Chương 4 - Diệt phát xít

03:51 CH @ Thứ Ba - 02 Tháng Mười Hai, 2003

Việt nam bao năm ròng rên xiết lầm than
Dưới ách quân tham tàn đế quốc saì lang

Bây giờ tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa qua được cái hạn "rên xiết lầm than" dưới sự bóc lột ngày càng tinh vi hơn của các cừơng quốc ngoại bang. Bởi thế tôi muốn dành một ít tâm sự cho chương "Diệt phát xít" nói về các hợp đồng mà chúng ta đã làm với các khách hàng là đối tác nước ngoài. Trong chuyến đi gần đây nhất sang Singapore, tôi được nói chuyện với Giám đốc của hãng ISIS, một hãng phần mềm nhỏ nhưng rất chuyên về communication trên AS/400 của Singapore. Thật tình cờ nhưng con đường ông ta đã đi từ đầu năm 80 khá gần với cái chúng ta đang làm. Một trong những bài học của ông là "lấy Tây đánh Ta". Ông ta nói, ban đầu không ngân hàng Singapore nào chịu chấp nhận công nghệ của ông cả. Ông ta bèn quay sang dùng mọi cách để cưa đổ Standard Chatered Bank tại Singapore, và dùng họ như một điểm reference, sau đó là các Ngân hàng địa phương mới chịu lần lượt quy phục.

Công lớn trong công cuộc diệt phát xít này là anh Lê Tấn Lộc, lúc đang chức tại Ngân hàng Công thương. Năm 1990, nhờ có liên doanh giữa Ngân hàng Công thương và Indonexia, anh đã học được đôi chút kinh nghiệm đánh Tây. Giữa năm 1992, từ HCM anh gọi ra cho tôi, thông báo với giọng cực kỳ sung sướng: "Nam ơi, thắng đậm rồi". Đó là anh nói đến việc thuyết phục được chi nhánh Ngân hàng BNP (Banque National de Paris) tại HCM sử dụng chương trình của Việt nam. Cái giá 16.000 USD lúc đó có một ý nghĩa khác xa bây giờ. Theo lời mời của anh Lộc và anh Châu, chúng tôi gồm có Nam, Thành, Phương bay vào HCM để trực tiếp tham gia vào đề án. Thành và Phương còn tiện thể tham gia thực hiện hợp đồng cho EximBank và VietsoPetro.

Lại quay về đánh Tây. Đội bạn cử một đoàn từ Singapore sang để thẩm định và đặt yêu cầu, có cả Tàu, Pháp. Phải nói rằng tiếng Anh của tôi lúc đó phọt phẹt kinh khủng. Không ngờ gặp bác Lộc cũng chẳng hơn gì. Thế nhưng có vẻ như anh hiểu hết bọn nó và luôn mồm "No problem", bọn kia khoái lắm, chắc là lần đầu tiên gặp phải thằng bán hàng mà cái gì cũng làm được. Chúng gọi luôn anh Lộc là Mr. No Problem. Lần đó, nhân một lần đội bạn mời đi ăn, tôi còn phát hiện ra Mr. Lộc có biệt tài nói tiếng Anh suốt buổi mà chỉ cần khoảng 20 từ. Phải nói là lần nào cùng làm việc với anh tôi cũng học thêm được nhiều thứ.

Đội ta ngoài tôi làm thiết kế và tài liệu và Phương làm về security, còn có anh Lộc, Bùi Văn Dũng, Tuấn, Lợi và Mrs Trâm. Sau khi thực hiện HĐ xong, Mrs Trâm được tổ chức phân sang hẳn bên BNP làm việc để bảo hành chương trình luôn. Bùi Dũng bây giờ ở IndoVina, vẫn hợp tác với FSS thường xuyên, Tuấn là cán bộ lập trình chủ chốt của Ngân hàng Công thương lúc đó, hiện là phụ trách máy tính của Ngân hàng Công thương Khu vực II. Lợi con đang là giám đốc BitCo, một công ty chuyên về mạng ở HCM. Tay này trước đi thi Lý quốc tế, rất thích làm về các vấn đề mạng. Chính hắn đã dựng nên mạng diện rộng không dây đầu tiên, nối tất cả 14 chi nhánh của Ngân hàng Công thương thành phố Hồ Chí Minh. Mạng đã hoạt động được một thời gian, sau phải ngưng vì bên cung cấp là một công ty củ chuối không có khả năng cung cấp các thiết bị thay thế. Năm 1992, khi thiết kế chương trình liên hàng cho Ngân hàng Công thương, sau khi khảo sát một số chi nhánh, tôi với Lợi đã ấp ủ ý định làm lấy một chương trình truyền tin của mình. Thậm chí đã viết một số thiết kế. Có thể nói đó là những ý đồ đầu tiên của TTVN bây giờ. Lúc đó Đình Anh vẫn còn đang thực tập và vật lộn với những số dư và tài khoản. Nếu quyết tâm biết đâu TTVN bây giờ đã trở thành CompuVietnam rồi ?

Sau gần 1 tháng cọ xát với đội bạn, chúng tôi đã thực sự hấp thụ được một cách làm việc bài bản. Nhất là tài liệu. Niềm tự hào nhất của anh Lộc lúc đó và FiBI sau này là 4 tập hồ sơ dày cộp về chương trình SIBA cho BNP. Trong đó có tập Data Dictionary là tập đáng quý nhất, mô tả toàn bộ các trường dữ liệu của chương trình.

Một bài học nữa là khả năng tìm lỗi. Đội bạn cử hẳn một mẹ Tàu để test chương trình của ta. Lúc đó tôi và Dũng Bùi cũng đã làm việc rất cẩn thận thế mà mẹ đó cứ ngồi vào là đỏ lòm màn hình. Chúng tôi rất lấy làm khâm phục. Võ này sau tôi cũng dùng được nhân một lần Tú Huyền thách tìm lỗi chương trình 5000 đồng/lỗi. Trong có 5 phút tôi đã tìm được 3,4 lỗi. Tú Huyền phải tuyên bố sập tiệm. Test chương trình cũng là một nghệ thuật đáng phải học không kém gì lập trình nếu bạn làm chương trình thương mại chứ không phải đồ án tốt nghiệp. Người test bắt buộc phải là người có cái nhìn xuyên suốt toàn chương trình chứ không locate ở từng menu nhỏ.

Thời điểm này cũng có thể coi là thời điểm ra đời của chương trình SIBA, có lẽ là một trong những chương trình phần mềm thành công nhất về mặt thương mại ở Việt nam. Chính xác hơn là quãng tháng 4/1992. FiBI đang ở trong giai đoạn thành lập. Do có mật báo của Ngân hàng, chúng tôi được biết Văn phòng cộng đồng châu Âu EC tại Việt nam đang gọi thầu một chương trình quản lý tín dụng nhằm quản lý việc cho vay từ quỹ EC cho các thuyền nhân Việt nam hồi hương. Tôi phải bay vào HCM để bàn. Không biết anh Lộc moi từ đâu ra được bộ tài liệu chào thầu của một Hãng phần mềm Thái lan. In ấn rất đẹp và chuyên nghiệp. Nhờ nó mà chúng tôi biết được rằng muốn có một bộ hồ sơ chào thầu, chương trình chúng tôi phải có một cái tên. Như trên đã nói, tôi mới tìm hiểu về Ngân hàng từ năm 1991 nên có thể coi là còn non. Nhưng không hiểu sao, anh Lộc tỏ ra rất tin cậy, có lẽ vì thấy tôi một mình xoay xở được với Ngân hàng Hàng hải mà không phải gọi hắn. Hôm đó hai anh em quyết định phải nghĩ cho bằng được một cái tên. Trên tầng 2, trụ sở Ngân hàng Công thương HCM, Mr. Lộc đi đi lại lại mồm tuôn ra những chữ tiếng Anh còn tôi thì ghi lại và ghép các chữ xem chữ nào hay nhất. Sau một lúc chỉ còn vài chữ Banking, Integrated, Software, Solution, Application, System. Các chữ cái lơ lửng. Bất giác tôi nhớ đến bộ phim mới xem trên truyền hình "Nữ hoàng Siba" nói về thời văn minh Ai cập. Chữ SIBA được anh Lộc nhất trí tức thời vì rất hợp với những chữ đã được lựa chọn. Sau này tôi có kể lại cho anh Lộc chữ SIBA từ đâu ra, anh có vẻ hơi bất mãn vì lại là tên đàn bà. Tuy nhiên cũng chẳng sao, vẫn bán được.

Lại nói về chương trình của EC. Hẳn mọi người còn nhớ, vấn đề thuyền nhân Hong Kong là vấn đề nóng bỏng của Việt nam trên trường quốc tế trong những năm đầu 1990. Cộng đồng châu Âu quyết định viện trợ cho Việt nam một số tiền lớn để hỗ trợ những người hồi hương và những cơ sở tạo công ăn việc làm cho họ. Hình thức thực hiện là cho vay lãi suất nhẹ thông qua các ngân hàng Công thương và Nông nghiệp Việt nam. Tại thời điểm đó, các Ngân hàng Việt nam hầu như chưa triển khai bất cứ một chương trình phần mềm quản lý tín dụng nào. Cách thức theo dõi tín dụng của ta cũng chưa bài bản, chủ yếu dựa trên quan hệ, do đó mấy ông Tây không thoả mãn. Dẫn đến việc đấu thầu như đã nói ở trên. Chương trình dự kiến triển khai trong toàn quốc tại gần 200 chi nhánh ngân hàng.

Sau khi bất ngờ nhận được hồ sơ đấu thầu của Trung tâm Tính toán Ngân hàng Công thương HCM, văn phòng EC rất ngạc nhiên và tìm cách tiếp xúc. Để tiện giao dịch, anh Lộc lập ra hồ sơ một nhóm gọi là VinaSoft (một vài chi tiết về nhóm này các bạn có thể xem ở chương sau) trong đó kể ra tất cả những người nào mà chúng tôi biết về phần mềm ở Việt nam. EC rất khâm phục. Có thể đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc họ ký với ICB HCM một hợp đồng trị giá 23.000 USD (sau đó được mở rộng thành 28.000 USD) để mua một chương trình mà chúng đặt một cái tên rất hay là LAMIS. Sau này anh Lộc bắt chước cũng đặt tên các module của SIBA là SAMIS, TAMIS,... Tuy nhiên chúng (những cái tên) đều không sống được. Hợp đồng do anh Lộc ký, tôi đứng tên là Contact Person. Tất nhiên là chẳng cần dấu má gì. Luật Tây cũng vui. Mỗi khi đến hạn đòi tiền, tôi xông đến phòng tài vụ của chúng. Câu đầu tiên chúng hỏi sau khi xem hợp đồng là:

- Anh có phải là anh Lộc không?

Tôi trả lời:

- Không, tôi là Nam.

Chúng xem lại hợp đồng và gật gù:

- Đúng là Nam rồi.

Thế là đếm tiền cho tôi, chẳng cần chứng minh thư, phiếu thu,... lằng nhằng. Vậy mà vẫn suôn sẻ, chẳng ai lừa bịp ai cả.

Thực tế sau này cho thấy hợp đồng quản lý tín dụng EC là hợp đồng được tiến hành có bài bản nhất và được triển khai rộng rãi nhất ở Việt nam. Công lớn trong việc này là do nhóm triển khai hợp đồng của Nguyễn Khắc Thành với sự hỗ trợ đắc lực của Lê Thái Thường Quân (FiBI). Ngoài ra còn có Nguyễn Khắc Tâm (FPT), Mai Thanh Long (FiBI, nay là acb.longmt@fpt) hiện đều đang làm tại ACB. Thực ra ban đầu còn có nhóm Ngân hàng Nông nghiệp HCM gồm Thành và Thảo tham gia. Sau chừng một tháng, thấy phong cách làm việc có vẻ không hợp, mới quyết định Khắc Thành thay thế.

Bài học lớn nhất của anh em trong vụ này là tiếng Anh. Cả tôi, Thành, Quân trước đó đều chưa dùng tiếng Anh trong công việc hàng ngày bao giờ. Giai đoạn khảo sát và thiết kế chúng tôi phải làm việc với 2 ông Tây người Anh và một tay chỉ huy người Xcotlen. Tiếng Anh của lão Xcotlen có tên là Francis thật là khó mê. Của chúng tôi cũng vậy. Làm việc cứ như một buổi cãi lộn. Phải thừa nhận là các ông Tây đã thể hiện một tinh thần chịu đựng đáng nể. Trong quá trình làm việc họ tỏ ra rất ủng hộ chúng tôi và mọi việc có vẻ đều thuận buồm xuôi gió. Tôi còn nhớ ông già tên là Ross rất phúc hậu còn mời chúng tôi có dịp sang nghỉ tại trang trại của ông tại Anh.

Sau chừng 3 tháng chúng tôi đã nghiệm thu chương trình giai đoạn 1 và triển khai thí điểm tại 2 chi nhánh dưới Hải phòng. Sau đó 2 ông Tây nghiệm thu và cắp đít về nước. Anh em yên trí rút về Hà nội, bụng thầm nghĩ "Moi tiền Tây cũng dễ thật". Nào dè, bẵng đi một thời gian, tôi được văn phòng EC thông báo là sẽ có chuyên viên của hãng Earns & Young, một hãng kiểm toán hàng đầu thế giới đến kiểm tra chương trình. Không hiểu gì, tôi dò hỏi mới biết việc của bọn này là kiểm tra tính tương thích giữa quy trình và chương trình. Bọn chúng nhận mỗi ngày ít nhất 1000 USD. Tên tôi gặp là một tay trẻ măng. Bằng những võ in ấn học được trong vụ BNP, tôi in cho hắn mấy tập tài liệu. Hắn cười nhạt rồi phi ô-tô xuống Hải phòng. Hai hôm sau, cả văn phòng EC nhốn nháo vì tin tay Financial Controller, một tay cực kỳ quyền thế, bị bọn Việt nam sỉ nhục. Mấy hôm sau Khắc Thành về mới rõ sự tình. Số là, tay kiểm toán đại bợm nọ mò xuống, không chịu làm việc theo chỉ đạo của ta mà xông thẳng đến hỏi mấy cô kế toán. Gặp mấy cô thật thà khai hết, nào là cả tháng này chúng em bận quá chưa vào số liệu gì cả, nào là máy tính để trong lồng kính nhiều khi không có khoá không mở được, nào là các anh Thành, Quân gọi có lúc được lúc không,... Hắn cứ thế ghi lại và báo cho tay controller kia. Tay kia xông xuống chi nhánh gặp trần Thành, chửi bới lung tung. Không ngờ trần Thành quắc mắt mắng lại "You, you ... " tên kia cụp đuôi bỏ về, quát tháo quân sĩ loạn xạ, gây nên scandal như đã kể. Sau vụ đó, quân ta cũng khá vất vả. Nhưng lợi bất cập hại. Văn phòng EC trước đây chỉ loăng quăng không chú ý lắm, nay cũng phải dồn sức để cho việc triển khai chương trình được hiệu quả. Do nắm được cái chính là tiền, nên những yêu cầu, quyết định của EC cho các chi nhánh ngân hàng có khi còn được thực thi nhanh chóng hơn bản thân những quyết định của ngân hàng. Việc đó đã giúp đội triển khai khá nhiều.

Kết thúc giai đoạn 1, quân ta triển khai chương trình xong tại gần 40 chi nhánh của 3 tỉnh Hải phòng, Quảng ninh và Hồ Chí Minh. Thu được toàn bộ tiền, kết thúc một trong những hợp đồng hợp tác thành công nhất giữa FPT và FiBI. Sau đó văn phòng EC vì tiếc 56000 USD mà chúng tôi đòi để triển khai trong toàn quốc, đã chuyển sang phương án thuê người thực hiện, chúng tôi cũng không quan tâm nữa.

Đóng một vai trò đắc lực trong hợp đồng này là Lê Thái Thường Quân. Tốt nghiệp Đại học kinh tế HCM, anh lại rất có duyên và yêu Hà nội. Anh đại diện cho trường phái đào tạo của HCM làm việc rất bài bản, một tay viết tài liệu kiểu như Phan Văn Hưng bây giờ. Với Quân tôi có một số kỷ niệm vui vui. Khi đó trụ sở của đội lập trình ngân hàng nằm ở 25 Phan Đình Phùng. Một hôm cả bọn kéo nhau lên Phủ Tây Hồ ăn bún ốc. Lúc về tôi mới rủ Quân và Vũ (hiện là giám đốc kinh doanh của FiBI-HCM) đi bộ về. Bọn chúng nhất trí ngay. Chúng tôi đi vòng ra bờ đê, men theo các lò gạch của bãi sông. Nhìn dòng sông Hồng đỏ quạch phù sa, tôi thốt lên: "Giá mà được bơi qua sông nhỉ". Không ngờ hai tay nọ tụt quần áo lội ra bơi thật. Lúc đó là quãng đầu tháng 4, trời còn khá lạnh. Bơi một lúc, quay lại thấy tôi vẫn đứng trên bờ, bọn chúng mới quay lại.

Quân và Vũ cũng đã tham gia tích cực vào việc đặt nền móng cho phiên bản SIBA hiện nay ở FSS cùng với Thành, Huyền, Hồng Sơn, Đình Anh, Phương. Hồi đó, quãng tháng 8/1993, chẳng hiểu vì sao chúng tôi quyết định là phải thiết kế lại chương trình. Thế là cả bọn kéo nhau lên Tam đảo. Gồm có tôi, Khắc Thành, Lâm Phương, Quân, Vũ. Gần cuối tuần có Hồng Sơn phi xe máy lên tham gia. Chúng tôi phân nhau thiết kế và trình bày, có ghi âm lại hẳn hoi. Ăn uống có một chị rất xinh giúp, gọi là chị nhà. Suốt ngày, chúng tôi loay hoay trong sương mù Tam đảo và cãi nhau về các thuật toán cập nhật dữ liệu và xử lý giao diện. ý tưởng ngông cuồng nhất là thiết kế một kiểu Client/Server trong một môi trường hoàn toàn monotask là DOS/Foxpro. Do toàn bộ hệ thống được thiết kế thành nhiều module độc lập, chúng tôi quy định việc cập nhật vào file dữ liệu thuộc module khác được thực hiện thông qua các hàm do module đó export ra. Phải nói đó là bước tiến bộ đáng kể trong việc abstraction data ra khỏi chương trình, nhất là trong môi trường một chương trình do nhiều người thực hiện. Tuy nhiên điều đó cũng gây giảm tốc độ đáng kể và tạo thêm một số khó khăn trong việc lưu giữ và phục hồi môi trường trước và sau khi gọi hàm. Lần đầu tiên Lâm Phương cũng đưa ra một thiết kế chi tiết cho module quản trị các tài nguyên của chương trình: các file dữ liệu và index, các chương trình ứng dụng, các báo cáo và màn hình, hệ thống menu và người sử dụng, data dictionary. Module này còn có khả năng kiểm tra tính toàn vẹn của dữ liệu, đặc biệt là các lỗi "Not a database file".

Ngoài giờ làm việc, mỗi đứa một ý thích. Riêng Vũ thì tha thẩn ngoài rừng để kiếm quà tặng chị Tú Huyền. Cuối cùng hắn cũng bắt được 1 con chuồn chuồn rất đẹp ướp trong chiếc hộp đĩa mềm bằng nhựa trong. Rất thẩm mỹ. Phải nói là Tú Huyền lúc đó là thần tượng của Hồng Sơn và Vũ. Có lẽ cũng hợp lý, mới chân ướt chân ráo vào FPT, chị đã bị giao cho toàn bộ đề án bảo hiểm Hà nội và đã thành công. Theo chỗ tôi được biết đến bây giờ chương trình vẫn đang hoạt động.

Làm việc căng thẳng, hôm nào chúng tôi cũng được chị nhà chiêu đãi thịt lợn, nai rừng với rau bí xào. Tuy tiêu chuẩn có 10.000đ/người, nhưng thức ăn khá tươm tất. Chúng tôi cứ cho rằng vì thịt rừng rẻ hơn thịt nhà. Mãi đến hôm chia tay, anh nhà mới gọi vào nói nhỏ: "Thịt lợn nhà đấy, móc đâu ra cho các chú thịt rừng với giá đấy" cả bọn mới ngã ngửa. Dù sao cũng rất ngon miệng.

Việc thiết kế bài bản đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Ngày 12/9/1993, FPT ký một trong những hợp đồng phần mềm lớn nhất của mình với Ngân hàng Cathay Trust của Đài loan, thực chất là bán bản thiết kế Tam đảo của chúng tôi. Hôm đó đối với tôi là ngày thật hạnh phúc, lần đầu tiên trong một đề án, tỷ lệ phần mềm chiếm hơn 50%: 63000 USD cho phần mềm và hơn 50000 USD cho thiết bị. Đây cũng là lần đầu tiên FPT quyết định triển khai cáp UTP và mạng cấu trúc cho khách hàng. Trước đó chỉ dùng độc cáp đồng trục theo hình bus. Còn nhớ khi bảo vệ đề án mạng cho Bộ Thủy lợi, khi anh Khắc Sơn ở Trung tâm Thông tin, phản biện rằng ở các nước trong khu vực chẳng thấy ai dùng cable đồng trục cả, cả hội đã ồ lên phản đối. Bây giờ nghĩ lại thật xấu hổ, mong anh Sơn cũng bỏ quá cho.

Lại quay về với hợp đồng với Cathay Trust. Tôi và anh Ngọc trực tiếp đàm phán hợp đồng này. Việc đàm phán chia làm nhiều giai đoạn. Sau khi không thỏa thuận được với phái đoàn của Đài loan sang trong vòng 1, chúng tôi đã tưởng thất bại rồi. Tuy nhiên bọn Ngân hàng tại VN thì lại rất ủng hộ chúng tôi. Mr. Michael Hsieh, phụ trách đàm phán của chi nhánh Hà nội còn thì thầm: "Bọn nó (tức là bọn head quater) mà bê chương trình ở nước mẹ sang thì chúng tao chết". Chắc bên đó bọn máy tính vênh váo lắm nên không được cảm tình của dân nghiệp vụ. Khi được yêu cầu dẫn đi xem một địa điểm cài đặt, chúng tôi lại thấy hy vọng sống lại. Sau khi đã dặn dò chân gỗ MooSun ở ngân hàng VID-Public, tôi tống 4 tay Đài loan béo ú lên ghế sau của chiếc xe Service, niềm tự hào của ISC thửơ đó. Đến nơi, cả bọn mừng rú vì thoát được cảnh chen chúc vô cùng nóng nực trên xe nên chẳng đứa nào quan tâm đến việc hỏi cặn kẽ nữa ngoài việc chứng kiến có máy tính đang hoạt động. Lúc về, bọn chúng hội ý rồi xin phép được đi bộ. Chúng tôi đã ghi được 1 điểm quý giá. Đến bây giờ tôi vẫn ân hận một điều là đã không giảm giá một xu nào từ giá đầu tiên đưa ra. Michael có vẻ không hài lòng. Sau khi ký hợp đồng hắn nói với tôi: "Như thế là không lịch sự, đã có đàm phán thì phải có thỏa hiệp chứ". Bù lại, chúng tôi nhận tổ chức cho chúng một lễ khai trương thật công nghệ. Còn nhớ ngày khai trương là ngày 25/10/1993. Sẵn bộ Multimedia ở Lễ hội, chúng tôi mông má lại rồi bê ra. Cả bọn gồm có Hùng Xoăn, Cù Tuấn, Khắc Thành,... làm đến tận tối muộn đêm hôm trước. Hôm sau, băng khánh thành vừa cắt, cửa mở, tay giám đốc khoát tay một cái, tất cả các màn hình bật sáng, mặt trời đỏ nhô lên với dòng chữ Cathay Trust và nhạc hùng tráng. Cực kỳ ấn tượng. Michael chắc cũng thỏa mãn lòng tự ái của mình. Hơn nữa, sau này tôi còn phát hiện ra mình bị hớ trong hợp đồng khi đồng ý cho bọn chúng có toàn quyền cài đặt chương trình cho các chi nhánh trong Việt nam. Điều khoản này cũng đã gây ra một mối bất đồng nhất định trong quan hệ giữa hai bên khi chúng mở chi nhánh tại thành phố HCM.

Việc triển khai thành công hợp đồng này cũng nhờ công lớn của Khắc Thành và Hùng xoăn về mặt thiết bị. Vì thời gian rất gấp, từ ngày ký HĐ đến ngày cài đặt chương trình chỉ có 1 tháng. Chương trình lại chỉ mới tồn tại trên giấy, nên thời gian đầu tất cả đều bị phân vào việc. Ngay cả em Thủy (cùng năm với Hương còm), mới xin vào đang lớ ngớ, cũng bị bắt đi dạy. Đúng ngày khai trương, các module Demand Deposit, GL và System Management đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên "đầu voi, đuôi chuột", sau đó việc phát triển tiếp chương trình bị phó mặc cho Khắc Thành. Bây giờ hắn vẫn tiếc là nếu hồi đó tập trung cả bọn làm tiếp với tinh thần Tam Đảo thì chắc đã bớt được bao nhiêu nỗi vất vả sau này. Nhắc đến em Thủy, lại nhớ đến một chuyện vui vui. Em Thủy trông cũng dễ thương, thực tập ở Viện Tin, bị chúng bạn lôi kéo sang FPT. Anh em toàn gán ghép cho Khắc Thành. Tuy nhiên em hơi bị quá rụt rè. Trong kỳ thi tuyển về chuyên môn (cùng một lần với Đình Anh như đã nhắc đến ở trên), em run bần bật không trả lời được câu hỏi nào. Anh Gia Bình lúc đó là thành viên của Hội đồng Giám khảo (nghiêm trọng chưa!), lấy làm lạ lắm bèn kéo tôi ra chỗ vắng hỏi: "Em này là thế nào, ở đâu ra?". Tôi trả lời: "Khắc Thành đang để ý đấy", Anh Bình gật đầu cười ra dáng hiểu. Nên trong cột điểm của Thủy mới có hiện tượng: 0,0,0,10,0. Về sau em đã thi lại đỗ, nhưng có lẽ do mặc cảm em đã xin đi chỗ khác, để lại nhiều niềm tiếc nuối.

Làm hợp đồng với Chinfon (tên sau này của Cathay Trust), cũng không thể không nhắc đến anh Hoàng Phương Đông, phụ trách máy tính của Ngân hàng. Anh vốn là bạn cùng lớp với Trung Hà và Phan Ngô Tống Hưng. Khi mới vào làm việc, được biết giá trị hợp đồng anh thì thào: "Sao chúng mày bóp bọn nó ác thế". Sau này, khi đã làm với nhau lâu, anh đúng là người "Tuy đi với địch nhưng làm cho ta". Anh thường xuyên giúp chúng tôi lấp liếm các lỗi và tìm cách áp đặt các điều kiện có lợi cho ta. Tháng 12 năm 1995, anh theo phu nhân sang NewYork làm việc, chúng tôi tiếc mãi.

Tuy thành công có vẻ bất ngờ nhưng hợp đồng Chinfon là kết quả tất yếu của việc đầu tư lâu dài của FPT trong lĩnh vực Ngân hàng. Bằng cách vừa làm vừa mày mò học, chúng ta đã có thể đạt được những hiểu biết khá sâu sắc trong lĩnh vực hệ thông tin ngân hàng trong một thời gian khá ngắn. Kinh nghiệm sau này khi làm việc với VietComBank đã minh chứng khá rõ ràng cho điều đó.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

Nội dung khác