Đổi mới cách công nhận GS, PGS: Sao khó thế?

01:04 SA @ Thứ Năm - 23 Tháng Mười Một, 2006

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí (tháng 5/2003), tôi đã phát biểu khá chi tiết về tình hình lộn xộn và bất ổn trong công tác chức danh Giáo sư (GS), Phó giáo sư (PGS) kéo dài hơn hai chục năm qua.

Đồng thời, tôi nêu một số đề nghị cụ thể cải tổ công tác này. Sau đó, tôi cũng đã gửi Thủ tướng Chính phủ bản kiến nghị về đổi mới công tác chức danh GS, PGS.

Thật ra, những ý kiến này đều đã được trình bày trực tiếp với lãnh đạo Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (sau đây viết tắt là HĐCD) trong một buổi làm việc từ 2002, nhưng hình như còn quá nhiều lực cản, khiến việc tiếp nhận những ý kiến của bất cứ ai ngoài bộ máy hành chính đều cực kỳ khó khăn.

Nội dung các đề nghị của chúng tôi về sau đã được tóm tắt trong “Kiến nghị chấn hưng, cải cách hiện đại hóa giáo dục” của nhóm 24 trí thức gửi T.Ư và Chính phủ tháng 6/2004. Đại thể, đề nghị của chúng tôi có mấy điểm sau:

  1. GS, PGS không phải là những danh hiệu như Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, chỉ có ý nghĩa tôn vinh đơn thuần, mà là những chức vụ về giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tương tự như hiệu trưởng, giám đốc, có nhiệm sở cụ thể ở một đại học hay viện nghiên cứu (gọi tắt là cơ sở đại học).
  2. HĐCD chỉ nên được giao nhiệm vụ xét và công nhận những người đủ trình độ khoa học tối thiểu, để ứng cử vào các chức vụ GS, PGS ở các cơ sở đại học.
  3. Hằng năm, các cơ sở đại học công bố nhu cầu tuyển GS, PGS (số lượng, ngành chuyên môn), để bất cứ ai đã được HĐCD công nhận đủ trình độ đều có thể nộp hồ sơ xin ứng cử.
  4. Việc tuyển chọn và bổ nhiệm GS, PGS được trả về cho các cơ sở đại học tự quyết định, dựa trên nhu cầu cụ thể về chuyên môn giảng dạy, nghiên cứu của họ. Việc bổ nhiệm có thể phải được cấp có thẩm quyền chuẩn y và thực hiện, nếu là đại học công lập nhỏ chưa được trao đầy đủ quyền tự chủ.

Sau một thời gian nghiên cứu, năm 2005, HĐCD và Bộ GD-ĐT đã đưa ra đề án đổi mới công tác chức danh GS, PGS trên cơ bản phù hợp với kiến nghị của chúng tôi, đồng thời cũng là ý kiến của một số đồng nghiệp trong nước và Việt kiều am hiểu vấn đề này.

Thế nhưng, rồi mọi việc quay 180 độ, trở về kiểu làm cũ, cho mãi đến tận gần đây mới nghe nói sang năm có thể sẽ làm theo cách mới. Tôi có ấn tượng, việc đổi mới trong quản lý giáo dục và khoa học quá nhọc nhằn, chỉ một việc như cách tuyển chọn và công nhận chức danh mà gần ba mươi năm còn cũ kỹ thế này thì biết bao giờ ta mới đuổi kịp các nước.

Đặc biệt, có hai vấn đề quan trọng mà nếu cứ giữ khư khư lối nghĩ hiện nay sẽ rất khó hội nhập quốc tế.

Một là, quan niệm thế nào là một GS. Nhiều người cứ nghĩ GS nhất thiết phải giảng dạy, mà giảng dạy được hiểu là phải lên lớp. Thật ra, giảng dạy ở đại học có nhiều cách, chẳng hạn hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng là giảng dạy, hơn nữa còn là giảng dạy ở trình độ cao.

Giảng dạy đại học phải dựa trên nghiên cứu khoa học, nên ngay cả ở những đại học mà GS chỉ có nhiệm vụ giảng dạy vẫn không thể bỏ qua nghiên cứu khoa học, nếu không muốn chỉ là “phổ thông cấp 4”.

Ở nhiều đại học lớn ở các nước có cả chức vụ “giáo sư nghiên cứu” (research professor), và thậm chí có nơi như ở Bắc Âu, GS không có nhiệm vụ giảng dạy theo nghĩa ta hiểu, mà chỉ có nhiệm vụ nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu.

Thứ hai, HĐCD khi xét duyệt công nhận trình độ tối thiểu thì chỉ nên xét về mặt khoa học. Còn về kinh nghiệm giảng dạy nên để cho cơ sở đại học xem xét cụ thể: nơi nào, lúc nào cần người có kinh nghiệm giảng dạy thì đặt yêu cầu cao về sư phạm, nơi nào, lúc nào cần người có kinh nghiệm nghiên cứu thì chú trọng mặt khoa học.

Cách đánh giá khoa học không thể dựa vào việc chấm điểm máy móc như hiện nay mà phải phù hợp các chuẩn mực quốc tế. Điều không may là ta có quá nhiều nhà khoa học trong nước được xem là hàng đầu nhưng trên quốc tế thì không được công nhận, tuy cũng thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản có tính quốc tế cao.

Nguyên nhân là do trong nước còn phổ biến quan niệm thô sơ về khoa học, nhiều người chưa hiểu đúng thế nào là công trình khoa học theo chuẩn quốc tế. Cho nên việc đánh giá sẽ còn vấp nhiều khó khăn.

Dù thế nào cũng cần thấy rằng, các tiêu chuẩn định lượng mà gần đây có xu hướng sử dụng máy móc, trong mọi trường hợp đều không thể thay thế sự đánh giá định tính của các chuyên gia am hiểu trong ngành.

Sau cùng là cách xưng danh, tuy là chuyện nhỏ nhưng để kéo dài, gây phản cảm trong xã hội. Ta chưa có chức danh viện sĩ (VS) thế mà chức danh này vẫn được dùng thoải mái, ngay cả trong HĐCD và các cơ quan khoa học, giáo dục.

Chức danh GS càng được sử dụng tùy tiện, thể hiện trình độ dân trí thấp và xu hướng trọng hư danh. Nên chăng, như nhiều người đề nghị, ai xưng danh GS hay VS cần nói rõ GS đại học nào, VS viện hàn lâm nào.

Đại học có nhiều loại, viện Hàn lâm càng có nhiều thứ, kể cả những thứ chẳng có chút hàn lâm gì. Mặt khác, trong giao tiếp quốc tế, khi nói về các học giả nổi tiếng, người ta thường xưng tụng GS để biểu thị sự tôn trọng, mà không cần biết họ đang hay đã là GS ở một đại học cụ thể nào. Vì vậy nếu lạm dụng chức danh này như ta thì có thể hiểu xứ ta có rất nhiều học giả tầm cỡ.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: