Khúc đồng điệu với "chỉ cần một ý tưởng"...

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Hai, 2003

Tấm thảm ở phòng khách chi nhánh của Viện DeBono ở Melbourne (Australia) có 6 vạch đậm mang 6 màu khác nhau: Trắng, đỏ, xanh lá cây, vàng, xanh da trời và đen. Edward De Bono - người đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về tư duy - sáng tạo quan niệm rằng màu trắng tượng trưng cho thông tin; màu đỏ là chuyển động, cảm nhận, trực giác; xanh lá cây là sự sáng tạo; vàng là những giá trị của lợi ích; xanh da trời là những giá trị tổ chức; đen là tính thận trọng, nguy hiểm. Nguyên cách mặc định như vậy đã gợi mở chiều suy nghĩ mới ...

"Ý tưởng là tài chính của thành công. Có ý tưởng, bạn sẽ thoát khỏi cạnh tranh" - Câu nói trên gần như là công thức sống và làm việc của Edward De Bono. Sinh trưởng tại Malta, ông đã trải qua một hành trình không mệt mỏi để đến với các trường đại học danh tiếng như Oxford, Cambridge, Harvard. Ông là người đưa ra thuật ngữ "lateral thinking", được từ điển Oxford ghi nhận và giải thích như sau: Phương pháp giải quyết các vấn đề một cách gián tiếp hoặc bằng các biện pháp thoạt trông có vẻ vô lý. Sáu màu của ông được mệnh danh là "sáu chiếc mũ suy nghĩ" cực kỳ thông dụng trong giới tư duy sáng tạo. Lối tư duy của ông được áp dụng và mang lại thành công ở các công ty hàng đầu thế giới như IBM, DuPont, Prudential, Siemens, Electrolux, Shell, Exxon, NTT, Motorola, Nokia, Ericsson, Ford, Microsoft, AT&T, Saatchi and Saatchi. Thế vận hội Olympic lần đầu tiên có lãi được tổ chức tại Los Angeles năm 1984 chính là nhờ áp dụng những công cụ tư duy của De Bono. Tên tuổi của ông được đưa vào danh sách 250 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhân loại.

Có may mắn được tiếp xúc với De Bono tại Melbourne - chặng dừng chân ngắn ngủi trong lịch trình dày đặc lên trước hai năm cho các chuyến đi trên toàn thế giới của ông, tôi đề nghị ông gợi ý cho Việt Nam cách thức phát triển tiềm năng công nghệ thông tin mà chúng ta sẵn có trong điều kiện thiếu trang thiết bị vật chất. Nhưng De Bono đã lái câu chuyện sang một hướng khác, theo đúng cách tư duy thoạt nhìn có vẻ vô lý của ông:

"Có một câu diễn đạt rất đơn giản mà tôi thường sử dụng vào cuối ngày, đó là nếu bạn muốn đánh giá quá khứ thì hãy thiết kế nên tương lai. Thiết kế tương lai có nghĩa hãy nghĩ về việc sáng tạo và trao đổi giá trị. Điều đó còn có nghĩa hơn nhiều so với những gì tôi thường nghĩ như lo lắng về việc nhận biết và cung cấp các chuẩn mực của tình huống. Và điều đó bao gồm toàn bộ các lĩnh vực: Suy nghĩ truyền thụ kiến thức (instructive thinking), suy nghĩ tổng thể (design thinking), suy nghĩ có tính hợp tác (corporative thinking). Đó sẽ là chìa khoá đối với các bước phát triển ban đầu. Và nó không sẵn có trong hệ thống giáo dục. Hệ thống giáo dục đơn giản chỉ là giảng dạy những kiến thức chúng ta đã biết hay sẵn có. Năm 1985, khi tham gia chương trình cung cấp thiết bị cho các trường học ở một số nước, tôi đã nảy ra ý tưởng rằng với chương trình giảng dạy về ý tưởng, học sinh khi rời khỏi trường sẽ mang theo ý nghĩ rằng họ chính là những người sẽ làm nên những sáng tạo mới. Điều đó có ý nghĩa quan trọng và khác biệt hơn tất cả những điều khác.

Nhiều bạn trẻ đã bỏ học khi họ không có số điểm tốt tại các kỳ thi. Họ bỏ học với ý nghĩ rằng họ rất dốt nát. Điều ấy tất yếu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời của họ. Giá như chúng ta có một cách nào đó để họ quên đi ý nghĩ rằng họ là những kẻ dốt nát, thì chắc chắn họ sẽ có thêm lòng tin tưởng vào chính bản thân, vào tương lai. Trong thời gian làm việc với một chương trình của chính phủ về những thanh niên thất nghiệp, chúng tôi đã phát hiện ra rằng nếu có những biện pháp giảng dạy về tạo "thức ăn" cho ý tưởng thì có thể sẽ làm tăng tỉ lệ việc làm lên tới 5 lần. Việc nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo cho các em có ý nghĩa rất quan trọng và có khi bằng cả 10 năm giáo dục, bởi khi đó các em sẽ từ bỏ ý nghĩ mình là kẻ dốt nát và sẽ tin tưởng hơn vào mình để có thể nộp đơn xin việc. Qua tất cả những điều trên, tôi chỉ muốn nói rằng các chính phủ hãy chú trọng, quan tâm hơn nữa đến việc khuyến khích sự sáng tạo trong học sinh. Điều đó quan trọng hơn bất cứ biện pháp giảng dạy nào trong nhà trường, bởi đó là nền tảng cơ sở cho sự phát triển trí não. Thông tin là cần thiết và được tích luỹ trong quá trình thu thập, kiểm tra... Tuy nhiên ích lợi của thông tin lại không làm giảm nhu cầu phải suy nghĩ. Chính vì vậy mà chúng ta cần cả hai".

Nói đến đó De Bono mới quay trở lại câu hỏi của tôi. Theo ông muốn khai thác tiềm năng công nghệ thông tin ở Việt Nam thì điều quan trọng là phải đưa ra được dự án có ý tưởng. Ông đơn cử Bangalore (Âận Độ), nơi sáng tạo ra các phần mềm trí tuệ cung cấp cho cả thế giới. "Sự phát triển này hoàn toàn không phục thuộc một cách cơ học vào vị trí gần một nơi nào đó thuận lợi để chuyển giao công nghệ, mà nhờ vào hệ thống những người có kiến thức biết cách thiết lập phần mềm, các công ty liên doanh. Việc phát triển ngành công nghệ không cần thiết phải đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng" - ông nhấn mạnh.


Thủ bút của E. De Bono: "Những lời chúc tốt đẹp nhất cho thanh thiếu niên Việt Nam, cho tư duy diễn tiến và sáng tạo"

Ông đã giảng dạy tại nhiều nước Châu Á. Hệ thống giáo dục tại Châu á phụ thuộc rất nhiều vào chương trình giảng dạy cố định. Các bài thi chủ yếu dựa vào kiến thức sách vở. Làm sao khuyến khích được lối tư suy sáng tạo?

- Chúng ta cần phải đi ngược lại dòng lịch sử. Trước đây, Trung Quốc đã từng đi đầu thế giới về kỹ thuật như sáng tạo ra thuốc súng, chế biến giấy. Tuy nhiên, trong lúc đạt được những bước tiến đáng kể, thì những nhà kỹ thuật đột ngột trở thành thứ yếu so với đội ngũ các học giả - những người muốn miêu tả tất cả mọi thứ. Họ viết, nhưng lại không tạo ra được điều gì thực sự cần thiết cho xã hội, hay đúng hơn không góp phần phát triển hệ thống công nghệ kỹ thuật đã được đặt nền móng tại đây. Và khi thiếu vắng chìa khoá chủ chốt của trí tuệ, toàn bộ những tiến bộ đã đạt được phải giậm chân tại chỗ. Bởi vì sức sáng tạo luôn là chìa khoá cho sự thành công. Vậy thì giờ đây chúng ta cần chú trọng đến việc tạo cho học sinh thói quen suy nghĩ diễn tiến (constructive thinking), suy nghĩ tổng thể (design thinking), làm cách nào để hoà trộn các ý tưởng nhằm nâng cao giá trị, làm cách nào để có thể thực hiện công việc theo cách đơn giản hơn, làm cách nào để đạt được tiến bộ... Đó là cách tối ưu mà chúng ta có thể làm để tạo cho các em thói quen suy nghĩ và sáng tạo.

Một trong những ưu điểm của hệ thống giáo dục truyền thống phương Đông, hoàn toàn khác với phương Tây là học sinh không có thói quen cãi lại thầy giáo. Nói theo cách khác, chúng ta không cần thiết phải quá nhấn mạnh đến việc tạo cho các em lối suy nghĩ diễn tiến mà có thể đi theo hướng khác. Chúng ta có thể tạo ra sự "đuổi bắt". Đó là sự thúc đẩy tiếp nối truyền thống và tiếp nối truyền thống... Như vậy, chúng ta loại ra ở bên này và cộng vào ở bên kia.

Có cả một tiềm năng khổng lồ cho việc giảng dạy tư duy trên khắp các nước trên thế giới. Và hệ thống này chỉ chờ sự gật đầu của các chính phủ để khởi động. Tôi đã từng nói với nhiều nước rằng nếu bạn chi một đồng để giảng dạy cho trẻ em cách tư duy sáng tạo, thì trong tương lai ta sẽ thu gấp chục lần số tiền đó. Nhưng câu trả lời của họ thật đáng thất vọng: Họ tránh né bằng cách nêu ra một loạt những khó khăn như: Không biết đề xuất với ai chuyện này, hoặc chính phủ của họ chưa sẵn sàng thử nghiệm chương trình... Thật đáng tiếc!

Báo Lao Động của chúng tôi đang cộng tác với Công ty phần mềm FPT và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi viết phần mềm "Trí tuệ Việt Nam". Liệu ông có mối quan tâm nào về cuộc thi này?

- Tôi từng là Chủ tịch của Công ty Youngster Enterprise với hơn 500 nghìn thành viên là các thanh thiếu niên tại Châu Âu, Nga và Israel. Nhiều người đã từng thực hiện kinh doanh ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Tiềm năng về trí tuệ trong thiếu niên là rất cao. Nếu báo Lao Động có thể hợp tác với chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển của CNTT, chúng tôi rất sẵn sàng tổ chức các cuộc hội nghị để giảng dạy về tư duy. Theo như tôi biết, cuộc thi "Trí tuệ Việt Nam" nhằm tìm ra các tài năng trẻ và những sáng kiến mới về CNTT trên mọi lĩnh vực, điều đó quả là rất tốt. Sẽ là rất tốt, nếu chúng tôi hợp tác với Việt Nam đào tạo những kỹ năng cần thiết về tư duy cho đội ngũ giáo viên để họ quay trở lại đào tạo cho thế hệ trẻ.

Thanh niên Việt Nam rất có năng khiếu trong lĩnh vực CNTT nhưng nhiều người lại không nắm bắt được năng lực của chính mình hay không biết nên làm gì với khả năng của họ. Ông có thể đưa ra một lời khuyên?

- Tôi cho rằng, các bạn trẻ cần phải có sự tự tin vào chính mình. Có rất nhiều cơ hội kinh doanh và thương mại dành cho các bạn trên thế giới. Có vẻ hơi khó nắm bắt và thực hiện cơ hội kinh doanh, nhưng bạn sẽ chỉ có thể đánh giá năng lực của mình thông qua việc làm cụ thể. Trở lại vấn đề sự tự tin, đây là điều hết sức cần thiết. Điều này đã được chứng minh qua chuyến thăm của tôi tới nước Nga. Thanh niên Nga rất thành thạo trong lĩnh vực sản xuất phần mềm mặc dù máy tính của họ không tốt. Cũng chính vì máy tính của họ không tốt mà họ càng phải nỗ lực hơn trong việc tạo ra phần mềm. Nếu có thể tạo được cho thanh niên sự tự tin thì nó sẽ có tác dụng rất tốt trong việc phát triển tư duy, khả năng của họ.

***
Edward De Bono chỉ dành cho tôi 30 phút trong lúc nghỉ giải lao giữa hai giờ giảng về tư duy sáng tạo cho 20 giáo viên đến từ khắp đất nước Australia. Họ phải nộp những khoản tiền không nhỏ để được tham dự khoá học này. Trước khi chia tay, Edward De Bono nói ông sẽ rất vui lòng đến VN và hợp tác cùng những người thực sự mong muốn phát triển lĩnh vực tư duy sáng tạo. "Nếu như có một hội thảo về đào tạo cho các giảng viên, thì tôi rất sẵn sàng đến nước các bạn. Theo tôi, một trong những cách thức nhanh nhất để phát triển đất nước đó là thúc đẩy các ý tưởng, sự sáng tạo. Đó là cách để bạn tiến lên phía trước, để tạo dựng tương lai, để xử lý các vấn đề, để làm mọi việc trở nên đơn giản hơn...". Phát hiện và thúc đẩy ý tưởng cũng chính là phương châm của cuộc thi "Trí tuệ Việt Nam". ở đây chúng ta đã đồng điệu được với Edward De Bono.

Xin cảm ơn Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Cty SASme và cá nhân bà Mai Hồ - Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam-Australia bang Victoria đã giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phương pháp tư duy sáu chiếc mũ (Six Thinking Hats)

    30/06/2005- Là một kĩ thuật được thiết kế nhằm giúp các cá thể có được nhiều cái nhìn về một đối tượng mà những cái nhìn này sẽ khác nhiều so với một người thông thường có thể thấy được. Đây là một khuôn mẫu cho sự suy nghĩ và nó có thể kết hợp thành lối suy nghĩ định hướng (lateral thinking).