Hai bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc của Nguyễn Trọng Tạo

08:16 CH @ Thứ Tư - 09 Tháng Giêng, 2019

"Chia"

Ca khúc Một dại khờ, một tôi (Phú Quang) được phổ từ bài thơ Chia, in trong tập Đồng dao cho người lớn năm 1994, với những ca từ như: "Chia cho em một đời tôi/ Một cay đắng một niềm vui một buồn/ Chia cho em một đời say/ Một cây si với một cây bồ đề".

CHIA
Chia cho em một đời tôi
một cay đắng
một niềm vui
một buồn
tôi còn cái xác không hồn
cái chai không rượu tôi còn vỏ chai
Chia cho em một đời say
một cây si
với
một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô
Chia cho em một đời Thơ
một lênh đênh
một dại khờ
một tôi
chỉ còn cỏ mọc bên trời
một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm...
(Nguyễn Trọng Tạo, 1989)
.
Clip nghệ sĩ Quang Lý hát bài "Một dại khờ, một tôi", thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc
.

Sinh thời, nhà thơ kể bài hát đã bỏ đi hai câu thơ rất Nguyễn Trọng Tạo là "Tôi còn cái xác không hồn/ Cái chai không rượu tôi còn vỏ chai", khiến ông rất tiếc. Phú Quang từng nói với ông: "Tôi làm mất của ông hai câu thơ, nhưng thế mới là tôi, là nhạc của tôi". Ca khúc sau đó nổi tiếng với các giọng ca Ngọc Anh, Quang Dũng và của chính nhạc sĩ Phú Quang.

.

"Cỏ và mưa"

Ca khúc do nữ nhạc sĩ Giáng Son phổ nhạc. Ban đầu bài thơ có bốn câu, Giáng Son phổ nhạc ba câu. Đến câu thứ tư "Ta biệt em lớ ngớ chẳng hẹn gì", chị bị bí vì ý thơ đã kết lại nhưng bản nhạc thì chưa. Giáng Son đưa bản nhạc viết tay đến cho Nguyễn Trọng Tạo xem. Nhà thơ thấy hay quá, ông viết tiếp phần lời còn lại cho ca khúc. Nhạc phẩm sau này nổi tiếng với giọng ca của nhóm Năm Dòng Kẻ và Tùng Dương. Nhà thơ từng chia sẻ: "Nói đúng ra tôi là người phổ thơ cho nhạc Giáng Son".

CỎ VÀ MƯA
Em cỏ khát. Ta mưa rào đầu hạ
cỏ uống mưa run rẩy
cỏ đang thì
mưa rào đến rồi đi
cỏ xanh niềm ngơ ngác
ta biệt em
lớ ngớ chẳng hẹn gì.
(Nguyễn Trọng Tạo, 1991)

Clip ban nhạc Năm Dòng Kẻ hát bài "Cỏ và mưa", thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhạc sĩ Giáng Son phổ nhạc:
.
Nguồn:Vnexpress
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguyễn Trọng Tạo - một đời 'phóng túng, lang bang'

    08/01/2019Hà ThuTác giả "Khúc hát sông quê" sống phiêu lãng, tự do tự tại, làm việc và cống hiến hết mình đến cuối đời...
  • Tính nhạc của thơ và thơ phổ nhạc

    29/06/2011TS. Lê Thị Bích HồngTiếng nói trong thơ là tiếng nói đầy âm nhạc, tiếng nói có nhịp điệu- nhịp điệu của những âm thanh vật chất, của tiếng nói thực tế hoà với nhịp điệu cảm xúc bên trong tâm hồn nhà thơ. Thơ là nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn quảng đại và đa cảm. Tính nhạc được tạo nên bởi những âm hưởng gắn liền với hình ảnh, cảm xúc do sử dụng phối hợp âm thanh, nhịp điệu, từ ngữ… phù hợp với nội dung tư tưởng, tình cảm được biểu đạt.