Phong cách chân giò
Với phong cách có vẻ như tràn trề mùi vị thực phẩm và phảng phất hoạt động của chăn nuôi nhưng lại là một thói quen sống hàng ngày mà chúng ta không muốn nói ra hoặc tế nhị, hoặc vì quá đỗi bình thường như nhân gian ve vẻ vè ve rằng: Có đi có lại mới toại lòng nhau.
Đây là một tổ hợp từ bao hàm đủ tính chất, nội dung và kết quả của một quá trình trao đổi chất (theo lý giải sinh học), một phép cân bằng phương trình (theo cách hiểu toán học), một diễn giảng luật nhân quả (theo phạm trù triết học) hay một tất yếu của xu thế xã hội thị trường là vật chất hóa mọi ý muốn. Nói vậy dường như hơi ngoa ngôn, vì làm sao người ta có thể đem tình yêu ra đóng khuôn hoa văn như bánh dẻo bán ngày rằm, gói ghém cảm xúc vuông như bánh chưng ngày Tết hoặc thò ra cái lòng tham thiếu đáy đặt lên mâm quả dâng lễ cầu khấn nhỉ? Chẻ hoe ra, nếu chịu khó chu du thiên hạ để học rằng mình sẽ thấy chẳng chóng thì chầy, không sớm thì muộn, dù tham hay liêm thì người ta vẫn vô cùng quan tâm đến cái chân giò theo cả nghĩa đen lan nghĩa bóng. Cũng có nhiều cách diễn tả phong cách sống này như: Tiền trao cháo múc, bóc bánh trả tiền, tay hàng tay tiền, cuối cùng thành ngữ ông đưa chân giò bà thò chai rượu vẫn đúng hầu hết với những toan tính trông giỏ bỏ thóc. có lợi mới làm.
Cách nói chung chung lý thuyết như vậy, nhưng thể thức trao đổi chân giò và chai rượu không giống nhau về mức độ, cường độ, thời gian, giá trị và kết quả. Có thể đưa chân giò lấy rượu ngay, cũng có thể tính sổ dần dần nhận thầu sau; có khi trao đổi sòng phẳng công khai mà cũng có khi lẳng lặng mà làm rồi ai cũng hiểu; có lúc xong việc kết thúc luôn quan hệ nhưng có lúc dây dưa với nhau cả cuộc đời. Chuyện nước láng giềng Trung Hoa nói riêng trong lịch sử về người lái buôn Lã Bất Vi trở thành Trọng Phụ của Tần Thủy Hoàng Đế. Ấy là do nhớ lời cha dạy buôn vua là lãi vô hạn, ông ta đã cưu mang công tử nước Tần là Tử Sở, lại biếu cả thiếp yêu của mình là Triệu Cơ đang mang thai, rồi bỏ tiền ra giúp cho Tử Sở thành Thế tử. Khi Tử Sở lên ngôi thì ông lái buôn thành Tể tướng. Sau khi Tử Sở mất, Doanh Chính lên nối ngôi (chính là con của Lã Bất Vi) phong ông ta là Tướng quốc điều hành triều chính. Thế là ông ta không những được thiên hạ trong một thời gian dài mà còn thu lại cả thiếp yêu nữa! Đó là cách vỗ béo lợn lấy chân giò đôi rượu. Sử nước ta cũng chép rằng, sau khi thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3, Thượng hoàng Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con rồi ngao du khắp nơi, sang cả Chiêm Thành xem múa hát và tại đây đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Để đổi lại, vua Chiêm sẽ cắt hai châu Ô, Lý cho Đại Việt làm sính lễ (vùng đất từ Quảng Bình đến Huế bây giờ). Nhưng sau khi cưới một năm, Chế Mân chết, để tránh cho em gái phải lên giàn hỏa thiêu theo tục lệ Chiêm Thành, vua Anh Tông sai tướng Trần Khắc Chung muộn cớ sang dự điếu tang để cứu Huyền Trân về nước. Người an toàn mà đất vẫn thuộc nhà Trần là vì mọi chuyện đổi chác đã đứt đuôi con nòng nọc rồi! Thật là chuỗi sự kiện điển hình. Những ví dụ như thế xem ra rất nhiều, nhưng liên quan không sát sườn đến cuộc sống của hầu hết chúng ta. Hãy để ý những việc đơn giản trong đời sống xã hội được coi là hiện tượng trao đổi nhưng bản chất lại vô tư, lấy quan điểm nhân văn làm trọng như hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau, sáng nay bà mang biếu tôi bát xôi gấc, sáng mai tôi biếu bà dăm củ khoai mật; trong giờ ra chơi ở sân trường, chúng mình chia nhau trao đổi quà: ấy đưa tớ cái kẹo bột, tớ bẻ cho ấy một nửa cái bánh đa; thời bao cấp ai cũng cặp kè chiếc cặp lồng cơm, buổi trưa ngồi túm tụm ăn chung, chị xắn cho cậu nửa quả trứng luộc, cậu sẽ cho chị mấy miếng củ cải kho thịt… Thế rồi đến những chuyện nợ đồng lần không thành văn bản: ông A. cưới con trai mời bà B. ăn cỗ, bà B. cưới con gái cũng phải mời ông A. ra nhà hàng, nếu không thế thì chẳng có mặt mũi nào nhìn nhau, đó là nợ miệng! Ở cơ quan công sở, anh C. mới mua xe máy phải rửa xe bằng bia, ông D. xây xong nhà phải tổ chức tiệc tân gia, chị E. con đi du học, chồng đi nước ngoài, được đề bạt cũng khao tất, thậm chí lên lương được mấy chục ngàn cũng phải chi mấy tháng lương để nâng lên đặt xuống! Sao lại thế, tại tâm lý chung là người ta khao mình mà mình không khao lại thì mang tiếng chết! Thế là phong cách có đi có lại ấy ăn sâu vào máu thịt, trở thành phong cách sống của chúng ta và biến chúng thành tệ nạn. Mỗi một việc làm, mỗi một động thái đều nhuốm màu toan tính xem liệu mình có được lợi lộc gì không, mình chi ra sẽ thu được bao nhiêu?
Theo lệ phổ thông cứ đưa chân giò này, nhận lại chai rượu kia là xong việc, những thế thì không có gì để nói, cần ghi nhớ cả thủ thuật và cách thức trao đổi rất ấn tượng và khó đoán trước. Đó là mặc cả chân giò trước để lấy chai rượu nếu không đồng ý thì thôi (tôi sẽ bỏ phiếu cho ông vào ban này, còn ông phải bỏ phiếu ủng hộ tôi lên bệ kia, nếu nhất trí thì ta cùng làm). Trao chân giò phải đưa ngay chai rượu đúng hạn, không được chậm trễ (ngày tháng ấy, địa điểm này, đưa tươi thóc thật chừng đó, sẽ nhận được món đáng chừng này, không thì thôi). Treo cao chân giò để nhử chai rượu (tôi sẽ lo cho ông việc này từ A đến Z, còn ông phải suy nghĩ làm sao đền đáp công sức và thịnh tình giúp đỡ của tôi. Sử dụng chân giò của người khác để đổi lấy rượu rồi đợi dịp sẽ thu hoạch cả chân giò và rượu ngon lành (tôi sẽ đưa cháu anh vào cơ quan bạn thân tôi và anh sẽ nhận con bạn tôi vào chỗ anh, sau này có việc cả hai người nhớ giúp tôi đấy). Bán chân giò giả lấy tiền thật (bằng cấp đào tạo ngành này, trường này từng ấy năm sẽ đáng giá từng này, thù lao thế này nhưng mua rồi mà bị phát hiện thì…). Tô vẽ bức tranh chân giò cho thật lộng lẫy nhằm kích thích dịch vị tham rồi nhanh tay lấy tiền thật (chúc mừng chị, cô đã trúng số quay thưởng định kỳ của công ty X. Xin vui lòng nộp lệ phí thủ tục và đóng góp cho quỹ từ thiện! Tất nhiên, chưa thấy thưởng đã bị lừa mất tiền rồi). Xé nhỏ thịt chân giò, chế biến, tẩm ướp, nướng thơm lừng rồi đổi từng miếng lấy rượu (kiểu này gọi là mưa dầm thấm lâu, thi thoảng lại nhỏ giọt một vài cao kiến, hứa hẹn tương lai gần thế là nhiều người cùng phải lao vào đưa rượu ngon, đúng là lấy ít thu nhiều…
Con người ta tồn tại và sống trong xã hội một cách biện chứng chính là dựa trên cơ sở tổng hòa các mối quan hệ mà chúng ta xây dựng được từ đó, việc cho - nhận là sợi dây vô hình liên kết chúng ta với cộng đồng và mỗi chúng ta phải chấp nhận những hệ quả mà những mối quan hệ này mang lại. Nhưng điều đó không đồng nghĩa hoặc bắt buộc phải tuân theo quy tắc tự hiểu để rồi trở thành phản xạ nếu đã cho cái này phải được nhận lại cái kia để cân bằng như trọng lượng hai quả gang trên đã cân. Như thế khác nào khẳng định một phong cách chân giò tính toán quá sòng phẳng và lạnh lùng. Không phải cái cho nào cũng đáng nhận và không phải ai cho cũng nhận; càng không phải mọi cái cho đi đều nhận lại được và không nhận thì thiệt thòi. Về điểm này, Thuyết Uyển nhận định: Quân tử khi lấy gì thì xem người cho, đáng lấy mới lấy; khi cho gì thì ai cũng cho, không cần phải chọn. Lã Khôn cũng bàn rằng: Thấy lợi xông vào, thấy hại lùi lại; hay vơ vào mình, đùn dở cho người đó là thói thường của kẻ tiểu nhân vậy. Dưng mà mọi so sánh chưa bao giờ ngừng khập khiễng, tuy người xưa vẫn dạy: Làm việc nghĩa chớ tính lợi hại, luận anh hùng bất kể thắng thua, nhưng hầu hết chúng ta đâu quan tâm đến danh hiệu vì anh hùng có được gì đâu, chỉ cần mưu lợi hại để thò thụt được mất, thế mới cạn nghĩa tuyệt tình!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn