Sự thể hiện của nguyên tắc suy đoán vô tội trong chế định về xét xử
Ngay từ thời La mã cổ đại người ta đã khẳng định trách nhiệm chứng minh thuộc về bên tố cáo, thuộc bên khẳng định chứ không phải bên phủ định, những tư tưởng này chỉ được các quan toà áp dụng trong tố tụng dân sự. Đây được coi là cội nguồn của nguyên tắc suy đoán vô tội (presomtion of innonce) 1.
Tuy nhiên, chỉ đến khi cách mạng tư sản Pháp 1789 bùng nổ, tư tưởng này mới được mới được ghi nhận như là một nguyên tắc của pháp luật. Tuyên ngôn nhân quyền 1789 long trọng tuyên bố: Mọi người được coi là vô tội cho đến khi bị tuyên bố phạm tội. Nếu xét thấy cần thiết phải bắt giữ thì mọi sự cưỡng bức vượt quá mức cần thiết cho phép đều bị pháp luật xử lý nghiêm khắc2. Suy đoán vô tội đã đựợc luật hình sự của nhiều nhà nước coi là nguyên tắc của tố tụng hình sự, được đánh giá là thành tựu vĩ đại của văn minh pháp lý trong việc bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự. Hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm về nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội, nhưng theo chúng tôi suy đoán vô tội bao gồm những nội dung sau đây:
- Nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội, người bị tình nghi, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình.
- Mọi ghi ngờ về pháp luật và chứng cứ phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo.
Cũng giống như nhiều nguyên tắc khác của pháp luật, suy đoán vô tội chỉ trở thành nguyên tắc của luật tố tụng hình sự trong giai đoạn lịch sử nhất định, trong một kiểu Nhà nước nhất định. Trong một nhà nước mà quyền con người bị chà đạp, khi tôn giáo, thần quyền còn thống trị thì những tư tưởng văn minh và tiến bộ như suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự không có cơ hội thể hiện chứ chưa nói đến trở thành nguyên tắc pháp luật. Ngược lại, xã hội phát triển đến trình độ cao hơn, khi quyền con người được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ thì những tư tưởng pháp lý tiến bộ như suy đoán vô tội tất yếu sẽ được ghi nhận và bảo đảm thực hiện không chỉ trên phương diện lập pháp mà còn cả trên thực tế.
Chiến lược cải cách tư pháp trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền của dân do dân và vì dân đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đó có hệ thống pháp luật tố tụng hình sự cho phù hợp. Những tư tưởng, nguyên tắc pháp luật đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận như là giá trị to lớn của văn minh nhân loại phải được ghi nhận trong pháp luật tố tụng hình sự nước ta. Chính vì vậy có thể nói ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội là đòi hỏi tất yếu của luật tố tụng hình sự trong nhà nước pháp quyền.
Trước khi có Bộ luật TTHS 1989, trong các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, những nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội cũng được thừa nhận ở mức độ này hay mức độ khác. Điều 10, Điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện hành quy định: Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, bị can bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình. Những nội dung này được thể hiện xuyên suốt các quy định của BLTTHS Việt Nam trong đó có chế định xét xử.
2. Nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự
Nguyên tắc suy đoán vô tội (SĐVT) khẳng định: Người bị tình nghi, bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực của Toà án. Điều này cho thấy chỉ có Toà án mới có quyền tuyên bố một người có tội và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với họ. (BLTTHS) hiện hành đã dành hai phần (3 và 4) với 9 chương quy định về giai đoạn xét xử vụ án hình sự. Với tư cách là giai đoạn trung tâm của tố tụng hình sự, việc quy định trong pháp luật và thực tiễn thực hiện việc xét xử của Toà án phải thể hiện và tuân theo các nguyên tắc của tố tụng hình sự trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội.
Không chỉ khẳng định chỉ Toà án mới có quyền tuyên bố một người phạm một tội nào đó, nguyên tắc SĐVT trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự còn thể hiện quyền được xét xử công bằng của bất kỳ người bị buộc tội nào. Quyền được xét xử công bằng là một tiêu chuẩn của luật nhân quyền quốc tế nhằm bảo vệ cá nhân không bị lấy đi, tước đoạt một cách độc đoán những quyền tự do cơ bản. Điều 14 Công ước quốc tế về nhân quyền quy định: “Mọi người phải được hưởng sự xét xử công bằng và công khai của một Toà án có thẩm quyền, độc lập và không thiên vị do luật định”.3 Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ 1945 đến nay đã thể hiện việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong các quy định về hoạt động xét xử của Toà án. Thông tư số 2225 HCTP ngày 24/10/1956 của Bộ Tư pháp đã hướng dẫn: Không nên có định kiến rằng hễ người bị truy tố là nhất định có tội mà đối xử như với người có tội; bị can trước khi tuyên án được coi như vô tội để Toà án có thái độ hoàn toàn khách quan.4 Để đảm bảo việc khách quan, vô tư , không định kiến bị cáo có tội trước khi xét xử của Toà án , Thông số 16/TATC ngày 27/9/1974 của Toà án nhân dân tối cao đã đưa ra hướng dẫn có tính nguyên tắc trong hoạt động xét xử nói chung và xét hỏi tại phiên toà nói riêng như sau: “ Việc xét hỏi tại phiên toà nhằm trực tiếp và công khai thẩm tra lại các chứng cứ của vụ án. Do đó, Hội dồng xét xử phải xét hỏi một cách khách quan. Cần tránh tư tưởng quá tin vào hồ sơ mà coi nhẹ tác dụng của việc xét hỏi tại phiên toà hoặc cho rằng việc xét hỏi chỉ nhằm buộc tội bị can phải xác nhận những lời mà họ đã khai ở cơ quan điều tra”5. Như vậy, những nội dung của nguyên tắc SĐVT trong giai đoạn xét xử đã được thể hiện trong các văn bản hướng dẫn của cơ quan xét xử cao nhất. Tuy chưa trở thành nguyên tắc nhưng những tư tưởng này đã góp phần định hướng cho hoạt động xét xử của Toà án.
BLTTHS 1989 và 2003 đã đưa hai nội dụng của nguyên tắc SĐVT thành nguyên tắc cơ bản và nó được thể hiện trong những quy định về xét xử của Toà án như sau:
Trước hết, nguyên tắc SĐVT được thể hiện trong các quy định về thẩm quyền xét xử (Điều 170) về vụ việc. Theo đó, Toà án cấp tỉnh được xét xử những vụ án có tính chất mức độ nghiêm trọng cao hơn Toà án cấp huyện (thể hiện ở khung hình phạt mà bị cáo bị truy tố). Mục đích của việc phân định thẩm quyền này là đảm bảo cho việc xét xử được chính xác, tránh kết tội oan người vô tội bởi hậu quả của việc kết án oan trong những vụ án lớn là nghiêm trọng và khó khắc phục hậu quả hơn rất nhiều so với những vụ án nhỏ. Điểm đáng lưu ý là Điều 170 BLTTHS 2003 có sự sửa đổi về kỹ thuật lập pháp so với Điều 145 BLTTHS năm 1989 thể hiện nhận thức về nguyên tắc suy đoán vô tội bằng việc quy định: Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự “về những tội phạm….” thay cho quy định “xét xử những tội phạm”. Quy định này cũng giống với Điều 31 BLTTHS Liên bang Nga năm 2001. Việc sửa đổi này cho thấy ngay từ khi thụ lý vụ án, xác định thẩm quyền, Toà án căn cứ vào nội dung cáo trạng truy tố bị cáo về tội gì ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng chứ không thể khẳng định ngay hành vi bị Viện kiểm sát truy tố là “tội phạm”.
Nguyên tắc SĐVT với ý nghĩa bảo vệ quyền con người được thể hiện trong BLTTHS hiện hành về giai đoạn xét xử ở những quy định về thời hạn xét xử. Trong quá trình tố tụng tiền xét xử, rất nhiều trường hợp bị cáo bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự. Chính vì vậy, họ có quyền được xét xử không quá mức chậm trễ tại Toà án. Tại toà họ mới bị tuyên có tội hay không. Việc xét xử phải đảm bảo quyền xét xử không được chậm trễ quá mức tại toà cho người bị buộc tội để từ đó nhanh chóng đưa ra bản án kết tội hoặc nhanh chóng đưa họ ra khỏi vòng quay tố tụng hình sự nếu việc buộc tội không thực hiện được. Việc đánh giá được xem là chậm trễ quá mức hay không phụ thuộc vào tính phức tạp của vụ án, nhân thân bị cáo, tình trạng có bị giam giữ hay không. Điều 176 BLTTHS 2003 cụ thể hoá quyền được xét xử không chậm trễ trong Công ước Quốc tế về quyền con người bằng thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn mở phiên toà. Theo đó, thời hạn chuẩn bị xét xử là đối với tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tương ứng là 30 ngày, 45 ngày, 60 ngày. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử Toà án phải mở phiên toà. Tuy nhiên trong quá trình chuẩn bị xét xử, Toà án có thể đưa vụ án ra xét xử cũng có thể đình chỉ vụ án. Những căn cứ mà Toà án phải đình chỉ vụ án là: Người thực hiện hành vi phạm tội chưa đến tuổi chị trách nhiệm hình sự; hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tội phạm đã được đặc xá. Đây là những trường hợp bị cáo không bị coi là có tội . Với chế định Toà án đình chỉ vụ án, một lần nữa , luật tố tụng hình sự Việt nam khẳng định: Một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Toà án. Còn một người được coi là vô tội trong bất cứ giai đoạn tố tụng nào.
Nguyên tắc SĐVT quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa và nguyên tắc tranh tụng bởi vì nếu đã bị coi là có tội ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can…thì quyền bào chữa, quyền được tranh tụng trước toà để tìm ra chân lý của vụ án chỉ là hư quyền. Xét xử chỉ là việc Toà án đi tìm lời giải cho một bài toán có sẵn đáp số là một người có tội và bắt họ vào tù. Chỉ vì thừa nhận suy đoán vô tội nên BLTTHS hiện hành có nhiều quy định đảm bảo quyền bào chữa- quyền chứng minh sự vô tội của bị cáo. Quyền chứng minh sự vô tội của bị cáo được thể hiện trong các quy định dưới đây:
Trước hết, bị cáo không những chỉ được biết mình bị khởi tố, điều tra về tội gì (ở giai đoạn điều tra) mà còn được biết mình bị xét xử về tội gì. Đây là nội dung của Điều 9 Công ước Quốc tế về nhân quyền: "Bị cáo được thông báo tức thời và thật chi tiết bằng ngôn giữ mà anh ta hiểu được về bản chất và lý do buộc tội anh ta”. Cụ thể hoá nội dung này, Điều 178 BLTTHS Việt Nam quy định như sau: Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ tội danh và điều khoản BLHS mà viện kiểm sát áp dụng đối với hành vi của bị cáo. Trong giai đoạn xét xử, quyền chứng minh sự vô tội của bị cáo còn được thể hiện ở việc bị cáo có quyền đưa ra các chứng cứ, yêu cầu, đề nghị thay đổi thành viên hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng…Bị cáo có quyền được tham gia phiên toà. Tham gia phiên toà là quyền đồng thời cũng là nghĩa vụ của bị cáo nhưng việc bị cáo trốn tránh không có nghĩa là bị cáo có tội. Chỉ xét xử vắng mặt bị cáo khi họ trốn tránh và việc truy nã không có kết quả, không triệu tập được bị cáo, hoặc sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử.
Đối với giai đoạn xét xử, BLTTHS hiện hành có nhiều quy định đảm bảo cho các bên buộc tội và gỡ tội được tranh tụng bình đẳng mặc dù tố tụng hình sự Việt Nam không phải là kiểu tố tụng tranh tụng. Điều 210, BLTTHS cho phép các bên buộc tội và gỡ tội có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu đồ vật, yêu cầu và tranh luận dân chủ trước toà. Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện cho các bên thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan. Điều 218, thể hiện rõ nguyên tắc tranh tụng ở việc quy định thủ tục đối đáp trong đó bị cáo có quyền trình bày ý kiến về bản luận tội và đưa ra đề nghị của mình. Điều luật cũng bắt buộc Viện kiểm sát phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến. Đây là trách nhiệm của bên buộc tội tại phiên toà phải tranh luận toàn diện, đầy đủ, bình đẳng với bên gỡ tội, không được lảng tránh hoặc trả lời một cách áp đặt và thiếu trách nhiệm kiểu như “giữ nguyên quan điểm truy tố” mà không đưa ra lập luận để bảo vệ quan điểm buộc tội của mình. Việc cho phép các bên tranh tụng đã thể hiện nguyên tắc SĐVT ở chỗ: Quá trình tố tụng từ khởi tố điều tra- truy tố cho đến phiên toà hình sự chưa cho phép khẳng định chắc chắn một người có tội thì mới tồn tại sự tranh tụng giữa bên buộc tội và gỡ tội. Suy đoán vô tội là cơ sở cho việc tranh tụng và tranh tụng đảm bảo cho việc thực hiện suy đoán vô tội.
Nguyên tắc SĐVT khẳng định: Bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình. Như vậy, đồng nghĩa với việc tại phiên toà bị cáo có quyền im lặng tức là không có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử. Luật tố tụng hình sự Việt Nam không quy định quyền im lặng của bị cáo nhưng Điều 229 BLTTHS quy đinh: Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người bào chữa…tiếp tục tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án”. Như vậy, điều luật đã gián tiếp công nhận quyền được im lặng của bị cáo tại phiên toà và không buộc bị cáo chia sẻ gánh nặng chứng minh.
Nguyên tắc suy đoán vô tội chỉ rõ: Khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Toà án thì thì bị can, bị cáo khong bị coi là có tội. Điều đó cho thấy tầm quan trong của bản án đối với quá trình tố tụng hình sự cùng ý nghĩa to lớn của nó đối với việc đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội. Bản án hình sự là hình thức pháp lý của hoạt động áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự chỉ do Toà án ban hành trong đó tuyên bố một người phạm tội hoặc không phạm tội. Điều 224, BLTTHS đã đưa ra khuôn mẫu chung của bản án hình sự sơ thẩm về hình thức và nội dung. Theo đó, bản án hình sự chỉ có hai loại: Bản án hình sự tuyên bị cáo có tội và bản án hình sự tuyên bị cáo không phạm tội. Bản án tuyên bị cáo phạm tội phải chỉ rõ bị cáo phạm tội gì, theo điều khoản nào của BLHS. Nếu bị cáo vô tội thì dứt khoát trongbản án phải khôi phục danh dự, nhân phẩm và các quyền lợi khác cho họ. Với nhận thức chỉ có hai loại bản án quy định tại Điều 224 BLTTHS chứ không thể có hơn mới tránh được những bản án tuyên rất “lửng lơ” kiểu như: Bị cáo không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội… “không đủ căn cứ để kết tội bị cáo về tội hoặc hành vi của bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm…vv và vv…. Tuyên như vậy rất khó xác định bị cáo có tội hay không có tội, oan hay không oan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền suy đoán vô tội cũng như các quyền lợi khác của bị cáo.
Nguyên tắc SĐVT còn đòi hỏi bản án phải công minh biểu hiện ở việc hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự được tuyên trong bản án phải phù hợp với mức độ nguy hiểm cho xã hội nhân thân của người có tội, còn không có tội phải được tuyên là vô tội và phải được minh oan.6 Vì bản án không được dựa trên những chứng cứ giả định nên Điều 224 quy định: Bản án (kết tội) phải trình bày việc phạm tội của bị cáo, phân tích những chứng cứ có tội và chứng cứ vô tội (bản án vô tuyên bị cáo vô tội). đây chính là tính có căn cứ của bản án hình sự tức là mọi quyết định của Toà án trong bản án phải dựa trên hệ thống chứng cứ được thu thập một cách khách quan, đầy đủ, hợp pháp và toàn diện trong tất cả các giai đoạn của tố tụng hình sự và phải được đưa ra xem xét, đánh giá công khai, dân chủ, bình đẳng tại phiên toà. Sẽ không có một bản án chính xác, giải quyết triệt để, toàn diện các vấn đề của vụ án hình sự nếu chỉ dựa vào suy luận chủ quan, định kiến của hội đòng xét xử và các cơ quan tiến hành tố tụng. Những căn cứ để tuyên bị cáo không phạm tội cần được hiểu rộng, hơn không chỉ là có đủ chứng cứ và đủ căn cứ pháp lý tuyên bị cáo không phạm tội mà còn là cả những trường hợp không đủ căn chứng minh bị cáo có tội, có nghi ngờ về chứng cứ cũng như pháp luật để chứng minh bị cáo có tội. Điều này phù hợp với nguyên tắc SĐVT khi trách nhiệm nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng và mọi nghi ngờ về chứng cứ và pháp luật phải giải quyết có lợi cho bị can, bị cáo.
Bản án hình sự sơ thẩm chỉ có hiệu lực khi nó không có kháng cáo kháng nghị trong thời hạn luật định.. Điều đó cho thấy, dù đã có bản án kết tội nhưng nếu bản án ấy bị kháng cáo, kháng nghị (loại trừ những kháng cáo kháng nghị không liên quan đến trách nhiệm hình sự của bị cáo) thì bị cáo vẫn được coi là không có tội. Trong quá trình xét xử phúc thẩm, Toà án và cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc SĐVT giống như trong quá trình xét xử sơ thẩm trong việc chứng minh và đối xử với bị cáo. Điều 246 BLTTHS quy định về việc bổ sung, xem xét chứng cứ tại phiên toà phúc thẩm. Theo đó, tại phiên toà phúc thẩm, Viện Kiểm sát nhân dân, bị cáo, những người tham gia tố tụng khác vẫn có quyền bổ sung chứng cứ. Quy định này tiếp tục đảm bảo quyền chứng minh sự vô tội của bị cáo nhằm đảm bảo cho xét xử phúc thẩm được khách quan, toàn diện và chính xác. Bản án hình sự phúc thẩm phải căn cứ cả vào những chứng cứ mới và những chứng cũ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)