Những điều nên tránh trong doanh nghiệp

12:46 SA @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

Biết  người  biết  ta, trăm  trận  không  nguy
Không  biết  người  chỉ  biết  ta, có  thể  thắng  có  thể  thua
Không  biết  người  không  biết  ta,  hễ  đánh  là  thua   (Tôn Tử)

Với tinh thần:

  • luôn suy nghĩ hoàn thiện chất lượng công việc; 
  • học hỏi sử dụng kinh nghiệm để đạt kết quả tốt hơn;
  • suy nghiệm và khắc phục những điểm yếu, sai lầm của mình;
  • suy nghĩ trước khi hành động, trong khi hành động và sau khi hành động để biết được điều gì giúp mình thành công hơn, những gì gây ra sự lụi bại.

Chúng tôi viết ra những điều dưới đây để các bạn xem xét, áp dụng đầy đủ và cẩn thận, chắc chắn sẽ giảm hẳn các nguy cơ thất bại tiềm ẩn.

Trước khi đi vào các vấn đề nhỏ hơn chúng ta cùng xem lại định nghĩa Doanh nghiệp là gì?

Doanh nghiệp là một tổ chức độc lập với chức năng chính là để:

  1. Quản lý: Tổ chức và phát triển đội ngũ nhân lực (nguồn lực con người)
  2. Tài chính: Sử dụng tài chính và với mục tiêu phát triển nguồn lực vật chất
  3. Sản xuất: Sản xuất hàng hoá và dịch vụ
  4. Kinh doanh: Để bán trên thị trường

Trong 4 nhóm vấn đề then chốt nhất của doanh nghiệp, nhà quản lý doanh nghiệp nên biết sớm và có biện pháp tránh để xảy ra những tình trạng như sau:

1. Những vấn đề về Quản lý

1.1 Sử dụng quá nhiều nhân viên mà mỗi nhân viên không làm hết khả năng, năng lực, tạo gánh nặng về quản lý và tài chính cho doanh nghiệp
1.2 Không phát triển đổi ngũ thích nghi với sự biến động của thị trường, nhu cầu khách hàng, để công việc quá tải ở một vài người chủ chốt;
1.3 Thông tin trong doanh nghiệp bị nghẽn, không thông suốt, không làm cho nhân viên biết lo lắng với các vấn đề của doanh nghiệp. Phải có hệ thống thông tin nội bộ thông suốt và kín đáo bí mật với bên ngoài.
1.4 Chất lượng sản phẩm, chất lượng công việc, kế hoạch sản xuất, tính chất thành công, sự hài lòng của khách hàng được đánh giá cảm tính, không đo lường, định lượng rõ ràng, khách quan.
1.5 Không đánh giá chính xác công việc: năng suất, chất lượng của nhân viên dẫn đến khen thưởng không thoả đáng, không khuyến khích được cho nhân viên làm việc
1.6 Con người không có thời gian để trau dồi kiến thức và kỹ năng về kinh doanh, thị trường, công nghệ, tài chính, luật 
1.7 Quá tin vào người khác như nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên nên để xảy ra những điều đáng tiếc, không chủ động được; Đặc biệt trong nội bộ có nhân viên không đáng tin nhưng vẫn sử dụng
1.8 Không chịu suy nghĩ, hấp tấp làm luôn những việc không phải sở trường, không thuê tư vấn trong các quyết sách quan trọng. Thành công chỉ dành cho những người tránh được những cám dỗ làm theo cách làm dễ, phải mất thời gian và công sức hơn để tránh được mò mẫm càng nhiều càng tốt.
1.9 Quá chú ý đến sự sang trọng, tiện nghi gây lãng phí, chi phí lớn không cần thiết, lẽ ra phải dành cho mở rộng sản xuất, kinh doanh

2. Những vấn đề về tài chính

2.1. Đầu tư mới, chi tiêu quá nhiều lớn hơn số lợi nhuận làm. Cần phải sớm xác điểm hoà vốn và các chuẩn bị cần thiết cho 1 kế hoạch đầu tư mới, không được dàn trải.
2.2. Doanh nghiệp bị nợ nhiều hoặc thất bại do không biết từ chối  khách hàng, hoặc đánh giá không đúng, hiểu không đúng về khách hàng.
2.3. Để tồn kho quá lớn hoặc cho vay nợ quá nhiều ảnh hưởng đến tính chủ động tài chính. Chỉ nên cho vay nợ với những người tin cậy nhất.
2.4. Sớm hưởng thụ, xem nhẹ những thua lỗ ban đầu khi nó còn nhỏ; Dù thua lỗ hay lãi thì đều phải phân tích các nguyên nhân liên quan và dồn sức thúc đẩy chúng để sinh lãi lớn.
2.5. Chỉ chạy theo lợi nhuận, cứ lợi nhuận cao thì làm, còn hơi lỗ là vứt bỏ. Cần phải biết từ chối doanh số cao hoặc tạo dựng hiệu quả cao lâu dài.
2.6. Không lập quỹ dự phòng tài chính. Thông thường phải giữ chỉ số khả năng thanh toán tốt là lớn hơn 2.
2.7. Không lập kế hoạch tài chính, thực hiện nó và quản lý các khoản thu chi theo kế hoạch. 

3. Những vấn đề về Sản xuất

3.1. Không có sản phẩm hay dịch vụ có tính cạnh tranh. Muốn vậy phải nắm được và sản xuất dựa vào nhu cầu thị trường, chất lượng, giá thành và đối thủ kinh doanh; ngoài ra luôn kích thích tính sáng tạo trong sản xuất, dịch, không sớm hài lòng về sản phẩm của mình.
3.2. Không quy chuẩn dịch vụ, yêu cầu và năng suất sản xuất; Không kiểm soát chất lượng nội bộ dẫn đến vội vã đưa ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng. Cần có bộ phận kiểm soát chất lượng trong Quy trình sản xuất.
3.3. Tình trạng sản xuất quá tải trong khi lực lượng sản xuất lại mỏng. Cần chú ý mọi thành công là nằm ở chất lượng phục vụ, cần có bộ phận điều phối sản xuất liên thông giữa sản xuất và kinh doanh.
3.4. Rủi ro kỹ thuật gây thất thu kinh doanh. Cần phải có giải pháp dự phòng tránh các rủi ro sản xuất.

4. Những vấn đề về Kinh doanh

4.1. Tên doanh nghiệp sản phẩm không thân quen, quảng cáo nhàm chán, bắt chước, mờ nhạt trong thị trường
4.2. Luôn nghĩ rằng mình quá hiểu khách hàng và biết nên quảng cáo thế nào là đúng và tốt. Thực ra khách hàng luôn là khó hiểu. Qua cách khách hàng sử dụng sản phẩm quảng cáo mới có thể biết làm thế nào để quảng cáo tốt hơn.
4.3. Không biết lưu trữ danh sách, chăm sóc và khai thác các khách hàng cũ. Cần nhớ khi kinh doanh đã ổn định, đa số doanh số & lượng khách hàng mới đều bắt nguồn từ các khách hàng cũ.
4.4. Coi việc mình kinh doanh lâu năm nghĩa là sớm đến thành công & thoả mãn với điều đó. Thực ra cần luôn tỉnh táo để xác định mình nên  định hướng ở những vùng thị trường nào có tiềm năng, bán được nhiều hoặc có doanh số cao.
4.5. Giá cả cứng nhắc. Cần biết định giá linh hoạt để giữ khách và bí mật, táo bạo.
4.6. Không có người kinh doanh giỏi. Người kinh doanh giỏi có thể bằng cả 1 tổ bán hàng, vì thế cần phải thu phục được nhân tài và thêm bạn kinh doanh, bớt thù.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: