Hư cấu hay xuyên tạc lịch sử?

08:15 CH @ Thứ Bảy - 13 Tháng Giêng, 2018
Vấn đề hư cấu nghệ thuật của nhà văn khi viết về lịch sử, về các nhân vật lịch sử tưởng đã được giải quyết đâu vào đấy rồi. Hóa ra không phải. Dư luận đang xôn xao về truyện ngắn “Bắt đầu và kết thúc” của tác giả Trần Quỳnh Nga trên báo Văn nghệ ra số 50 (ngày 16/12/2017).
.
.
Tất nhiên là nhà văn có quyền hư cấu nhưng không được phép thay đổi bản chất của lịch sử, của nhân vật lịch sử nhất là khi những sự kiện lịch sử ấy, những nhân vật lịch sử ấy đã được ghi chép, đánh giá thống nhất trong chính sử, cũng như đã được minh định bền vững trong tâm thức của dân tộc từ trước đến nay.
.
Chính sử nước ta hết sức khách quan khi viết về Trần Ích Tắc: Đó là một người có tài và có bụng liên tài. Do đó ngoài việc trau dồi tài năng của mình, ông còn mở trường học, tập hợp và đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước. Nhưng chính sử cũng ghi rất rõ: Tháng 3/1285, Trần Ích Tắc đưa tất cả gia quyến sang hàng giặc và được phong là An Nam Quốc Vương. Khi quân Nguyên đại bại, Trần Ích Tắc cũng theo giặc về phương Bắc. Gần một năm sau quân Nguyên lại sang xâm lược nước ta với chiêu bài là đưa An Nam Quốc Vương về nước, nhưng lại bị đánh cho đại bại. Nhưng nhà Nguyên vẫn định xâm lược nước ta lần thứ 4, cũng với chiêu bài đưa An Nam Quốc Vương về nước vào cuối năm 1293. Âm Mưu chưa được tiến hành thì đầu năm 1294 Hốt Tất Liệt qua đời, từ đó việc xâm lược nước ta mới chính thức bị Nguyên Mông bãi bỏ.

Một kẻ phản bội Tổ quốc đến cùng như thế, lại được tác giả truyện ngắn “úp úp mở mở” coi là người trung quân ái quốc, khi cho Thoát Hoan đánh giá: “Trần Ích Tắc một kẻ ngông cuồng một kẻ vì nước mà hy sinh cả tiền tài, danh vọng và thân phận của mình để làm một kẻ nội gián đáng chết”. Một kẻ như thế không đủ tư cách để khuyên răn An Tư công chúa (dù chỉ trong một giấc mơ): “Dòng máu hoàng tộc không chỉ nuôi sống cơ thể chúng ta mà nó còn là huyết mạch nuôi dưỡng tinh thần quật cường, đức hy sinh, lòng kiêu hãnh của cả một triều đại”.

Ca ngợi Trần Ích Tắc là người ái quốc, có lẽ tác giả Trần Quỳnh Nga bị ảnh hưởng bởi một dư luận (tuy không phổ biến): Trần Ích Tắc là một người yêu nước, một gián điệp được nhà Trần “cài cắm” vào hàng ngũ giặc. Dư luận này hoàn toàn hoang đường, suy diễn chủ quan, vì lịch sử của Việt Nam và cả Trung Quốc hoàn toàn không có dòng nào ghi chép về sự kiện này, mà chỉ ghi Trần Ích Tắc được nhà Nguyên trọng dụng và chết trên đất nước. Những năm sống tha hương, Trần Ích Tắc có những bài thơ nói về lòng yêu quê hương, đất nước, nhưng không thể coi những lời ân hận muộn màng của một kẻ phản quốc là một tấm lòng “trung quân ái quốc”.

An Tư công chúa vốn được nhân dân ta kính trọng bởi bà đã dám hy sinh cả danh tiết (và có thể cả tính mạng) thực hiện kế hoạch mỹ nhân kế của vua quan nhà Trần, để kìm chân quân giặc, giúp triều đình có đủ thời gian tập trung binh lực đánh giặc. Sau khi kháng chiến thành công, sử nhà Trần không có một dòng nào viết về bà, có thể là một cách bảo vệ bà, vì bà đang sống trên đất giặc.

Sử Trung Quốc ghi rằng, bà có hai con với Thoát Hoan, còn trong tiềm thức của dân tộc, bà là một tấm gương dũng liệt, hy sinh vì dân vì nước. Có tin là bà tự tử chứ không chịu theo Thoát Hoan về nước (Sau này viết “An Tư công chúa”, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng sử dụng chi tiết này). An Tư công chúa có thể nhầm lẫn khi coi tình cảm của Trần Ích Tắc dành cho mình (và ngược lại) là tình cảm lớn nhất, thiêng liêng nhất trong đời, cho nên bà đã xốc khi nghe tin Trần Ích Tắc thành giặc.

Tác giả Trần Quỳnh Nga có quyền hư cấu như thế và sự hư cấu này có những hợp lý nhất định. Nhưng khi tác giả cho An Tư cứu Thoát Hoan: “Quân triều đình đã vây kín mọi lối thoát. Cánh cửa phòng nàng bật mở. Trong tích tắc, An Tư như bừng tỉnh. Nàng vùng dậy, kéo tấm chăn bằng lụa điều rồi đẩy Thoát Hoan vào đó”. Và cuộc đào thoát của An Tư và Thoát Hoan được tác giả miêu tả như cuộc trốn chạy thơ mộng của một đôi tình nhân: “Trong đêm tối tĩnh mịch có hai người vội vã rời khỏi kinh thành. Ngựa phi nhanh như gió. Sau lưng họ, hoa đào rụng trắng như tuyết dưới ánh trăng đẫm sương ướt át. Mùi thơm còn đọng lại trên những nhụy đài chan chát ngọt ngào”.

Và để An Tư – một tâm hồn trong trắng, có thể quên ngay tình cảm với Trần Ích Tắc, tác giả phải không hết lời ca ngợi tướng giặc Thoát Hoan: Một người biết rung động trước vẻ đẹp của một thiên nhiên, một kinh thành: “Vườn ngự đẹp quá, những cành hoa sà xuống gần mặt đất non tơ cỏ xanh làm sáng cả một góc vườn. Nó gợi lên trong lòng Thoát Hoan về một kinh thành tinh tế và hoa lệ…”.

Rồi cảnh Thoát Hoan đứng trước một cây đào lạ - cây đào mà Trần Ích Tắc mang về tặng An Tư: “Hoa màu bích đào, hoa tám cánh nở to hơn bình thường trên những cành đào mốc thân sần sùi những vẩy địa y bám chặt. Nhưng dáng cây lại tinh tế lạ lùng. Trông như dáng một con hạc đang kiễng chân, vỗ cánh như chuẩn bị bay lên vậy”. Và Thoát Hoan nói với An Tư tại sao hắn không giết nàng “vì nàng đã chạm đến trái tim ta”. Thoát Hoan cũng là kẻ nói đến vua tôi nước Việt với một giọng miệt thị: “Giá Đại Việt cứ khuất phục đi, khuất phục làm chủ hầu như bao đời nay vẫn thế thì có phải những chốn thiên thai này sẽ còn lại mãi mãi”.

Ca ngợi những kẻ như Trần Ích Tắc, Thoát Hoan… tất yếu tác giả phải hạ uy thế của quân dân Đại Việt: “Kinh thành thất thủ nhanh như một hơi rượu”; “Thăng Long kiêu sa lừng lẫy phút chốc buồn như một phế nhân”… Trong khi đó hai vua Trần được miêu tả như những kẻ thất trận thảm bại: “Thượng Hoàng Trần Thánh Tông ngồi trâm ngâm đầu mũi thuyền lặng lẽ buồn. Chẳng lẽ cứ ở mãi trong chốn tận cùng hiu hắt này để trốn tránh vây bắt trong khi thế nước đang như ngàn cân treo sợi tóc”. Còn hoàng thượng Trần Nhân Tông thì bạc nhược… “quân của Thoát Hoan bây giờ đang mạnh, sợ quân ta khó lòng cầm cự nổi chứ chưa tính đến chuyện phản công nhanh”.

Có thể nói tác giả khá nhất quán khi thực hiện ý đồ nghệ thuật của mình: đã đề cao bên này thì phải hạ thấp bên kia. Nhưng điều đáng nói ở đây là tác giả đã nhầm lẫn hoặc nói cho đúng hơn là đã bóp méo lịch sử, thậm chí là xuyên tạc lịch sử.

Tôi không nói đến sự yếu kém của tác giả khi hành văn, khi xây dựng các hình tượng nhân vật, mà chỉ nói đến sự lú lẫn, bệnh hoạn của người viết khi nhìn nhận lịch sử. Tôi cũng không quy kết lập trường, quan điểm của tác giả, bởi có khi người viết chỉ muốn nói khác đi, nói ngược lại với những gì đã quá quen thuộc. Làm mới, làm khác nhưng không được sai lầm, không được bôi nhọ lịch sử. Ở đây tác giả đã phạm phải sai lầm chết người này.

Điều nghiêm trọng hơn, là tác giả đã vô tình đi ngược lại tâm thức của dân tộc, điều đã trở thành thiêng liêng trong trái tim người Việt bao đời. Và điều đáng trách là Ban biên tập báo Văn nghệ có thể đã đọc không kỹ để lọt một truyện ngắn không đáng được in trên một tờ báo của một hội nghề nghiệp như Hội Nhà văn Việt Nam.
Trần Bảo Hưng
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Viết gì về truyện ngắn "Bắt đầu và Kết thúc"?

    12/01/2018Chu Mộng LongTruyện của Quỳnh Nga không phải giải lịch sử, giải thiêng, hay giải huyền gì cả. Nó không giống lịch sử nhưng lại trùng khít với tư tưởng hệ đang thống trị trong lòng nhiều người cả xưa và nay: tư tưởng thần phục thiên triều...
  • Cuộc đàm luận Gia thất Nhà Trần trước Hội nghị Diên Hồng

    09/06/2014Nguyễn Tất ThịnhLịch sử luôn chưa đựng những bài học vĩ đại, những nguyên lý cơ bản nhất, những trải nghiệm điển hình…có ý nghĩa không chỉ với việc kinh bang tế thế sau này của các Triều chính mà từng người dân cũng có thể rút ra những điều bổ ích cho tri thức và nhân sinh của mình. Trong mưu sự lớn thế nào cũng có kẻ như Trần Ích Tắc ! Nhưng hay hơn là luôn có người như Trần Quốc Tuấn ! Tinh thần và giá trị tuyệt đỉnh của Nhân dân có sẵn và chỉ tìm thấy trong phương pháp thực hành Dân chủ...