Nghĩ về đào tạo nhân tài
Phát hiện
Để nguồn nhân tài được dồi dào, trước hết phải phát hiện ra những người có tài thông qua thi cử: Thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế, thi tài năng trẻ đối với học sinh sinh viên... Tuy nhiên, ngay cả cách phát hiện này cũng chưa hẳn cho kết quả chính xác. Thí dụ: Từ mấy thập kỷ nay, học sinh nước ta đi thi Olympic quốc tế (toán, vật lý, hoá học, tin học, sinh học...) đều đạt được kết quả rất đáng tự hào. Nhưng đánh giá vấn đề này hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau: Có ý kiến hoan nghênh cách lựa chọn bồi dưỡng HS tham gia các kỳ thi quốc tế, có ý kiến không đồng tình, cho rằng cách làm của ta là bồi dưỡng "gà nòi" nên chưa chắc đã chọn được những HS thật sự thông minh; trong khi đó ở các nước khác người ta phát hiện những HS giỏi thật sự ở các trường trong cả nước, không qua thời gian tập trung bồi dưỡng... Ý kiến khác nhau cũng chưa được ngành GDĐT đánh giá đúng sai, và việc này về sau có thể vẫn làm theo cách cũ.
Bồi dưỡng
Phát hiện được người tài rồi thì phải tích cực bồi dưỡng họ. Ngay cả những HS đã đoạt giải ở các kỳ thi trong nước cũng chỉ là những mầm mống của nhân tài. Nếu không được tiếp tục bồi dưỡng, các mầm mống đó sẽ bị thui chột đi.
Trong công tác bồi dưỡng, đối với HS ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo..., nên đưa các em về TP, thị xã để có điều kiện học tập tốt hơn; đối với HS có khó khăn, hàng tháng trợ cấp cho các em một khoản đủ sống, miễn học phí và tiền khám chữa bệnh. Chúng ta cũng nên mạnh dạn thực hiện một chế độ học tập riêng cho những HS giỏi và thông minh, chẳng hạn cho các em học nhảy cóc như ở nhiều nước tiên tiến đã làm (một năm học hai lớp), chúng ta sẽ có những HS tốt nghiệp ĐH sớm so với bình thường nhiều năm, các em sẽ trở thành nhân tài ở lứa tuổi trẻ, phát triển được năng lực cá nhân ở giai đoạn sung sức nhất của đời người...
Trọng dụng
Trọng dụng người tài thực chất là việc tạo điều kiện thuận lợi để họ có công việc làm phù hợp, phát huy được tài năng của mình. Cần lưu ý hiện tượng: Một số HS xuất sắc sau khi đi học nước ngoài đã không trở về phục vụ tổ quốc, một số ít vì lợi ích cá nhân, còn đa số ở lại vì cảm thấy về nước sẽ không có điều kiện phát huy tài năng, không được tiếp tục học cao hơn; điều đó tạo nên sự chảy máu chất xám rất đau lòng. Cũng cần thấy thực trạng đáng buồn nữa là ở một số cơ quan, địa phương thường vẫn diễn ra nghịch lý: Người không có tài nhưng có "ô dù", giỏi luồn cúi, hối lộ nên được cất nhắc, đề bạt; còn người có tài không được trọng dụng, thậm chí còn bị trù dập, không được cử đi học cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ, không được phong hàm PGS, GS vì lý do còn trẻ v.v... Tài năng không được phát huy và trọng dụng đúng lúc, đúng chỗ sẽ bị mai một, tàn lụi nhanh chóng. Người có tài cần được hưởng chế độ đặc cách trong công việc, trong bổ nhiệm và trong lương bổng.
Con người VN vốn thông minh; nhân tài nước ta thời nào cũng có. Để đưa nước ta tiến lên, sánh bước với các nước tiên tiến, cần phải coi trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng người tài, coi đó là quốc sách.
Vũ Đảm - Trần Hữu Lạn
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi