Giữa hai dòng trong – đục

Giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia
04:57 CH @ Thứ Ba - 28 Tháng Bảy, 2009

Phân biệt hai dòng trong- đục trong cuộc sống khá dễ dàng vì chúng vốn mang tính tương phản, như: năng động- trì trệ, trong sạch- vẩn đục, tôn trọng- coi thường, chia sẻ- vô cảm,…Sau khi suy ngẫm, người ta dễ dàng lựa chọn.

Nhưng ranh giới giữa hai dòng trong- đục nhiều khi rất mong manh. Hãy cảnh giác khi nghề nghiệp thường xuyên ở giữa ranh giới ấy."

I. Trì trệ và năng động

Mải chiêm ngưỡng chặng đường đã đi qua và hài lòng với hiện tại thường làm cho người ta trì trệ. Còn một khi đôi mắt luôn hướng tới tương lai và nghĩ đến những việc phải làm sẽ giúp người ta năng động hơn.

1. Biểu hiện của trì trệ

Trong mỗi con người vốn có tính ỳ, nhưng biểu hiện ở mức độ khác nhau. Tính ỳ hay sự trì trệ gây trở ngại lớn cho sự đổi mới của mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi đất nước. Tính ỳ kìm hãm sự tiến bộ.

Sự trì trệ sẽ bỏ lỡ mất thời cơ mà thời cơ thì không lặp lại.

2. Nguyên nhân của trì trệ

Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi vùng miền và rộng hơn là mỗi quốc gia, dân tộc phải tìm và thấy rõ nguyên nhân của sự trì trệ để tìm cách khắc phục, đổi mới mình: do cách tư duy, ảnh hưởng của địa – văn hóa, ảnh hưởng của sự tự ti…

Hậu quả của sự trì trệ dẫn đến sự tụt hậu, nghèo khó, hạn chế sự hội nhập.

3. Khắc phục trì trệ hướng tới sự năng động

Nếu mỗi người chúng ta đều khắc phục được sự trì trệ tiềm ẩn trong mỗi người thì chúng ta không những tự tin mà còn sẵn sàng vượt qua những thử thách. Để vượt qua thử thách ngày càng lớn, mỗi người cần củng cố sự tự tin và dám đối mặt với mạo hiểm. Điều đó không chỉ khắc phục được sự trì trệ mà cần góp phần làm mới bản thân mình.

Có một cách nhận diện về một người để phán đoán người đó trì trệ hay năng động là xem “bản lý lịch trích ngang” của người đó. Nếu người đó tuổi đời đã cao, đã thay đổi công việc nhiều lần trong đời theo xu hướng thăng tiến thì đó là người năng động, còn ngược lại là người trì trệ.

II. Trong sạch và vẩn đục

Có những nghề nghiệp luôn ở trong môi trường bị thử thách phải đấu tranh liên tục để giữ được sự trong sạch của nghề nghiệp. Có nhiều người dù còn nghèo nhưng vẫn giữ được lối sống thanh cao.

1. Nghề thầy giáo

Cộng đồng xã hội luôn luôn mong đợi và đòi hỏi những phẩm chất cần có của nhà giáo. Có nhiều nhà giáo đã ý thức sâu sắc về nghề nghiệp của mình nên suốt đời tu dưỡng về đạo đức, bồi dưỡng về chuyên môn, đã được Nhà nước và xã hội tôn vinh trở thành tấm gương sáng cho nhiều thế hệ nhà giáo và học sinh, sinh viên noi theo.

Cộng đồng xã hội mong muốn nền kinh tế thị trường của đất nước ngày một phát triển nhưng trong quan hệ thầy trò không bị thị trường hóa.

2. Nghề thầy thuốc

Trong khi thầy giáo cho ta cái chữ, cái nghề để kiếm sống và bước lên các thang bậc xã hội thì các thầy thuốc cho người ta sống khỏe, sống lâu.

Nhà nước và xã hội đã và đang tôn vinh các thầy thuốc, ngày 27 tháng 2 hàng năm đã được Nhà nước chọn là “ngày Thầy thuốc Việt Nam”. Với các thành tựu y học của thế giới và Việt Nam, nhiều bệnh hiểm nghèo trước đây phải bó tay nay đã được cứu chữa thành công. Tuổi thọ của người Việt Nam đang có xu hướng tăng lên nhờ nhiều yếu tố hợp thành, trong đó có vai trò lớn lao của ngành y, của các thầy thuốc.

3. Nghề công chức

Công chức Nhà nước làm việc có tư cách pháp lý, nhân danh Nhà nước ở nhiệm vụ mình được phân công đảm nhiệm. Như vậy công chức có vị thế xã hội rất quan trọng và thể hiện quyền lực Nhà nước.

Cộng đồng xã hội mong đợi ở đội ngũ công chức biết nói lời “cám ơn” và “xin lỗi” khi cần thiết, đặc biệt là đối với công chức lãnh đạo cần có “văn hóa từ chức” đúng lúc, không nên để tổ chức và xã hội thúc ép.

Nghề công chức dễ để lại tiếng thơm như các quan thanh liêm ngày xưa nhưng cũng dễ để lại tiếng xấu ở đời.

Cộng đồng xã hội đã và đang mong muốn trong một xã hội công dân thì công dân phải thực sự trở thành đối tượng phục vụ tận tình của công chức.

4. Cuộc sống chưa giàu nhưng có thể sống trong sạch

Ông cha ta đã dạy: “đói cho sạch, rách cho thơm”, “giấy rách phải giữ lấy lề”. Trong cuộc sống, đã có nhiều người sống theo phương châm đó trong số đó có nhiều người hoàn cảnh còn nghèo nhưng sống đẹp, sống sạch, giữ được nhân cách, góp phần phát huy truyền thống, cốt cách văn hóa ngàn đời của dân tộc.

III. Tôn trọng hay coi thường pháp luật và mỹ tục

Pháp luật, mỹ tục luôn luôn ở quanh ta và cần thiết như không khí. Xã hội không thể thiếu pháp luật, mỹ tục cũng như con người không thể thiếu không khí.

1. Tôn trọng pháp luật trước hết giúp cho mình tự do

Tôn trọng pháp luật chính là sự tôn trọng mình và được xã hội tôn trọng.

Coi thường pháp luật, không hiểu pháp luật hoặc hiểu pháp luật nhưng cố ý làm sai sẽ mất tự do, sẽ bị các chế tài xử phạt thích đáng, thậm chí trở thành tử tù.

2. Mọi người đều tôn trọng pháp luật, xã hội sẽ ổn định và phát triển

Để quản lý xã hội, Nhà nước ban hành pháp luật và xác định rõ các đối tượng thực hiện. Hoạt động của các thành viên xã hội rất đa dạng, ở nhiều lĩnh vực và đều bị pháp luật chế ước. Không hiểu luật hoặc hiểu luật nhưng cố ý không thực hiện sẽ làm cho xã hội mất ổn định.

Những người thi hành pháp luật phải coi luật pháp là trên hết, không được thiên vị, không được lợi dụng pháp luật để tư lợi.

Mọi người đều tôn trọng pháp luật, xã hội sẽ có kỷ cương, ổn định và phát triển.

3. Tôn trọng mỹ tục giúp chúng ta gắn bó với cộng đồng

Phong tục tập quán đã trở thành những quy định của cộng đồng mặc dù không biểu hiện dưới hình thức những điều luật nhưng ai làm trái với những quy định đó sẽ bị cộng đồng lên án.
Cuộc sống hiện đại làm cho người ta quan tâm đến luật pháp nhiều hơn mỹ tục. Tìm hiểu mỹ tục và thực hiện tốt mỹ tục không hề đơn giản, trong khi đó có mỹ tục trong suốt cuộc đời chúng ta có thể chỉ thực hiện một hai lần, nhưng không hiểu biết sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Có nhiều điều chúng ta còn phải học, không thể vô tâm vì nếu vô tâm khi sự việc đến chúng ta không biết cách ứng xử đúng mỹ tục sẽ làm cho ta ân hận suốt đời.

IV. Vô cảm hay chia sẻ

Khi bạn vô cảm trước một hoàn cảnh cần trợ giúp là bạn mất đi một cơ hội để chia sẻ. Sau nhiều lần bạn không chia sẻ với những hoàn cảnh cần trợ giúp, bạn sẽ trở nên lạnh lùng, ích kỷ. Ai sẵn sàng chia sẻ với người khác khi cần, người đó sẽ cảm thấy đang được nhận nhiều hơn cho.

1. Cần khắc phục sự vô cảm

Sự vô cảm vẫn tiềm ẩn ở một số người và diễn ra ở một số nơi. Sự vô cảm để lại hậu quả khó lường.

Nguyên nhân của sự vô cảm là tính ích kỷ, thiếu trách nhiệm xã hội.

Sự vô cảm làm cho người ta nhỏ bé, lạc lõng.

2. Nhiều nơi đang kêu gọi mỗi chúng ta

Thế gian này còn nhiều cảnh thương tâm. Có thể bạn sinh ra trong hòa bình, lớn lên trong no ấm, bạn có học vấn cao, có thu nhập cao, chưa bao giờ gặp rủi ro. Nhưng tôi tin rằng thông qua phim ảnh và các phương tiện thông tin, chắc chắn bạn biết rằng nhiều địa chỉ đang kêu gọi bạn và tôi chia sẻ, giúp đỡ.

3. Biết chia sẻ là một phẩm chất

Đồng cảm là phẩm chất tốt đẹp của mỗi người, mỗi cộng đồng xã hội. Người xưa đã dạy: “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng!”. Thực tiễn cho thấy người nào, dân tộc nào đã từng trải qua sự gian khổ, khó khăn thì dễ dàng đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Cần xây dựng sự đồng cảm, chia sẻ khó khăn thành truyền thống, thành nét đẹp của văn hóa dân tộc, thành chất kết gắn mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội.

Học cách chia sẻ, thực hiện sự đồng cảm giúp cho tâm của mỗi chúng ta trong sáng, thanh thản hơn, cuộc sống mỗi chúng ta có ý nghĩa hơn.

V. Tự cứu mình hay trông chờ

Tự cứu mình thể hiện nghị lực, sự thông minh và danh dự của con người.

1. Ý chí vươn lên của mỗi cá nhân đóng vai trò quyết định

Mặc dù ngay từ khi sinh ra người ta đã phải chấp nhận sự bất bình đẳng vì người ta không có quyền lựa chọn nơi sinh và cha mẹ, nhưng điểm xuất phát của cuộc đời không hoàn toàn là yếu tố quyết định đối với sự thành đạt của mỗi con người.

Đẳng cấp xã hội rất quan trọng nhưng không phải là bất biến. Ý chí vươn lên của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi nhóm xã hội sẽ góp phần thúc đẩy sự biến đổi xã hội theo xu hướng tiến bộ, văn minh.

2. Tự vươn lên để giảm đi gánh nặng của xã hội

Những người khuyết tật bẩm sinh là những người sinh ra đã không may mắn và họ không có tội tình gì cả. Chúng ta nên gọi họ là những người khuyết tật bẩm sinh không nên gọi họ là “những người tật nguyền”! Tôi không hiểu vì sao nhiều năm đã trôi qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên báo in, báo nói, báo điện tử, báo hình cứ gọi những thành viên xã hội đó là “những người tật nguyền” mà không có nhà ngôn ngữ học nào lên tiếng đính chính? Có phải chăng họ (hay cha mẹ họ) đã phạm vào lời nguyền nào đó nên họ phải mang tật? Tôi được biết những người có khuyết tật bẩm sinh đang rất không hài lòng khi người ta gọi họ là “những người tật nguyền”!

Trong số những thương binh, bệnh binh và trong số những người có khuyết tật ấy có rất nhiều người giàu nghị lực, họ đã không ngừng vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống, không chỉ góp phần giảm đi gánh nặng cho xã hội mà họ thực sự đã trở thành người có ích cho gia đình và cho xã hội. Thành công của họ là một thành công vĩ đại.

Trong khi đó, có một số người sinh ra vốn bình thường, thậm chí sinh ra trong những gia đình giàu có nhưng sống buông thả, không có trách nhiệm với chính mình, họ sớm tiêm nhiễm các tệ nạn xã hội và trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội.

3. Phấn đấu để thoát nghèo

Ngay ở những nước giàu nhất thế giới vẫn có người nghèo vì sự phân tầng giàu – nghèo tồn tại trong mọi xã hội. Những tiêu chí xác định về hộ nghèo tùy theo từng quốc gia (ngày nay một số quốc gia dùng tiêu chí của Liên hợp quốc), tuy nhiên những tiêu chí này cũng thay đổi theo từng giai đoạn phát triển.

Để thoát nghèo, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng, nhưng ý chí đấu tranh thoát nghèo của từng cá nhân, từng hộ gia đình có vai trò quyết định.

VI. Lựa chọn kiểu làm giàu và cách sống

Có nhiều kiểu làm giàu và nhiều cách sống. Nhưng làm giàu kiểu nào, cách sống thế nào để được người đời nhắc đến với sự ngưỡng mộ, tôn kính mới là điều quan trọng.

1. Nghèo dễ làm cho người ta hèn

Đã nghèo có tới trăm cái khổ. Nhưng khổ trong tâm là cái khổ lớn nhất, “thua thầy một vạn không bằng kém bạn một ly”.

Từ chỗ bị nghèo khó rày vò mà một số người quyết chí làm giàu để rửa nhục.

2. Mấy kiểu làm giàu và những mục đích của việc làm giàu

Xã hội động viên, khích lệ những mục đích làm giàu chính đáng sau:
- Để thoát nghèo, thoát hèn
- Để đời mình giàu có, tạo điều kiện để con cháu nối nghiệp
- Để khẳng định mình không phải là người tầm thường, để cuộc sống có ý nghĩa
- Để có điều kiện giúp đỡ người khác, cống hiến năng lực của mình cho xã hội
- Để được xã hội tôn vinh, dòng họ tôn trọng
- Để thực hiên lòng tự tôn dân tộc, để thế giới biết nhiều hơn đến hàng Việt Nam, dân tộc Việt Nam

Nhà nước đang khuyến khích mọi người làm giàu theo pháp luật và tôn vinh những doanh nhân thành đạt có đóng góp lớn cho xã hội.

Thế giới đã và đang biết đến hàng hóa Việt Nam và các doanh nhân Việt nam, qua đó đã góp phần nâng cao vị thế con người Việt Nam trước bạn bè thế giới.

Nhưng làm giàu rất vất vả và tổn thọ. Qua kết quả điều tra xã hội học của phương Tây: tuổi thọ bình quân của các tỷ phú thấp hơn tuổi thọ bình quân xã hội!

Nếu người giàu không dành thời gian cần thiết cho cuộc sống gia đình thì gia đình có thể khủng hoảng và các thành viên trong gia đình có thể có lối sống không lành mạnh.

Làm giàu mà làm cả những điều pháp luật cấm thì phải trả giá.

Làm giàu mà thiếu luân lý, đạo đức sẽ bị xã hội lên án, coi thường.

Làm giàu không chỉ cần có tài mà còn cần có tâm.

3. Nói với con về làm giàu và cách sống

Mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi dân tộc đều mong muốn giàu có. Đó là nguyện vọng chính đáng. Nhưng nóng vội trong sự làm giàu khi chưa chuẩn bị cho mình những yếu tố cơ bản thì sự giàu có đó sẽ không bền vững, dễ bị phá sản.

Cần phải hiểu về mình, về xã hội, về thiên nhiên khi khởi sự và cả trong quá trình làm giàu. Đã giàu rồi thì phải suy nghĩ kỹ khi sử dụng đồng tiền sao cho có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân văn. Khi giã từ cõi đời, ngoài những lời bình phẩm của thế gian, không ai mang theo được gì cả, ở cõi bên kia không tiêu tiền dương thế!

Giá trị của những người giàu không phải khi chết đi để lại bao nhiều tiền mà giá trị đích thực của những người giàu là cách làm giàu và cách sống như thế nào, có được xã hội tôn vinh không?

Xem tiếp: Thay lời kết...

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: