Người Việt và văn hóa tranh luận

01:47 CH @ Thứ Ba - 15 Tháng Năm, 2018

Có những cuộc tranh luận rất gay go nhưng luôn trong hòa khí, với kết thúc bằng những đồng thuận không có bởi áp đặt, cũng như không xảy ra sứt mẻ quan hệ giữa những người tham gia. Người ta học được gì đó mới trong mỗi nội dung mà mình tranh luận. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi các bên tham gia tranh luận có văn hóa tranh luận. Văn hóa tranh luận – đương nhiên nằm trên nền văn hóa của mỗi cá nhân, và rộng hơn là văn hóa của dân tộc. Một dân tộc có nền văn hóa ra sao, nó thể hiện phần nào qua cách mà người dân tộc đó tranh luận.

Với người Việt, văn hóa tranh luận thể hiện rõ qua kết cục thường thấy: tranh luận biến thành cãi lộn. Người ta luôn cố gắng bác bỏ ý kiến của đối phương, bảo vệ đến cùng quan điểm của bản thân. Hiếm khi thấy người ta thừa nhận cái sai của mình. Hòn bấc ném đi hòn chì ném lại, nặng lời, to tiếng rồi chuyển sang mạt sát lẫn nhau trong sự không kiềm chế. Kết cục là không giải quyết được vấn đề gì trong khi chuốc thêm bực mình thậm chí thù hằn lẫn nhau. Không nhiều người Việt có văn hóa tranh luận, âu cũng là do dân tộc này không có truyền thống tranh luận – chuyện không có gì khó hiểu đối với nền văn hóa của một dân tộc nô lệ và có truyền thống gia trưởng – không dám nói trái ý cha mẹ, lời thày là khuôn vàng thước ngọc; từ ngàn đời nay người ta phải tuân theo chiếu chỉ của vua quan của các triều đại phong kiến nối tiếp nhau cho tới triều đại phong kiến biến tướng ngày nay. Không được phép nói trái ý vua, phạm húy, vi phạm các chiếu chỉ và nghị quyết trong điều kiện pháp luật xử lý tùy tiện đã tạo ra một môi trường giết chết tranh luận. Một cách tổng quát - người ta không thể tranh luận khi không có tự do ngôn luận – linh hồn của tự do.

Trong thời đại internet ngày nay đã xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc tranh luận. Thiết nghĩ việc tìm hiểu thế nào là văn hóa tranh luận là cần thiết nhằm tránh vết xe đổ của vô vàn các cuộc tranh luận đã có, nhưng trước nhất ta cần xác định mục đích của tranh luận là gì? Việc gì cũng vậy, khi mục đích không thống nhất thì kết cục việc làm sẽ chẳng đi đến đâu. Điều này cũng đương nhiên đúng đối với tranh luận. Người viết cho rằng mục đích tranh luận là để tìm ra chân lý – đây là quá trình tự nhiên của hoạt động tư duy của con người đồng thời nó cũng là một nhu cầu của con người - việc này làm động lực cho xã hội phát triển. (Xin được miễn đi sâu phân tích điểm này ở đây để tránh lạc đề). Khi có cùng mục đích tìm hiểu đâu là chân lý thì người ta thấy việc nỗ lực thuyết phục người khác hoặc khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình sẽ trở thành lố bịch.

Nếu đồng ý mục đích tranh luận là như vậy thì một cách giản dị và tổng quát, văn hóa tranh luận bao gồm ba yếu tố sau:

1- Điều kiện tiên quyết của một cuộc tranh luận đúng nghĩa: Người tham gia tranh luận phải có tâm cầu thị. Đơn giản vì đây là hệ quả của mục đích tranh luận. Nếu không có cái tâm cầu thị thì người ta sẽ tranh luận với rất nhiều mục đích khác nhau. Khi đã không có cái đích chung thì cuộc tranh luận sẽ chắc chắn chẳng đi tới đâu. Khi đã không có tâm cầu thị, chắc chắn người ta sẽ tham gia tranh luận với những động cơ thiếu lương thiện, điều này không khó nhận ra đối với những bạn đọc tỉnh táo.

2-Tranh luận phải có tính học thuật: điều này có nghĩa người tham gia tranh luận nên/phải tôn trọng thực tế khách quan, trình bày quan điểm có cơ sở lý luận hoặc cơ sở thực tế, có dẫn chứng minh họa. Để cho rõ ràng, đôi khi việc qui ước những tiêu chuẩn để đánh giá thế nào là đúng, sai cũng là cần thiết. Tóm lại, cần phải có chung hệ qui chiếu. Những nội dung tranh luận càng phức tạp sẽ càng đòi hỏi nhiều kiến thức. Điều quan trọng nhất ở đây là phải thống nhất với nhau các vấn đề nền tảng trước khi đi vào tranh luận chi tiết. Nhiều cuộc tranh luận gay gắt lẽ ra sẽ không xảy ra nếu người ta biết rằng vấn đề chỉ là cách hiểu khác nhau về một khái niệm nào đó, thậm chí một từ ngữ nào đó. Cuối cùng nhiều lúc người ta thấy mình đã phí thời gian vô ích chỉ vì không thống nhất trước vài vấn đề cơ bản. Với người Việt, cảm tính thường được dùng thay lý tính khi tiếp cận một vấn đề, đây là một đặc tính văn hóa không thích hợp trong tranh luận.

3- Tôn trọng đối phương khi tranh luận. Nếu thực sự coi mục đích của tranh luận là để phân minh phải trái đúng sai, thì không có lý do gì để thiếu tôn trọng đối phương. Sự sai lầm của một quan điểm có giá trị chứng minh cho sự đúng đắn của một quan điểm khác. Mặt khác, không có gì đảm bảo cho sự đúng đắn của một ý kiến là vĩnh viễn. Tất cả chỉ có giá trị giới hạn trong điều kiện hiện tại của các dữ liệu hiện có.Vậy nên giữ thái độ tôn trọng lẫn nhau là cần thiết. Ngôn từ đúng mức, thể hiện quan điểm một cách ôn hòa trong giới hạn vấn đề đang được tranh luận là điều nên có trong tranh luận. Ở những xã hội phát triển văn minh con người ta tôn trọng nhau hơn ở những xứ còn lạc hậu, đó là sự khác biệt về văn hóa.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 14 bí quyết để luôn chiến thắng trong các cuộc tranh luận

    21/11/2017Trong giao tiếp đôi khi không tránh khỏi những cuộc tranh luận, thường là do cái tôi của mọi người quá lớn và hậu quả của các cuộc tranh luận này là làm mất thời gian, thậm chí còn làm sứt mẻ tình cảm. Tuy nhiên đôi lúc các cuộc tranh luận cũng đem lại lợi ích, chẳng hạn tăng cường khả năng thăng tiến hoặc sự phát triển về mặt tinh thần cá nhân bạn...
  • Phản biện xã hội

    12/07/2014Nguyễn Trần BạtQuan sát cuộc sống chúng ta có thể thấy phản biện là một hoạt động diễn ra hàng ngày. Phản biện là một nhu cầu của cuộc sống bởi nhờ có nó con người có thể loại bỏ những yếu tố sai để tiệm cận tới sự hợp lý trong các quyết định, các hành vi của mình. Trong đời sống xã hội phản biện là một công cụ không thể thiếu để tổ chức ra một xã hội dân chủ...
  • Bàn về tính đồng thuận xã hội

    17/09/2009Nguyễn Trần BạtĐồng thuận xã hội luôn là mục tiêu của bất kỳ nhà nước, bất kỳ chính thể nào. Đồng thuận xã hội trước hết và quan trọng nhất phải là kết quả của sự đồng thuận về nhận thức. Trong thời đại ngày nay, khi hợp tác trở thành nội dung triết học cơ bản của đời sống hiện đại, đồng thuận trở thành lý thuyết về tầm nhìn trong xây dựng cấu trúc xã hội tương lai. Đồng thuận xã hội là sự tự giác thống nhất về cả ba mặt kinh tế, chính trị, văn hoá...
  • Tự do ngôn luận

    07/09/2009Huỳnh Thúc KhángĐây nói tự do ngôn luận là mệnh ý phần nhiều, người mà theo cái nghĩa thông thường, tự do ngôn luận tức là tự do xuất bản (liberté de la presse), như viết báo, làm sách là thuộc về loại ấy.
  • Mối quan hệ báo chí- kinh tế: Nhìn từ lịch sử

    27/07/2009Về lịch sử báo chí buổi sơ khai, có quan điểm cho rằng, nó bắt nguồn từ nhu cầu thông tin kinh tế mà các nhà buôn thông qua một mạng lưới rất nhiều những người trong giới thuơng nhân, các nhà thám hiểm hay các tăng lữ cung cấp qua thư tín rồi tổng hợp lại thành những bản tin tức để cung cấp phục vụ việc buôn bán, tìm kiếm sản phẩm, thị trường và giao thương.
  • Cách ngôn luận của người Á Đông

    13/04/2009Phan KhôiCó người Tàu bẻ cái học thuyết Tôn Văn mà lại nhè kêu Tôn Văn là con heo, là ngu xuẩn. Người Á Đông ta, Tàu cũng vậy mà An Nam cũng vậy, không tinh thông luận lý học, cho nên trong khi ngôn luận, chẳng noi theo khuôn phép mà cứ nói già miệng để cầu hơn, nhiều khi lại nói hỗn ẩu vô lễ nữa. Sự đó, nói thiệt tình mà nghe, tỏ ra các dân tộc Á Đông ta còn chưa thoát hết cái tánh tình dã man, thật là một điều mà ta đáng lấy làm xấu hổ vậy.
  • Sức sống của một cuộc tranh luận

    02/07/2005Hồ Sĩ VịnhTrong cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh trên văn đàn nước ta vào những năm 1935 - 1939, giữa hai phái đã có nhiều kiến giải dẫn đến điểm hội tụ: Đó là tầm nhìn văn hóa rộng, ý thức dân tộc, lòng yêu nước, sự tôn vinh văn chương dân tộc và sự tự ý thức về văn hóa tranh luận. Đó là một trong những nội dung mà chúng tôi tìm thấy trong cuốn: Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh.
  • xem toàn bộ