Hội chứng thi
Hiện nay việc thi - kiểm tra ở bậc học phổ thông đang diễn ra hết sức tùy tiện, bị lạm dụng quá mức, làm khổ người dạy và người học vô cùng. Còn kết quả những kỳ thi - kiểm tra đó lại không đủ độ tin cậy để đánh giá chất lượng học tập, không phản ánh đúng thực lực việc dạy & học, mà phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người dạy và nhà quản lý giáo dục. Học tồi nhưng nêu muốn, người ta vẫn có cách thi để có điểm cao và ngược lại.
Những kiểu thi - kiểm tra tùy tiện
Quy định của Bộ GD & ĐT trong Phân phối chương trình bậc học phổ thông, một năm học có 2 kỳ kiểm tra, đó là vào cuối học kỳ I và cuối học kỳ II (thường gọi là thi học kỳ). Với hai kỳ kiểm tra này, phần lớn các trường đều tổ chức làm đề chung cho từng khối lớp ở những môn học gọi là chính như: văn, toán, lý, hoá, ngoại ngữ, sinh vật. Có nơi phòng hoặc sở trực tiếp ra đề, thế nhưng hiện nay nhiều trường học đã không dừng lại ở hai kỳ kiểm tra đó mà tự tiện đưa thêm rất nhiều kiểu kiểm tra tập trung (cũng thường gọi là thi) vào chương trình học. Có thể kể ra một số kỳ thi - kiểm tra phổ biển sau: thi khảo sát chất lượng đầu năm học, thi vào lớp tuyển của trường, thi giữa học kỳ I và giữa học kỳ II . Chưa hết, còn có thi thử tốt nghiệp với các lớp cuối cấp (lớp 5, 9,12). Thậm chí một số trường còn có "sáng kiến" tổ chức thi tập trung thay cho các bài kiểm tra 1 tiết trong phân phối chương trình. Ngoài ra còn có kỳ thi đầu và cuối đợt học hè, thi nhập trường (như kỳ thi của 7.580 thí sinh nhí chưa một lần được cắp sách đến trường ở TP. Hồ Chí Minh để vào học lớp 1 chương trình tăng cường tiếng Anh (xem Tuổi Trẻ ngày 15/7/2004)
Trung bình một năm học, một học sinh lớp ở bậc THCS hay THPT phải trải qua 6 kỳ thi - kiểm tra tập trung căng thẳng.
Nhìn bề ngoài, các kỳ thi này được tổ chức tập trung (tức là ra đề chung cho từng khối lớp cùng làm) có vẻ nghiêm túc, bài bản: cũng có danh sách phòng thi, ngồi theo số báo danh, giấy thi in sẵn phát cho học sinh, rồi chấm bài cũng rọc phách, cũng lên điểm tính tỉ lệ phần trăm... cứ y như kỳ thi tốt nghiệp hay Đại học. Thế nhưng chỉ cần lật lại một vài câu hỏi sẽ thấy ngay trong số đó có những kỳ thi giả, có kỳ thi mà kết quả phủ định kỳ thi trước đó. Chẳng hạn kỳ thi khảo sát chất lượng đầu năm học: cùng những học sinh đó, chương trình đó và cũng chính những người thầy đó dạy nhưng kết quả thi điểm số thường rất thấp, thấp hơn nhiều so với kết quả thi học kỳ năm học vừa qua. Đánh giá chất lượng như vậy để làm gì? Việc ra đề khó đánh đố lắt léo, học sinh không làm được bị điểm thấp, đến kỳ họp phụ huynh đầu năm lên gân báo động giả là một cách làm rất hiệu quả để học sinh "tự nguyện" học thêm (có người gọi đây là kiểu thi khủng bố) .
Với những kiểu thi như vậy, đánh giá chất lượng đã không phản ánh đúng khách quan việc dạy và học mà hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người dạy và nhà quản lý giáo dục. Rốt cục là cách làm đó đã gây nên những hậu quả hết sức tai hại.
Hậu quả tai hại
Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao người ta lại tổ chức nhiều kỳ thi - kiểm tra như vậy? Các nhà quản lý giáo dục (Ban giám hiệu nhà trường) và những người thầy trực tiếp giảng dạy chủ trương và ủng hộ những kỳ thi đó cho rằng: thi càng nhiều, học sinh càng có điều kiện rèn luyện kỹ năng làm bài, đặc biệt tập nề nếp thi cử nghiêm túc. Thi tập trung như vậy sẽ đánh giá chất lượng khách quan hơn, phát hiện ra những kiến thức hổng của người học để từ đó điều chỉnh trong kế hoạch giảng dạy. Đích cuối cùng của các trường học phổ thông hiện nay là làm sao để tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp thật cao. Nghe ra có vẻ trách nhiệm và hợp lý quá thế nhưng cũng không ít người trong cuộc lại có một cách nhìn khác: có thi nhiều thì mới khẳng định được vị thế của môn học, thi nhiều thì phải ôn luyện nhiều, mà bây giờ có ai làm việc đó không công đâu? Dù lập luận kiểu gì thì với một mật độ thi dài dài và cách tổ chức như đánh giá thời lượng như bộ đang tạo nên một áp lực nặng nề, làm căng thẳng tinh thần của cả người dạy và người học. Đấy là chưa kể đến những lãng phí rất lớn từ thời gian đến sức lực, tiền bạc. Có nơi như TP. HCM, năm học 2003 - 2004 vừa qua đã nhập hai kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và kiểm tra học kỳ II ở lớp 5 làm một, nhưng lại thêm vào kỳ thi thử tốt nghiệp. Một kỳ thi thử như vậy có cần thiết không khi mà chính Sở giáo dục Thành phố và Bộ đang chủ trương bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp này? Thi càng nhiều càng củng cố cái quan nệm sai lầm vốn dĩ đã ăn sâu vào tiềm thức của người dạy, người học và của cả xã hội: Học chỉ để phục vụ thi, môn nào thi thì tràn ra dạy - học, môn nào không thi thì dạy - học sơ sài. Nhiều trường đã không ngần ngại cắt bỏ chương trình của các môn được gọi là phụ để dành thời gian cho các môn được gọi là chính. Việc dạy và học cũng chi ở mức đối phó nhồi nhét. Cả người dạy, người học chủ yếu quan tâm đến các kỹ năng giải bài tập và kẻ cả các mẹo vặt để ứng phó với thi cử. Không ít trường hợp học sinh học yếu kém nhưng kết quả một số kỳ thi lại cao vì nhờ vào gian lận. Chính giáo viên trực tiếp giảng dạy là người biết rất rõ lực học của những học sinh này, nhưng lúc này đành phải chấp nhận điểm số không trung thực đó. Vậy là lúc đầu người ta hy vọng sẽ đánh giá chất lượng khách quan, nhưng bây giờ cách làm đó lại nuôi dưỡng ảo tưởng cho một số kẻ lười biếng. Tệ hơn, những người thầy trực tiếp giảng dạy luôn có cái cảm giác rằng, Ban giám hiệu chưa thực sự đặt niềm tin vào họ và họ bị tước mất quyền tự chủ trong việc đánh giá chất lượng học sinh. Người thầy quanh năm học ngập đầu trong đống bài thi (cũng cần nói thêm rằng ngoài các kỳ thi đó người dạy và người học còn phải làm nghĩa vụ với các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết theo quy định trong Phân phối chương trình), không còn thời gian để tự học trau dồi chuyên môn.
Một hậu quả tai hại khác mà những nhà quản lý cũng không lường hết được chính là cách làm đó đang tạo nên tâm lý ganh đua (chứ không phải thi đua) không cần thiết trong học sinh và giáo viên. Sự ganh đua này cùng với những tác động tiêu cực của hiện trạng day thêm luyện thi đang làm xói mòn đạo thầy trò và tình đồng nghiệp trong nhà trường. Mải chạy theo thành tích là điểm số các kỳ thi rồi sao lãng việc giáo dục đạo đức nhân cách và các kỹ năng sống cần thiết cho người học đang là một vấn đề không nhỏ trong nhà trường phổ thông hiện nay.
Với kiểu học và thi như thế nó góp phần lý giải tại sao con em chúng ta phải học nhiều, thi nhiều nhưng vẫn không biết cách tự học, chất lượng giáo dục vẫn yếu kém và tri thức thì què quặt. Còn người thầy phải làm việc nhiều nhưng tay nghề, chuyên môn lại không nâng cao được. Đây chính là sản phẩm của những nhà quản lý giáo dục có thể nhiệt tình nhưng năng lực hạn chế và tầm nhìn thiển cận nên càng làm càng rối. Và phải chăng nó cũng còn là con đẻ của một kiểu quản lý “chuyên chế” và tình trạng “cát cứ” trong giáo dục. Một hiện trạng còn ít được nói đến, nhưng không vì thế mà né tránh. Càng nỗ lực theo kiểu đó bao nhiêu thì giáo dục càng trì trệ, càng lạc hậu bấy nhiêu.
Giải pháp nào cho hiện trạng loạn thi hiện nay?
Xét cho cùng hội chứng thi trên đây cũng như nhiều yếu kém, trì trệ của nền giáo dục nước nhà kéo dài là xuất phát từ tư duy giáo dục lạc hậu, nghèo nàn. Một trong những nghịch lý lớn nhất của giáo dục nước ta hiện nay là tiếp tục duy trì cách làm cũ với không ít bảo thủ, lạc hậu (trong đó thi cử là khâu lạc hậu nhất) nhưng lại mong muốn, kỳ vọng ở những sản phẩm được đào tạo đầy năng động và sáng tạo.
Để khắc phục hiện trạng này, cần thay đổi tư duy giáo dục.Trong khi việc tổ chức thi cử và đánh giá chất lượng chưa có những chuyển biến đột phá, trước mắt xin có mấy kiến nghị:
Các Sở giáo dục cần kiểm tra chặt chẽ các kì thi, kiểm tra, tuân thủ đúng những quy định về kiểm tra đánh giá chất lượng theo Phân phối chương trình mà Bộ GD&ĐT quy định. Trả lại và tăng cường vai trò tự chủ của chính những người thầy trực tiếp giảng dạy, họ phải chịu trách nhiệm trước sản phẩm của mình. Tại sao chính họ là người trực tiếp giảng dạy lại không thể tự mình đánh giá chất lượng của học sinh mình mà phải dựa vào sự can thiệp của một loại hình kiểm tra nào khác?
Dứt khoát không lấy tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp làm tiêu chí đánh giá thi đua. Tỉ lệ đậu tốt nghiệp cao đã không phản ánh đúng thực chất việc dạy, học mà có khi chỉ là trò ảo thuật của những nhà quản lý giáo dục hạng hai. Bệnh thành tích đang hoành hành có nguy cơ thui chột tài năng, giết chết sự sáng tạo trong giáo dục. Tại Hội thảo khoa học "Vai trò của hoạt động kiểm tra đánh giá trong đổi mới giáo dục ở Việt Nam” nghiên cứu giáo dục tổ chức tại trường Đại học Sư phạm TP. HCM ngày 26/6/2004 mới đây, ông Hồ Thiệu Hùng, Phó Ban tư tưởng - văn hoá thành uỷ TP. Hồ Chí Minh bức xúc đề nghị: "Trị căn bệnh thành tích tận gốc, chấm dứt kiểu đánh giá chất lượng dạy và học qua thành tích tốt nghiệp. Điều này phải bắt đầu từ các nhà quản lý xã hội. Nghiêm trị những nơi lừa dối cấp trên, lừa dối xã hội bằng những thành tích ảo” (Tuổi trẻ ngày 29/6/2004).
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchTôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)