Hư Vô: Một tên gọi khác của Thượng Đế?
Phần lớn những người Tây phương bắt đầu tiếp cận một cách phiến diện với Phật Giáo đều ngạc nhiên trước sự kiện mục tiêu tối thượng của dòng tâm linh này không phải là Thượng Đế mà là ... « Niết Bàn tịch diệt », được họ hiểu là ... Hư Vô !
Nhận xét này làm tôi liên tưởng đến một câu chuyện khôi hài khá phổ biến:
Một linh mục Công Giáo, một mục sư Tin lành và một thày giảng Do Thái lần đầu tiên đến Nữu Ước. Rời phi trường, họ lấy cùng một chiếc taxi. Vị linh mục bảo :
- Thành phố này quả là vĩ đại ! Nhìn những công trình kiến trúc, những cao ốc chọc trời, những đường xa lộ tầng này chồng lên tầng khác v.v... , tôi thật có cảm tưởng mình quá nhỏ nhoi ...
Ông mục sư đồng ý :
- Vâng. Trước những gì con người có thể thực hiện, tôi cũng tự thấy mình vô cùng kém cỏi
Thày giảng Do Thái thêm :
- Đúng thế. Chúng ta thật vô nghĩa trước những thành quả không thể tưởng tượng được của trí tuệ ...
Bất thần người tài xế Taxi xen vào câu chuyện :
- Này, các ông đều là những người có kiến thức cao rộng, mỗi lời nói của quý ông đều được bao nhiêu người kính trọng nghe theo, thế mà quý ông tự cho mình là nhỏ nhoi, vô nghĩa. Vậy thì một tên thất học như tôi chắc phải là ... hư vô ?
Cả ba vị giáo sĩ đều mạnh mẽ phản đối :
- Ơ hay ! Anh là cái thớ gì mà lại dám tự cao tự đại đến thế ?
*
* *
Quan điểm của Thần Học :
Câu hỏi nền tảng là : có phải Hiện Hữu đến từ Hư Vô ? Thật ra, con đường đi từ hiện hữu đến hư vô khá dài. Người ta khởi đầu bằng quan niệm sự hiện hữu nào cũng phải đến từ một cái gì đó, tức từ một hiện hữu khác. Sự hiện hữu ấy cũng đến từ một cái gì khác, cái ấy lại đến từ một cái khác nữa ... Cứ thế, người ta lần mò lên đến nguyên thủy của mọi sự vật. Trước nó, không có gì cả, tức là Hư Vô. Hư Vô, như vậy, là Mẹ của Vạn Vật.
Quan điểm này buộc phải thông qua khái niệm Sáng Tạo. Tuy nhiên, cái gì ở trong Hư Vô đã sáng tạo ra sự vật ? Người ta gọi đó là Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa ở trong Hư Vô, thì Hư Vô có còn là Hư Vô được nữa hay không ? Vì khi ấy Hư Vô có một đặc tính. Nó trở thành « cái chứa đựng Thiên Chúa", nên không còn là Hư Vô được nữa. Giải pháp của vấn đề phải chăng là quan niệm : « Thiên Chúa chính là Hư Vô » ?
Cần nói là Vũ Trụ Học gần đây quan niệm thế giới trong đó chúng ta đang sống không bắt buộc phải khởi đầu từ Big Bang, tức từ một trạng thái vật chất và năng lượng vô cùng cô đọng với nhiệt độ cực cao, trước khi phát nổ để cho ra vũ trụ như chúng ta hiện quan sát. Trước Big Bang, có thể đã có vũ trụ, nhưng thay vì dãn nở như hiện nay, thì nó lại càng lúc càng thu hẹp, để cho ra một khối vật chất và năng lượng dần dần cô đọng đến một mức nào đó trước khi nổ tung ra một lần nữa. Hình dung một vũ trụ trải qua những chu kỳ co dãn như thế khiến người ta có thể đẩy lùi giả thuyết sáng tạo về một quá khứ vô định. Tuy nhiên điều ấy không có nghĩa là người ta phủ định nó một cách tuyệt đối. Vào một lúc nào đó, có thể đã có một chu kỳ đầu tiên, xuất phát từ một nguyên nhân đầu tiên, và hình ảnh của Sáng Tạo, với bàn tay Thiên Chúa, trong Hư Vô, lại mờ mờ ẩn hiện đàng sau.
Không thể nghĩ bàn
Nói thế, nhưng thật khó hình dung được một Thiên Chúa ở trong hư vô, là thành phần của hư vô ... Nếu Thiên Chúa không « là » hư vô, mà là một sự hiện hữu, một thực thể, thì khi ấy lại phải tự hỏi sự hiện hữu ấy, thực thể ấy từ đâu ra, ai làm nên nó, trước nó có gì, tại sao có nó ? Vì thế, người ta không có cách nào hay hơn là tuyên bố : Thiên Chúa là cái « không thể nghĩ bàn » ! Nói cách khác, người ta đặt óc suy luận sang một bên, vì suy luận không thể giúp gì trong việc tìm biết Thiên Chúa. Đó là « Thần Học phủ định ». Thiên Chúa là cái không thể nghĩ, không thể nói, không thể giải thích. Chỉ có thể « cảm thấy ». Lý trí nhường chỗ cho kinh nghiệm trực tiếp, trong khi suy luận tan biến trước trực giác.
Thật ra trong đời sống hàng ngày chúng ta cũng áp dụng « tri thức phủ định » này một cách rất thông thường. Thí dụ, khi tôi uống một ly rượu « Gewurtztraminer hái muộn » (một dịp để ý thức rằng thực hành triết lý cũng là một lạc thú ...) thì tôi biết ngay là mình đang thưởng thức loại rượu ngon ấy, nhưng không thể dùng lý luận để truyền đạt cái biết này. Cũng như thế, khi hỏi : « mùi hoa lài thế nào ? » thì không ai trả lời được. Bất quá có thể mô tả nó, nhưng dù mô tả tài tình cách mấy cũng không bao giờ diễn đạt được cái « nó là ». Mùi hoa lài, hay rượu Gewurtztraminer hái muộn là những hiện hữu đặc thù Trong mỗi trường hợp, « nó chỉ là nó », không thể lẫn lộn với hiện hữu nào khác. Chỉ có thể nắm bắt nó bằng trực giác. Tương tự như ... Thiên Chúa !
Hiện Hữu giả định
Bên cạnh những hiện hữu như hoa lài và rượu ngon, còn có những thứ không có thật, những « phi hữu » được tâm trí con người hình dung như hiện hữu. Thí dụ, con rồng, con kỳ lân, hiện hữu trong rất nhiều lãnh vực của đời sống chúng ta, nhưng hoàn toàn không có thật. Thần thánh, ma quỷ, là những thí dụ khác, tuy tính chất « có thật hay không » có thể đưa đến nhiều tranh cãi . Hồn vía cũng thế. Khi chúng ta khấn vái tổ tiên, anh hùng dân tộc ... chúng ta hình dung sự hiện hữu của họ gần đó, đang nghe lời chúng ta cầu nguyện. Khi hình dung mặt đất như một mặt phẳng, hay ở một giai đoạn khác, hình dung vũ trụ như mặt trời mặt trăng với các vì tinh tú quay quanh địa cầu, con người cũng tạo ra những sự hiện hữu « phi hữu ».
Người ta nghĩ rằng những hiện hữu giả định là những yếu tố cần thiết cho sự quân bình của môi trường tâm lý và xã hội của con người ở một thời điểm nào đó. Bên cạnh thần thánh, ma quỷ, hồn vía, v.v..., chúng ta cũng thường mô tả thiên đường, địa ngục ... một cách tương đối chính xác (bao nhiêu tầng, có gì trong đó ...). Những thứ này đều là những sự hiện hữu giả định, nhưng mang những vai trò chính xác. Có thể nói là các huyền thoại, truyện cổ tích, truyền thuyết dân gian, đều là những « phi hữu » cần thiết, tuy thuộc về hư vô, nhưng lại hiện hữu trong những cấu trúc tâm lý xã hội nhất định, có khả năng quy định các cấu trúc ấy. Thiếu chúng, thì môi trường tâm lý xã hội kia sẽ không hiện hữu ! Thêm một lý do để nhấn mạnh đến sự quan trọng của hư vô ...
Hư vô và biện chứng pháp
Nói chung, ngay cả trong lãnh vực khoa học, con người luôn phải lập ra những giả định, để giải thích các hiện tượng mà mình quan sát được. Nguyên tử chẳng hạn là một sự hình dung có khả năng cắt nghĩa được một số quan sát. Tuy nhiên, quan niệm về nó không ngừng thay đổi. Những thành phần của nguyên tử cũng là những sự hình dung rất cần thiết cho một số mô hình lý luận, nhưng cũng không tránh khỏi bị những khám phá mới liên tục làm thay đổi bộ mặt. Quang tử và ánh sáng cũng thế. Những lý thuyết về các thiên hà, lỗ đen, và nói chung, về vũ trụ, cũng là những giả thuyết tạm thời thích ứng với một số quan sát, nhưng luôn đặt ra những câu hỏi cần giải đáp. Thí dụ như để giải thích sự kiện tốc độ giãn nở của vũ trụ không ngừng gia tăng, người ta hình dung ra « năng lượng tối »... Các lãnh vực nhân văn như sử học, khảo cổ, y khoa, xã hội, kinh tế, tâm lý học, v.v... cũng là những sự vận động khái niệm, với những giả thuyết luôn phải sáng tạo, cập nhật, và phủ định, để cho phù hợp với quan sát thực nghiệm.
Tức là con người luôn tìm cách nắm bắt thực tế qua trung gian những giả thuyết cần được kiểm chứng bởi thực nghiệm. Trong những điều kiện tốt đẹp, các giả thuyết ấy càng ngày càng tiến gần đến thực tại, nhưng không bao giờ thực sự trở thành thực tại. Tiến trình tiếp cận với thực tại là một chuỗi phủ định : giả thuyết sau phủ định giả thuyết trước, để đến gần với thực tại hơn, rồi lại bị giả thuyết kế tiếp phủ định. Con đường « phủ định của phủ định » chính là biện chứng pháp. Không cần phải đợi đến Marx hay Hegel, mà từ thời Cổ Hy Lạp, tiến trình ấy đã được Platon đề ra, với quan niệm rằng phi hữu, hay hư vô, chính là điều kiện của biện chứng. Chuỗi « không là » ấy cho phép càng lúc càng đến gần thực tại, và đạt đến sự hiểu biết thực tại ngày càng chính xác hơn.
Hư Vô và Tự Do
Một thực tại quan trọng là sự hiện hữu của chính chúng ta, và những sự hiện hữu đã đưa đến sự hiện hữu của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta là một sự hiện hữu đến từ những sự hiện hữu khác thì chúng ta không khác gì một con vật hay một sự vật. Chúng ta không thể là cái gì khác hơn là kết quả của những sự hiện hữu đã cho ra chúng ta. Như tảng đá chỉ có thể là tảng đá. Gốc cây, con chó, chỉ có thể là gốc cây, là con chó. Chúng ta sẽ không có tự do, vì mọi hành vi của chúng ta sẽ hoàn toàn bị quy định, như con chó không thể làm gì khác hơn là ... làm con chó ! Con người không như thế. Con người có thể “là” nhiều thứ khác hơn là “cái tôi thường hữu”, tức một sự hiện hữu đã bị quy định. Những cái “là” khác, có thể gọi là “cái tôi tự hữu”, đến từ ý thức. Con người biết ý thức “cái mình là” ở một trình độ cao hơn con vật. Loài vật chỉ đơn thuần ý thức sự hiện hữu của mình. Khi tự hỏi về “cái mình là”, con người đứng trước Hư Vô, phóng mình vào Hư Vô, đi tìm “cái mình là” trong sự trống không ấy. Thật vậy, “cái mình là” ấy buộc phải là một sự trống không, trước khi có thể là bất cứ gì. Cái « mình là » bắt buộc phải thuộc về hư vô, vì nếu nó thuộc về hiện hữu, thì nó đã bị quy định bởi một chuỗi hiện hữu cho ra nó, và chỉ có thể “là” một cái gì nhất định, không có Tự Do trở thành bất cứ gì khác. Nói cách đơn giản : bản chất của ý thức chính là .. hư vô ! Và hư vô chính là điều kiện của Tự Do.
Hư Vô và Ham Muốn
Chúng ta đều đang muốn một cái gì đó, tức một sự “hiện hữu” nào đó ... Sự hiện hữu, trong tri thức thông thường, là một cái gì lấp đầy hư không, như tách trà là một khoảng trống trong đó người ta đã rót đầy trà. Mặt khác, khi chúng ta mong muốn một sự hiện hữu nào đó, thì chúng ta sẽ có khuynh hướng “hư vô hóa” những sự hiện hữu khác. Khi chúng ta muốn uống trà, thì những tách trà cạn đều thuộc về “hư vô” ... Khi chúng ta vào một quán nước tìm một nhóm bạn, và nếu họ không có trong ấy, thì chúng ta sẽ quay trở ra và nói “không có ai trong ấy cả”. Tương tự như thế, chúng ta chọn lọc những hiện hữu có ý nghĩa đối với mình, và đẩy vào hư vô những hiện hữu khác. Thí dụ Tổng Thống Obama là một người nửa da trắng nửa da đen, được giáo dục như một người hoàn toàn da trắng. Tuy vậy, người ta vẫn coi ông như một “Tổng Thống da đen”. Khía cạnh “da trắng” của ông bị “hư vô hóa”. Một thí dụ khác : con người thường tin là thế giới, hay đời sống, có một ý nghĩa, nên tất cả những gì không phù hợp với ý nghĩa ấy đều bị đẩy vào “hư vô”, bị coi như những “tai nạn”, những thứ “đáng lẽ không xảy ra”, những chuyện “không đâu”. Tương tự như thế, nói : “cái ấy không là gì cả”, chỉ biểu lộ ý tưởng “cái ấy không phù hợp với mong muốn của tôi”, hay “không mang một ý nghĩa nào đối với tôi”. Và khi chúng ta xỉ vả : “tên ấy không là gì cả”, thì chúng ta hàm ý “người ấy không mang những giá trị mà tôi thừa nhận”. Những giá trị khác đã bị chúng ta vứt vào hư vô. Một trường hợp khôi hài là quan điểm Vô Thần thường bị coi là “Hư Vô Chủ Nghĩa”, trong khi Hư Vô không phải là mục đích của đa số các triết lý vô thần. Ngược lại, những người Hồi Giáo quá khích chủ trương “thánh chiến”, hoàn toàn xa lạ với vô thần, nhưng cũng bị lên án là “Hư Vô chủ nghĩa” ! Hư vô có thể được coi như một loại thùng rác trong đó chúng ta vứt bỏ những gì không phù hợp với mong muốn của mình, hay không mang ý nghĩa gì đối với mình. Hoặc giả Hư Vô là một vị Thần có khả năng hóa giải, làm tan biến tất cả những sự hiện hữu ấy, để vẽ lên một “cảnh giới” lý tưởng, phù hợp với mong muốn của mỗi người chúng ta ?
Một điều quan trọng cần nhấn mạnh là con người không chỉ ham muốn những sự hiện hữu vật chất. Đó là một khác biệt nền tảng với loài vật. Thật vậy, động cơ tâm lý của loài vật là ham muốn được hấp thụ (ăn) hoặc chiếm đoạt (biến thành của nó) cái nó ham muốn. Dần dần nó trở thành những gì nó ham muốn. Cảm giác "hiện hữu" trong trường hợp ấy là một sự trống vắng phải được lấp đầy bằng những cái mà con vật, hay con người ở trình độ súc vật, ham muốn. Cảm giác ấy là cảm giác của sự vật lồng trong sự vật, tức của một sự vật.
Con người, qua ngôn ngữ, biết khái niệm hóa, nên sự ham muốn (ái dục) vượt lên trình độ khái niệm. Con người không chỉ ham muốn một sự vật (nếu ngừng ở đó thì gống như con thú) mà ham muốn một khái niệm, một cái gì hoàn toàn trừu tượng, một “hư không” đầy thu hút. Con người ham muốn chính sự ham muốn. Tôi muốn được cái huy chương này hay cái giải thưởng kia không phải vì tự thân cái huy chương hay cái giải thưởng ấy, mà vì chúng được mọi người ham muốn. Tôi không chỉ ham muốn một phụ nữ để chiếm đoạt thân xác cô ta (nếu không thì tôi ở trình độ con thú), nhưng tôi muốn cô ta ham muốn tôi, yêu tôi. Trong mọi trường hợp tôi muốn sự ham muốn.
Ham muốn sự ham muốn vượt trên cảm giác ham muốn, và vượt trên sự vật được ham muốn. Nó không còn ở trình độ cảm giác mà trở thành ý thức bản ngã. Ý thức này khác với cảm giác hiện hữu của con vật vì nó bao gồm một tập hợp hiểu biết phức tạp về cái mà tôi tự nhận là "tôi". Chữ conscience, cousciousness, đến từ La Tinh "Cum Scire" là "có biết" - biết, chứ không phải chỉ đơn thuần "cảm thấy" - với trực giác. "Biết" cái tôi (ngã) là "biết" một thực thể trừu tượng, bao gồm nhiều yếu tố trừu tượng, nhưng trong bản chất vẫn là trống rỗng, là ... hư vô (trừu tượng mà !). Vì thế, phải luôn tìm cách bù đắp sự trống rỗng của bản ngã, luôn ước vọng trở thành cái mình “không là”, tức là : luôn ... tham dục !
Dục vọng thúc đẩy con người hành động, nhưng không chỉ hướng vào những sự vật, để chính mình trở thành một sự vật (như con thú), lúc nào cũng vẫn chỉ "như thế" (chó luôn là chó ...) mà hướng vào một sự trở thành liên tục, luôn thoát khỏi cái "mình là". Như một tên bác sĩ quèn nhưng muốn làm chủ tịch nước Đại Nam (!), như Einstein, từ một công chức hạng bét muốn trở thành cha đẻ của vật lý hiện đại, hay như Mihael Jackson, từ một cậu bé da đen nghèo nàn, trở thành ca sĩ thượng thặng, với bao lần thay da đổi mặt, v.v...
Dục vọng đến từ ham muốn sự ham muốn không chỉ nhằm mục đích tiếp tục tồn tại, như trong bản năng sinh tồn của con thú tìm mồi, hay tìm con vật khác phái để di truyền nòi giống. Ngược lại, nó chủ yếu nhằm vào những thứ hoàn toàn "vô ích" nếu nhìn theo logique sinh tồn. Tích lũy tài sản, danh vọng, quần áo sang trọng, nữ trang đắt tiền, nhà, xe, lộng lẫy, v.v... là những thứ vô ích. Nhưng đó lại là căn bản của hành vi của con người. Thật ra điều này cũng có những khía cạnh tích cực, như đeo đuổi những khám phá khoa học, triết học, những thành quả nghệ thuật, chính trị, tâm linh, tôn giáo, thể thao v.v... như đã gợi ý ở trên.
Tuy nhiên, sự ham muốn của một con người sẽ va chạm với ham muốn của con người khác. Khi ấy, mâu thuẫn và bạo lực nảy sinh. Con người có thể bắt người khác muốn cái muốn của mình (phản ứng áp đặt), hoặc tự mình chọn muốn cái muốn của người khác (phản ứng thần phục). Điều ấy bắt đầu từ đứa bé, khi nó muốn cái muốn của mẹ nó hay ngược lại.
Vì thế, xã hội con người trong bản chất là một xã hội mâu thuẫn và bạo lực, được quản chế một cách ít nhiều "văn minh" mà thôi. Và Hư Vô chính là năng lượng của mâu thuẫn và bạo lực ấy !
Hư Vô như điều kiện của hiện hữu
Ngay cả khi không bị cuốn hút bởi năng lực của nó, người ta vẫn có thể nhận xét là mọi sự hiện hữu đều bị điều kiện hóa bởi hư vô. Khi ta đứng, ta đưa sự khẳng định “tôi đang ngồi” vào hư vô. Khi bạn cất tiếng nói, thì sự im lặng của bạn không còn hiện hữu nữa, nó đã lùi vào hư vô. Ngược lại, khoảng trống (hư vô) của sự im lặng kéo dài tạo nên một thôi thúc khiến người ta phải cất lên tiếng nói, tiếng hát, hay tấu lên một khúc nhạc ... Sự trống trơn của tờ giấy trắng cho phép người ta viết hay vẽ lên đó. Khoảng trống của bát cơm cần thiết để cơm được xới đầy trong đó ... Cần nói là những lúc im lặng cũng là thành phần của ngôn ngữ, và của âm nhac. Chúng có giá trị không kém gì những nốt nhạc hay những ngôn từ, cũng như khoảng trống là thành tố quan trọng nhất của cái chén.
Mặt khác, trong dòng thời gian, mọi sự hiện hữu đều đến từ một quá khứ đã trở thành hư vô, vì không còn hiện hữu nữa, và đang biến đi trong một tương lai cũng thuộc về hư vô, vì chưa hiện hữu. Vậy, khi nào thì cái “quá khứ - hư vô” trở thành hiện hữu trước khi lại tan biến vào hư vô của tương lai ? Hiện hữu phải chăng rất mong manh, rất nhỏ nhoi, bên cạnh sự mênh mông vĩ đại của hư vô chung quanh nó ? Trong điều kiện ấy, có còn quả quyết được là sự hiện hữu “có thật” hay không ? Hay hiện hữu chỉ là ảo ảnh giữa sa mạc Hư Vô ?
Không cần phủ nhận nó, người ta có thể giả sử có nhiều trình độ hiện hữu. Có những sự hiện hữu “thật” hơn những sự hiện hữu khác. Ở phần trước, chúng ta đã bàn đến các sự hiện hữu giả định và các sự hiện hữu chỉ có trong sự tưởng tượng của con người. Trình độ “thật” của những hiện hữu ấy thấp hơn ly nước trước mặt tôi (tôi không chỉ uống Gewurtztraminer hái muộn !). Tuy nhiên, các nhà đạo đức cho rằng sự yêu thích một tô phở ngon có trình độ hiện hữu thấp hơn lòng yêu nước chẳng hạn. Các nhà tôn giáo cũng cho rằng xác thịt và sự vui thú xác thịt có một sự hiện hữu rất mong manh, rất phù du, đối với sự hiện hữu của “đời sống vĩnh cửu” sau khi chết, hay đối với niềm vui khi làm việc thiện, khi cầu nguyện, khi đạt đến cảm thông với Chúa ...
Theo dòng tư tưởng này, thì bản chất của Hiện Hữu chính là sự Thiện. Vì con người và thiên nhiên, như những hiện hữu, buộc phải từ chối hư vô như sự phủ định của chính mình, và chọn Hiện Hữu như cứu cánh tuyệt đối. Cứu cánh ấy được đặt tên là “Thiện”. Chúng ta đã nhận ra rằng cứu cánh này được điều kiện hóa bởi ... hư vô !
Nếu Hư Vô không có thật ?
Hư vô quả thực vô cùng quan trọng trên mọi khía cạnh của sự hiện hữu. Thế nhưng, nếu nó chỉ là một khái niệm trừu tượng, không có thật, thì sao ? Parmenide vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, đã khẳng định như thế. Theo ông, chỉ Hiện Hữu là có thật, Hư Vô là giả tưởng, không thể thực nghiệm.
Để bảo vệ lập luận này, người ta buộc phải quan niệm sự Hiện Hữu như không có bắt đầu và không có kết thúc. Vì nếu có bắt đầu và kết thúc, thì cái gì có trước lúc bắt đầu và sau sự kết thúc ấy, nếu không phải là cái hư vô không thực có ? Hiện Hữu cũng không được có giới hạn, tức không tăng không giảm, vì ngoài giới hạn của nó ta sẽ tìm thấy cái gì nếu không phải là hư vô ?
Như thế, Hiện Hữu không có khởi đầu, vì nó luôn hiện hữu. Hiện Hữu không hề được sáng tạo, vì nó không thể sáng tạo ra chính nó. Hiện Hữu không có kết thúc, vì sự kết thúc của nó vẫn lại là nó. Nó không có trở thành, mà chỉ thể hiện thành mọi hiện hữu, như mỗi người chúng ta, như thiên nhiên, vạn vật. Nó không thể nghĩ bàn, vì không một hiện hữu nào có thể quan niệm được tổng thể của nó.
Hiện Hữu như vừa được định nghĩa, đưa chúng ta trở về một khái niệm đã phần nào bị bỏ quên ở đầu bài viết. Đó là Thiên Chúa, là Thượng Đế ...
Vậy, nếu Hư Vô là một tên gọi khác của Thượng Đế, thì Hư Vô ấy chỉ diễn đạt sự vô hạn, vô thủy, vô chung, của một Hiện Hữu hoàn toàn không thể hiện hữu trong trí tuệ của bất cứ hiện hữu nào ...
Phải chăng đó có thể là câu trả lời của anh tài xế tắc xi với ba vị giáo sĩ đã nặng lời chỉ trích anh ta ?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015