Không phải robot, con người mới cần trỗi dậy
Điều cần nhất của Việt Nam hiện nay không phải là thúc đẩy sự trỗi dậy của các người máy công nghiệp mà là sự trỗi dậy của người. Trỗi dậy tính người trong mỗi cá nhân và trong việc nối kết thành một cộng đồng cùng chung ngôn ngữ và văn hóa...
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, con người cần trang bị kỹ năng cần thiết để hòa nhập với cuộc cách mạng này. Ảnh: THÀNH HOA
Trong bộ phim tài liệu năm 2017 “Sự trỗi dậy của người máy” do BBC thực hiện, một nhà sinh vật học đã trò chuyện với người máy Erika - một người máy giống người của Nhật Bản. Các câu đối thoại đầy thông minh, các biểu cảm tương ứng đã gây cho nhà sinh vật học sự ngạc nhiên. Khi người máy hỏi “anh có nghĩ tôi là con người không?”, ông đã lắc đầu, nhưng ông cũng tự nói loài người đã mất nhiều trăm ngàn năm để tiến hóa, vậy người máy vừa xuất hiện, đã tiến đến đâu trên nấc thang tiến hóa với tư cách một giống loài.
Chỉ mới xuất hiện với tư cách một khái niệm gần 100 năm nay, robot đã đi một bước dài để có một đại diện được công nhận tư cách công dân trong cộng đồng người như Sophia ở Saudi Arabia. Cô Sophia (tạm xác nhận giới tính của công dân này như vậy), đã lên tiếng trong chuyến dự hội thảo tại Việt Nam rằng “trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, con người cần trang bị kỹ năng cần thiết để hòa nhập với cuộc cách mạng này. Công nghệ giúp cho chúng ta có những lợi ích, cơ hội cho người nghèo. Công nghệ sẽ tạo công ăn việc làm mới cho các bạn chứ không phải tước đoạt đi công ăn việc làm”. Công dân máy đã nhìn đến lợi ích của con người trong việc cộng tác với người máy, như cách duy nhất để phát triển. Đó là việc chế tạo của con người để phục vụ cho con người hay là sự cộng tác của 2 giống loài để có thể tồn tại trong các điều kiện sống và tài nguyên đang ngày càng tới hạn? Chưa biết, nhưng có lẽ cũng như robot, con người trong thời đại công nghệ cũng đang tiến hóa để thích ứng, sự tiến hóa có thể xuôi hoặc ngược.
Thế giới hiện nay đang có sức sản xuất phần lớn phụ thuộc vào 3 triệu robot công nghiệp, một phần rất nhỏ trong số ấy đang ở Việt Nam. Trong năm vừa qua, dù muốn dù không, các khái niệm công nghệ 4.0 hay cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn được xiển dương như từ khóa chính, sẽ giúp Việt Nam bắt kịp chuyến tàu đầu tiên tới tương lai. Nhưng ở một nơi mà ngay cả dây chuyền sản xuất tự động, robot công nghiệp còn khan hiếm, công nghiệp điện khí hóa (2.0) còn đang manh mún, chính phủ điện tử, hành chính công, dữ liệu công (3.0) còn chưa biết khi nào hoàn tất và đồng bộ, chúng ta lấy chiếc vé nào để lên tàu? Như thứ nguyên tố cơ bản nhất cấu thành nên mọi cuộc chuyển dịch, việc nâng cấp con người có lẽ là điều kiện chính yếu nhất để có thể bám được một tay lên chuyến tàu 4.0 - theo cách gọi thời thượng ở Việt Nam.
Ở một nơi mà ngay cả dây chuyền sản xuất tự động, robot công nghiệp còn khan hiếm, công nghiệp điện khí hóa (2.0) còn đang manh mún, chính phủ điện tử, hành chính công, dữ liệu công (3.0) còn chưa biết khi nào hoàn tất và đồng bộ, chúng ta lấy chiếc vé nào để lên tàu?
Robot đang tiến hóa, công nghệ đang tiến hóa, và chúng ta, có lẽ, cũng đang tiến hóa. Theo một nghiên cứu mới đây của Pew Research, 53% người Việt sở hữu điện thoại thông minh. Ở một nghiên cứu khác, 78% người sở hữu điện thoại thông minh tại Việt Nam dùng để lên mạng xã hội, 79% dùng để xem video, trong đó thời lượng dùng cho mạng xã hội là nhiều nhất, 89% mỗi ngày. Đó cũng là cách chúng ta tiến hóa. Chỉ mới vài năm trước, hình ảnh các cụ già áo sờn vai, ngồi ở các ngã tư chờ một khách đi xe ôm, tay hờ hững cầm một tờ nhật trình còn là hình ảnh phổ biến. Thì nay, một anh tài xế công nghệ khoác áo xanh đỏ vàng, lướt nhanh Facebook trong khi chờ chiếc điện thoại “nổ” một khách đặt xe nào quanh đó đã thay thế. Phương tiện và cách tiếp cận thông tin đã thay đổi, trong sự tiến hóa của công nghệ, chúng ta đã tiến hóa để có thể tiếp nhận nhiều thông tin hơn, xung động hơn, mạnh dạn hơn trước các ý kiến thông tin, mặc dù sự ngây thơ và cả tin vẫn còn tồn tại ở khá nhiều người trong 79% sở hữu “chú dế thông minh” ấy. Tất nhiên, một quốc gia công nghệ không thể được xét bởi yếu tố đa số người dân có thể đặt một cuốc xe ôm tại nơi mình đang đứng thay vì phải đi bộ ra một nơi công cộng. Một quốc gia công nghệ là khi tất cả các tiến bộ công nghệ nhằm phục vụ cho tiện nghi của người dân, sự phát triển bền vững của nền kinh tế và sự an toàn của quốc gia.
Khi các diễn đàn 4.0 được tổ chức ở mọi cấp từ trung ương đến địa phương, thì những người thực hiện và thụ hưởng nền công nghệ ấy-người dân, vẫn đang ngơ ngác tự hỏi đó là gì. Thậm chí nhiều người còn không có thời gian hỏi, họ còn đang bận rộn giải quyết từng mục của một đời sống “không chấm gì” khi muốn làm một sổ hộ khẩu, khi muốn tìm một ngôi trường khả dĩ cho con cái, chọn một thực phẩm an toàn hay có một chỗ nằm trong bệnh viện khi đau ốm… Điều có thể giải quyết các khúc mắc ấy cho người dân hiện nay, không là công nghệ, phần lớn là nhờ vào tiền bạc. Trong những lo toan nhặt nhiệm ấy, mạng xã hội như một cánh cửa tốt để họ có thể trút ra những nỗi niềm và tìm kiếm những tương lân từ người khác. Cũng vì toàn bộ lo toan và thụ hưởng khác nhau ấy, các giá trị loạn chuẩn và mất đi tính thiêng, người ta chia rẽ và manh mún đến đáng sợ trên không gian mạng xã hội-nơi họ có thể bộc lộ mình khả dĩ nhất. Người ta chia rẽ nhau từ một chính sách, một hành xử của người có chức quyền, thậm chí chia rẽ từ kết quả một trận bóng. Họ chỉ đồng nhất trong nỗi lo toan mà công nghệ không thể giải quyết ở trên. Thế nên, đã có người mừng khi toàn bộ câu chuyện về một vị phụ huynh mắng thầy giáo vì một chiếc quần đen để trên bàn thầy đã tìm được sự thuận lòng của đám đông. Điều mừng, vì chí ít, giá trị của không gian người thầy, tính chính danh của mối quan hệ thầy-trò được bảo vệ bởi đám đông, trong sâu thẳm, chúng ta vẫn còn chung một nền tảng giá trị.
Mạng xã hội đã lan đi nhanh hơn gió những tin tức bẽ bàng về giáo dục, về tham nhũng, làm lộ ra những đau thương về môi trường, sức khỏe… đó là những vết thương đầy chán nản cho mỗi cá nhân, nhưng là cơ hội khi khả năng cộng cảm của cộng đồng mạnh lên để khắc phục, chữa trị. Càng nhiều vết thương lành, khả năng chạy cho kịp chuyến tàu phát triển càng rõ. Trong một đời sống số tiến nhanh hơn hiện trạng xã hội, khi mọi hành trạng sống, cả triết lý và quan điểm cá nhân cũng được đòi hỏi phải minh bạch và lưu trữ, nếu không tiến hóa, chúng ta sẽ bị bỏ lại, hay tối thiểu phải đóng khung mình như một robot hiện nay. Viễn cảnh các robot có trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên giống con người và ngược lại, trong hào quang của các khái niệm thời thượng ấy có thể đang ngày càng gần lại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015