Lịch sử một vùng “đất lửa”

03:40 CH @ Thứ Năm - 19 Tháng Ba, 2009

Tác giả: Bernard Lewis
Dịch giả: Nguyễn Thọ Nhân
NXB: Tri Thức
Năm xuất bản: 2009
Số trang: 500 trang

Khung cảnh của một quán cà phê Trung Đông đã có những biểu hiện đầy đủ sự xáo trộn lịch sử, văn hoá, tôn giáo ở một vùng “đất lửa”

Cuốn sách độc đáo này chọn cách dẫn nhập một vấn đề lớn đang gây sự quan tâm của thế giới từ một chỗ ngồi âm thầm trong một quán cà phê...

Trong phần dẫn luận, tác giả cuốn sách chỉ ra những vị khách (thường là đàn ông, hiếm khi có phụ nữ) ngồi trong quán cà phê Trung Đông hiện nay “chẳng khác gì nhân vật tương tự trong một quán cà phê Âu châu, đặc biệt là ở gần vùng Địa Trung Hải. Những người này khác hẳn người khách cũng ngồi ở đó năm mươi năm về trước và lại càng khác người ngồi cách đây một trăm năm”.

Rồi từ đó ông dẫn giải đến khả năng đề kháng tâm linh, Trung Đông không ngừng đứng trước nỗi lo ngại tây hoá bằng một tư duy được tây hoá từ lâu. Nhưng một mặt, nó bị đặt vào trong bối cảnh không tránh khỏi sự pha trộn có tính chất lịch sử. Lịch sử Trung Đông là những cuộc va đập làm đổi dời bản sắc bởi những gì đầy “lợi hại” được mang đến từ bên ngoài. Bao giờ những sự “lợi hại” đó cũng kéo theo những giai đoạn phản ứng, ruồng bỏ và chấp nhận.

Trước hết, có thể dễ dàng nhận ra nhất, đó là sự xáo trộn về tôn giáo (xem chương 1 và 2 về thời kỳ tiền Hồi giáo và Cơ Đốc giáo). Bản đồ tôn giáo Trung Đông phức tạp và rối rắm hơn bản đồ địa lý. Văn minh Cơ Đốc giáo và Hồi giáo là hai đứa con không hoà thuận, nhưng đều bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ và tương tác trên vùng đất Trung Đông cổ xưa của ba truyền thống phổ biến, đó là các nền văn minh Do Thái, Ba Tư và Hy Lạp. Hai tôn giáo này đến từ những va chạm giữa bên trong và bên ngoài, có góp phần quan trọng lật đổ những thánh thần bản xứ cổ xưa và cùng đức tin, cùng tham vọng là động cơ thúc đẩy, phát triển, và không tránh khỏi đụng độ.

Về mặt văn hoá, chương 13 cuốn sách chỉ ra, so với Ấn Độ và Trung Quốc, vùng Trung Đông mang trong nó một nền văn hoá động, đa dạng và không liên tục.

Ở đó, sự hy sinh vốn nền tảng của một Trung Đông cổ xưa bản xứ, sự xoá nhoà chữ viết do tác động của văn minh La Mã hoá, Hy Lạp hoá, Cơ Đốc hoá, Hồi giáo hoá diễn ra khốc liệt. Những thứ tiếng nói cổ xưa vùng này như Ai Cập, Assyria, Babylon, Hitite… đã thành tử ngữ. Sự hình thành ba ngôn ngữ chính là tiếng Ả Rập, Ba Tư, Thổ được sử dụng trong nhiều quốc gia Trung Đông ngày nay là qua một quá trình “sàng lọc” có cả máu xương…

Từ những điểm nhìn lịch sử, văn hoá, tôn giáo, cuốn sách này lý giải những lộn xộn về chính trị, kinh tế và những thiết chế xã hội đến các chính biến xảy ra liên miên ở vùng đất lửa Trung Đông, vùng đất được xem là nhạy cảm với bên ngoài và thu hút sự quan tâm quá đáng của phương Tây từ cổ đại đến hiện đại. Tác giả cuốn sách cung cấp cho người đọc những chi tiết nhỏ nhất của những bức tiểu hoạ trong các cung điện Istalbul đến bức tranh toàn cảnh về văn minh Hồi giáo, từ những đổi thay áo sống quân sự thời đế chế Ottoman đến những cuộc chiến dầu mỏ hiện đại, từ những bài thơ tụng ca lãnh tụ của những thi sĩ bồi bút triều đình đến những cuộc nổi dậy và khủng bố, từ không khí đầy hư thực của những cuộc cách mạng giải thoát xiềng xích của dân Do Thái mang không khí Thánh kinh Cựu ước đến những lời răn trong kinh Koran thường kéo theo nhiều “hệ luỵ nhiệt thành”…

Những biên giới Trung Đông vẫn không ngừng dao động khi các cường quốc phương Tây đang muốn bảo hộ để “nhăm nhe” túi dầu mỏ và thị trường vũ khí, khi mà những cường quốc trong vùng đang mưu đồ bá quyền và gây ra hỗn loạn… Cuốn sách bóc tách một lịch sử đầy phức tạp và kết thúc ở một không khí ngổn ngang âu lo với những cuộc thánh chiến, những giằng xé chọn lựa văn minh phía sau những lớp mạng che mặt bí ẩn. Trung Đông vẫn là vùng đất lửa đầy hấp dẫn và bí ẩn vì sự kiêu hãnh cũng như sự nhạy cảm nội tại vô cùng tận của nó.

Chọn một cách dẫn nhập gần gũi từ quán cà phê với trang phục và lối sống đời thường, cuốn sách đi đến những tư liệu giá trị, giải quyết và khai mở những học thuật và hàn lâm. Sách có nhiều phụ lục bản đồ và niên biểu quý, xứng đáng tham khảo. Sách đi vào từng chân tóc của Trung Đông, được viết bởi Bernard Lewis, giáo sư Trung Cận Đông của đại học Princeton; từng được đề cử nhận giải sách quốc gia Mỹ.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: