Mâm cơm và tính minh bạch trong làm ăn
Người Việt mình ăn cơm thế nào nhỉ? Một bữa cơm truyền thống được nấu và bày lên mâm. Mâm thường là bằng đồng hoặc nhôm, hình tròn. Mâm có thành mâm, bát và đũa của từng người được bày đều đặn lên xung quanh. Các món ăn được bày trong lòng của mâm. Đó là một mâm cơm truyền thống của chúng ta.
Mọi người ăn cơm thế nào? Cơm được xới riêng vào từng bát của mỗi người. Còn thức ăn, nước chấm, canh … thì chung hết. Người nào ăn cái gì, chan canh gì thì tự gắp hay tự múc vào bát mình. Nước chấm thì chấm chung vào một chỗ. Xương và những gì nhè ra thì bỏ luôn lên thành mâm.
Đại thể là bữa ăn của chúng ta, về truyền thống, là như vậy.
Từ năm này qua năm khác, các việc ăn uống kiểu này nó làm hư chúng ta. Chúng ta có thể mạnh ai người ấy gắp, hay ăn nhanh thì còn thức ăn, ăn chậm thì cuối bửa chỉ còn cơm trắng. Nước chấm thì chấm chung, khỏi phải nghĩ đến vấn đề vệ sinh. Nhiều món lại chấm chung vào một chỗ. Xương với đồ bỏ đi thì bày đầy lên quanh mâm, không thẩm mỹ, không vệ sinh. Lại còn kiểu người nọ gắp giúp món này bỏ vào bát người khác. Lung tung xòe, rất vui, rất đầm ấm. Nhưng nó dẫn đến tình trạng ăn chung mà không minh bạch.
Lớn lên rủ nhau làm ăn chung. Góp công, góp vốn, góp tài để cùng kiếm ăn. Công sức, chất xám, đồng vốn bỏ ra chung nhưng vẫn ở dạng bữa cơm chung, đánh giá giá trị đóng góp của mỗi cá nhân đều không rõ ràng và minh bạch. Cào đồng cũng thiệt mà rạch ròi thì khó. Cơ chế rõ ràng nhất cho việc compensate cho việc góp công và góp vốn là bằng cách trả lương đúng (lọai bỏ yếu tố góp vốn ra) thì ở VN cho đến nay rất khó thực hiện. Một phần là mặt bằng lương của xã hội khá lộn xộn. Cùng một việc (bỏ công hay bỏ chất xám) ở những chỗ khác nhau thì lương cũng khác nhau. Một phần quan trọng hơn là tư duy cứ góp công góp sức cho ra được bữa ăn rồi khi nào ăn thì cùng ăn. Khổ một nỗi lúc ăn lại là bày mâm chung, ăn và gắp tùy theo sức và khẩu vị của từng người, lại có món như nước chấm là phải chấm chung, rồi mỗi ông ăn lại nhè xương một kiểu. Thế là những cái khó khăn, cái lủng củng, cái phức tạp bắt đầu xuất hiện.
Ăn chung mâm kiểu VN còn sinh ra cái tâm lý nhìn vào bát của nhau. Thằng này vào mâm là gắp miếng đùi, thế cổ cánh mày để cho ai. Thằng kia lại có tính nhường nhịn, nhường người cùng mâm gắp trước, hết nước chấm còn chạy đi lấy, quay lại nhìn bát của mình kém bát chúng nó. Một lần không sao, nhiều lần là nảy sinh xích mích.
Ăn xong, ít nhiều đều cũng no nê cả, cái mâm cơm sau bữa ăn nó tóet tòe loe ra, bát đũa ngổn ngang, nhem nhuốc bẩn thỉu, đi dọn là ngại. Không dọn thì bẩn. Ai mà dọn thì có thể trượt phần tráng miệng phía sau. Rửa bát lâu có khi quay lại miếng cam, quả quít, chén nước chè cũng không còn. Mà dọn mâm của mấy ông ăn tạp nhè miếng khó ăn lung tung ra quanh mâm, đâu có phải sung sướng gì.
Cái kiểu nhìn vào bát nhau rồi so bì ít nhiều, rồi kể công tao góp gạo, tao góp thịt, tao thổi lửa, tao nhóm rơm … nó cứ ngốt ngát lên mãi. Thế rồi nảy sinh cái tính ăn gian, góp công góp của thổi cơm thì bớt, lúc ăn thì gắp nhanh, thậm chí còn toa dập với nhau để gắp cho nhau công khai, rồi cùng trốn rửa bát. Cái minh bạch nó thiếu là từ đây này mà ra: mọi việc từ đi kiếm củi đến rửa bát nó lộ ra hết, phơi ra hết, ai cũng thấy, mà cái sự ăn nó lại không công bằng. Không công bằng từ cơ chế góp công đến chia phần. Không công bằng từ tâm lý được ăn ít mà lại nhìn bát thằng được ăn nhiều. Không công bằng ở chỗ cùng được ăn mà lại cứ phải cùng ăn với nhau, không để dành cho bữa sau hay chọn món mình ưa thích. Chưa kể chuyện làm mất vệ sinh hay làm hỏng thẩm mỹ của cả mâm cơm lẽ ra được bày biện đẹp mắt nữa.
Cái tâm lý và hành xử quanh mâm cơm truyền thống nó đi vào đời sống.Nếu như thời bao cấp ai cũng nghèo như ai thì cái việc so bì góp công hay nhìn vào bát nhau nó không có chỗ để thể hiện. Ngày nay nó khác rồi. Làm ăn kinh doanh, các cty cứ chia ra, tách ra, người nọ bỏ đi, người kia thêm vào, rồi lại tách ra, bỏ đi …mãi mãi là cái vòng lẩn quẩn. Chưa kể việc dọn dẹp sau khi chia tiền, nhiều lúc còn đau đầu và gây xích mích hơn lúc kiếm tiền. Không phải không ai biết là nên có cơ chế rõ ràng, nhưng tâm lý kiểu ăn chung mâm truyền thống nó lưu cữu trong nhiều thế hệ quá rồi, bây giờ không phải một sớm một chiều mà giải quyết xong được.
Ngay cả đối với việc lớn như àm cách mạng cũng thế.Lúc bắt đầu thì chén rượu rót xuống suối tất cả cùng uống, khởi nghĩa thành công thì tranh nhau công, nói xấu nhau, hãm hại nhau. Không có thủ lĩnh khởi nghĩa nào cầm cái được cuộc cách mạnh (kể cả sau khi nó thành công) đến phút cuối cùng được. Làm khởi nghĩa còn bị tâm lý mâm cơm ở chỗ: ăn trông nồi ngồi trông hướng. Cái anh làm chủ mâm, kể cả bữa đó anh ta không tham gia nấu cơm, nhưng cũng phải nhìn anh ấy mà ăn. Rồi nhìn cả những kẻ dưới tay anh ấy. Miếng ngon, mình đáng được ăn, mà không dám gắp, lại phải gắp cho đứa khác. Thậm chí cay hơn, là để nó gắp từ bát mình qua bát nó, mà không nói được gì. Cái bữa ăn mà mọi thứ phơi ra hết thế, lại hóa ra không minh bạch tý nào. Tâm lý sợ thiệt, tâm lý cướp cơm trên cùng một mâm, nó cứ thế mà tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Bây giờ xã hội khá là văn minh hơn. Đi ăn cơm văn phòng là biết gọi cơm đĩa rồi, ai ăn gì gọi món đấy, ai ăn trong đĩa của người đấy. Đi ăn chung là để cho vui, còn tiền thì tự trả. Mà kể cả có người bao thì người trả tiền cũng ăn đĩa của mình, không gắp được từ đĩa của người được mời. Bắt đầu có tính minh bạch hơn. Nhưng tâm lý mâm cơm của chúng ta chắc còn lâu lắm mới hết được.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015