Hàng ngàn "sáng kiến"... trùm mền!
Thi đua... viết sáng kiến
Đến hẹn, cứ mỗi đợt đánh giá danh hiệu thi đua là GV, cán bộ quản lý đua nhau viết SKKN, bởi theo quy định, đây là một trong những tiêu chí để xét danh hiệu chiến sĩ thi đua (CSTĐ) cấp quận trở lên.
Bên cạnh đó là những đợt phát động phong trào viết SKKN (như hiện nay, theo Sở GD-ĐT TP.HCM, gần như 100% trường THPT đang thực hiện phong trào này) hoặc khuyến khích GV giỏi cấp trường “tập viết” SKKN. Ở một đơn vị sản xuất kinh doanh nào đó mỗi năm có được vài sáng kiến đã là “ghê gớm” lắm rồi, nhưng ở ngành giáo dục, mỗi trường mỗi năm có trên chục sáng kiến là chuyện thường!
Nếu mỗi SKKN được nhân thành ba bản (như ở quận 3 mỗi năm có khoảng 300 SKKN của các trường) để nộp cho những đơn vị xét duyệt từ trường trở lên, thì chỉ tính số lượng sáng kiến từ trước đến nay có thể đã chất thành... kho! Nhưng khi hỏi rất nhiều cán bộ quản lý, GV “có sáng kiến nào được phổ biến toàn ngành như một sự kiện hay một phát kiến mới” thì hầu như đều nhận được những cái lắc đầu.
Với một quận được xem là có nhiều SKKN như quận 3, ông Đỗ Văn Trí - chủ tịch công đoàn - cũng cho biết “chỉ phổ biến ở mức GV đưa SKKN của mình vào chuyên đề mà GV đó được yêu cầu thực hiện cho quận. Mà cũng không nhiều lắm và cũng không chắc các GV dự chuyên đề sẽ học tập theo”. Một cán bộ quản lý một trường tiểu học ở quận 10 khi nghe đề cập chuyện này cũng cho biết “chưa bao giờ nghe quận phổ biến SKKN của ai cả”!
Sáng kiến... viết theo sách!
Được xem khá nhiều SKKN thuộc dạng “tuyển”, người ta không khỏi cảm thấy bất ngờ. Bất ngờ vì hầu hết những điều GV, cán bộ quản lý gọi là SKKN đều thấy... rất quen do đã được nghe và đọc ở đâu đó trong các giáo trình của sinh viên sư phạm, các bài viết của những nhà tâm lý giáo dục, các báo cáo chuyên môn...
Những SKKN thuộc về quản lý giáo dục hay giáo dục đạo đức thì cũng những chủ đề quen thuộc như: làm thế nào nâng cao đạo đức HS, để tăng cường giáo dục chính trị, để duy trì sĩ số, để phụ đạo HS yếu kém... Trong đó lý luận thì to tát nhưng biện pháp đưa ra cứ chung chung và na ná nhau, như muốn phụ đạo tốt thì “phân loại HS yếu kém để bồi dưỡng đúng đối tượng, chọn GV có tâm huyết và kinh nghiệm để dạy...”.
Đối với những SKKN thuộc về chuyên môn thì rất nhiều “sáng kiến” thật ra chỉ là thủ thuật khi giảng dạy một bài học, chủ đề nào đó của GV. Như các “sáng kiến” “dạy HS cảm nhận chân dung nhân vật thế nào?”, hay “xây dựng hệ thống câu hỏi gợi mở ra sao?”...
Khi xem SKKN của một GV về cách thực hiện các câu hỏi gợi mở, e rằng nhận định của mình chủ quan, người viết đã kiểm tra bằng cách đặt lại câu hỏi này với một GV khác thì ngay lập tức GV này đưa ra một loạt cách giải quyết vấn đề khá giống SKKN nọ, đại thể như “câu hỏi phải rõ ràng ngắn gọn, phải đi từ khái quát đến cụ thể, phải kết nối với bài trước...”.
Thậm chí cả thủ thuật “khi HS này trả lời xong, GV chuyển phần nhận xét cho một HS khác để các em tranh luận...” thì cứ y như đọc từ SKKN mà ra. Và cuối cùng cô kết luận “mấy cái này nghe nói hoài, ai mà không biết (?)”.
Hiệu trưởng một trường tiểu học quận 10 cũng nhìn nhận thật ra đây chỉ là hình thức. Người viết cũng chỉ đối phó là chính nên các đề tài đơn giản nhỏ hẹp, quanh quẩn và chẳng có gì mới. Viết như vậy mới có thể năm nào cũng viết được chứ nếu đúng nghĩa là “sáng kiến” thì ở đâu mà nghĩ ra nhiều như vậy! Tất nhiên viết SKKN đang chiếm không ít thời gian và là nỗi ám ảnh của không ít GV hiện nay.
Một GV bộc bạch: “để có những SKKN là sáng kiến thật sự thì không phải ai cũng có khả năng, do đó mỗi khi yêu cầu viết, GV mình rất sợ!”. Có lẽ vì vậy mà không ít “sáng kiến” na ná hoặc giống nhau đến mức lạ lùng. Thậm chí có những GV lâu năm viết nhiều SKKN, quay đi quay lại lại viết chính những điều mà mình đã viết trước đó.
Cô Hạnh Phúc, phó chủ tịch công đoàn ngành giáo dục TP.HCM, cho biết công đoàn ngành đang xem xét lại chuyện viết SKKN để tránh lãng phí. Những gì là sáng kiến thật sự phải được phổ biến, như có thể hợp tác với công ty sách thiết bị trường học bán bản quyền để đưa vào xuất bản đại trà. Riêng những sáng kiến độc đáo có thể nâng lên thành công trình nghiên cứu khoa học.
KIM LIÊN
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi