thành công, vợ đảm đang, hai con ngoan giỏi. Nội ngoại hai bên đều hài lòng. Nhưng ông vẫn thấy trống vắng khi mà bà vợ cũng không chia sẻ được các đam mê hay sứ mệnh vừa tìm thấy của ông sau 20 năm gắn bó mệt nhoài với một cơ quan nhà nước. Rồi ông tìm thấy một người chia sẻ được với ông trong những tháng căng thẳng nhất của sự nghiệp. Ông như trẻ lại với những nhớ nhung, chờ đợi, khắc khoải, bất an của một thời tuổi trẻ yêu đương say đắm, mãnh liệt. Nhưng nghĩ đến tình cảnh gia đình, thể diện, những đứa con, ông nhẫn nhục nén tình cảm của mình “Để từng thu chết, từng thu chết/Vẫn nhớ trong tim bóng một người”.

Ông D. - một đại gia xây dựng, thì nói có thể ôm một cô hàng giờ, ngủ yên bình và không sex gì cả. Và ông gọi đấy là tình yêu.

Bronnie Ware là một bác sĩ người Úc đã dành nhiều năm chăm sóc bệnh nhân già. Bà thường hỏi các bệnh nhân của mình sự hối tiếc nào hoăc điều gì họ sẽ làm khác đi nếu được làm lại từ đầu. Nhiều năm sau, trong cuốn sách The Top Five Regrets of the Dying (5 điều hối tiếc khi đang chờ chết) của mình, cô liệt kê những hối tiếc lớn nhất:

Tôi ước tôi đã không làm việc nhiều như thế.

Tôi ước tôi có thể can đảm bày tỏ cảm xúc của mình.

Tôi ước tôi luôn giữ liên lạc với bạn bè của mình.

Tôi ước rằng tôi có thể để mình hạnh phúc hơn.

Tôi ước có đủ can đảm để sống một cuộc sống thực như tôi mong ước, không phải bởi kỳ vọng của người khác.

Trung niên sợ hãi trong việc bày tỏ cảm xúc của mình. Trung niên không khóc mà nuốt đắng cay vào trong, hi sinh hạnh phúc yêu và được yêu của mình dưới mặc cảm đánh đổi của bổn phận. Trong một bài báo về sự hối tiếc vào năm 1995, hai tác giả Gilovich & Medvec kết luận: “Điều mà bạn rất sợ phải thực hiện hôm nay, 20 năm nữa bạn chắc chắn sẽ ước gì mình đã làm điều đó”.

Tình yêu trung niên có thể không có những cơn cuồng nhiệt như tuổi trẻ nhưng có sự quyến luyến an toàn (securely attached). Những người có sự quyến luyến an toàn khiến bạn cảm thấy thoải mái khi ở gần họ. Họ là người mà bạn có thể cởi mở, nằm cuộn tròn xung quanh và thực sự là chính mình. Họ không phán xét bạn hoặc khiến bạn nghi ngờ. Họ như một luồng không khí trong lành sau một ngày dài làm việc, một người mà bạn có thể tin tưởng. Trung niên “biết yêu” có sự quyến luyến an toàn, họ không sở hữu đối tượng, để một không gian riêng cho người mình yêu.

Một trung niên yêu cũng đủ tự tin và kiêu hãnh về khả năng của mình, thể hiện chân thực bản ngã của mình mà không phải gồng lên như một anh hùng trẻ tuổi. Như thể tới lúc ấy, đoạn Kinh thánh nói về tình yêu thương đúc kết giúp họ: “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ” (I Corinthians 13:4-8a).

Người đời vẫn cho những gã trung niên này “say nắng” hoặc đấy chỉ là một sự hối tiếc thời hoa niên, nhưng con người vốn phức tạp và chẳng có lời khuyên lời răn nào thích hợp cho tất thảy. Người ta có thể không yêu mà vẫn sống đến hết đời với những cuộc hôn nhân 50, 60 năm. Nhưng trước khi đi đến chung cuộc bất khả vãn hồi ấy, khi đang còn trung niên, hãy thử trả lời câu hỏi “Hai mươi năm sau, điều gì sẽ khiến tôi vô cùng hối tiếc?

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đạo Phật giúp gì cho tình yêu lứa đôi?

    29/11/2015Đào Văn BìnhTheo Lý Duyên Sinh của nhà Phật, tình yêu khởi đầu từ Thụ. Vì nhìn thấy, ngửi thấy, nghe thấy, sờ thấy, nếm thấy hoặc tưởng tượng tới một người nào đó - dĩ nhiên tòan hương vị ngọt ngào, tòan những êm ái, tốt lành, mộng mơ, quyến rũ, đáng yêu, quý giá - mà sinh Ái (ham muốn)...
  • Muốn hạnh phúc hãy chọn người phù hợp

    01/06/2020Đào Trung Thành“Easy said than done”. Việc bám chấp, quyến luyến vốn là một thuộc tính của con người và chúng ta với tư cách một động vật xã hội (social animal) thì việc sống trong xã hội với những kết nối sẽ nảy sinh ra những tình cảm gắn bó và sau này rất khó gỡ bỏ...
  • Tình yêu thương và sự tôn trọng

    12/03/2020Cậu lại ích kỷ và rất hay nổi nóng, tới nỗi chẳng ai muốn kết bạn với cậu cả. Mỗi khi giận dữ, cậu nói những điều chẳng tốt đẹp gì, làm tổn thương những người xung quanh...