Nguồn gốc của các tiêu cực trong giáo dục

12:00 SA @ Thứ Hai - 01 Tháng Giêng, 1900

Sự căng thẳng quá mức của kỳ thi ĐH hàng năm đã làm nảy sinh hàng loạt tiêu cực trong học hành, thi cử ở tất cả các bậc học, kể từ tiểu học. Trong khi đó, hiệu quả giáo dục (GD) ở nước ta rất thấp... Khẩu hiệu "xây dựng cả nước là một xã hội học tập" đang được thực thi theo kiểu "người người lo thi, nhà nhà lo thi...".

Mục tiêu của nền GDĐH nước ta là đáp ứng nguồn nhân lực có trí tuệ cho sự nghiệp CNH - HĐH; đảm bảo cho dân tộc ta tiến kịp trình độ phát triển của thế giới, tiếp thu kịp thời những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ; đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân về một nền GDĐH cho số đông, tạo nên sự bình đẳng xã hội về GD.

Để đạt được mục tiêu này, nhất thiết phải có những cải cách mang tính cách mạng trong GD, mà trước tiên là tiến tới xoá bỏ kỳ thi vào ĐH căng thẳng và tốn kém như hiện nay.

Thực tế là, cuộc chạy đua vào ĐH đang dẫn tới biết bao tiêu cực, lệch lạc trong GD ở tất cả các bậc học. Trong khi đó, sinh viên một khi đã vào được ĐH rồi lại ít nỗ lực học tập bởi vì hầu như vào trường bao nhiêu đỗ ra bấy nhiêu. Tình trạng này nếu không giải quyết được tận gốc thì GD nước ta vẫn ở trong tình trạng rất bất bình thường, tác động xấu đến phát triển kinh tế xã hội.

Trong bối cảnh đó, việc phân luồng đào tạo ở bậc phổ thông, mở rộng đào tạo nghề, mở rộng hệ thống trường trung học chuyên nghiệp...sẽ là giải pháp quan trọng khiến phần lớn học sinh phổ thông "rẽ ngang" sớm, chỉ còn lại một bộ phận học sinh có năng lực thực sự học lên ĐH.

Trước kia, người ta xem các trường ĐH là nơi đào tạo nhân lực trình độ cao, chỉ dành cho một số ít những người tài giỏi, thông qua việc thi cử, tuyển chọn rất ngặt nghèo. Ngày nay, xu thế thế giới đã thay đổi theo chiều hướng tăng nhanh quy mô đào tạo ĐH, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế và thoả mãn nhu cầu nâng cao dân trí. "Thi thế nào thì dạy thế và học thế".

Ở nước ta hiện nay, mọi con đường đều dẫn tới đích hầu như duy nhất: Học để đi thi ĐH. Vì thế, việc GD toàn diện cho học sinh đã không thực hiện được.

Hầu hết các nước tiên tiến đã không còn sử dụng kỳ thi ĐH như một phương pháp để tuyển chọn sinh viên. Đối với những nước này, "đầu vào" luôn mở rộng nhưng "đầu ra" lại luôn được kiểm soát chặt nhằm đảm bảo chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Vì thế, thay vì đào tạo hình trụ như ở VN, "đầu vào" và "đầu ra" của các trường ĐH theo hệ thống đào tạo này lại là hình nón. Sự sàng lọc mạnh trong quá trình đào tạo cũng khiến sinh viên không thể trây ỳ, ỷ lại và lười học.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: