Không chỉ có một loại quyền tác giả
Có thể với rất nhiều hoặc hầu hết mọi người, chỉ có duy nhất một chế độ quyền tác giả, và với chế độ đó, tác giả của tác phẩm được giữ lại tất cả các quyền bản quyền (bao gồm tất cả các quyền nhân thân và các quyền tài sản của tác giả) hoặc chuyển toàn bộ quyền tài sản sang nhà xuất bản thông qua việc tác giả ký thỏa thuận chuyển giao bản quyền - CTA (Copyright Transfer Agreement) cho nhà xuất bản để đổi lại việc đăng tác phẩm đó trên tạp chí tác giả lựa chọn và nhận tiền nhuận bút trong một lần duy nhất từ nhà xuất bản đó. Ngày nay, nhận thức về chỉ có một chế độ quyền tác giả duy nhất đó không còn đúng nữa!
A. Các chế độ quyền tác giả
Tài liệu ‘Giới thiệu truy cập mở1’ của UNESCO xuất bản năm 2015 đưa ra 3 chế độ quyền tác giả (Author Rights Regimes2) khác nhau với những giải thích như sau:
“Có 2 lựa chọn thay thế cho chế độ bản quyền - Copyright để vừa bảo vệ các quyền của tác giả vừa bảo vệ quyền tự do của những người sử dụng để sử dụng, sử dụng lại, chia sẻ, phân phối và sửa đổi tác phẩm gốc ban đầu. Đó là Copyleft và các giấy phép Creative Commons”
Hình 1: Các chế độ quyền tác giả.
Copyleft
Copyleft là phương pháp chung làm cho tác phẩm sáng tạo có thể được cộng đồng sửa đổi một cách tự do, và yêu cầu tất cả các phiên bản được sửa đổi và mở rộng từ tác phẩm sáng tạo đó cũng phải tự do như vậy. Những người tin tưởng vào phong trào Copyleft đấu tranh để đưa ra lựa chọn thay thế cho chế độ hà khắc hiện hành về kiểm soát sở hữu trí tuệ.
Phong trào này đưa ra khẩu hiệu châm biếm của mình “Bảo vệ những gì sai trái - All wrongs reserved”. (Chế nhạo cụm từ “All rights reserved”, ý nói rằng phong trào này bảo vệ cho tất cả những gì sai trái, theo quan điểm sở hữu trí tuệ hẹp hòi trước đó). Nó được đánh dấu bằng Giấy phép Công cộng chung GNU – GPL (GNU General Public License) của dự án GNU, được Quỹ Phần mềm Tự do – FSF (Free Software Foundation) hỗ trợ, tuân theo các nguyên tắc của Copyleft, về sau trở thành đặc tính của nhiều giấy phép của phần mềm nguồn mở - OSS (Open Source Software).”
Creative Commons - Những cái chung có tính sáng tạo
Trong khi các giấy phép Copyleft, GNU-GPL và OPL3 chủ yếu cung cấp cho các mục đích của phần mềm máy tính và các tài liệu kỹ thuật, thì các giấy phép Creative Commons (CC) được ưu tiên trong giới hàn lâm cũng như trong truyền thông nghe - nhìn có tính sáng tạo. Creative Commons, được khởi xướng vào năm 2001 như một tổ chức phi lợi nhuận, là kết quả của các phong trào cộng đồng lớn hơn so với copyleft, bao trùm các khái niệm về quyền tự do của việc chia sẻ, sử dụng lại và sửa đổi các nội dung hàn lâm và nghệ thuật để tái tạo và tối ưu hóa việc sử dụng tri thức. Creative Commons trong môi trường học thuật trở thành những cái chung của khoa học (Science Commons) đảm bảo truy cập mở tới tư liệu và dữ liệu nghiên cứu. Giấy phép tự do nhất là CC BY, nơi mà những người sử dụng có thể sao chép, phân phối, hiển thị, thực thi và pha trộn tác phẩm của tác giả nếu họ thừa nhận ghi công cho tác giả như được tác giả yêu cầu. Giấy phép hạn chế nhất là CC BY-NC-ND, nơi mà những người sử dụng có thể sao chép, phân phối, hiển thị, và thực thi các bản sao y hệt tác phẩm của tác giả nhưng chỉ không cho các mục đích thương mại.”
Hình 2: Sử dụng các giấy phép GPL trong các dự án PMNM.
B. Ví dụ áp dụng các chế độ bản quyền copyleft và creative commons
B1. Các phần mềm với họ các giấy phép Copyleft
Theo bảng tổng hợp trên trang Giấy phép Công cộng Chung GNU - GPL (GNU General Public License4) - giấy phép điển hình nhất của chế độ bản quyền Copyleft, dựa vào số liệu thống kê của BlackDuck5, hãng chuyên nghiên cứu và phát triển nguồn mở, tới tháng 2/2017, trong số hơn 2 triệu dự án phần mềm nguồn mở (PMNM) từ hơn 9.000 kho trên toàn thế giới, các giấy phép copyleft (bao gồm các giấy phép như GPLv2, GPLv3, LGPL 2.1, LGPL 3.0) chiếm tới 33%, nghĩa là khoảng 700.000 dự án.
Thông thường, mỗi dự án PMNM phát triển một PMNM cụ thể. Một PMNM mang bất kỳ giấy phép nào trong họ các giấy phép copyleft cũng đều trao cho người sử dụng PMNM đó các quyền tự do cơ bản sau đây:
1. Tự do sử dụng vì bất kỳ mục đích gì.
2. Tự do phân phối cho bất kỳ ai.
3. Tự do sửa đổi để phục vụ cho mục đích cá nhân của bạn (để làm được điều này, bạn cần có mã nguồn, hay nói cách khác, mã nguồn cần phải được mở trên Internet để bất kỳ ai cũng có thể tải nó về được).
4. Tự do phân phối phần mềm sau khi bạn đã sửa đổi (chương trình phái sinh dựa vào chương trình gốc ban đầu) cho bất kỳ ai, vì bất kỳ mục đích gì.
Cần phải nhấn mạnh ở đây rằng đối với một tài nguyên MỞ, điều quan trọng bậc nhất là người sử dụng PHẢI có quyền để tùy biến sửa đổi tài nguyên đó, chứ không chỉ đơn giản là không mất tiền để có nó!
Hình 4: 65% trong số 1 tỷ 200 triệu tài nguyên có các giấy phép của “Văn hóa tự do”.
Hình 4: 65% trong số 1 tỷ 200 triệu tài nguyên có các giấy phép của “Văn hóa tự do”.
B2. Các tài nguyên được cấp phép mở và văn hóa tự do với các giấy phép Creative Commons (CC)
Hệ thống giấy phép mở Creative Commons ra đời vào năm 20016 và cho tới hết năm 2016 đã có hơn 1 tỷ 200 triệu tài nguyên được cấp phép mở Creative Commons7 trên thế giới. Hơn thế nữa, trong số hơn 1 tỷ 200 triệu tài nguyên đó, có 65% được cấp phép theo văn hóa tự do (gồm 2% các tài nguyên trong phạm vi công cộng, 6% được cấp phép CC0, 20% được cấp phép CC BY và 37% được cấp phép CC BY-SA), nghĩa là khoảng 780 triệu tài nguyên từng người trong số hơn 90 triệu người dân Việt Nam có khả năng để sử dụng, sử dụng lại, phân phối, phân phối lại hoặc tùy biến sửa đổi chúng mà không vi phạm bản quyền của bất kỳ ai trên thế giới, thậm chí còn được tự do sử dụng chúng cho các mục đích thương mại, miễn là: (1) thừa nhận ghi công (các) tác giả đúng như họ yêu cầu và/hoặc (2) chia sẻ tương tự (các tác phẩm sau khi tùy biến sửa đổi phải mang giấy phép y hệt như các tác phẩm gốc ban đầu).
Cần phải nhấn mạnh ở đây rằng đối với một tài nguyên MỞ, điều quan trọng bậc nhất là người sử dụng PHẢI có quyền để tùy biến sửa đổi tài nguyên đó, chứ không chỉ đơn giản và tối thiểu là không mất tiền để có được tài nguyên đó!
Cũng theo tổ chức Creative Commons, tới hết năm 2017, con số các tài nguyên được cấp phép mở trên thế giới đã là hơn 1 tỷ 471 triệu8.
Hình 5: Mức độ tự do của các giấy phép CC9.
Các tài nguyên được cấp phép mở theo văn hóa tự do - các tài nguyên nằm trong phạm vi công cộng - PD (Public Domain) hoặc được cấp các giấy phép CC0, CC BY hoặc CC BY-SA là các tài nguyên có khả năng được sử dụng cho các mục đích thương mại (Commercial) - các tài nguyên có các giấy phép nằm ở ô trên cùng của Hình 5. Đây cũng chính là vùng (các) tài nguyên dữ liệu được cấp phép mở để trở thành dữ liệu mở!
C. Tác phẩm nguồn mở là không có bản quyền và các quyền tác giả?
Bạn có thể đã từng tham dự các cuộc hội nghị hay hội thảo về sở hữu trí tuệ và có thể đã từng nghe các ‘chuyên gia về sở hữu trí tuệ’ giải thích khi có ai đó nêu về các tác phẩm sáng tạo của thế giới NGUỒN MỞ, rằng các tác phẩm sáng tạo của thế giới nguồn mở là các tác phẩm không có bản quyền, họ không quan tâm đến các tác phẩm mà
tác giả của chúng từ bỏ tất cả các quyền bản quyền. Nhưng thực tế có phải như vậy không?.
C1. Với các sản phẩm PMNM mang giấy phép copyleft
Trang các câu hỏi thường gặp về các giấy phép GNU9 có cặp câu hỏi và trả lời như sau:
Tôi muốn có sự thừa nhận đối với tác phẩm của tôi. Tôi muốn mọi người biết tôi đã viết những gì. Liệu tôi có thể vẫn có sự thừa nhận nếu tôi sử dụng giấy phép GPL hay không?
Bạn chắc chắn có được sự ghi nhận đối với tác phẩm. Một phần của việc phát hành chương trình mang giấy phép GPL là viết lưu ý bản quyền yêu cầu ghi tên của bạn (giả thiết bạn là người nắm giữ bản quyền). Giấy phép GPL đòi hỏi tất cả các bản sao cần phải gắn liền với những lưu ý bản quyền thích hợp.
Điều này ngụ ý rằng, khi bạn viết mã nguồn cho một chương trình mang giấy phép dạng copyleft như GPL của dự án GNU, bạn hoàn toàn có khả năng yêu cầu người sử dụng phải ghi nhận bạn là tác giả đoạn mã nguồn bạn đóng góp bằng cách viết lưu ý bản quyền thích hợp cho các dòng mã lệnh mà bạn viết, đồng thời bạn cũng hiểu rõ mình cần trao đủ cả bốn quyền tự do như đã nói ở trên của một giấy phép copyleft cho những người sử dụng chương trình.
C2. Với các sản phẩm PMNM mang giấy phép dễ dãi
Trong thế giới nguồn mở có một họ giấy phép phổ biến khác - họ các giấy phép dễ dãi (permissive) với tên gọi là ‘Phát tán phần mềm Berkeley’ – BSD10 (Berkeley Software Distribution).
Bạn cũng có thể thấy các giấy phép họ BSD cũng có các lưu ý giấy phép11 giống như của các giấy phép copyleft như ở trên, khi nó luôn có các trường như Bản quyền (Copyright ) để thể hiện bản quyền của lập trình viên, dù đây là họ các giấy phép dễ dãi, ngụ ý (các) lập trình viên có thể tùy biến thích nghi chương trình được cấp phép BSD rồi sau đó biến nó thành chương trình đóng hoặc mở là tùy theo ý muốn của chính (các) lập trình viên đó.
C3. Với các tài nguyên mở mang một trong các giấy phép Creative Commons
Tất cả 6 giấy phép tiêu chuẩn của hệ thống Creative Commons đều có yếu tố ghi nhận công lao của tác giả (Attribution, viết tắt bằng chữ BY và có hình người trong vòng tròn như trên Hình 5), có nghĩa là, khi bạn sử dụng bất kỳ tài nguyên nào được cấp một trong sáu giấy phép đó, bạn có nghĩa vụ phải thừa nhận công sức của các tác giả như họ mong muốn. Tác giả khi xuất bản tác phẩm của mình, thường hướng dẫn cho những người sử dụng cách để ghi công cho chính tác giả theo nguyên tắc tối thiểu được viết bằng 4 ký tự đầu bằng tiếng Anh là TASL12, có nghĩa là:
T – Title: Tiêu đề hay tên của tác phẩm
A – Author(s): (Các) tác giả
S - Source: Nguồn, thường là đường liên kết tới tác phẩm ở dạng số mà người sử dụng có thể tải về được; và
L - License: Giấy phép, thường đi cùng với đường liên kết tới giấy phép CC trên Internet.
Trường hợp tài nguyên mang giấy phép CC0 là trường hợp đặc biệt13, tương tương với việc không giữ lại quyền gì, khi tác giả từ bỏ tất cả các quyền đối với tác phẩm của mình và đặt tác phẩm vào phạm vi công cộng, sao cho những người khác có thể được tự do để sử dụng, sử dụng lại, tùy biến thích nghi, xây dựng dựa vào tác phẩm đó vì bất kỳ mục đích gì và không có bất kỳ hạn chế nào theo luật bản quyền. Người sử dụng thậm chí không cần phải thừa nhận ghi công cho tác giả khi sử dụng tác phẩm mang giấy phép CC0.
***
Không chỉ có một chế độ quyền tác giả ĐÓNG duy nhất, mà còn có các chế độ quyền tác giả MỞ như Copyleft và Creative Commons!
(Các) tác phẩm được cấp phép mở là có (các) tác giả, và vì thế có bản quyền và các quyền tác giả. Điều quan trọng là với các tác phẩm được cấp phép mở, (các) tác giả thường chỉ giữ lại một số quyền (Some Rights Reserved) cho bản thân mình và từ bỏ một số quyền bản quyền (chứ không từ bỏ tất cả, ngoại trừ khi tác giả sử dụng giấy phép đặc biệt CC0) để trao chúng cho những người sử dụng, điều khác biệt cơ bản với một tác phẩm của thế giới ĐÓNG khi thường đi với việc (các) tác giả giữ lại tất cả các quyền (All Rights Reserved).
Nếu luật sở hữu trí tuệ chỉ bảo vệ bản quyền và các quyền tác giả cho những ai đi theo con đường ĐÓNG với việc giữ lại tất cả các quyền cho tác giả, nhưng lại không bảo vệ cho những ai đi theo con đường MỞ khi chính tác giả có mong muốn chia sẻ và/hoặc từ bỏ một số quyền của mình cho những người sử dụng, thì diều đó thật không công bằng.
Đối với những tác giả lựa chọn đi theo con đường MỞ, quyền được tự do chia sẻ và quyền để từ bỏ một số quyền đối với các tác phẩm họ nắm giữ bản quyền cần phải được tôn trọng và cần phải được nêu rõ ràng rành mạch trong luật sở hữu trí tuệ và tất cả các văn bản pháp quy có liên quan tới luật đó.
-------
1https://www.dropbox.com/s/pieghb3m5r7hm5i/231920E-Vi-06082017.pdf?dl=0, trang 54-56
2 http://unesdoc.unesco.org/images/
3 Xem https://www.dropbox.com/s/ pieghb3m5r7hm5i/231920E-Vi-06082017.pdf?dl=0, trang 55-56 để biết chi tiết về Giấy phép Xuất bản Mở - OPL (Open Publication License)
4 https://en.wikipedia.org/wiki/GNU_ General_Public_License
5 https://www.blackducksoftware.com/ top-open-source-licenses
6 https://creativecommons.org/about/ history/
7 https://stateof.creativecommons.org/
8 https://en.wikipedia.org/wiki/Creative_ Commons_license
9 https://www.gnu.org/licenses/gpl-faq.en.html#IWantCredit
10 https://opensource.org/licenses/BSD-3-Clause
11 https://wiki.creativecommons.org/wiki/ Best_practices_for_attribution
12 https://creativecommons.org/share-your-work/public-domain/cc0/
13 https://creativecommons.org/licenses/ by/4.0/
Giấy phép nội dung bài viết: Creative Commons 4.0 Quốc tế
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015