Kết luận phần thứ hai

07:58 SA @ Thứ Bảy - 15 Tháng Mười, 2005

Theo sự phát triển của lịch sử khoa học, các vấn đề mà khoa học nghiên cứu càng ngày càng được kết luận nhiều lên và được sự nhất trí của tất cả hoặc hầu hết giới khoa học có liên quan, tuy rằng trước mặt khoa học luôn luôn có những vấn đề mới được đặt ra, đang chờ câu trả lời.

Triết học, trái lại, từ thượng cổ cho tới cuối thế kỷ XX này luôn luôn quan tâm tới một số vấn đề rất cơ bản, không nhiều lắm nhưng luôn luôn có ý kiến khác nhau, trái ngược nhau. Có thể nói, trong lịch sử triết học chưa bao giờ có một vấn đề quan trọng nào được sự nhất trí cao trong giới triết học. Tuy các vấn đề được nêu ra ở mỗi thời đại dưới những dạng ít nhiều có khác nhau, nhưng thực chất vẫn là những vấn đề cũ đặt ra từ khi loài người biết làm triết học. Cách kiến giải các vấn đề đó cũng theo thời gian mà thay đổi thành muôn hình muôn vẻ, nhưng về cơ bản vẫn là những cách kiến giải đã có từ ngàn xưa. Thí dụ như các câu hỏi và các câu trả lời về vấn đề thế giới khách quan có hay không có, nếu có thì bản chất của nó là cái gì, là vật chất hay là ý thức hay cả hai, vật chất là gì, ý thức là gì, mối quan hệ giữa hai cái đó, con người có thể hiểu được thế giới khách quan đó không? v.v..

Tình trạng nói trên của triết học đã được giới triết học Âu - Mỹ bắt đầu nhận thức được khá rõ từ cuối thế kỷ XIX và đến cuối thế kỷ XX thì càng được nhận thức thấm thía hơn. Có lẽ đó là điều duy nhất có sự nhất trí khá cao trong giới triết học. Lý do sự nhất trí này cũng đơn giản vì điều đó quá rõ, không cần phải uyên bác hay cao siêu mới nhận thấy.

Để thoát ra khỏi tình hình khó xử đó, giới triết học Âu - Mỹ thế kỷ XIX và XX đã thử đi theo ba hướng nhưng đều bế tắc:

- Một là, phủ nhận triết học (trường phái thực chứng), thực chất là - có ý thức hay không có ý thức - thay thế một triết học này bằng một triết học khác trá hình.
- Hai là, cho rằng tình hình "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay" ngự trị trong lịch sử triết học là do việc dùng ngôn ngữ không rõ ràng, "ông nói gà, bà nói vịt", nên phải xây dựng lại ngôn ngữ triết học (trường phái triết học phân tích). Đúng là có tình hình khá phổ biến trong triết học là các khái niệm và thuật ngữ được hiểu, được dùng không thống nhất. Nhưng bản chất của vấn đề cũng không phải ở đó.
- Ba là, muốn đi tìm cái gì cơ bản nhất, mà ai cũng phải công nhận để từ đó suy diễn ra tất cả các vấn đề triết học. Đó là cách làm mà Descartes ở thế kỷ XVII đã sử dụng với điểm xuất phát nổi tiếng "tôi suy nghĩ, vậy tôi tồn tại", và từ cái tồn tại đầu tiên đó để suy ra các vấn đề khác. Nhưng rõ ràng cái cơ sở đó của Descartes đã không thay đổi chút nào về sự không nhất trí trong triết học suốt từ thế kỷ XVII tới nay. Trường phái hiện tượng luận của Husserl ở thế kỷ XX đã mong tìm cái cơ sở vững chãi cho triết học ở bản thân kinh nghiệm nội tại (expérience véeue) của con người, tuy khác Descartes, nhưng thực chất cũng như Descartes đều xuất phát từ thế giới chủ quan của con người. Và những phân tích rối rắm của hiện tượng luận chỉ làm phức tạp thêm tình hình vốn đã quá phức tạp của triết học. Engels, một nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, đã chỉ ra rằng tất cả các vấn đề và kiến giải rối rắm của triết học chung quy lại chỉ là sự đấu tranh giữa hai quan điểm triết học duy tâm và duy vật với nhiều màu sắc khác nhau trong suất cả quá trình lịch sử triết học mấy ngàn năm nay. Khắc phục tình trạng rối rắm trong triết học về cơ bản phụ thuộc vào việc làm sáng tỏ phải, trái, đúng, sai giữa hai quan điểm cơ bản nói trên.

Engels cũng gắn liền sự phát triển của triết học duy vật với sự phát triển của khoa học. Phát triển ý kiến nói trên của Engels, ta có thể hiểu là mỗi bước phát triển lớn của khoa học là một thắng lợi mới của triết học duy vật đối với triết học duy tâm và làm cho nội dung của triết học duy vật chính xác hơn, sâu sắc hơn.

Điều này rất rõ nếu ta nhớ lại sự xuất hiện thuyết nhật tâm của Copernic (và Galilée), hóa học nguyên tử và các hạt cơ bản, thuyết tiến hóa của loài người, thuyết tương đối của Einstein, mối quan hệ giữa tâm lý, ý thức và bộ óc, v.v.. Những kỳ lạ trọng cơ học lượng tử và thuyết vụ nổ lớn đang đặt ra những vấn đề có thể làm cho triết học duy tâm hy vọng dựa vào khoa học để lấy lại sinh khí, nhưng có cơ sở để đoán rằng hy vọng này cũng sẽ tiêu tan như khi nó hy vọng vào sự phá sản của khoa học (đúng hơn là vật lý học) ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khi người ta tưởng rằng khoa học đã chứng minh là vật chất không tồn tại, rằng vật chất có thể biến thành năng lượng, v.v.. Khoa học ở thế kỷ XXI khi làm sáng tỏ được các kỳ lạ của cơ học lượng tử, của thuyết vụ nổ lớn chắc sẽ lại đánh dấu một thắng lợi mới của chủ nghĩa duy vật ở nửa đầu thế kỷ XXI.

Khoa học thế kỷ XX đã cung cấp cho triết học một bức tranh toàn cảnh sâu sắc hơn và cơ bản hơn (tất nhiên không phải là bức tranh cuối cùng) của thế giới vật chất, cùng với những hiểu biết bước đầu nhưng rất quan trọng về một dạng vật chất rất bí mật là bộ não con người với tính chất là cơ sở tồn tại của tâm lý, của ý thức, của tinh thần.

Khoa học thế kỷ XX cũng đã cung cấp rất nhiều tư liệu về các quy luật vận động cụ thể của thế giới khách quan để làm sâu sắc hơn, hoàn chỉnh hơn phép biện chứng của triết học duy vật.

Triết học duy vật của chủ nghĩa Mác gồm hai bộ phận là duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Những phát triển to lớn của khoa học tự nhiên cuối thế kỷ XX đã làm sáng rõ và phong phú thêm các luận điểm của triết học duy vật biện chứng. Tuy vậy, cần phải có những nghiên cứu sâu sắc hơn để phát triển nội dung của môn duy vật biện chứng lên một bước mới như các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác mong muốn, chứ không chỉ đừng lại ở việc minh họa nội dung đó bằng các thí dụ cụ thể lấy từ khoa học như lâu nay vấn làm.

Trong thực tiễn sôi động và lớn lao của thế kỷ XX, các khoa học xã hội đã và đang xây đựng cơ sở cho sự phát triển của môn duy vật lịch sử. Từ việc tổng kết, phân tích một cách khoa học thực tiễn, các khoa học xã hội và môn duy vật lịch sử trong tương lai chắc chắn sẽ phát triển lên một giai đoạn mới, cao hơn.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:
Close menu