Tâm không phân biệt và Vương Dương Minh

12:49 CH @ Chủ Nhật - 28 Tháng Hai, 2021

Vương Dương Minh (1472 – 1529) tên thật là Vương Thủ Nhân, là một nhà chính trị, nhà triết học nổi tiếng của triều Minh. Ông được đánh giá rất cao trong giới Nho học, được xem là 1 trong 4 vị thầy vĩ đại nhất của đạo Nho, sánh ngang với Khổng Tử, Mạnh Tử và Chu Hi…

(1) Không thiện không ác là cái bản thể của tâm.   (Vô thiện vô ác thị tâm chi thể).
(2) Có thiện có ác là cái động của ý.  (Hữu thiện hữa ác thị ý chi động).
(3) Biết thiện biết ác là lương tri. (Tri thiện tri ác thị lương tri).
(4) Làm thiện bỏ ác là cách vật. (Vi thiện khử ác thị cách vật).

Bản thể của tâm (bản tâm, bản tính, hay đơn giản là TÍNH), là gì?

"Bản thể của tâm là lẽ Trời, sự nhận biết lẽ Trời một cách phân minh, sáng suốt là lương tri" - (Tâm chi bản thể tức Thiên lý dã, Thiên lý chi chiêu minh linh giác sở vị lương tri dã)

Những câu trên đây là căn bản của học thuyết của ông Vương Dương Minh (1472-1529), thường được gọi là "Trí Lương Tri", làm sáng tỏ thêm về cái lý của ĐẠO Trung Dung của đức Khổng Tử "Thiên mệnh tri vị tính; suất tính chi vị đạo; tu đạo chi vị giáo". Xin được giải thích về "Trí Lương Tri" của ông Vương Dương Minh, dưới đây

*
*     *

1.-THIỆN và ÁC - nguyên nhân của cái ÁC.

Khi con người có yêu/ghét, thì có tranh giành để được cái mình yêu thích, muốn được thì phải mưu tính để hành động, nếu cần thì loại bỏ kẻ địch, từ đó cái ÁC[1] phát sinh. Từ đâu mà có yêu/ghét? 

Ai cũng có một cái TA vĩ đại, tách rời khỏi mọi người ngoài, và luôn coi trọng (cái TA) hơn là người khác. Đó là lòng vị kỷ, cũng là tâm phân biệt TA/NGƯỜI. Cái gì, điểu gì thuận với TA thì ta yêu thích, nếu chẳng thuận thì ta ghét. Như vậy lòng yêu/ghét phát xuất từ tâm vị kỷ hay tâm phân biệt TA/NGƯỜI. Lấy ví dụ, trong kinh Viên Giác, đức Phật giải thích về yêu/ghét như thế: "Do có vô minh từ khởi thủy, lấy cái TA (vị kỷ) làm chủ tể, tất cả chúng sanh sanh ra không có tuệ giác, nên thân tâm đều vô minh như vậy. Ví như có người không thể tự đoạn thân mình, thì rõ là do lòng yêu TA mà ra; điều gì tùy thuận TA thì yêu thích, nếu chẳng tùy thuận thì oán ghét...", 

Nhưng từ đâu mà sinh ra cái TA vị kỷ ? - cũng chưa rõ nét, đức Phật cũng chỉ nói một cách chung là do vô minh, không sáng, không rõ, mà sinh ra yêu/ghét.

Và từ yêu/ghét dẫn tới cái ÁC là bước ngắn. Quan sát một đứa trẻ thơ thì ai cũng cảm thấy là nó thiện, nghĩa là nó chưa có tính ÁC, và tưởng tượng tới con người đầu tiên (lấy ví dụ ông Adam) thì hẳn cái tâm cũng giống như thế, nên ta có thể tạm coi cái bản tâm của con người vốn không ÁC. Thiện và ác là một cặp nhị nguyên phân biệt nên nếu không có ác thì cũng chẳng có ý niệm thiện, nghĩa là bản tâm con người vốn không thiện không ác. Lão Tử, trong Đạo Đức Kinh, cũng nói rằng "khi thiên hạ đã biết cái thiện là thiện, thì đã có cái ác rồi". Ông Vương Dương Minh nói về cái ý ấy như sau:

2.- Trí LƯƠNG TRI.

(1) "Không thiện không ác là cái bản thể của tâm". 
và cho rằng "cái bản tâm ấy chính là lẽ Trời" - (Tâm chi bản thể tức Thiên lý dã).

Như vậy,

Không thiện không ác là cái bản tâm, hay bản tính (TÍNH) của con người. Cái TÍNH ấy là do Trời phú cho con mỗi con người  [2] , là  mệnh Trời; hay nói cách khác, "mệnh Trời là TÍNH, và khi chưa khởi tâm phân biệt thiện/ác thì đó là TÍNH", giống như cách diễn giải ĐẠO Trung Dung của Khổng Tử: "Mệnh Trời là TÍNH" , và "khi chưa khởi phát mừng/giận buồn/vui thì đó là TÍNH" [3]. Cái TÍNH ấy là ĐẠO Trời 

(2) "Có thiện có ác là do cái động của ý".

TÍNH vốn không thiện/ác, không mừng/giận, chẳng buồn/vui . Nhưng cái TÍNH ấy biến mất dần để rồi sinh ra mừng/giận, buồn/vui, thiện/ác như mọi người trong thế gian đều có đủ (ngoại trừ trẻ thơ khi chưa biết cười). Đó là do ảnh hưởng của trần cảnh tác động vào tâm trí mà ông Vương dùng chữ "ý", "Có thiện có ác là sự động của ý" . Có yêu/ghét nên thiện/ác, mừng/giận, buồn/vui... phát sinh, đồng nghĩa với phiền não phát sinh, và sự bình an trong tâm hồn của thuở ban đầu (như trẻ thơ) không còn nữa: ĐẠO đã mất.

(3) "Biết thiện biết ác là LƯƠNG TRI"

Yêu/ghét tức tâm phân biệt, đưa tới tranh giành xung đột, mới sinh ra hơn/thua, được/mất, mừng/giận buồn/vui, thiện/ác... Đó là phiền não khiến đời sống con người mất đi sự bình an. Trong thế giới tranh giành xung đột ấy, con người không nề hà làm mọi chuyện miễn sao đạt được lợi cho chính mình, do đó mà thiện ác [1] lẫn lộn. Đó là thế gìới của thiện/ác, của đau khổ, của bất an. 

Để loại trừ cái khổ đau ấy, ông Vương Dương Minh nhận định rằng: Tuy cái TÍNH Trời cho vốn không thiện không ác, nhưng khi cái TÍNH đã mất (cũng nghĩa là ĐẠO đã mất), thì thiện/ác đã lẫn lộn, mà muốn trở về với TÍNH theo Thiên mệnh, thì trước hết phải biết phân biệt cho phân minh thiện và ác (để bỏ ác mà làm thiện), điều này ông gọi là LƯƠNG TRI. Đó là ý nghĩa của câu số (3) "Biết thiện biết ác là LƯƠNG TRI" : Trong thế giới thiện ác lẫn lộn, có phân biệt phân minh được thiện ác thì đó là người có LƯƠNG TRI, là hiểu lẽ Trời. Vì theo ông "Hiểu lẽ Trời một cách phân minh sáng suốt, đó là LƯƠNG TRI (Thiên ý chi chiêu minh linh giác sở vị LƯƠNG TRI dã)".

(4) "Làm thiện bỏ ác là cách vật."

Khi đã biết phân minh thiện ác rồi thì phải làm thiện bỏ ác để trở về với ĐẠO theo Thiên mệnh, (giống như trình tự Văn - Tư - Tu, trong Phật giáo). Người bỏ được cái ác và chỉ làm thiện thì tâm hồn thư thái cho riêng mình, nhưng nói chung cái ác vẫn còn tồn tại trong thế gian, nên dĩ nhiên là phải vận động mọi người cùng bỏ ác làm thiện như thế, thì hi vọng sẽ tới ngày cái ác sẽ bị xoá bỏ , và thiên hạ sẽ bình an hay là "bình thiên hạ". Làm thiện tránh ác theo ông là nghĩa cách vật (tránh xa sự cám dỗ của vật chất bên ngoài như tiền tài, của cải, danh vọng...) . Và khi toàn bộ cái ác bị xóa bỏ thì chữ thiện cũng sẽ bị quên lãng (tuy cái toàn thiện vẫn ngự trị) khi đó là con người đã trở về với ĐẠO, đạt ĐẠO, tức là trở về với cái bản tâm hay TÍNH không thiện/không ác ban đầu.

3.- ĐẠO và đạo:

Ta nói "đạo" khi đề cập đến một tôn giáo (ví dụ "đạo Khổng") là ý muốn nói cái đường đi (đạo) được hướng dẫn bởi hệ thống giáo lý (giáo) riêng của tôn giáo đó (ví dụ "khổng giáo"), để người ta đi tới một cái đích coi như chân lý. Cái đích ấy tạm gọi là ĐẠO (có thể có tên khác với các tôn giáo khác nhau)

Vậy khi nói tới chữ đạo, xin tạm phân chia ra làm hai: 1/ "ĐẠO", chữ viết HOA, là cái đích cuối cùng, là chân lý, và 2/ "đạo" là con đường dẫn tới ĐẠO. Lý thuyết vạch ra để thấy con đường, là "giáo" hay giáo lý của cái đạo.

Ý "ĐẠO" và "đạo" trong học thuyết của Vương Dương Minh:

ĐẠO:
(1) "Không thiện không ác là cái thể của tâm" - bản tâm con người vốn không thiện không ác mà là toàn thiện, đây là ĐẠO, là mệnh Trời. "Nhân chi sơ tính bản thiện" là ý đó.

(2) "Có thiện có ác là cái động của ý" - đây là ĐẠO bị che lấp, ĐẠO bị mất vì cái ác đã sinh ra đối ngược với tánh toàn thiện ("tánh toàn thiện" hay "tánh bản thiện" là mệnh Trời), trở thành "có thiện, có ác"

Đạo:
Khi ĐẠO đã mất, thì theo mệnh (lệnh) Trời phải tìm đường (đạo) trở về với ĐẠO, nghĩa là trở về với bản tâm "không thiện không ác"
(3) "Biết thiện biết ác là lương tri" - đây là lý lẽ của chánh đạo, muốn tìm đường (đạo) trở về thì phải biết rõ phân minh thiện và ác. Biết phân minh thiên và ác là người có lương tri. Khi đã biết phân minh thì "làm thiện mà bỏ ác".
(4) "Làm thiện bỏ ác là cách vật" - đây là hành đạo, thực hành theo chánh đạo để trở về với ĐẠO. Cách vật là lìa bỏ, chống lại sự cám dỗ của vật chất bên ngoài, cũng là lìa bỏ tư dục (giải thích thêm bên dưới)

Là người của Nho giáo, hẳn nhiên đối với ông Vương Dương Minh, "NHÂN, nghĩa, lễ, trí, tín..., thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia v.v..." cũng là "đạo", là những phương cách để giúp bỏ ác mà làm thiện, và quay trở về với ĐẠO.

4.- CÁCH VẬT TRI TRI.

Đạo của đức Khổng Tử có cái đích cuối cùng là "bình thiên hạ". "Bình" là bằng nhau, ngang nhau, không thiên lệch, không phân biệt, bình đẳng, đồng đều, an bình, an hoà, hoà bình, thái bình... giữa con người với nhau trong thiên hạ. Khi ấy, TA cũng như NGƯỜI, NGƯỜI cũng như TA, không phân biệt, "điều gì TA không muốn NGƯỜI làm cho mình, thì TA chớ làm điều ấy cho NGƯỜI", hay "điều gì muốn NGƯỜI làm cho TA hãy làm điều ấy cho NGƯỜI", "yêu NGƯỜI như yêu chính bản thân TA"..., đó là "bình", do đó mà không tranh giành, không chiến tranh, không được/mất hơn/thua, nên chẳng có mừng/giận buồn/vui (vì được/mất hơn/thua), nên cũng không có cái ác (không có ác thì cũng không có phân biệt thiện/ác). Đấy là ĐẠO.

Trong sách Đại Học, nói rằng, muốn "bình thiên hạ" thì trước phải "trị kỳ quốc"; muốn trị kỳ quốc, thì trước phải biết "tề kỳ gia";... "tu kỳ thân";... "chánh kỳ tâm";... "thành kỳ ý"; muốn thành kỳ ý thì trước phải "TRÍ kỳ TRI" ; TRÍ TRI tại CÁCH VẬT.

Thế nào là "trí tri tại cách vật" ?

"Trí tri tại cách vật" cũng có khi được nói gọn là cách vật trí tri, thường được giải nghĩa là "tìm tòi nghiên cứu cái nguyên lý của sự vật mà suy ra cái tri thức cùng cực" (tự điển Đào Duy Anh), và còn gọi tắt là cách trí. Nhưng sư vật trong vũ trụ này thì bao la, con người thì nhỏ bé, tuy khoa học có tiến bộ nhưng cũng chẳng làm sao mà hiểu hết được tường tận nguyên lý của mọi sự vật. Một nhà trí thức khoa học có thể biết được chút đỉnh, nhưng một bà nhà quê thì làm sao mà... cách vật trí tri theo kiểu ấy cho được, để mà biết mà tu thân, mà theo đạo để tìm về với ĐẠO.

Thế nên ông Vương Dương Minh suy theo đường khác: "trí tri tại cách vật" cũng là tìm hiểu tới tận cùng mọi sự vật nhưng trong trong một cái... vũ trụ khác, đó là cái TÂM của con người, hay là cái tiểu vũ trụ; cũng giống như "tập đế" trong Tứ Diệu Đế bên Phật giáo là tìm hiểu tường tận nguyên nhân gây khổ để mà diệt khổ vậy.

Sự vật trong cái tiểu vũ trụ ấy nó sinh hoá như thế nào?

Khởi đầu tâm con người nó trống KHÔNG, không thiện/ác, không mừng/giận buồn/vui,...  là cái bản thể của tâm, gọi là ĐẠO; thế rồi dưới tác động của ngoại giới qua các giác quan, ĐẠO bị khuất lấp, vì sự phát sinh cái TA tách biệt khỏi cái không phải là TA , đó là tâm phân biệt (gần gũi nhất là phân biệt TA/NGƯỜI, rộng ra là phân biệt TA với vạn vật thiên nhiên).

ĐẠO bị khuất lấp như thế nào ?

Từ tâm phân biệt sinh sôi nảy nở cơ man là sự và vật... như yêu/ghét, đẹp/xấu, giàu/nghèo,... rồi tranh giành, được/mất, hơn/thua, mừng/giận, buồn/vui, ác/thiện, tham lam, sân giận, si mê, ân/oán, khinh/trọng, thân/sơ,... giả dối, cong quẹo, cố chấp, tự cao, xảo quyệt..., mưu mô, tính toán, nham hiểm,  trộm cắp, giết người, cướp của, đâm chém, thù hằn, pháp luật,... dao bén, súng lớn, phi cơ, đại bác, bọm đạn, nguyên tử,.... kiêu căng, ganh tị,... thất tình, tự tử, ghen tương...  tạt át xít, vào tù, ra khám, tử hình... ham sống, sợ chết, thần linh, qủy dữ, đồng bóng,... muôn vàn cơ man sự và vật sinh sinh hoá hoá trong thế gian ai ai cũng thấy. Chính những cái đó chúng che khuất ĐẠO (vì ĐẠO vốn là KHÔNG, KHÔNG phân biệt, KHÔNG thiện, KHÔNG ác, KHÔNG tranh giành, KHÔNG yêu/ghét...). Đó là cái thế gian bất an và đầy đau khổ của con người. Nói về sự sinh hoá ấy, nhà Phật có câu rằng "nhất thiết duy tâm tạo" . Và, Lão Tử trong Đạo Đức Kinh viết rằng: "ĐẠO sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật" (ĐĐK.42). Và, trong Nam Hoa Kinh, chương Tề Vật Luận, Trang Tử giải thích rộng hơn về sự sinh hoá ấy: "... Trời đất cùng sinh ra với TÔI, vạn vật và TÔI hợp nhất, chỉ là một. Vũ trụ đã hợp nhất thì làm sao nói về nó được nữa. Vũ trụ đã hợp nhất thì làm sao không nói về nó được [ lúc này chưa phân biệt ]. Cái "nhất" đó thêm cái TA nói về nó, thế là có hai cái rồi [ đã khởi tâm phân biệt ]; hai cái đó với cái "nhất" (nguyên thủy) thành ra ba. Cứ như vậy mà tính tiếp thì người giỏi tính cũng thành chịu, huống hồ là người thường. Như vậy là từ "không" (vô) tới "có" (hữu) đã có ba ý khác nhau rồi; huống hồ từ "có" tới "có" sẽ có cơ man nào là ý..." (dịch giải của học giả Nguyễn Hiến Lê).

"Trí tri tại cách vật" theo ông Vương Dương Minh, là tìm hiểu cặn kẽ cái gốc gác, căn nguyên những sự vật đã sinh hoá nơi tâm của con người gây thành những lộn xộn, bất an, hay khổ đau, khiến chính tâm hồn mình và cả thiên hạ đều không thể "bình" được, (có thể đối chiếu với "tập đế", là tìm cái nguyên nhân của "khổ", trong "Tứ Diệu Đế" của Phật giáo); biết để mà trừ (so sánh với "diệt đế" của Tứ Diệu Đế"). Và ông tóm tắt "Làm thiện bỏ ác là cách vật". Như vậy "cách vật" còn mang ý nghĩa lìa bỏ, chống lại [4] sự cám dỗ... của vật chất bên ngoài, cũng là lìa bỏ lòng tư dục. Lìa bỏ lòng tư dục là lìa tham sân si, là lìa bỏ cái ác. Vậy lìa bỏ ác mà làm thiện là cách vật, hay muốn tránh cái ác và làm được điều thiện thì phài lìa bỏ sự cám dỗ của vật chất tức là "cách vật". Đó hẳn là ý nghĩa về tâm học của "cách vật trí tri" của ông Vương Dương Minh.

5.-Chuyện bàn thêm thay lời kết:

Vũ trụ và con người cùng sinh ra hợp nhất,  như MỘT, (tức bất nhị hay không hai). Con người là một bộ phận vốn không chia lìa của cái NHẤT đó, tuy hình dạng, công năng có khác nhưng vẫn cùng chung nhau như là MỘT. Giống như một cơ thể, mà tay chân, đầu óc, tai mắt, mũi, miệng.... là những bộ phận tuy hình dạng, công năng có khác nhưng vẫn là MỘT, phục vụ chung cho MỘT cơ thể, không mang tính phân biệt chia lìa (hơn/thua, tốt/xấu, ganh ghét, kiêu ngạo...). Ví như một chân bị nạn thì chân còn lại cáng đáng công việc của chân bị nạn, không chút so đo. Nếu cần thì hai tay cùng chân bò để cơ thể di chuyển, không than vãn, chẳng tị hiềm, ... và đồng thời đầu óc, mắt, tai, mũi miệng... tùy khả năng mà tham gia cáng đáng, giúp đỡ cho bộ phận bị nạn. Tất cả hợp thành MỘT khối duy nhất, một cơ thể, không chia lìa, "huynh đệ như thủ túc", "tứ hải giai huynh đệ"  [5].

Cũng như thế, khởi đầu con người (tiểu ngã) cũng như tay, chân, mắt, tai... trong cái cơ thể vũ trụ (đại ngã) như vậy. Và gần gũi hơn, giữa NGƯỜI và NGƯỜI với nhau cũng vậy, là MỘT cơ thể duy nhất. Thế rồi cái TA, cái NGÃ tách rời ra khỏi cái đại NGÃ, để rồi phân biệt TA/NGƯỜI (phân HAI, tức nhị nguyên), với sự thiên lệch nghiêng hẳn về cái TA, đó là lòng vị kỷ. Khi có phân TA với NGƯỜI là có yêu/ghét, có ganh tị, tranh cạnh, có hơn/thua, được/mất, rồi hỉ/nộ, ai/lạc, rồi thiện/ác và v.v... Cái MỘT đã mất để biến tành HAI, và 2 ->3 - 5 -> 10 ... cứ thế sinh xôi nảy nở biết cơ man nào sự và việc , tạo thành một thế giới thiện/ác của bất an và đau khổ.

Con đường (đạo) là trở về với cái NHẤT, cái đại ngã (ĐẠO) không phân biệt, sự bình yên ban đầu, chính là làm thiện bỏ ác. Khi ác được diệt trừ thì con người trở về với ban đầu là không thiện/ không ác.

Nhưng cũng có sự khác biệt đáng kể giữa cái ban đầu và sự trở về: bản tâm (cái tâm ban đầu) tuy không thiện/không ác nhưng vốn chưa từng trải qua những đau khổ của thế giới thiện/ác nên dễ bị sinh tâm phân biệt, giống như ông Adam và bà Eva dễ dàng sa ngã vì lời dụ dỗ của con rắn (tượng trưng cho cám dỗ của của ngoại vật, ngoại cảnh...) để biết phân biệt thiện/ác. Nhưng vì con người đã từng kinh nghiệm về đau khổ qua thế giới thiện/ác rồi, mà kiên tâm diệt trừ cái ác để trở về với bản tâm không thiện/không ác, thì sẽ không để tái sinh trở lại cái ác nữa. Cái ác lại từ cái TA ích kỷ hay là cái tâm phân biệt mà ra, nên cái ác không tái sinh nũng nghĩa là cái TA ích kỷ hay tâm phân biệt không tái sinh nữa. Không tái sinh thì cũng không cần diệt, là thoát khỏi vòng sinh/diệt vậy.

"Không thiện không ác là bản thể của tâm (bản tâm, bản tánh)" cũng giống như "nhân chi sơ tánh bản thiện", bản tánh con người vốn không ác. Khi nhìn đứa trẻ thơ hay tưởng tượng về con người đầu tiên vốn vô tư hiền lành, chưa lộ cái ác thì người ta thường cho rằng bản tính con người là thiện hay không thiện không ác.[6]

Nhưng dù sao đó cũng chỉ là giả thuyết, vì cái ác [1] đã phát sinh tràn lan, nên cũng có giả thuyết khác lại nói là "bản tánh con người vốn là ác" ("nhân chi tính ác" - Tuân Tử), và cái ác tiềm ẩn trong con người và sẽ lộ ra khi hết thời trẻ thơ. Nếu cho rằng tánh ác do lây nhiễm từ người trước qua người sau, thì tưởng tượng ở nơi những người đầu tiên tại sao lại có tánh ác, nếu không phải là bẩm sinh, là mệnh Trời?

Tánh bản thiện hay bản ác, cũng chẳng thể tranh luận đúng sai. Nhưng có một thực tế đúng là: hiện tại con người ai cũng mang lòng ích kỷ, là cái nguồn gốc của đố kỵ, ganh ghét, kiêu căng, hơn thua... đưa tới tranh giành, xung đột, ... và cái ác. Vậy tính ích kỷ cũng là tính ác ... và đau khổ cũng từ đấy mà ra. Con người, hầu như ai cũng ít nhiều vướng tánh ích kỷ, hay tính ác, và tiềm ẩn nỗi khổ. Nỗ lực của con người là diệt cái ác để loại trừ khổ bằng giáo dục và bằng luật pháp để dần dần đưa tới toàn thiện. Đó là nỗ lực chung, dù quan niệm tánh bản thiện hay bản ác. Nếu cơ may mà tánh ác bị diệt thì: nếu đứng về quan niệm "tánh bản thiện" thì con người trở về với tánh thiện ấy; còn nếu quan niệm "tánh bản ác" thì con người bỏ cái tánh ác để tiến tới tánh thiện. Cách nói có khác nhau nhưng cái đích là giống nhau, nên cũng chẳng hề gì, cả hai dều chung một con đường "biết thiện biết ác là lương tri, làm thiện bỏ ác là cách vật" :./.

Duy Đức
May/20/2012

GHI CHÚ:

[1] ÁC, không nhất thiết là phát xuất ra hành động rồi mới gọi là ÁC. Chỉ cần có ý ác, có lời nói ác, hay một cách rộng rãi hơn nữa khi mang tính vị kỷ là đã tiềm tàng cái ác  rồi, như định nghĩa của hoà thượng Trung Phong "làm việc gì mà chỉ vì mình là ác, còn làm việc gì vì người là thiện"

[2] Thiện/ác do yêu/ghét mà ra. Có yêu/ghét thì có tranh giành nên có hơn/thua, được/mất. Có hơn/thua, được/mất thì đưa tới có mừng/giận, buồn vui. Như vậy thiện/ác, mừng/giận, buồn/vui là do cùng một gốc là yêu/ghét. Yêu/ghét lại từ tâm phân biệt TA/NGƯỜI mà ra. Nếu chưa khởi tâm phân biệt TA/NGƯỜI thì thiện/ác, mừng/giận, buồn/vui cũng chưa phát khởi, thì đó là TÍNH do Trời ban cho con người, tức là "Thiên mệnh chi vị TÍNH" vậy.

Nếu so sánh với những câu nói về ĐẠO Trung Dung:

-- "Thiên mệnh chi vị TÍNH" (TD.1)
-- "mừng/giận buồn/vui khi chưa khởi phát là Trung" (TD.1)
-- "mừng/giận buồn/vui khi chưa khởi phát là TÍNH" (Trung Dung Chương Cú - Chu Hi) 

với câu nói của ông Vương Dương Minh

-- "không thiện không ác là bản thể của Tâm" (bản thể của Tâm là bản tâm, bản tính hay nói gọn là TÍNH, là lúc chưa khởi phát thiện/ác)
-- "Cái bản tâm ấy chính là lẽ Trời"

thì thấy là ông Vương Dương Minh chỉ diễn giải rộng thêm cái ĐẠO Trung Dung của đức Khổng Tử mà thôi. Nếu tổng hợp chung, thiện/ác, mừng/giận, buồn/vui do yêu/ghét hay tâm phân biệt mà ra, thì ĐẠO Trung Dung là khi tâm chưa khởi phân biệt. Nếu so sánh với bài "Tín Tâm Minh" của Tăng Xán (tam tổ thiền tông Trung Hoa) lại rất trùng hợp:

"ĐẠO lớn không khó với những ai không phân biệt.
Không còn yêu/ghét thì mọi sự đều sáng tỏ" (lời dịch giải của Dương Gia)

"không phân biệt thiện/ác" cũng được nói tới như là khởi đầu của cái tâm con người (tức bản tâm, bản tính, hay TÍNH), trong các tôn giáo hay nơi các nhà tư tưởng lớn khác, như:

-- Kinh Cựu Ước - sách Sáng thế Ký: Sau khi ông Adam biết phân biệt thiện/ác (vì ăn trái cây biết điều thiện điều ác) thì bị đuổi ra khỏi thiên đàng.
-- Lời đức Phật: " một là thiện hai là bất thiện, còn Phật tánh chẳng phải thiện chẳng phải bất thiện. Phật tánh là tánh không hai (bất nhị).
-- Lời Lã Tử: " Khi thiênn hạ đều biết cái thiện là thiện, thì đã có cái bất thiện rồi" (ĐĐK.2)
-- Huệ Năng: "Điều lành (thiện) điều dữ (ác) tuy khác nhau, chớ cái bản tánh không hai" (Pháp Bảo Đàn Kinh)
-- "Cái tánh tự nhiên của người ta chẳng phân biệt thiện với bất thiện (Nhận định của Cáo Tử ghi trong sách Mạnh Tử - Cáo Tử Thượng.2) 

Ghi chú thêm:

Tâm phân biệt, hay nhị nguyên phân biệt, thường đặt phân biệt TA/NGƯỜI lên hàng đầu, vì TA với NGƯỜI gần gũi đụng chạm tranh chấp với nhau thường xuyên. Nếu mở rộng ra thì có ý niệm phân biệt TA/chúng sanh (như trong Phật giáo), rộng hơn nữa là TA với vạn vật nên ngoài. Trước khi khởi tâm phân biệt nhị nguyên, là nhất nguyên, là TA với NGƯỜI, với chúng sanh, với vạn vật như MỘT, TA chỉ là một bộ phận trong cái MỘT không tách rời phân biệt, ví như một thân thể tuy có nhiều bộ phận khác nhau, mỗi bộ phận tuy có nhiệm vụ khác nhau nhưng không có ý niệm tách rời, không phân biệt, không có yêu/ghét tị hiềm cùng nhau.

[3] - Mệnh Trời là TÍNH,... mừng/giận, buồn/vui khi chưa khởi phát gọi là Trung (TD.1)
     - Mừng/giận, buồn/vui khi chưa khởi phát là TÍNH (Chu Hi)

[4] Trong "Hán Việt Tử Điển Trích Dẫn" online, chữ "Cách" 格  có nghĩa là "sửa cho ngay", "chống lại, địch lại" hay "đánh, xô xát, vật lộn", chiến đấu.

[5] -- Cái cơ thể gần gũi nhất là "anh em như thể tay chân" (huynh đệ như thủ túc)
     -- mở rộng hơn "người trong bốn bể đều là anh em" (Luận Ngữ 12.5)
     -- và mở rộng tới tột cùng là hoà đồng, không phân biệt cùng mọi người, cùng thiên nhiên vạn vật, mà như MỘT cơ thể, không chia lìa. Trích lại mấy câu sử thi Ấn Độ, trong cuốn "Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ" của Will Durant, do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch:
     "... Cái tâm điểm của chân lý tối cao này: hoàn toàn không có nhị nguyên tính [bất nhị, không phân biệt].
     Từ đó, Nidagha, nhờ cách giảng dạy tượng trưng đó mà chăm chú tìm hiểu sự Vô nhị nguyên[bất nhị, không phân biệt],
     Từ đó ông ta không phân biệt vạn vật với ông ta nữa,
     Và ông ta thành một Brahman. Và đạt được vĩnh phúc"

[6] Ông Mạnh Tử dùng ví dụ sau đây để chứng tỏ con người vốn có lòng trắc ẩn . Trắc ẩn là mối đầu của lòng NHÂN (trắc ẩn chi tâm, NHÂN chi đoan giã), NHÂN là yêu người, yêu người thì không ác với người (trích trong sách Mạnh Tử - Công Tôn Sửu Thượng 6):

"... người ta ai cũng có lòng chẳng nỡ đối với kẻ khác, vậy hãy đem một thí dụ này làm bằng chứng: Tỷ như có một đám người thấy một đứa trẻ con sắp té xuống giếng. Thấy vậy, ai cũng động lòng kinh sợ, thương xót mà muốn cứu đứa trẻ. Đó không phải là họ vì tình giao kết với cha mẹ đứa trẻ mà muốn được thân thích hơn; cũng không phải vì muốn cho người hàng xóm, kẻ bằng hữu khen tặng mình; lại cũng không phải vì tránh tiếng xấu là người bất nhân..." mà là tánh tự nhiên Trời phú cho, hay "Thiên mệnh chi vị TÁNH" 

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nho giáo, ảnh hưởng của nó

    17/03/2017Trần Đình HượuỞ nước ta, Nho giáo đã có lịch sử rất lâu đời. Từ khi nước ta bị xâm lược và sáp nhập vào Trung Quốc, từ đời Hán (206 trước Công nguyên đến 220 sau Công nguyên), Nho giáo đã được du nhập vào Việt Nam. Sĩ Nhiếp (thế kỷ thứ II sau công nguyên) đã được coi là An Nam học tổ, người mở đầu cho Nho học ở nước ta. Trong thời kỳ tự chủ, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, Nho giáo cùng với Phật giáo và Đạo giáo có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần nước ta. Cuối thế kỷ XIV, Nho giáo giành được ưu thế so với Phật giáo, chi phối đời sống tinh thần nước ta...
  • Nho giáo Việt Nam dưới góc nhìn xã hội học lịch sử

    30/10/2014GS Trịnh Văn ThảoMối quan tâm và đồng thời là thành tựu nghiên cứu chủ yếu của Giáo sư Trịnh Văn Thảo là bàn về trí thức Việt Nam từ xã hội học. Năm 2013, một trong những công trình quan trọng của ông đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam: Ba thế hệ trí thức người Việt (1862-1954) nghiên cứu lịch sử xã hội (Nxb Thế giới & Tuvanbooks). Công trình này, theo Bruno Péquignot (Giáo sư Xã hội học Đại học Paris 3, Sorbonne), "đã mang lại một sự đóng góp quan trọn cho bước đi của xã hội học khi có tính đến bề dày lịch sử của đối tượng của nó"...
  • Nho giáo và sự phát triển của Việt Nam (Phần 1)

    24/06/2014Trần KhuêKhổng Tử đã từng dạy “Ôn cố tri tân”. Và chính các bậc hậu nho cũng luôn nhắc nhở điều này. Thế nhưng không hiểu các vị học giả hiện nay lại hình như quên mất cái “cổ” (cái gốc cũ) của đạo Nho, làm như đây là một học thuyết vạn năng...
  • 14 điều răn của cổ nhân

    27/05/2014Đ.H.LXã hội phát triển đến mức nào đi nữa thì những giá trị truyền thống phương Đông, tức là cội nguồn văn hóa của mỗi dân tộc Châu Á vẫn cần phải được bảo tồn và trân trọng. Tuy là vốn cổ, nhưng nếu xét về nhân sinh quan đối với con người hiện đại thì dường như không cổ chút nào hay nói đúng hơn là câu chữ cũ, còn ý nghĩa thực tế vẫn hoàn toàn mới mẻ. Đây chính là điều đáng bàn luận và suy ngẫm...
  • Nhớ lại nhà báo Đào Trinh Nhất

    27/07/2011Trần Thái BìnhTrong văn học Việt Nam hiện đại, rất ít nhà nghiên cứu giới thiệu Đào Trinh Nhất với độc giả. Duy nhất, chỉ có Vũ Ngọc Phan không quá 5 trang in ở bộ Nhà văn hiện đại, đã viết về ông, nhưng cũng rất sơ lược (in năm 1942). Từ năm 1945 đến nay, cũng không có nhà biên khảo nào nhắc đến Đào Trinh Nhất, tuy rằng tác phẩm của ông có nhiều, và lại đang rất đa dạng. Ngày nay, nhìn lại những tác phẩm của ông để lại, chúng ta sẽ có thể thấy tính đa diện phong phú trong một cây viết vừa là nhà văn, nhà báo, vừa là nhà nghiên cứu...
  • Nho giáo và văn hóa Việt Nam

    24/11/2009Trần Quốc VượngKhi tiếp xúc cưỡng bức với văn minh Pháp dưới dạng thực dân ở cuối thế kỷ XIX, nền văn minh Việt Nam truyền thông - mà “sợi dây liên kết” (để dùng lại một từ và một ý niệm của Ăng-ghen) là nhà nước quân chủ Nho giáo - đã tỏ ra bất lực. Thực ra, nói như Ức Trai:
  • xem toàn bộ