Người xưa có luận nơi thành bại?

03:51 CH @ Thứ Tư - 21 Tháng Mười Một, 2007

Cùng với sự phát triển của nhịp sống hiện đại, vai trò cá nhân càng được nhìn nhận đúng đắn và đề cao hơn trong xã hội. Chúng ta mỗi ngày đề cao sự thành đạt ở mọi lĩnh vực khác nhau như tín hiệu tốt đẹp cho tương lai. Có lúc vì buồn, có lúc vì vui, có lúc vì hoài niệm, thong thả nghĩ và bất chợt hỏi: “Người xưa có luận nơi thành bại không”?

Quan niệm nghe có vẻ cũ kỹ nhất, nhưng bền vững nhất và mang tính khuôn mẫu nhất cho sự thành bại là "chính tâm, minh đức, thiện ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Những phẩm chất được chuẩn bị cho từng con người ở từng bước đường cụ thể, quả không đơn giản chút nào. Quân tử phải hội đủ ba yêu cầu “chính tâm, minh đức, thiện ý" để có thể “tu thân" và nếu có thể thì thực hiện ba việc tiếp theo "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Thế nhưng, cái sự đòi hỏi này quá lớn, lịch sử loài người chỉ có vài ba vĩ nhân như vậy.

Thành công của cổ nhân tùy từng thời mà có những đánh giá riêng biệt. Thành công có khi trọng danh vọng, thành công có khi trọng đức hạnh, thành công có khi trọng chữ nghĩa. Truyền thống người phương Đông hiếu học, nên sĩ tử luôn được đặt lên hàng đầu về sự "thành". Trong bài "Đi thi tự vịnh", Nguyễn Công Trứ cho rằng: "Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông". Bảng vàng đề tên là một trong những tiêu chí thành đạt khi xưa. Bút nghiên anh đồ đợi đến ngày đỗ đạt vinh danh cả họ hàng tôn tộc. Thử hỏi cái ngày quan trạng về làng bái tổ, sao không nở mặt nở mày chứ!

Ý nghĩa thành đạt của người xưa gắn liền với giúp nước giúp đời, chứ không phải khư khư lo nồi cơm niêu canh nhà mình. "Quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách", mỗi khi non sông bị giày xéo thì chuyện đánh đuổi ngoại xâm trở thành ước nguyện của bao người, như Đặng Dung cảm khái “quốc thù vị báo đầu tiên bạch" hay như Phạm Ngũ Lão đau đáu “làm trai nợ nước còn chưa trả, nhắc chuyện Vũ Hầu thẹn trí mưu". Hình ảnh người anh hùng dọc ngang trừ gian diệt bạo, đánh đông dẹp bắc cũng trở thành một biểu tượng sống ở chế độ phong kiến. Nữ sĩ Hồ Xuân Hùng đứng trước đền thờ Sầm Nghi Đống ta thán rằng: "Ví đây đổi phận làm trai được. Thì sự anh hùng hổ bấy nhiêu" hoặc nhà thờ Nguyễn Đình Chiểu viết “Lục Vân Tiên" cũng gửi gắm: “Nhớ câu kiến nghị bất vi. Làm người thế ấy cũng phi anh hùng". Vậy nhưng, vượt lên trên hết, người xưa công bằng ghi nhận sự thành bại của một người nằm ở bản lĩnh đương đầu với khó khăn thách thức nếu phải đường đời bằng phẳng hết, anh hùng hào kiệt có hơn ai". Thiền sư Quảng Nghiêm ( 1121- 1190) nương thân nơi cửa Phật vẫn có cái nhìn rộng lớn ra thế giới: "Chí trai hướng tới vầng cao thẳm. Chớ hướng Như Lai tiếp lộ trình". Sống hết lòng, sống tận tụy với cuộc đời bằng một ý thức vươn lên thì sự thành đạt cũng hiện rõ dần. Người nào muốn bay và dám bay thì chang lo gì không có chân trời, dẫu có lúc bẽ bàng thua thiệt, dẫu có lúc áo gấm đi đêm!

Không quá chú trọng đến luân hồi hay kiếp sau, nhưng nói gì thì nói, sự thành đạt của một đời người là để lại tiếng thơm cho con cháu. Sinh thời luôn trắc ẩn "non thấp non cao mây thuộc, cây cứng cây mềm gió hay", những năm tháng hiến dâng cao đẹp của danh nhân Nguyễn Trãi khiến hậu bối tin rằng ngay cả trong bi kịch oan án Lệ Chi Viên thì ông cũng chẳng mong gì hơn là vàng vua Lê Thánh Tông thay mặt hậu thế ban tặng Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”. Cũng như thi hào Nguyễn Du lấp lánh đi qua cõi người "mua vui cũng được một vài trống canh" vẫn xa váng tự hỏi mình có đủ tài đức để "bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như".

Bây giờ kinh tế thị trường, nhiều thứ đều quy đổi dễ dàng ra "đô", nhưng người giàu chưa chắc đã là người sang, bộ quần áo thời trang hay mùi nước hoa đắt tiền chưa chắc nói được gì về phẩm giá...
Một câu “người chết để tiếng" vẫn chưa thể nào lý giải hết thuật luận thành bại của cổ nhân. Thời gian cứ trôi lững thững xóa nhòa bao nhiêu vương triều hưng phế, những ngọn cỏ thấp hèn đã đắp lên bao nhiêu mộ lính, trùm kín bao nhiêu lăng vua. Có người tài sản không sao đếm hết cũng chỉ là trọc phú trong mắt những kê ton hót vay mượn. Có người quyền uy ngất trời cũng chỉ như bạo chúa một thời. Cuộc sống xô đẩy bon chen nhưng cũng rất công bằng, không có đốm sáng nào không được nhìn thay, không con người đúng nghĩa nào bị lãng quên. Bây giờ kinh tế thị trường, nhiều thứ đều quy đổi dễ dàng ra "đô", nhưng người giàu chưa chắc đã là người sang, bộ quần áo thời trang hay mùi nước hoa đắt tiền chưa chắc nói được gì về phẩm giá. Nhân vật Lã Bất Vi sống cách chúng ta hơn 2000 năm có thể mang ra làm một minh chứng thuyết phục nhất. Xuất thân vàng kho bạc đống, thời trẻ Lã Bất Vi hỏi người xung quanh: “Làm ruộng lợi bao nhiêu? Đáp: Gấp mười lần! Buôn bán lợi bao nhiêu? Đáp: Gấp trăm lần! Đưa một người lên làm vua lợi bao nhiêu? Đáp: Không tính được”! Và nhân vật kỳ ảo Lã Bất Vi đã thực hiện chuyến "buôn vua" độc nhất vô nhị. Sau mấy mươi năm làm Thừa tướng nước Tần "dưới một người, trên muôn người", Lã Bất Vi bị luận tội thảm khốc. Bài học thành đạt "vinh quang tột cùng mà cũng tột cùng cay đắng, ngoảnh đầu nhìn không một bóng thân nhân" của Lã Bất Vi sẽ còn được bàn cãi trong nhiều thế kỷ tiếp nữa, nhưng cuốn sách “Lã Thị Xuân Thu” mà Lã Bất Vi dày công biên soạn để lại cho hôm nay nhiều suy ngẫm quý giá về sự thành bại. Ví dụ, trong "Mạnh xuân kỷ" khuyên nhủ: "Những kẻ phú quý trên đời này phần nhiều nhận thức hồ đồ với thanh sắc mùi vị. Ngày đêm theo đuổi những thứ ấy nếu may mà vớ được thì khó lòng tự kiềm chế, khó lòng tự kiềm chế thì sinh mệnh và thiên tính sao có thể khỏi tổn thương được? Giàu sang mà không hiểu đạo lý, giàu sang ấy thành ra mối họa hoạn, thì chẳng bằng cứ nghèo hèn" hoặc trong "Trọng xuân kỷ" nhắc nhớ: "Cầu lấy công danh bằng con đường chính đáng, thì công danh không thể nào thoát nổi, như dựng cột lên thì ắt có bóng, cất tiếng hô thì ắt có âm vang vậy”!

Người xưa luận thành bại đã như chuyện... ngày xưa. Còn bây giờ, có thể vì ham hố tiến thân, có thể vì khoa trương khoe mẽ, xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XIX xuất hiện không biết bao nhiêu kiểu chạy chức, chạy quyền, chạy học vị, chạy giải thưởng, chạy danh hiệu... Lặng lẽ nghĩ mà kinh, càng nghĩ càng kinh?

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: