Tiếng gà gáy trong những đêm gần sáng

08:00 SA @ Thứ Sáu - 08 Tháng Hai, 2019

Chỉ khi đã chớm vào tuổi già và lang thang qua nhiều vùng đất trên thế gian này tôi mới lại lắng nghe tiếng gà gáy vào những đêm gần sáng. Và cũng chỉ lúc đó, tiếng gày gáy mới lại mang đến cho tôi nhiều cảm xúc.Tiếng gà gáy lúc đó cho dù ở đâu cũng mang tôi trở về một nơi chốn vừa xa xôi vừa gần gũi : đó là làng tôi, là cố hương tôi. Mỗi một người và có khi mỗi dân tộc có những âm thanh đầy biểu tượng của mình. Có người mang theo suốt đời tiếng cừu kêu, tiếng lạc đà kêu, tiếng ngựa hí, tiếng sóng biển vỗ vào ghềnh đá, tiếng thác đổ....Và người Việt Nam mang theo tiếng gà gáy sáng. Bởi thế mà trong văn chương, trong âm nhạc, trong hội họa mà đặc biệt nhất là trong thơ ca của người Việt hầu như đều có ít nhất một lần vang lên tiếng gà gáy. Hầu hết chúng ta đều sinh ra và lớn lên từ một ngôi làng, bởi thế mà mỗi khi nghe tiếng gà gáy lúc gần sáng, chúng ta đều nhớ về làng mình và có lúc tưởng mình đang ở làng.


Tranh Nguyễn Quang Thiều

,

Có một đêm từ xa xưa, khi đó tôi chừng ba bốn tuổi, lần đầu tiêng tiếng gà gáy thực sự bước vào tâm hồn tôi. Tiếng gà gáy trong cái đêm gần sáng ấy thực sự vang lên như một tiếng sấm. Nó như làm rung cả bốn bức vách của căn bếp nhà tôi. Đó là một đêm anh chị em tôi ngủ trong căn bếp nhỏ bé. Mùa đông năm đó là một mùa đông rất lạnh. Sương giá phủ đầy trên cỏ và những vòm cây. Những con trâu già cứng hết cả bốn vó không thể bước đi trong ruộng nước. Có con đang kéo cày đã quỵ xuống. Buổi tối, mẹ tôi trải rơm trong sàn bếp và đốt một đống gốc tre khô cho các con ngủ vì lạnh quá. Ngày ấy ở thôn quê, nhà nào khá giả thì có một chiếc chăn chiên mỏng. Và nơi ấm nhất trong ngôi nhà chính là căn bếp. Rơm rạ, tro trấu và đống lửa đốt bằng những gốc tre già làm căn bếp trở nên ấm áp. Vì thế không chỉ có lũ trẻ chúng tôi ngủ trong bếp mà cả chó, mèo và lũ gà cũng ngủ đêm ở đó. Những con gà đậu ngay cạnh ổ rơm chúng tôi nằm ngủ. Và khi chúng cất tiếng gáy, tôi cảm thấy tiếng đó là những tiếng sấm rền vang. Tiếng đập cánh của những chú gà trống vang lên bầm bập, khỏe và kiêu hãnh giống như tiếng đập gươm vào tấm khiêm của những hiệp sỹ thời trung cổ.


.


Tranh Nguyễn Quang Thiều

.

Ngày ấy, mỗi gia đình nuôi ít nhất một hai con gà trống để lấy giống. Những con gà trống được chọn để truyền giống rất kỹ lưỡng từ đàn gà và được chăm sóc kỹ lưỡng nhất. Còn những con gà trống khác thì bị thiến, nuôi béo để ăn thịt. Những con gà trống để lấy giống luôn là những con gà lực lưỡng và đầy trải nhiệm. Đôi chân chúng to với những lớp vảy đỏ thẫm như một lớp giáp bằng đồng, một cái ức lớn và một cái mào uy nghi. Vì thế tiếng gáy của chúng dội vang như một tiếng sấm. Khi một con gà trống gáy trong đêm cho dù lúc đó mới chỉ quá nửa đêm thì tất cả những con gà trong xóm đều gáy theo. Rồi tiếng gáy từ xóm này làn sang xóm khác. Chỉ một lúc sau cả ngôi làng đang chìm trong bóng tối đã rộn vang tiếng gà gáy. Nhưng hầu hết lũ gà gáy theo từng canh giờ. Những người thôn quê thời đó không có đồng hồ. Họ chỉ nghe tiếng gà gáy là biết gà gáy canh hai, canh ba hay canh bốn mà thức dậy làm các công việc buổi sáng của một ngày mới.

.


Tranh Nguyễn Quang Thiều

.

Những đêm mùa đông xa xôi ấy, tôi nằm co người như một con tôm để lấy hơi ấm và ngủ mơ màng trong tiếng gà gáy ngay bên cạnh ổ rơm trong bếp. Trong giấc ngủ chập chờn ấy, tôi vẫn nghe thấy tiếng mẹ tôi quét dọn ngoài sân. Rồi bếp lửa bùng lên. Mẹ chuẩn bị ăn sáng cho cả nhà. Bữa ăn sáng ngày đó thường là khoai lang, củ dong riêng, củ hoàng tinh luộc. Vào ngày mùa thì mẹ thổi cơm. Bóng mẹ in trên bức tường bếp im lặng. Có lẽ thế mà đến bây giờ, mỗi lần về quê nghe tiếng gà gáy sáng, tôi lại thấy chập chờn bóng mẹ in trên bức tường. Trong những năm máy bay Mỹ ném bon miền Bắc, thi thoảng lũ trẻ con phải học đêm và ngủ dưới hầm để tránh bom. Làng tôi cách Hà Nội không xa và đã hai lần bị ném bom. Trước khi đi ngủ, mẹ tôi mang cả bu gà xuống hầm vừa sợ bom Mỹ ném xuống thì mất tất cả đàn gà vừa sợ kẻ trộm lẻn vào ăn trộm. Có lần bom Mỹ ném xuống làm tan xác cả con lợn mẹ và cả đàn hơn chục lợn con của một gia đình. Từ đó, người làng tôi làm hầm rộng hơn để chứa cả người và cả gia súc. Có đêm mới chín giờ máy bay Mỹ đã bay vào Hà Nội. Pháo và tên lửa phòng không bắn lên sáng rực cả bầu trời. Lũ gà trống thấy ánh sáng gáy ran cả căn hầm. Lúc đó, tiếng gà gáy át cả tiếng máy bay và tiếng pháo phòng không.

Khi tôi rời làng ra thành phố học thì tiếng gà gáy sáng cũng rời xa. Ở phố thật khó mà nghe được tiếng gà gáy sáng. Những ngày nghỉ hè về quê, buổi trưa tôi thường nghe tiếng gày gáy dưới bóng mát những lùm tre đầu ngõ. Tiếng gà gáy trưa vang lên một âm hưởng khác. Nó làm buổi trưa mùa hạ xốn xang và như rộng ra mãi. Những năm học ở Cuba hầu như tôi chẳng nghe được tiếng gà gáy. Một lần về ăn Tết ở một làng có tên là làng Nguyễn Văn Trỗi ở ngoại thành Havana, gần sáng tôi nghe tiếng gà gáy từ một ngôi nhà người nông dân gần đó. Những không chỉ mình tôi nghe thấy mà tất cả những sinh viên Việt Nam ngủ ở làng Nguyễn Văn Trỗi đều nghe thấy. Không ai bảo ai, tất cả đều tỉnh giấc và ngồi dậy. Tiếng gà làm chúng tôi nhớ nhà da diết. Hồi đó đi hoc ở Cuba, sinh viên học liền bốn, năm năm rồi về chứ không được về nước trong dịp nghỉ hè. Có lẽ vì xa nước lâu quá mà tiếng gà làm lòng chúng tôi bồn chồn thương nhớ cố hương.


Tranh Nguyễn Quang Thiều

.

Những năm ở Cuba, chỉ có hai thứ làm tôi nhớ cố hương vô cùng. Đó là lần nghe tiếng gà gáy ở làng Nguyễn Văn Trỗi và một vài lần nhìn thấy khói đốt cỏ khô trên cánh đồng. Khói đốt cỏ khô của những công nhân làm trong trang trại bò ở ngoại thành Havana gợi cho tôi nhớ về khói đốt rạ trên cánh đồng sau vụ gặp của làng tôi. Sau này, tôi có dịp đến nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa một lần tôi nghe được tiếng gà gáy. Phần vì tôi ở thành phố là chính và nếu có ở một vùng nông thôn thì cũng không nghe được tiếng gà bởi những gia đình nông dân ở Mỹ, Anh, Úc, Thụy Điển hay Tây Ban Nha....không nuôi gà trong khu vực nhà ở của họ mà họ hầu như chỉ nuôi nhà tập trung trong trang trại. Mà nuôi gà trong trang trại là nuôi theo công nghệ dây chuyền để lấy thịt nên hình như những chú gà trống nuôi để lấy giống như kiểu nuôi của những người nông dân Việt Nam là không có. Thế nhưng có một lần tôi nghe được tiếng gà ở một thị trấn miền đông Na-uy nhưng tiếng gà gáy ấy lại không gợi cho tôi một điều gì. Có lẽ bởi những gì quanh tôi lúc đó như nhà cửa, cửa hiệu, đường xá, cây cối...chẳng gợi cho tôi một chút gì thân thuộc như ở những làng quê hay thị trấn đặc trưng kiểu Việt Nam. Bởi thế mà tiếng gà gáy bất ngờ vang lên nghe như tiếng gà giả và nó chìm ngay vào những âm thanh khác.

Thuở nhỏ, một âm thanh quen thuộc và lấn át những âm thanh khác ở làng quê là tiếng gà. Bây giờ bước vào tuổi già thì tiếng gà xưa như đang trở lại. Tiếng gà gáy vang lên trong một khoảnh khắc trong đem gần sáng. Một thoáng ngỡ ngàng và tôi tự hỏi “ Nhà ai nuôi gà thế nhỉ?”. Nhưng rồi bỗng nhận ra quanh khu hàng phố của mình chẳng có ai nuôi gà. Tiếng gà ấy vang lên chỉ bởi một ô cửa nào đó của ký ức chợt mở ra. Khi người ta đếm một tuổi nào đó thì những ô cửa ký ức đôi lúc lại mở ra bất chợt và một điều gì đó từ xa xưa chợt hiện về. Những lúc như thế, tôi không thể ngủ lại được nữa. Mà nói cho đúng là không muốn ngủ nữa. Tôi nhắm hờ mắt nằm im trên giường để cho lòng mình trôi về những ngày xưa cũ. Có một lần về quê, đứa cháu biếu một đôi gà trống để mang ra thành phố làm thịt. Sáng hôm sau tôi thức giấc bởi tiếng gà gáy vang trong chiếc lồng để sau nhà. Thế là tôi không giết thịt hai con gà trống đó nữa mà nuôi để nghe tiếng gà gáy vào những đêm gần sáng. Tôi nuôi hai con gà đó cho đến khi chúng già và chết. Và lúc này, tôi lại tự hỏi : “ Tôi có phải là người lẩn thẩn không khi nuôi những con gà chỉ để nghe tiếng gáy của chúng trong những đêm gần sáng ?

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đức tin và lối đến Thiên đường

    23/12/2016Nguyễn Quang ThiềuĐiều quan trọng nhất để con người tìm thấy vẻ đẹp kỳ diệu của đời sống là đức tin. Và đức tin không chỉ dành cho con người mà là sự tồn tại của chính các vị Thánh.
  • Dạy sai có thể khiến cả một dân tộc sai lầm

    30/07/2018“Hiện nay từ đào tạo mẫu giáo đến đào tạo tiến sĩ phương pháp dạy đều giống nhau. Cách làm này sẽ thủ tiêu sức sống cá nhân. Cứ học dồn, cứ nghĩ rằng làm trước là xong mà không thấy chất lượng cuộc sống của mỗi giai đoạn một khác... Bản thân tôi cả một đời dạy học. Với tôi, “trẻ em là cứu tinh của dân tộc”. Giáo sư Hồ Ngọc Đại trăn trở.
  • Sự phản bội mơ hồ

    15/03/2018Nguyễn Quang ThiềuKhi tôi ra đời thì cái cổng làng tôi không còn nữa. Người ta đã phá cái cổng làng mấy tháng trước đó. Lên năm, tôi đã chứng kiến họ phá Tam quan ở ngay dốc đê làng tôi rồi phá toàn bộ ngôi nhà cổ kính. Sau này lớn lên và có chút hiểu biết, tôi đã tìm nhiều cách lý giải như thử ngụy biện về việc phá những di tích văn hóa đó để cho lòng tôi bớt đau đớn và xấu hổ. Nhưng bây giờ người ta vẫn tiếp tục phá hoại không ít những di sản văn hóa vô giá của dân tộc, mà coi như chẳng hề có chuyện gì hệ trọng...
  • Làm gì để thức tỉnh những người Việt độc ác?

    06/03/2018Bùi HảiThu Phương, một thạc sĩ tâm lý học tâm sự: “Từ ngày có con, em thấy mình sợ hãi rất nhiều thứ. Sợ hết vắc xin tiêm cho con, sợ những chỗ vắc xin không đảm bảo. Sợ gửi con vào những nhà trẻ có quỷ dữ đội lốt bảo mẫu. Sợ con bị bắt cóc. Sợ con ăn phải thực phẩm bẩn. Sao trẻ con bây giờ ung thư nhiều thế!?”...
  • Chúng ta đang bỏ quên ngôi chùa thiêng nhất

    27/02/2018Nguyễn Quang ThiềuChúng ta phải thừa nhận rằng: trong dòng người cuồn cuộn như sông mùa lũ đến đền, đến chùa thì số người thực sự đi vãn cảnh, du xuân như một nét đẹp văn hoá, như một đời sống tinh thần là phần nhiều nhưng người đi cầu tiền tài, chức tước cũng không ít....
  • Hãy biến việc đọc sách thành văn hóa

    21/04/2017Nguyễn Quang ThiềuViệc xây dựng một nền tảng văn hóa hay một đời sống văn hóa là theo nguyên lý leo dốc. Nhưng việc phá vỡ một nền tảng hay một đời sống văn hóa lại theo nguyên lý lao xuống dốc. Vận tốc tăng dẫn đều và cuối cùng là vỡ nát...
  • xem toàn bộ