Tác phẩm là tài sản của chủ sở hữu tác quyền hay quà tặng gửi tới cộng đồng

08:33 CH @ Thứ Ba - 24 Tháng Tám, 2021

Từ khi Việt Nam tham gia Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả vào năm 2004, các đơn vị xuất bản, các tác giả và công chúng nước ta bắt đầu biết đến khái niệm “tác quyền” và hệ thống pháp lý liên quan. Thế nhưng, trong khi chúng ta còn đang loay hoay tuyên truyền về bảo vệ tác quyền, thì nhiều câu hỏi lớn xoay quanh vấn đề tác phẩm có nên được coi như tài sản tư hữu đã được các nhà hoạt động xã hội trên thế giới đặt ra.

Các quy định về tác quyền có là rào cản ngăn tác phẩm đến với độc giả?

Khi tác giả hoàn thiện tác phẩm và trao quyền bảo hộ tác phẩm cho một tổ chức hoặc cá nhân khác (trong một khoảng thời gian ngắn hoặc mãi mãi), điều ấy đồng nghĩa với việc sự lan tỏa của tác phẩm trong cộng đồng phụ thuộc vào quyết định công bố của tổ chức hoặc cá nhân ấy. Đây chính là một rủi ro lớn mà ít tác giả để ý đến. Bởi vì, đối với tác giả, sự lan tỏa của một tác phẩm được đo bằng tình yêu của độc giả đối với tác phẩm, và điều này không hoàn toàn tương đồng với sự đảm bảo doanh số khi sách được bán ra thị trường. Khi tác phẩm được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội hay được độc giả sao chép chuyền tay nhau thì dưới nhãn quan của luật về quyền tác giả, đó là sự vi phạm.

Ý thức về quyền tác giả càng tăng trong xã hội Việt Nam, đồng nghĩa với việc ngày càng ít tác phẩm được đăng tải miễn phí trên Internet khi người sở hữu tác quyền tự tạo ra sự hạn chế nhằm đảm bảo thu lợi nhiều nhất từ tác phẩm. Quan điểm này được đặt nền tảng từ tư tưởng về quyền tư hữu – tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa tư bản. Thế nhưng, sự tư hữu không phải là cơn ám ảnh thực sự đối với người viết. Nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà phê bình… viết nên tác phẩm với mong muốn được ký thác những sở đắc của mình vào trang giấy. Lời khẳng định của Lưu Hiệp trong tác phẩm lý luận văn học kinh điển của Trung Quốc “Văn chương là tấc lòng gửi lại ngàn năm” không hề lỗi thời ngay cả khi các cây viết đã rời bỏ thế giới cổ điển từ rất lâu. Người viết không chỉ mong muốn có thể sống một cách trong sạch bằng chính ngòi bút của mình, mà còn kỳ vọng rằng người đọc có nhiều cơ hội để tiếp cận và thấu hiểu cõi lòng mình. Vì vậy, nguyên tắc bảo vệ tác quyền dẫu hiệu quả trong ngặn chặn các hành vi in lậu, chiếm đoạt quyền sở hữu tác phẩm trái phép, đạo văn… nhưng dường như lại hạn chế cơ hội tiếp cận của rất nhiều độc giả, đặc biệt là đối với quốc gia mà người dân không quá yêu sách và không sẵn lòng chi trả cho sách như Việt Nam, thậm chí hạn chế cơ hội tác phẩm được chuyển ngữ sang một ngôn ngữ khác.

Những quan điểm quốc tế phản đối nguyên tắc tư hữu quyền tác giả đều đưa ra lập luận rằng nguyên tắc này đi ngược lại quyền tự do tiếp cận thông tin và hạn chế tự do giáo dục. Việc hạn chế chia sẻ các bản sao của tác phẩm là tâm điểm của những lập luận này. Trong tác phẩm “Phối trộn: Để Nghệ Thuật và Thương Mại cùng phát triển trong Nền Kinh Tế Phức Hợp” (Tên tiếng Anh: “Remix: Making Art and Commerce Thrive in the Hybrid Economy”), diễn giả nổi tiếng Lawrence Lessig chỉ ra rằng:

“Luật bản quyền cần từ bỏ nỗi ám ảnh về ‘bản sao’. Luật không nên áp đặt về ‘bản sao’ hay ‘ấn bản hiện đại’ của tác phẩm. Thay vào đó, nên điều chỉnh hành vi sử dụng – chẳng hạn như phân phối công khai các bản sao của tác phẩm có bản quyền – mà có mối liên hệ trực tiếp đến luật bản quyền đảm bảo lợi ích kinh tế.”

Remix: Making Art and Commerce Thrive in the Hybrid Economy: Lessig,  Lawrence: 9780143116134: Amazon.com: Books


Định nghĩa mới về tác giả và tác phẩm

Các nhà lý luận của xu hướng phản đối nguyên tắc tư hữu quyền tác giả cũng đưa ra luận điểm mới về tác giả. Lawrence Liang, người sáng lập Diễn đàn Luật Thay Thế (Alternative Law Forum) đưa ra nhận định rằng luật bản quyền hiện tại dựa trên một định nghĩa quá hẹp về “tác giả” vốn được xây dựng tại Châu Âu sau Cách mạng Công nghiệp để phân định cái tôi sáng tác và sự sản xuất hàng loạt, và “tác phẩm” được đánh đồng với “tài sản” trong các lý thuyết về tư hữu. Từ đó, yếu tố sở hữu cá nhân của người sáng tác được đề cao hơn khái niệm “tri thức cộng đồng”. Với nhãn quan ấy, nhiều tác giả mặc nhiên thừa nhận giả định rằng tác giả sẽ không có động cơ để sáng tạo nếu không có động cơ kinh tế. Liang, bằng một loạt các bằng chứng, đã chỉ ra rằng trước thế kỷ 19, các tác giả sáng tạo với mục đích thỏa mãn đam mê cá nhân, đã tạo ra những tác phẩm có chất lượng tốt hơn với số lượng đồ sộ hơn so với các tác giả chật vật tìm đường ra cho các ấn phẩm của mình và đối mặt với các quy định về luật bản quyền.

Hơn nữa, trong quá trình sáng tác, các tác giả sẽ đối mặt với vấn đề rất phức tạp trong quyền sở hữu trí tuệ. Nếu tác phẩm sử dụng một vài chi tiết nhỏ đến từ tác phẩm của tác giả khác đã được bảo hộ, ngay cả khi ghi nguồn và không vi phạm các đạo luật về đạo văn, cũng có khả năng vi phạm luật bản quyền và sở hữu trí tuệ nếu không liên hệ xin phép chủ sở hữu tác quyền. Hãy hình dung một nhà phê bình viết về thơ của một nhà thơ vĩ đại, và nhà thơ ấy đã đăng ký bảo hộ tác quyền đối với thơ của mình, thì khi trích dẫn các đoạn thơ, nhà phê bình cần có sự cho phép của nhà thơ. Trong trường hợp nhà thơ hoặc chủ sở hữu tác quyền các bài thơ ấy không đồng ý, thì bài phê bình của nhà phê bình văn học sẽ không được phép công bố. Thật may mắn, hiện nay luật bản quyền tại Việt Nam đã không thúc đẩy sự tư hữu cực đoan và chặt chẽ tới vậy. Những quy định ngặt nghèo về sự tư hữu bản quyền đặt ra cho chúng ta một nan đề: trong một tác phẩm có bao nhiêu phần là sáng tạo của tác giả, và điều ấy đồng nghĩa với việc tác giả là một cá nhân hay là cá nhân sáng tạo trong sự kết hợp với một tập hợp các tác giả mà tác phẩm có liên đới?

Dưới nhãn quan của nền kinh tế quà tặng – dạng thức cổ sơ của nền kinh tế, tác phẩm được sáng tạo ra không chỉ bởi một tác giả mà sự sáng tạo ấy là quá trình tạo tác và thừa hưởng miễn phí từ những thành tựu khác trong quá khứ. Nhưng điều ấy không đồng nghĩa với sự phủ nhận vai trò tác giả của cá nhân sáng tác và tước bỏ mọi quyền lợi kinh tế của tác giả, thay vì đó, tạo ra một tâm thức mới để đưa tác phẩm ra thị trường: sáng tác và công bố tác phẩm với tinh thần quà tặng. Tác phẩm “Kinh tế học thiêng liêng” (NXB Đà Nẵng, 2021) của tác giả Charles Eisenstein lập luận:

“Bằng những kỹ năng của mình, tất cả chúng ta đôi khi đều có thể tạo ra những thứ to lớn hơn bản thân mình. Một thứ gì đó hiện thân qua chúng ta, sử dụng ta như một công cụ cho sự hiện diện ở trên đời. Bạn có thể nhận ra rằng khái niệm trả thù lao, bồi thường là rất xa vời với hình thức lao động này không? Bạn có cảm thấy bị sỉ nhục khi bán đi một tác phẩm thiêng liêng không? Dù bán giá bao nhiêu thì bạn cũng đã hạ thấp giá trị của mình, và bạn đã làm giảm giá trị của nguồn gốc xuất phát món quà đó.”


Cuốn sách “Kinh tế học thiêng liêng” của Charles Eisenstein: Kinh tế học thiêng liêng của Charles Eisenstein


Đồng thời, “Kinh tế học thiêng liêng” còn đề xuất coi tác phẩm như một món quà gửi tặng thế giới thay vì như một tài sản sở hữu, và thay thế cách thức định giá và bán tác phẩm bằng sự tưởng thưởng tùy tâm từ độc giả.

Tư tưởng mà Lawrence Lessig, Lawrence Liang và Charles Eisenstein đề xướng đã chạm đến sự trăn trở về số phận của tác phẩm mà nhiều tác giả đương đại quan tâm. Thay vì ủy thác bản quyền cho các đơn vị xuất bản, các tác giả chọn lựa hình thức xuất bản mở thông qua tổ chức Creative Commons (do chính Lawrence Lessig sáng lập) – một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế vừa đảm bảo tác quyền của tác giả, vừa cho phép cộng đồng được tiếp cận và chia sẻ phi thương mại. Nhiều tác giả, trong đó có Charles Eisenstein chọn cách đăng tải và cho phép dịch không thu phí các tác phẩm của mình đồng thời kêu gọi sự ủng hộ tùy tâm từ độc giả, đúng như những gì ông đã đề xướng trong tác phẩm “Kinh tế học thiêng liêng” của mình.

Coi tác phẩm như một tài sản hay một món quà, suy cho cùng, không phụ thuộc vào quyết định của đơn vị xuất bản hay độc giả, mà phụ thuộc vào nhận thức của tác giả, và nhận thức ấy lại ảnh hưởng tới chất lượng của quá trình sáng tạo. Tác phẩm như một tài sản có thể mang tới lợi ích kinh tế trước mắt cho tác giả, nhưng không mang tới các độc giả thực sự trân trọng tác phẩm. Ngược lại, khi một tác phẩm được tạo ra với toàn bộ tâm huyết của tác giả, thì tác phẩm ấy vô giá, và bất kể doanh thu là nhiều hay ít, thì tác phẩm đã đạt đến sự vĩ đại.

Hà Thủy Nguyên

(Bài đã đăng trên báo An ninh thế giới giữa &cuối tháng)

Nguồn:Book Hunter
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Không chỉ có một loại quyền tác giả

    08/08/2018Lê Trung NghĩaCó thể với rất nhiều hoặc hầu hết mọi người, chỉ có duy nhất một chế độ quyền tác giả. Ngày nay, nhận thức về chỉ có một chế độ quyền tác giả duy nhất đó không còn đúng nữa!
  • Bản quyền trên mạng cần cách hiểu mới?

    12/04/2014Đức AnhBản quyền vốn vẫn được coi là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ lợi nhuận cho mô hình kinh doanh các sản phẩm có khả năng sao chép...
  • Bản quyền - khái niệm đã chết?!

    24/09/2008Bản quyền vốn vẫn được coi là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ lợi nhuận cho mô hình kinh doanh các sản phẩm có khả năng sao chép. Nhưng trong thế giới Internet, mọi chuyện giờ đây đang thay đổi. Một khái niệm lỗi thời?
  • Thường thức về quyền tác giả

    03/01/2007Thượng ThuậnCuốn sách thường thức về vấn đề Quyền tác giả trên thế giới và Việt Nam
  • Sáng tạo văn học nghệ thuật và quyền tác giả ở Việt Nam

    03/01/2007TS. Vũ Mạnh ChuĐọc toàn bộ tác phẩm, các bạn sẽ có được cái nhìn khái quát về lịch sử hình thành, thực trạng tình hình và tương lai của quyền tác giả ở Việt Nam. Hoạt động sáng tạo và các khía cạnh văn hoá, nghệ thuật, pháp luật, tổ chức bộ máy thực thi và hội nhập quốc tế về quyền tác giả, đã được đề cập khái quát...
  • Loay hoay chuyện bản quyền tác giả

    28/12/2006Sau hai năm, kể từ ngày Việt Nam ký kết Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật 10/2004, việc bảo quyền tác giả vẫn còn gặp khá nhiều rắc rối. Điển hình là hai vụ gần đây nhất (năm 2005) bị đưa ra tòa vì vi phạm bản quyền tác giả. Đó là hai cuốn sách Doanh nhân thành đạt và bài học kinh nghiệm thương trường, Văn bản Truyện Kiều – Nghiên cứu và khảo luận....
  • Để hiểu thêm về phần mềm, mã nguồn mở

    06/12/2004Những ngày qua dư luận, trong nước đặc biệt “nóng lên” với tin sản phẩm iCMS của VinaComm "chỉ là sản phẩm copy đi thi đoạt giải TTVN 2003”. Mặc dù đã có rất nhiều chứng cứ được đưa ra nhưng thông tin của các “phe” không chỉ rất khác nhau mà còn nhiều khi là hoàn toàn đối lập. Để các độc giả không phải người trong ngành có thể có một cái nhìn sâu sắc hơn về sự việc , trong bài viết trích dẫn này bạn sẽ nhận được 1 cách nhìn tòan diện về bản chất của một sản phầm phần mềm cũng như giải thích các khái niệm được đề cập đến nhiều nhất như “mã nguồn mở” hay GPL và qua đó đính chính một số cách nhìn thiếu chuẩn xác hay còn phiến diện...
  • xem toàn bộ