Thay đổi để tiến xa

Chủ tịch Công ty John&Partners
05:35 CH @ Thứ Bảy - 09 Tháng Tư, 2016

8 nguyên tắc để có thể quản trị sự thay đổi trong nền kinh tế hội nhập.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã chính thức ký kết mười hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ, chưa kể đang đàm phán bốn hiệp định thương mại tự do khác.

Điểm qua tin tức về các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong tháng 9-2015 cả nước có 7.042 doanh nghiệp thành lập mới nhưng có tới 10.111 doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động, sang tháng 11 tình hình khả quan hơn, 9.311 doanh nghiệp thành lập mới và chỉ có 4.768 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giảm hơn 65% so với tháng 10. Liệu tình hình có khả quan hơn không khi cả năm 2015 có đến 99.754 doanh nghiệp thành lập, tăng 30% so với năm ngoái. Theo Tổng cục Thống kê nhận định, mặc dù kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu ổn định, song trước áp lực cạnh tranh và đặc biệt là trong xu thế hội nhập sâu rộng, hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Đã có 62.713 doanh nghiệp Việt Nam tạm ngừng hoạt động trong 11 tháng qua, tăng trên 21% so với cùng kỳ và chủ yếu tập trung vào khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Biết người biết ta thời kỳ hội nhập

Để có được góc nhìn toàn cảnh và có sự chuẩn bị, thử cùng nhìn lại những điểm mạnh, những cơ hội mà các doanh nghiệp Việt Nam có được khi ký kết các hiệp định này cũng như các mặt hạn chế và thách thức thông qua mô hình SWOT.

S (Strengths) - Những điểm mạnh mà các doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế: Đó là (1) lực lượng lao động trẻ đông, khéo tay, tiếp thu kiến thức nhanh; (2) Việt Nam được đánh giá là đất nước có môi trường hòa bình - điều này sẽ là yếu tố thuận lợi, là lợi thế khi các nhà đầu tư nước ngoài xem xét để quyết định đầu tư tại Việt Nam; (3) lao động cấp thấp có chi phí thuê thấp; (4) khoảng cách địa lý giữa các địa phương trong lãnh thổ Việt Nam tương đối gần so với các nước trong khu vực nên thuận tiện trong việc phân phối, cung ứng vận chuyển hàng hóa.

W (Weaknesses) - Những điểm chưa mạnh:Đó là các doanh nghiệp Việt Nam (1) chưa hỗ trợ, gắn kết cùng nhau phát triển trong cộng đồng doanh nghiệp; (2) chưa có hệ thống vận hành tối ưu, minh bạch; (3) hệ thống vận hành cồng kềnh; nhiều lãng phí nên giá thành sản phẩm/dịch vụ cao hơn so với các sản phẩm/dịch vụ tương đồng của các nước cùng khu vực; (4) tính kỷ luật lao động của nhân viên không cao khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam mất nhiều thời gian để giải quyết các sự vụ, sự việc; (5) năng suất lao động thấp (theo báo cáo của viện năng suất lao động của ILO: năng suất lao động của Việt Nam là thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương) nên các doanh nghiệp Việt Nam phải trả cho chi phí nhân công cao (thời gian làm việc cao) nhưng năng suất thấp; (6) công nghệ, máy móc của các doanh nghiệp Việt Nam đa số là nhập khẩu nên chi phí sản xuất cao ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm/dịch vụ; (7) hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa mang đến cho khách hàng sự chăm sóc tốt nhất; kênh phân phối chưa thuận tiện; chuỗi cung ứng chưa tối ưu.

O (Opportunities) - Những cơ hội:Khi ký kết các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp Việt Nam có những cơ hội (1) mở rộng kinh doanh, mở rộng thị trường; (2) các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán hàng cho các nước trong khu vực gần giống như bán hàng trong nước; (3) có nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vì lúc này các nhà đầu tư xem Việt Nam và các nước trong khu vực như một thị trường chung, một nơi sản xuất chung, một nơi có nguồn nhân lực có giá tương đối rẻ để hợp tác sâu và rộng; (4) các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận nhiều nhóm khách hàng với nhu cầu phong phú và đa dạng hơn giúp doanh nghiệp có thể mở rộng cơ hội kinh doanh; (5) cùng với sự phát triển của các nước trong khu vực, để hòa mình với nền kinh tế chung các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ.

T (Threats) - Những thách thức:Ngoài những cơ hội đầy tiềm năng bên trên thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp không ít thách thức như (1) sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh, đa dạng và phức tạp hơn; (2) khách hàng hiện tại và tiềm năng có nhiều cơ hội tiếp cận với các sản phẩm/dịch vụ ngoài nước với chất lượng tốt và giá cả hợp lý hơn; (3) các nước cùng tham gia hiệp định có kỹ thuật công nghệ cao, nguồn nhân lực có chuyên môn cao, năng động, sáng tạo, chăm chỉ; hệ thống vận hành tối ưu; ...nên chi phí vận hành/sản xuất của họ sẽ thấp hơn;

Vì vậy, để có thể hòa mình và cùng phát triển trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư một cách nghiêm túc về xây dựng chiến lược phát triển dài hạn; chất lượng; dịch vụ; hệ thống; giảm lãng phí; xây dựng đội ngũ nhân viên làm việc thông minh hơn và đặc biệt cần phải thích ứng nhanh với sự thay đổi gay gắt và khốc liệt của thị trường như hiện tại.

Thay đổi để tồn tại và phát triển

Sự thay đổi giúp doanh nghiệp tìm ra được mô hình kinh doanh phù hợp nhất; tìm kiếm được hệ thống vận hành tối ưu nhất; có nguồn lực làm việc hiệu quả và thông minh nhất; phát triển bền vững và không còn sợ hãi với nền kinh tế thay đổi nhanh chóng và khốc liệt; có thời gian tập trung vào việc nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm/dịch vụ mới, những sản phẩm/dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Thế nhưng, không có sự thay đổi nào là dễ dàng cả. Ban lãnh đạo doanh nghiệp phải đạt được sự đồng thuận trong nội bộ, sự ủng hộ và tinh thần cam kết từ trên xuống dưới, đồng thời tận dụng nguồn lực hiệu quả và không tiêu tốn quá nhiều chi phí cho việc thực thi những chuyển biến quan trọng trong doanh nghiệp. Để có thể quản lý sự thay đổi, ban lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cần phải:

Nhất quán, cam kết trong các chiến lược và mục tiêu ngắn hạn: Sự thay đổi ở đây không phải là thay đổi liên tục về chiến lược, mục tiêu, sản phẩm... khi thấy thị trường biến động, thay đổi. Cần phải nhất quán, xác định rõ ràng đến toàn thể nhân viên, nhận ra được rằng thay đổi là thay đổi trong phương pháp vận hành, phương pháp làm việc,...giúp cho doanh nghiệp đạt được mục tiêu một cách nhanh nhất bằng chi phí tối ưu nhất, nguồn lực làm việc thông minh với hệ thống rõ ràng, minh bạch; mang đến cho khách hàng những sản phẩm/dịch vụ tốt nhất.

Thay đổi bắt đầu từ chính bản thân mình: Sự thay đổi cần phải đến từ tất cả mọi người trong một tổ chức nhưng thay đổi bắt đầu từ ban lãnh đạo doanh nghiệp là rất quan trọng vì điều đó sẽ tạo niềm tin, một chiến lược rõ ràng để toàn thể nhân viên noi theo. Khi thấy ban lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi để giúp cho doanh nghiệp tốt hơn; phương pháp làm việc thông minh hơn sẽ tạo cho nhân viên một động lực thúc đẩy và thực hiện; Bên cạnh đó, điều này còn giúp cho nhân viên nhận ra rằng: trong tổ chức này, họ tôn trọng và tôn vinh sự thay đổi để công việc ngày càng tốt hơn, năng suất hơn.

Tạo sự cam kết và tham gia của toàn thể nhân viên: Để có thể hoàn thành tốt sự thay đổi theo định hướng, chiến lược của doanh nghiệp đặt ra nhằm giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cần phải tạo sự cam kết và tham gia của toàn thể nhân viên. Không điều gì không hoàn thành khi có sự cam kết và tham gia của toàn thể nhân viên. Hãy tạo ra những chiến thắng ngắn hạn, tôn vinh những thành viên xuất sắc, những cống hiến tuyệt vời... để tạo niềm tin cho toàn thể nhân viên.

Có không gian để nhân viên thử và sai: Khi ban lãnh đạo “dám” cho nhân viên thử và sai thì nhân viên sẽ “dám” làm, “dám” chịu trách nhiệm và “dám” thử lại. Mọi việc sẽ tốt đẹp nếu hoàn thành ngay từ lần đầu tiên nhưng sự thay đổi có khi sẽ không hoàn hảo như mong muốn. Vì thế, hãy dành một khoảng đầu tư về thời gian, chi phí, nhân lực cho phép nhân viên thử và sai. Điều đó sẽ giúp cho nhân viên thay đổi và tìm ra điều tốt nhất cho doanh nghiệp.

Khen thưởng đúng cách: Ông bà ta từng có câu “Quà tặng không bằng cách tặng quà”. Trong doanh nghiệp cũng vậy, hãy tìm cho doanh nghiệp mình cách khen thưởng phù hợp, thông minh và tinh tế nhất để giúp cho nhân viên cảm thấy được tôn vinh, khen thưởng thực sự khi đạt được những thắng lợi trong sự thay đổi, những cống hiến của họ,... nhưng doanh nghiệp ít tốn kém chi phí nhất. Đôi lúc khen thưởng thật nhiều tiền không phải là cách hay nhất.

Có sự chuẩn bị tốt về kỹ năng và kiến thức để đón đầu sự thay đổi: Sự thay đổi luôn luôn diễn ra vì thế ban lãnh đạo cần phải có sự chuẩn bị tốt về kỹ năng và kiến thức cho nhân viên. Khi tất cả đã được trang bị đầy đủ về kỹ năng và kiến thức thì cả ban lãnh đạo và nhân viên sẽ không còn e ngại sự thay đổi đang diễn ra xung quanh. Đào tạo với chi phí tối ưu nhất, phương pháp thông minh nhất sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững với một đội ngũ “chiến binh” sẵn sàng cho mọi “cuộc chiến”.

Tạo môi trường thích ứng nhanh với sự thay đổi: Để tạo một môi trường thích ứng nhanh với sự thay đổi cần mất rất nhiều thời gian và nguồn lực nhưng ban lãnh đạo cần kiên nhẫn và có kế hoạch, phương pháp để đạt được. Một khi doanh nghiệp có thể tạo ra được môi trường này, nó sẽ giúp cho doanh nghiệp đứng vững trong một nền kinh tế đầy biến động như hiện nay vì toàn thể nhân viên đã sẵn sàng để đón nhận sự thay đổi đó và họ đã được “tập dợt” hàng ngày.

Dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng các mô hình kinh điển về sự thay đổi:Ban lãnh đạo có thể tham khảo tám bước thay đổi của Kotter và mô hình quản trị sự thay đổi ADKAR để giúp cho doanh nghiệp chuẩn bị và đón đầu cho nền kinh tế toàn cầu hóa.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • SWOT của Việt Nam hiện nay

    28/05/2014Nguyễn Tất ThịnhTrong bối cảnh hiện nay chúng ta đều thấy Đất nước đứng trước sức ép, thách thức và cơ hội lớn để suy nghĩ và thay đổi đường hướng phát triển về ( Chính trị, Văn hóa và Kinh tế ). Càng thấu hiểu, càng đi đến giải pháp đúng!
  • SWOT cho sự nghiệp

    07/02/2006Hoàng Quỳnh LiênMột công cụ quan trọng trong quá trình lập kế hoạch chiến lược cũng có thể áp dụng khi lập kế hoạch cho nghề nghiệp. Đây là công cụ phân tích Marketing sử dụng mô hình SWOT...
  • Phân tích SWOT trong việc hình thành chiến lược kinh doanh

    24/01/2006Mai Thùy Tranggiao lưu kinh tế - văn hóa với các nước là điều không thể tránh khỏi và rủi ro trên thương trường đối với các doanh nghiệp cũng không nhỏ. Phân tích SWOT sẽ giúp các doanh nghiệp “cân - đong – đo - đếm” một cách chính xác trước khi quyết định thâm nhập thị trường quốc tế.
  • Bạn biết gì về mô hình phân tích SWOT?

    15/09/2005Nguyễn Thạc MinhSWOT là tập hợp viết tắt những chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Nguy cơ). Đây là công cụ cực kỳ hữu ích giúp chúng ta tìm hiểu vấn đề hoặc ra quyết định trong việc tổ chức, quản lý cũng như trong kinh doanh