Quan điểm của sinh viên về sống chung trước hôn nhân

04:04 CH @ Thứ Hai - 16 Tháng Ba, 2009

Trong vài thập niên gần đây, rất nhiều những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiện tượng liên quan đến tình dục của giới trẻ như “sống thử”, nạo thai, đang ngày càng phổ biến. Và điều đáng nói là cơn sốt “tình yêu” đó cũng đã ảnh hưởng tới giới sinh viên. Nên nhìn nhận vấn đề này thế nào? Đó chính là chủ đề nghiên cứu thu hút sự chú ý của nhóm các bạn sinh viên Khoa Kinh tế, ĐHQG TP HCM, gồm Hải Yến, Phương Hà, Ánh Hồng, Đan Thanh, và Lệ Thủy.

Dựa trên những nghiên cứu xã hội học và tâm lý học, các bạn đã phân chia các yếu tố chi phối ý muốn có quan hệ tình dục trong sinh viên thành hai nhóm chính sau: Thứ nhất là giáo dục và nhận thức. Điều này bao gồm các yếu tố chính như quan điểm cá nhân về tình dục trước hôn nhân và sự quan tâm của gia đình. Và thứ hai là điều kiện cá nhân. Bao gồm các điểm chính như hoàn cảnh kinh tế, điều kiện nhà ở, quan hệ yêu đương, giới tính, và nỗ lực học tập.

Đối với nhóm nhân tố thứ nhất, nổi lên rõ rệt nhất là nhận thức hay quan điểm của sinh viên về vấn đề sống chung và quan hệ tình dục trước hôn nhân. Trong xã hội Việt nam, khi mà việc cha mẹ chỉ bảo con cái về quan hệ yêu đương, và việc giảng dạy trên học đường về hôn nhân, gia đình, còn có phần nào hạn chế, thì giới trẻ tự trang bị cho mình kiến thức về lĩnh vực đó qua nghe nhạc, đọc tiểu thuyết, xem phim ảnh, tạp chí về yêu đương và gia đình, và cả các trang web về tình dục. Và cũng như ở mọi xã hội, quan điểm của giới trẻ chia thành 3 cấp độ: cho rằng đó là việc không nên làm, bình thường – không phê phán, cũng không hùa theo, và cuối cùng là có cái nhìn thoáng. Ngay ở điểm cuối cùng này cũng phức tạp hơn chúng ta nghĩ. Cái nhìn thoáng có thể là do bạn trẻ tò mò, hoặc thả mình theo kiểu thích “sống thử”, để sau này khỏi phải bị nhầm khi sống thật. Cũng có thể xuất phát từ sự nhận thức khá chín chắn. Chẳng hạn như một số sinh viên cho rằng, “sống chung là một cách thử nghiệm hội nhập vợ chồng, là sự trải nghiệm và học cách hòa nhập trong các mối quan hệ của nhau, cùng quyết định chi tiêu, cùng nhượng bộ chấp nhận lẫn nhau và bày tỏ mong muốn của mình, quan hệ tình dục, vân vân, khi mà trinh tiết người con gái không phải là cái gì giữ ngọc gìn vàng" [theo tamlyhoc.net]. Thật sự, nếu với ý nghĩa như thế thì "sống thử" không hẳn là đáng chê trách mà còn có các khía cạnh tốt. Và tình dục ở đây chỉ là một điểm, dù là rất quan trọng, nhưng không phải là tất cả của việc sống thử. Điều này càng có ý nghĩa hơn, nếu ta nhìn nhận được rằng đó là một hành động có ý thức, bao hàm cả việc giữ gìn cái vô giá của tình yêu - sự hy sinh, và sự tự chủ bản thân, chứ không phải là một sự thỏa mãn, lợi dụng nhau về xác thịt hay tiền bạc.

Như vậy, cái nhìn thoáng trong quan hệ chung sống trước hôn nhân có hai khía cạnh đối lập, tương phản nhau, và có thể dẫn đến những hệ quả rất khác nhau. Điều đó khiến cho quan niệm xã hội về sống chung hay tình dục trước hôn nhân bị giao động theo kiểu con lắc giữa ủng hộ và phản đối. Cũng chính vì vậy, ảnh hưởng của gia đình tới hành vi tình dục của giới trẻ là khá phức tạp.

Số đông cho rằng, sự quan tâm sâu sắc của gia đình sẽ làm giảm khả năng con cái tới tuổi trưởng thành muốn có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Dựa trên kết quả điều tra 110 bạn sinh viên của các trường đại học KHXH-NV, Bách khoa, Nông- Lâm, Sư phạm kỹ thuật, TDTT, và Khoa Kinh tế- ĐHQG tại Thủ đức, nhóm sinh viên tiến hành nghiên cứu về đề tài này đã đi đến một kết luận ngược lại. Kết quả phân tích của họ cho thấy quan niệm về tình dục, và sự quan tâm của gia đình đều ảnh hưởng một cách rất có ý nghĩa tới quyết định “sống thử” của sinh viên. Tuy nhiên, họ lại phát hiện ra rằng, gia đình càng quan tâm, thì khả năng người sinh viên chọn việc “sống thử” càng cao. Dĩ nhiên, để có được kết quả tin cậy về mặt thống kê, số mẫu điều tra có thể phải lớn gấp mười lần, khoảng 1000 mẫu. Nhưng khám phá này hết sức phù hợp với phân tích tâm lý học nêu trên. Nếu sự quan tâm của gia đình là một sự o ép, giáo điều, thì có thể kích thích tâm lý nổi loạn của người sinh viên khi vượt ra khỏi vòng cương tỏa của gia đình, thậm chí dẫn đến sự buông thả. Ngược lại, nếu sự quan tâm đó là việc hướng đích, tạo sự tự tin, và tôn trọng quyền suy xét lựa chọn của con cái, thì điều đó khiến cho người sinh viên có cái nhìn đúng hơn, và dám tự quyết định, tự trải nghiệm hơn với người mà họ thật sự yêu đương và muốn gắn bó. Cả hai thái cực này, về mặt xác suất, đều làm tăng khả năng người sinh viên chọn sống chung trước hôn nhân.

Nhóm yếu tố thứ hai là điều kiện cá nhân. Trong đó, yếu tố thường hay được nói đến nhất là điều kiện kinh tế. Nghiên cứu của nhóm sinh viên nêu trên đã chỉ ra rằng, phí tổn sống ở đô thị, bao hàm cả chi phí sinh hoạt và tiền thuê nhà trọ, chi phối khả năng sinh viên chọn sống chung với bạn tình. Nếu xét riêng rẽ, điều này có thể dẫn đến nhận định rằng, việc sinh viên sống chung là nhằm giảm phí tổn sống. Vì vậy, nhiều phân tích tương tự đã vội kết luận rằng, động cơ kinh tế dẫn đến quan hệ tình dục trong sinh viên, hơn là vì một tình cảm lâu bền. Nghiên cứu của nhóm sinh viên cho thấy kết luận ngược hẳn lại. Cụ thể là họ phát hiện rằng, sự chi phối về kinh tế nhường bước cho quan hệ yêu đương, và những cân nhắc về các hệ quả có thể xẩy ra do việc sống chung mang lại.

Điều ai cũng biết là ở Việt Nam, khi một cặp đang yêu đương bị xẩy ra những việc đáng tiếc như có thai ngoài mong muốn, thì phản ứng của gia đình và xã hội đối với người phụ nữ thường là nặng nề hơn. Và nếu quan hệ có sự trục trặc xẩy ra, thì người phụ nữ cũng thường phải gánh hậu quả lớn hơn. Nếu quan hệ tình dục là hệ quả của những suy xét thiếu chín chắn, vị kỷ, hoặc thậm chí trục lợi, thì rõ ràng những tình huống kiếu này thường ít được tính đến trong quyết định của hai người tham dự vào quan hệ. Và vì vậy những hậu quả đó lại thường hay xẩy ra. Ngược lại, nếu đó là quyết định được suy xét bởi những người hiểu rõ trách nhiệm về việc mình làm, thì gánh nặng rủi ro của người phụ nữ, nếu kết cục xấu thực sự xẩy ra, phải được cả hai cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định “sống thử”. Vì vậy, việc có hay không tiếng nói của người phụ nữ trong quyết định về “sống thử” có thể được xem như một tín hiệu cho thấy quan hệ đó đang đi theo chiều hướng nào, tích cực hay tiêu cực.

Nghiên cứu của nhóm sinh viên từ việc điều tra 110 bạn ở Thủ đức trên đã chỉ ra rằng, việc quyết định có sống chung hay không, không phải bị chi phối chủ yếu bởi lý do kinh tế, hay bởi đòi hỏi của phái mạnh như nhiều người nghĩ, mà chủ yếu là do sự chấp thuận hay không của người phụ nữ trẻ về việc người nam giới về sống chung với mình.

Nghiên cứu cũng cho thấy, trong nhiều trường hợp, sống chung là hệ quả của tình yêu hơn là một sự tò mò đơn thuần. Hơn nữa, ý nguyện muốn thành công trong học tập và cuộc sống làm chậm lại khả năng những cặp sinh viên đang yêu đương đó muốn đi đến sống thử. Như thông lệ, những suy xét này được cân bằng với tính toán về phí tổn sống, mà nó có thể thúc đẩy mạnh hơn ý nguyện các cặp sinh viên tìm cách sống chung để chia sẻ trách nhiệm. Nếu nhìn nhận như vậy, thì tình dục chỉ là một trong rất nhiều khía cạnh của “sống chung” trước hôn nhân. Và việc chọn sống chung trong sinh viên có thể có nhiều khả năng là đang đi theo giác độ tích cực hơn là tiêu cực. Điều này không có nghĩa là một sự buông mặc. Ngược lại, nghiên cứu chỉ ra rằng cơ hội cho những trao đổi cởi mở và công khai về tình yêu hôn nhân, và giáo dục về an toàn tình dục đang trở nên hết sức cấp thiết tại các trường đại học.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?

    21/10/2003Trương HiệuCuộc điều tra về giáo dục học tại TP.HCM mới đây đã cho thấy thực trạng: 60% sinh viên sống khép mình, ít tham gia hoạt động xã hội; 10% sinh viên hướng vào vui chơi, hưởng thụ và chỉ có 30% sinh viên say mê học tập...
  • Vấn đề về các Giá trị Xã hội

    13/11/2008SorosTrong chương này tôi sẽ khảo sát vấn đề về các giá trị xã hội sâu hơn. Điều này sẽ đặt nền móng cho xem xét phê phán hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu như nó thịnh hành ngày nay...