Kim Jong Un đã trở thành nhân vật nổi bật trên bàn cờ chính trị thế giới (Kỳ 1)
Sau cuộc gặp gỡ lịch sử Donald Trump và Kim Jong Un ngày 12/06/2018 vừa qua, ông Kim đã trở thành nhân vật nổi bật trên bàn cờ chính trị thế giới. Trong hoàn cảnh bị cô lập và thiếu đói, nhưng lại không muốn Triều Tiên bị phụ thuộc bất cứ ai, ông đã chọn đúng con đường ngắn nhất để Bắc Triều Tiên có thể bước ra chính trường thế giới.
Cuộc trò chuyện của nhà báo Xuân Ba với chuyên gia Nguyễn Trần Bạt đã phần nào “giải mã” hiện tượng Kim Jong Un.
Cuộc gặp lịch sử giữa TT Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
.
Chỉ riêng việc gặp ông Kim là đã đủ để TT Trump được ca ngợi
Nhà báo Xuân Ba:Thời điểm ta đang ngồi đây sự kiện Thượng đỉnh Mỹ - Triều đã diễn ra hơn chục ngày. Nhưng hầu như vẫn chưa thôi và chưa nguội sự nối dài những nắc nỏm về sự kiện ấy? Dường như có một phương pháp ngoại giao Kim Jong un?
- Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Trước hết nói về đối tác của ông Kim đã. Một ông già như Donald Trump dám làm những việc như vậy là một cái may cho người Mỹ. Người Mỹ buộc phải có các nhân vật như thế để tiệm cận các “sai lầm” không láu cá của giới chính trị Mỹ. Giới chính trị Mỹ đủ thông minh và láu cá để tránh những sai lầm trước truyền thông, nhưng thực chất về chính trị và kinh tế đôi khi họ vẫn mắc sai lầm.
Khi phê phán một nhà chính trị thì chúng ta phải phân tích được họ có sai lầm gì về chính trị, kinh tế chứ không phải nghe truyền thông phán là họ đúng hay sai. Tôi có xem một vài bình luận trên báo chí của chúng ta và cả quốc tế chê Donal Trum về những sơ xuất ngoại giao. Tôi nghĩ khi phê phán các chính trị gia, người ta hay nhầm lẫn giữa sai lầm của họ với sự khôn khéo của họ.
Thiên hạ đủ hạng người nắc nỏm chú mục vào những chi tiết bên lề sự kiện Thượng đỉnh những là Donal Trum khuyên giới truyền thông chụp ảnh ông và khách sao cho thon gọn. Nào là động thái thay bút cho Chủ tịch Kim. Nào là Trum có 25 giờ không ngủ trước sự kiện này.
Rồi các động thái của ông Kim đột ngột dạo chơi Tân Gia Ba về đêm và thay đổi giờ về vv… Ngay cả Thượng nghị sĩ Lindsey O. Graham, người nói chuyện với Trump khi ông bay từ Singapore về Mỹ, cho biết nhiều chi tiết bên lề sự kiện Tổng thống Trump chỉ đơn giản là thể hiện bản chất “doanh nhân” của mình.
“Giống như là ông ấy đang bán căn hộ”- Graham nói, - Ông ấy đang tiếp cận Triều Tiên giống như họ là một tài sản có vấn đề về dòng tiền và muốn đề xuất cách khắc phục”.
Rồi Louise Sunshine, cựu Giám đốc điều hành lâu năm tại Tập đoàn Trump, đã cười khi mô tả hội nghị Thượng đỉnh “giống như một chương trình truyền hình thực tế”, trước khi nói thêm rằng chỉ riêng việc gặp Kim Jong Un là đã đủ để Trump được ca ngợi.
“Ông ấy tập trung vào việc tạo ra giao tiếp bằng ánh mắt, tạo ra mối quan hệ. Tôi không nghĩ ông ấy ở đó để đàm phán. Ông ấy đến đó để tạo mối quan hệ”.
Sau cuộc gặp lịch sử với Trump, ông Kim đã trở thành nhân vật nổi bật trên bàn cờ chính trị thế giới.
Thượng đỉnh Mỹ -Triều là sự kiện hot. Có lẽ nội dung nào cũng phải tìm hình thức mà biểu hiện chứ?
-Đồng ý. Nhưng cũng phải tỉnh táo để tránh chìm lút vào tiểu tiết. Tôi không thích những bình luận kiểu lặt vặt, đó không phải là tiêu chuẩn của trí tuệ.
Vậy xin học giả Nguyễn Trần Bạt cho biết đứng cao hơn sự kiện điều gì?
- Người Mỹ va chạm với khu vực này mấy lần trong lịch sử. Lần thứ nhất người Mỹ đánh nhau với người Nhật ở Trân Châu cảng, kết quả là họ có mặt ở Nhật Bản. Lần thứ hai người Mỹ va chạm với người Trung Quốc, kết quả là họ có mặt ở Đài Loan. Lần thứ ba người Mỹ va chạm ở Triều Tiên, chia đôi bán đảo Triều Tiên và cuối cùng là họ có mặt ở Hàn Quốc.
Lần thứ tư người Mỹ va chạm ở Đông Dương, nhưng lần này họ không ở lại Đông Dương được. Nói như thế để thấy Donald Trump, một Tổng thống Mỹ, buộc phải làm nốt nghĩa vụ của người Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên.
Cách đây hai chục năm, có một nhà báo ở San Francisco đã ngỏ với tôi thế này: “Ông có biết làm thế nào để chính phủ Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam không?”. Tôi trả lời là tôi không biết. Ông ta đáp: “Đêm nay chính phủ của ông tuyên chiến với chính phủ Mỹ, sáng mai tuyên bố đầu hàng thì sáng ngày kia sẽ bình thường hóa quan hệ...”. Như vậy tức là người Mỹ rất đau và mặc cảm về sự thua trận, họ sẽ không buông chừng nào chưa giải quyết được câu chuyện.
Tiếp bước cha mình- Cố lãnh đạo Kim Jong Il, lãnh đạo Triều Tiên
Ông Kim Jong Un đã làm được những việc vượt xa cha ông mình
.
Kim Jong Un khôn hơn Tổng thống Donald Trump nghĩ
Trong trận đồ bát quái hay phương pháp Kim Jong Un giăng ra vừa rồi, theo ông cái bất biến của ông ấy để ứng với muôn thứ vạn biến là gì?
-Đó là ý chí. Ý chí không lay chuyển được về sự lãnh đạo, sự thống trị của mình.
Điều bất biến ấy dường như là sự nối dài gia phong của ông nội và thân phụ?
- Đấy là cách mà dân tộc ấy dùng. Nhưng tôi tin là nếu không dùng cách ấy thì họ vẫn có cách khác. Tôi đã nói, không thích những bình luận kiểu lặt vặt, đó không phải là tiêu chuẩn của trí tuệ. Mỗi một tình thế là một thực tế, mỗi một thực tế phải có một giải pháp. Giải pháp không đi từ thực tế mà đi từ sự mô phỏng thì không bao giờ giải quyết được.
Tạm coi là có một phương pháp Kim Jong Un đi, theo ông thì ông Kim ứng xử hay làm được vậy là do phản xạ, là bản năng có từ trong máu hay tập tành, bắt chước?
- Sự bắt chước vĩ đại và phổ biến nhất là sự bắt chước bằng gene, sự bắt chước của Thượng đế. Con anh giống anh không phải do anh, cũng không phải do nó mà do Thượng đế.
Ông bình luận thế nào về chi tiết phía Mỹ cho phái đoàn của Kim Jong Un xem một video dài 4 phút để dạy cho người Triều tiên biết cái cách mai này sẽ giàu có thế nào nếu theo Mỹ?
- Tôi kính nể Tổng thống Trump vì khả năng sáng tạo ngẫu hứng của ông ấy về mặt chính trị và kinh tế, nhưng nếu có ý định “dạy” nhà lãnh đạo Kim Jong Un là sai. Những người có văn hóa phương Tây đều có xu hướng thích làm thầy. Tại sao phương Tây kiêu ngạo vậy? Bởi họ có lịch sử đế quốc, lịch sử xâm lược. Lịch sử ấy làm cho người phương Tây tưởng mình là thầy của thiên hạ trong một thời gian dài. Thế nhưng triết học phương Tây thật ra đến từ Hy Lạp, mà Hy Lạp là phương Đông của châu Âu.
Vậy nên mới có ý kiến cho rằng Triều Tiên sẽ giàu có nhưng không phải đi với Mỹ?
- Điều quan trọng nhất đối với Triều Tiên là không động tới Mỹ, không biến Mỹ thành kẻ thù. Còn Mỹ có lẽ sẽ không bao giờ thành bạn của Triều Tiên. Đối với các nước bé, các cường quốc không bao giờ trở thành bạn, nhưng cũng không được biến họ thành kẻ thù.
Họ thừa khôn ngoan để hiểu rằng, nếu chơi được với người Mỹ thì cũng không được biến thành kẻ thù của Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un khôn hơn Tổng thống Donald Trump nghĩ. Cái đoạn video ấy có dài đến 40 phút cũng không dạy được Kim Jong Un.
Sự khôn ngoan của ông ấy là sự khôn ngoan của một dân tộc đã phải ăn “mắm mút giòi” mấy chục năm để có một vài quả bom nguyên tử. Họ thừa thông minh để hiểu rằng không bao giờ Triều Tiên trở thành cường quốc hạt nhân. Trên thế giới không có “cường quốc hạt nhân”, mà chỉ có cường quốc có hạt nhân thôi. Vì thế, bom hạt nhân có bao giờ trở thành một công cụ, một vũ khí thực tế trong đời sống vũ trang đâu mà nó chỉ là cái gậy để thế giới dọa nhau.
Một nước bé thì không thể hy vọng trở thành cường quốc của bất kỳ cái gì. Tôi tin là người Triều Tiên không ảo tưởng để trở thành kẻ hy sinh cho những khát vọng vu vơ ấy. Họ cần công cụ đó để đỡ khó khăn, vất vả hơn trong quá trình thương lượng với bên ngoài.
Chủ tịch Kim đôi khi rất thân thiện
.
Người Triều Tiên vẫn phải tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân
Theo suy đoán của ông thì trong một tương lai gần Triều Tiên sẽ hành động như thế nào?
- Tôi nghĩ Triều Tiên vẫn sẽ nắm giữ vũ khí hạt nhân thôi, không có cách gì thay đổi được phương châm ấy. Tuy nhiên, thiên hạ sẽ tìm cách xây dựng một chế tài pháp lý nào đó hạn chế đến mức tối đa các tai hại có chất lượng chiến tranh mà vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể gây ra. Người Mỹ đưa ra định nghĩa kiêm nguyên lý giải trừ hạt nhân là “hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng”.
Tôi nghĩ điều đó là không tưởng, bởi đã thỏa mãn đến mức độ đó, đến cái ngưỡng ấy thì Triều tiên không còn là Triều tiên nữa, mà không còn nó nữa thì nó đàm phán với anh để làm gì? Đấy là cách ăn nói kiểu người Mỹ. Tôi nghĩ, người Triều Tiên vẫn phải tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, và duy trì khả năng tái vũ trang hạt nhân nếu cần thiết. Nếu như chúng ta vẫn phải quay về với nền chuyên chính của mình, thì họ cũng phải quay về với nền chuyên chính của họ là vũ khí hạt nhân nếu muốn tồn tại. Thực tế sẽ là như thế.
Người phát hiện ra quyền lực của vũ khí hạt nhân và biến thành tác phẩm khoa học chính trị là Henry Kissinger. Tôi đọc tác phẩm của ông ấy vào những năm 1960, cho đến bây giờ vấn đề vũ khí hạt nhân vẫn chưa hết giá trị. Sở dĩ Tổng thống Mỹ vẫn phải gặp nhà lãnh đạo Triều tiên Kim Jong Un là bởi vì ông ấy có vũ khí hạt nhân.
Vũ khí hạt nhân vẫn là một công cụ để tạo ra hiệu ứng chính trị và tạo ra sức ép phải đàm phán với thái độ chính trị nghiêm túc. Chỉ nguyên sự có mặt của Tổng thống Donald Trump vừa rồi đã đem đến cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un một bài học là chớ bao giờ buông vũ khí hạt nhân. Chưa biết làm gì được với nó không, nhưng ngay từ đầu đã thấy nó đem lại cho mình sự nể vì và cả sự khiếp hãi của thiên hạ.
Vai trò của vũ khí hạt nhân từ trước tới nay không thay đổi, đó là công cụ xác lập sự cân bằng chiến lược toàn cầu. Mọi sự cân bằng đều có điều kiện. Một đất nước nghèo khổ như thế mà nuôi khoảng vài ngàn nhà khoa học hạt nhân (theo số liệu từ truyền thông phương Tây) để có được vũ khí hạt nhân.
Vậy mà lại bảo họ từ bỏ thì chắc là không hề dễ. Kể cả Mỹ có tìm cách đưa ra khỏi Triều Tiên tất cả các nhà khoa học hạt nhân cũng không chấm dứt được câu chuyện này, bởi họ sẽ có thêm nhiều ngàn con cháu của vài ngàn nhà khoa học ấy để chuẩn bị cho tương lai của mình.
(Còn nữa)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015