Chương 1 - Khởi đầu

03:42 CH @ Thứ Ba - 02 Tháng Mười Hai, 2003

Như bất cứ một công ty tham vọng khác, ngay từ khi thành lập FPT đã nung nấu mục tiêu trở thành những người khai phá cho công nghiệp phần mềm tại Việt nam. Để đạt được mục tiêu đó, anh Trương Gia Bình đã cất công mời những chuyên gia hàng đầu về phần mềm của Việt nam lúc đó.

Anh Nguyễn Chí Công

Chuyên gia nổi tiếng uyên bác về UNIX và Mạng, lãnh đạo phòng Tin học FPT. Anh Công dễ nhớ nhờ luôn đòi hỏi ở nhân viên hai việc:

  • Nhân viên mới đến làm việc phải quét nhà, pha nước, bưng bê.
  • Số lượng sách đọc được phải tính bằng cân.

Chính theo sự hướng dẫn đặt hàng và chỉ đạo của anh, FPT đã lắp đặt thành công mạngcục bộ đầu tiên vào giữa năm 1989. Đó là mạngtheo kiểu nocentric chạy hệ điều hành10Net và là niềm tự hào của Viện Công nghệ Quốc gia thời đó.

Nhắc đến anh Công, không thể không nhắc đến dự đoán của anh là năm 1993, nửa Việt nam sẽ dùng UNIX. Đã có lúc tưởng như đó là một dự báo buồn cười, nhưng thực tế cho thấy anh Công cũng có lý khi TCP/IP, hạt nhân của UNIX đang tràn ngập ở không những ở Việt nam mà cả thế giới. Và tất nhiên những chuyên gia về UNIX có nhiều ưu thế hơntrong cuộc mạng hóa đất nước.

Anh Công là người đã cài đặt SCO Unix và terminal tại FPT cùng thời điểm đó. Sau đó một số chương trình chạy Foxbase cho UNIX đã được Trần Ngọc Trí phát triển.

Anh Đỗ Cao Bảo

Chuyên gia lập trình Pascal số 1 lúc đó. Chuyện kể rằng, có một tay Việt kiều tự xưng là chuyên gia hàng đầu đến xin hợp tác tại một cơ quan, khi trả lời không biết Đỗ Cao Bảo là ai đã bị từ chối thẳng thừng. Anh Bảo lúc đó đang là chủ chốt của nhóm lập trình nhận dạng chữ của Viện Tính toán và Điều khiển (Viện Tin học hiện nay).

Anh Nguyễn Trung Hà

Chuyên gia về Fortran của Viện Cơ học. Từ khi còn đi học ở Liên xô, anh đã nổi tiếng về tài nhìn trộm và phá khóa trong hệ điều hành của máy mini CM-4 của Nga. Tại Viện Cơ, công trình đáng kể của anh là thiết kế bộ thư viện đồ họa cho Fortran. Các chương trình Fortran vẽ được đồ thị tại thời điểm đó cũng gây ấn tượng không kém gì Emotion của Nguyễn Minh bây giờ.

Anh Bùi Quang Ngọc

Lúc đó là người có bằng cấp cao nhất về Tin học chính cống, một ngôi sao trẻ đầy hứa hẹn của nền Giáo dục và Đào tạo Tin học Việt nam. Lúc đó anh Ngọc đang là Phó khoa Tin học của Đại học Bách khoa Hà nội, không thiếu tham vọng lên Bộ trưởng.

Anh Võ Mai

Chuyên viên của Viện Vũ Khí, đã từng tham gia thiết kế hệ thống bỏ phiếu cho quốc hội Việt nam. Anh là chuyên gia về Assembler. Anh cũng là người đầu tiên lập trình truyền tin cho UNIX tại FPT

Anh Nguyễn Thành Nam

Người viết những dòng này khi đó như một con cừu non giữa bầy sói. Hồi đó, mặc dù chưa thành lập, nhưng Trung tâm dịch vụ Tin học (ISC) của FPT đã được bác Vũ Đình Cự tin cậy gọi lên giao phó nhiệm vụ chế tạo siêu máy tính. Và kỳ lạ thay, anh Công đã nhận lời. Tối về trong căn phòng chật hẹp của vợ chồng Trung Hà tại Hàng Bông, anh Công họp cả hội lại triển khai làm siêu máy tính. Vì mọi người chưa quen biết nhau, nên phải tự giới thiệu. Anh Bảo tự nhận là siêu nhân về Pascal, Trung Hà điêu luyện về Fortran, anh Mai demo assembler liên tục. Còn mỗi anh Nam ngồi im chẳng nói gì. Khi anh Công ép: "Thế mày biết ngôn ngữ gì?", anh bẽn lẽn nhận là có biết tiếng Việt và tiếng Nga!!!

Năm 1988, nói chung khi nói đến Tin học, ai cũng nghĩ là sẽ làm phần mềm. Một không khí sáng tạo hừng hực khắp nơi. Viện tính toán điều khiển có các chương trình nhận dạng và trí tuệ nhân tạo, AIC có CAMAP miêu tả các lục địa trôi trong tiếng nhạc véo von, Tô Thành (ĐHBK) có chương trình hoa thơm bướm lượn,.... Tiếc thay trào lưu đó đã không được nâng đỡ nên đã bị xu hướng mua đi bán lại đánh bại dễ dàng. Nhiệm vụ phát hiện ra Bill Gate Việt nam đành bị lùi lại cho lớp đàn em những thế hệ sau. Thật tiếc thay.

Thật tình mà nói buổi ban đầu chẳng ai giao cho chúng tôi việc gì ngoài việc chế tạo siêu máy tính, do đó tha hồ mà thử mà mày mò. Cả hội chỉ có một máy tính XT Foremost (máy này hiện nay vẫn còn ở nhà 224 Đội Cấn) và một máy ổn áp Đức mỗi khi có khách tham quan lại bốc khói mù mịt.

Ngồi chán anh Bảo quyết định chuyển toàn bộ các mã nguồn của chương trình nhận dạng sang Turbo C, một quyết định mà bây giờ mới hiểu hết tính đúng đắn của nó. Như trên đã nói, tôi chỉ biết tiếng Việt và tiếng Nga, do đó thấy các đàn anh làm gì đều ra sức học hỏi. Chương trình đầu tiên mà tôi làmđược cũng khá gây ấn tượng. Đó là việc dùng debug để đổi hết các message trong command.com sang tiếng Việt. Trong máy tính của FPT lúc đó khi bạn gõ một lệnh không tồn tại, máy sẽ trả lời: "Lam quai gi co file nay". Khó nhất là đổi câu hỏi: "Y/N" sang "C/K”.

Đến bây giờ đôi khi tôi vẫn nghĩ mình là một người lập trình giỏi, (Mặc dù thực tế còn xa mới như vậy. Đơn cử là hồi đó anh Bảo có hướng dẫn tôi làm 1 chương trình kiểu Star Field Screen Saver cho NC. Chương trình của anh Bảo thì sao nở rất đều bất luận chạy trên máy nào AT hay XT. Chương trình của tôi chỉ chạy được trên AT, còn trên XT bầu trời sao trông cứ như một đám hắc lào vậy )

Tôi thì tôi biết tại sao. Bí quyết chính là phải may mắn rơi vào mắt xanh của 1 người nổi tiếng, rồi sau đó ra đi đúng lúc. Tất nhiên được một vĩ nhân chú ý thường là rất khó khăn. Có một con đường dễ hơn nhưng không chắc chắn bằng là demo cho thằng bạn của mình. Sau đó nếu nó nổi tiếng thể nào mình cũng có lợi. Đó là trường hợp của tôi với Trung Hà. Hôm đó 2 đứa được phân đi gõ tài liệu vào máy tính cho một cuộc hội thảo quan trọng giữa Viện Hàn lâm khoa học Nga và Việt nam. Trung Hà gõ tiếng Nga rất siêu bằng một chương trình soạn thảo gọi là Beta, các bác chưa kịp phát biểu dứt lời hắn đã gõ xong rồi. Cuối buổi, anh Đạo (cha nuôi của FPT, lúc đó là Viện trưởng Viện Cơ) đề nghị in hộ ra thật đẹp. Anh em luống cuống, vì máy laser hồi đó rất khó kiếm, fonts chữ Nga cho nó còn khó hơn. May quá Mr. Thế thông báo Viện TTĐK (Tính toán và Điều khiển) có máy in và fonts. Sẵn trong máy có Turbo C 1.0, tôi viết ngay một chương trình để chuyển mã từ beta sang bộ font máy in. Cả hội phi gấp sang Đồi Thông. Đến nơi mới biết là họ không có font hiển thị, trên màn hình là một mớ giun dế loằng ngoằng. Anh em bụng bảo dạ thế này thì chỉnh sửa bằng tay biết bao giờ mới xong. Kỳ lạ và may mắn thay, in ra lại đúng phóc không sai sót gì.

Mr. Thế cũng là một tay rất gây ấn tượng cho tôi về khả năng làm việc và sự hiểu biết về máy PC lúc đó. Sau này tôi có gặp lại anh và được biết anh đang thực hiện một chương trình rất hấp dẫn về thiết kế mẫu thảm đay cho Nhà máy nào đó. Hiện tại không biết anh đang ở đâu.

Việc ấy rồi cũng qua đi, cho đến một hôm anh Việt tròn, vốn là thầy của tôi về máy tính khi làm luận án ở Nga, bỗng dưng cứ năn nỉ dạy cho lập trình. Tôi ngạc nhiên cho đến tận lúc anh bảo: "Thôi đi, thằng Hà nó đã phải khen mày cơ mà".

Tóm lại,tôi có mấy cái may: Thứ nhất là anh Bảo đi công tác vắng nên tôi đi với Trung Hà. Thứ hai là Trung Hà không thạo C, Thứ Ba là Trung Hà lại quen với Việt tròn và cuối cùng không hiểu sao cả hai tay này đều trở nên nổi tiếng.

Sau một thời gian chẳng thấy siêu máy tính tiến triển gì cả, Trung Hà thường bỏ đi giúp các anh Kỳ, Tiến trong việc bán máy tính đổi hàng cho Viện Hàn lâm Nga. Về chuyện này, anh Tiến cũng thường tâm sự trong các buổi nói chuyện. Trong các chuyện của anh đáng nhớ nhất là chuyện về Đức béo (hiện Giám đốc Trung tâm Bảo hành FPT). Đức béo hồi đó chưa làm cho FPT. Anh và Đinh Thế Lam (hiện Giám đốc của Thiên nam tin học) làm thành một cặp rất ăn ý để kiếm thêm. Chúng thường hoạt động trong lình vực tiếng Việt. Chiếc máy tính đầu tiên của FPT cũng do bọn chúng cài tiếng Việt. Gây ấn tượng nhất là có một cái công tắc, bật một cái là màn hình chuyển sang tiếng Việt, cái nữa là tiếng Nga, cái nữa là tiếng Anh. Thật là thuận tiện, hơn hẳn các kiểu Shift phải trái vớ vẩn của ABC và VNI bây giờ. Trong trí tưởng tượng của anh Trương Gia Bình lúc đó, cặp này cũng ngang với khu công nghệ cao bây giờ. Đó là nói tại sao Đức béo được anh Tiến nhắc đến. Anh Tiến nói: "Khi đó FPT bán máy Olivetti sang Nga bị hư hỏng nhiều, phải mời chuyên gia Đức sang giúp đỡ. Hôm đó thấy Đức bệ vệ đến, mấy chú Tây hì hụi bê máy ra. Chẳng thấy ông Đức chữa gì chỉ thấy hai tay đút túi quần, đi đi lại lại, bắt các chú Tây xoay ngang xoay dọc, đập đập vào máy tính, rồi lại bắt mang vào. Thế mà cái máy lại tự nhiên chạy. Tây phục lắm, còn anh em ta thì ngạc nhiên. Đến lúc lên xe về mới vỡ lẽ là hôm đó thế nào mà cúc quần của anh lại đứt mất, thắt lưng lại không có do đó hai tay anh cứ phải đút trong túi quần để giữ cho nó khỏi tụt xuống. Anh em vẫn gạn hỏi, sao mày biết hỏng chỗ nào mà bảo nó vỗ tài thế. Anh thú nhận: "Biết đ. đâu, mình cứ phán bừa đấy chứ".

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

Close menu