Học để biết đủ

03:47 CH @ Thứ Ba - 15 Tháng Mười Một, 2016

Ðạo Phật dạy chúng ta biết đủ, còn chúng ta học hỏi lẫn nhau, trao đổi thông tin cho nhau để từ từ đến lúc nào đó giác ngộ, biết thế nào là đủ...

Tôi có người bạn đạo thiết thân từ ngày còn trẻ, người bạn này làm nghề bán cơm rượu. Là phật tử, chị thích đi chùa, nghe pháp, cùng các bạn đạo khác hợp lại, gặp khổ giúp khổ, gặp vui góp vui bằng khả năng của mỗi người. Mỗi ngày chị làm và bỏ mối ở chợ hai vò cơm rượu. Tiền thu được đủ cho ba bữa ăn gia đình, còn lại là làm phật sự. Chị không có của dư của để, không nhà cao cửa rộng, không vòng vàng đỏ tay. Nhưng ai cũng thương chị, cần chị, quý trọng chị từ người quyền cao chức trọng cho đến một đứa bé. Tôi hỏi, chị làm cơm rượu ngon, bán đắt, nhiều người đặt hàng, sao chị không làm mỗi ngày mười hoặc 20 vò để có nhiều tiền hơn, vừa đi làm phật sự được nhiều, vừa để dành hậu thân. Chị trả lời với chị như vậy là đủ, làm nhiều cực thân, trong khi chị chỉ cần ngày ba bữa đạm bạc. Ăn để nuôi thân khoẻ mạnh sống tốt với mình, với gia quyến với cuộc đời, chứ không cần phải nuôi phủ phê cái thân vật chất, để tạo điều kiện cho nó gây nghiệp! Còn làm phật sự mỗi ngày theo khả năng của mình; không nhanh, không chậm, không nhiều, chẳng ít. Như một người lội nước ngược, “cố gắng quá sẽ có ngày bỏ cuộc, thong thả bơi, tới lúc nào không hay”. Nếu mỗi ngày làm mười vò sẽ có lúc ngã bệnh. Ðôi khi đồng tiền kiếm được cách đó không đủ trả tiền thuốc và thiệt hại khác nhiều hơn trong thời gian nằm bệnh.

Ba mươi mấy năm, cuộc sống của chị thanh nhàn, bình thản, trong trẻo. Tâm đạo ngày càng lớn, nhân cách, tri thức ngày càng cao sâu, đời sống ngày càng đơn giản. Chị có mặt ở đâu nơi đó yên bình, mọi người hoà hợp. Nhà cửa sạch sẽ, vén khéo; chị vô tư đến, lặng lẽ đi. Ở mọi nhà chị đến và đi, người đàn ông muốn sửa mình để trở thành người chồng tốt; người đàn bà học cách tu thân để xứng đáng làm mẹ, làm vợ; đứa trẻ học hành giỏi giang, hiếu thảo, lễ phép; những người làm công kính trọng và trung thành với chủ; người chủ thương và quý những người làm công như cật ruột của mình...

Cách sống của chị khiến tôi nhớ đến thi sĩ Ðào Uyên Minh đời Ðông Tấn, nổi tiếng về nhiều bài thơ, tản văn ngắn, lời bình dị, ý thâm trầm. Người đời tặng ông là Tĩnh Tiết tiên sinh vì ông sống cao khiết, không xa hoa, không khổ hạnh, điều hoà được thất tình và tâm linh, trọng vật chất nhưng không đắm say, rất yêu đời nhưng không quá độ. Tôi nhớ lời Đức Phật từng dạy, rõ ràng, ông là người đã nhận ra bản chất của mọi sự vật! Và ông đã hành xử đúng như nó tự có, đã điều hoà cái muốn, cái cần giữ con người với thiên nhiên, đưa cái thần thái ấy vào tác phẩm nghệ thuật. Ông đã sử dụng cái thân vật chất đúng mực. Và nhờ nó mà tạo ra cái pháp thân thi ca sống mãi với thời gian.

Chúng ta noi gương người xưa, học người nay, để tự hiểu mình, sửa mình. Trao đổi thông tin, giúp nhau sống tốt hơn, hành xử hợp lý hơn mỗi khi gặp may mắn thành công hay thất bại, bất hạnh trong đời mình, đời bạn, đời người. Chúng ta học để biết thế nào là đủ trong từng trường hợp, từng sự việc để tránh cho người, cho mình những nỗi khổ tâm, hụt hẫng đáng tiếc.

Học chưa chắc đã hiểu. Nói hay, biết nhiều chưa chắc làm được, làm đúng. Nhưng dù sao cũng phải lên đường bằng sự học hỏi khiêm cung. Riêng tôi, khi viết là tôi đang học.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chúng ta đang "thừa" văn minh, thiếu văn hóa?

    02/08/2014Bùi Đình PhongPhân biệt văn minh với văn hóa chỉ là tương đối, vì đây là những khái niệm, tuy không đồng nhất, nhưng gần gũi, có liên quan mật thiết với nhau. Ngày nay người ta nói tới văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Còn thông thường, nói tới văn minh người ta thiên về giá trị vật chất, còn văn hóa chứa cả giá trị vật chất và tinh thần. Văn hóa là nói tới phương thức sử dụng và giàu tính nhân bản. Văn minh hướng tới kỹ thuật, sự tiện lợi trong cuộc sống...