Tỷ phú… kỹ năng sống

05:19 CH @ Thứ Năm - 06 Tháng Năm, 2010

Một vị Giám đốc được cả nghìn người gọi là thầy, từ các cô cậu học trò còn đeo khăn quàng đỏ cho đến những bậc cao niên, từ sinh viên nghèo nhà thuê cơm bụi đến những doanh nhân xài xe bạc tỷ...


Ông là TS Phan Quốc Việt - Chủ tịch kiêm TGĐ Tâm Việt Group.
Ở cái tuổi gần 60, vị doanh nhân đã có hơn 30 năm kinh nghiệm, một trong những người đặt nền móng cho việc đào tạo kỹ năng mềm tại Việt Nam này chỉ mới có mấy sợi tóc bạc.


Bỏ dầu đi dạy

Ông Việt bước chân ra khỏi lũy tre làng với tham vọng đổi đời. Tốt nghiệp khoa Địa chất trường ĐH Tổng hợp Lomonoxop, Matxcơva, ông ở lại học tiếp lấy bằng Tiến sĩ Toán - Lý. Năm 1988, ông về nước và đảm nhận trọng trách Trưởng phòng Tin học tại Liên doanh Dầu khí Việt Xô (VietSovPetro) tại Vũng Tàu. Năm 1993, ông lên chức Phó Chánh văn phòng và chỉ 6 tháng sau là Chánh Văn phòng TCT Dầu khí (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt nam), đến năm 1997, ông chuyển sang làm Giám đốc Công ty Dầu khí Hà Nội.

Giữa những năm 90, HanoiPetro do ông điều hành là doanh nghiệp duy nhất kinh doanh có lãi trong ngành khí ga ở miền Bắc. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, ông đùng đùng bỏ chiếc “ghế nóng” mà bao người mơ ước để theo đuổi một ước mơ “hão huyền và ảo tưởng” lúc bấy giờ, đó là mở ra doanh nghiệp dạy kỹ năng sống…

Ở vào tuổi 50, cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, để bắt đầu một điều gì đó đã là quá muộn, nhưng với ông Việt thì mọi sự dường như còn đang căng đầy nhựa sống. Theo ông, nếu bạn muốn ngắm thung lũng hãy trèo lên đỉnh núi. Nếu bạn muốn ngắm đỉnh núi thì hãy vươn lên mây trời… Bài học cốt lõi của tất cả các bài học mà ông giảng dạy chính là bài học vượt qua sự sợ hãi. Có thể mới đầu bạn thấy rất khó khăn, nhưng sau khi vượt qua nỗi sợ, hàng nghìn người làm được thế và hơn thế. Trình duyệt của bạn có thể không hỗ trợ hiển thị hình này.

Năm 2001 Tâm Việt ra đời. 25 năm thăng trầm, thất bại, vật lộn với cuộc đời, ông Việt chuyển thành động lực và nguyên liệu cho “đứa con tinh thần” này. Những lần bị hạ bệ và mất chức trong quá khứ, vị giám đốc này đã đúc kết ra nguyên nhân của những thất bại: thiếu kỹ năng sống.

Ông cũng nhận ra rằng, mảng thị trường này còn trống ở Việt Nam trong khi thế giới đã có rất nhiều sách viết về nó. Tự học rồi mê, rồi thèm khát được truyền thụ cho người khác, ông đã viết ra một bộ giáo trình hoàn thiện về kỹ năng lắng nghe, thuyết trình, kỹ năng giảng dạy và quan trọng nhất là kỹ năng tự học, học mọi lúc, học mọi nơi, học suốt đời…

Ít lâu sau, trong dịp đi theo một đề án giáo dục quốc gia, ông được đứng trên bục giảng dạy thử trong 15 phút về kỹ năng lắng nghe. Từ 15 phút, tăng lên một tiếng rồi một ngày, ông tiếp tục đi giảng khắp nơi, và Tâm Việt đã trở thành một doanh nghiệp đặc biệt hàng đầu ở Việt Nam chuyên sâu đào tạo, rèn luyện kỹ năng sống. Ông thích bàn về giáo dục hơn là tiền, thích nói về lớp thanh niên đầy nhiệt huyết hơn là thương trường sáng tối.

Công ty lạ đời

Là công ty nhưng Tâm Việt lại hoạt động giống như một trường học. Là doanh nghiệp nhưng người đứng đầu chủ trương không chạy đua theo “cơn lốc” giá cả, không đi theo bất cứ quỹ đạo kinh tế nào. Người nhiều tiền cũng như người nghèo khó đến đây học kỹ năng sống hạnh phúc hơn, thành công hơn. Công ty đưa ra một quy định bất thành văn, lấy của người giàu chia cho người nghèo theo kiểu…Robin Hood. Người giàu thì học phí tiền triệu, nhưng với sinh viên, trẻ, già, nghèo khó thì chỉ lấy vài trăm, có người học miễn phí. Lạ hơn là, dù áp mức giá chênh lệch nhau đến mấy chục lần nhưng từ trước tới nay lại chưa một ai thắc mắc hay kiện cáo gì cả, cứ răm rắp thực hiện như lẽ đương nhiên phải thế. Trình duyệt của bạn có thể không hỗ trợ hiển thị hình này.

Tâm Việt không lớn, không có cỗ máy, không có công nhân, không có những bụi khói cuộn đen trên bầu trời, chỉ thấy một “rừng người” đang hát những bài hát về đất nước, về tình yêu, về tuổi trẻ… Đèn chiếu, nhạc sống, đạo cụ các loại, trông giống như một buổi live show, một chương trình trò chơi trên truyền hình, hay một buổi văn nghệ thanh niên, hơn là một hội thảo, lớp học và chẳng giống gì với một công ty làm ăn kinh tế.

Ông Việt chia sẻ: Tâm Việt đã tổ chức được hơn 5.000 lớp cho các tổ chức các tỉnh thành, cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là cho lớp trẻ. Ở đây, chúng tôi giảng dạy bằng việc kết hợp khát vọng máu lửa của người Mỹ, thâm thuý của người Tàu, tâm linh của người Ấn Độ, bộc trực của người Nga với vốn văn hóa truyền thống linh hoạt, hài hòa của người Việt để tạo nên Tâm Việt “làm tâm người Việt sáng hơn, nâng tầm người Việt cao hơn.

Các khách hàng thường xuyên trong lĩnh vực đào tạo của Tâm Việt bao gồm nhiều các tổ chức quốc tế như UNDP, World Bank, RMIT... Các tổ chức trong nước như: Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Ban Tuyên Giáo TƯ, Ban Tổ chức TW… Rất nhiều chương trình ý nghĩa được Tâm Việt phối hợp với VTV xây dựng như: Người xây tổ ấm; Hội nhập quốc tế; Kỹ năng trẻ; Gặp nhau cuối tuần; Chuyện phiếm… để đáp ứng nhu cầu của xã hội về các kỹ năng để hoàn thiện con người.

Sau gần chục năm gây dựng và phát triển, Tâm Việt đã trở thành một địa chỉ uy tín, thân thiện và ông chủ của nó được mọi người nhắc đến như là “ông hoàng… kỹ năng sống” hay “tỷ phú… kỹ năng sống”. Học viên thì luôn gọi ông với cái tên thân thương “Thầy Việt tròn”.

Nguồn:Công Luận
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: