Đừng coi thường tính mạng kiểu ấy!
Choáng váng là cảm giác của nhiều người khi xem những đoạn phim ngắn cảnh các "quái xế" giỡn mặt tử thần bằng những "pha" chết người như điều khiển xe máy bằng chân, bay nhảy trên xe máy và ông bố cổ xúy cậu con trai 3 tuổi tập làm "hung thần" trên phố nườm nượp người xe qua lại. Sau khi tung lên mạng, những clip này cũng đã nằm trong top những sự kiện được truy cập nhiều nhất tuần qua.
Đùa giỡn với tử thần
Không chỉ có thế. Ngay sau khi ông bố trẻ ở Vũng Tàu, theo những gì giới thiệu xung quanh đoạn phim ngắn, đưa hình ảnh "bố đèo con" rất phản cảm, còn có ít nhất 3 đến 4 đoạn video khác nữa với cùng một nội dung tương tự được tung lên mạng. Vẫn theo những gì giới thiệu về các đoạn video ấy, thì không chỉ Vũng Tàu, mà cả những đứa trẻ ở Hà Nội, Quảng Trị chỉ từ 3 đến 5 tuổi đã từng được người lớn cho "tập làm quái xế".
Ở đoạn clip về cậu bé 3 tuổi ở Quảng Trị, người ta nghe thấy rõ tiếng cười khả ố của những thanh niên ngồi sau xe cổ vũ cho hành động của cậu bé đội mũ lệch ngổ ngáo. Không hiểu bố mẹ, ông bà hay người thân của những đứa trẻ ấy, đặc biệt là những thành phần trực tiếp tham gia "huấn luyện" các cậu bé như trong video nghĩ gì, "tự hào" ra sao khi con cháu họ "nổi tiếng" trên mạng như thế, nhưng có một điều chắc chắn là, nói dại mồm, nếu có chuyện gì xảy ra, họ sẽ phải là những người hối hận nhất.
Những đứa trẻ 3 đến 5 tuổi, chúng đâu có hiểu chuyện gì đang diễn ra? Chỉ cần lời kích động và sự cho phép của người lớn là đủ. Sự thực khi xem những clip như thế này, không còn có từ gì khác để miêu tả những kẻ đã kích động bọn trẻ làm chuyện dại dột ấy ngoài cụm từ: Vô cùng ngu xuẩn!
Có 2 đoạn băng khác nữa cũng liên quan đến vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đó là trường hợp cô gái lái xe bằng chân ở Hà Nội và thanh niên "nhảy múa trên yên xe", theo giới thiệu, là ở Nghệ An. Khác với những đứa trẻ chịu sự kích động của người lớn, cô gái và chàng trai trong các clip này đều tự nguyện. Cô gái lái xe bằng chân giờ đây đã rõ danh tính: Đó là Kiều Lan Anh, cư trú tại tập thể Đại học Nông nghiệp, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội. Lan Anh đã thừa nhận hành vi của mình bằng một bản kiểm điểm khá nghiêm túc.
Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết hành vi của Lan Anh và người thanh niên kia đã vi phạm các quy định về người đều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định trong Nghị định 34/NĐ-CP. Hiện tại chiếc xe máy tay ga của Lan Anh đã bị tạm giữ. Theo điểm a, khoản 7, Điều 9 của Nghị định nói trên thì chỉ riêng lỗi điều khiển xe máy bằng chân đã có mức phạt từ 5 đến 7 triệu đồng, tước GPLX trong 60 ngày. Chưa kể phương tiện sử dụng thực hiện hành vi vi phạm của Lan Anh là xe không có giấy tờ hợp lệ, gắn biển số giả cho lưu thông.
Cô gái lái xe bằng chân đã biết sợ.
Trường hợp của Lan Anh và người thanh niên "nhảy múa trên yên xe" làm chúng tôi bỗng chợt nhớ đến hình ảnh những màn drift xe hơi ngoạn mục của chuyên gia biểu diễn người Anh Russ Swift tại Triển lãm Sài Gòn Autotech 2010 mới hôm 4/6 vừa rồi. Mặc dù so sánh có thể hơi khập khiễng, nhưng xét một cách công bằng thì với chuyên gia biểu diễn người Anh hay cô gái lái xe bằng chân và người thanh niên nhảy múa trên yên xe đều cần phải có sự khéo léo và kỹ năng nhất định mới có thể thực hiện được.
Nhưng bên cạnh tính hợp pháp và sự chuyên nghiệp ở trình độ cao của chuyên gia biểu diễn người Anh lại là tính bốc đồng, sự non nớt về nhận thức và cả sự thiếu giáo dục nghiêm trọng về ý thức pháp luật của cô gái lái xe bằng chân và người thanh niên nhảy múa trên xe máy. Nếu như, người thanh niên và cô gái kia được giáo dục một cách đầy đủ hơn, và nếu như những màn trình diễn thót tim ấy được thực hiện, không phải ở ngoài đường phố để gây nguy hiểm cho người khác như đã diễn ra, mà ở một nơi được phép như trong một tiết mục trình diễn xiếc môtô bay chẳng hạn, thì mọi sự hẳn đã khác. Tiếc thay!
Trên khía cạnh xã hội...
Với tư cách là nhà nghiên cứu xã hội học, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên, Tiến sĩ (TS) Khuất Thu Hồng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội đã chia sẻ với chúng tôi ngay sau khi theo dõi tường tận 3 video clip này.
Cuộc sống có nhiều điều thật bất ngờ và 3 video clip này cũng nằm trong những bất ngờ đó. Tuy nhiên, những bất ngờ ấy chỉ khiến người ta ngạc nhiên, sửng sốt, thậm chí là "sốc" khi mới xem. Còn về sau khi càng đến gần đoạn kết của video clip, sự ngạc nhiên, sửng sốt... đó càng giảm đi trong sự phân tích, lý giải dưới góc độ xã hội của người xem. Rõ ràng, tất cả những video clip nói trên đều thể hiện những "vấn đề" về xã hội.
PV: Lần lượt phân tích theo từng video clip thì thưa bà, đối với clip quay cảnh ông bố ung dung ngồi đằng sau để cậu con trai mới 3 tuổi chở bằng xe máy đi khắp phố trong khi con phố đó nườm nượp xe cộ qua lại. Ở đây "vấn đề" xã hội có thể hiểu là gì?
TS. Khuất Thu Hồng: Sau khi xem clip này, cảm nhận đầu tiên của tôi là không thể chấp nhận được ông bố này. Một người đàn ông coi thường quá đáng không chỉ mạng sống của chính mình mà còn vô trách nhiệm với cậu con trai bé bỏng mới chỉ 3 tuổi của anh ta. Trong khi, hầu hết những người xem clip có thể đều "thót tim" vì lo lắng, sợ hãi thay cho con trai anh ta mỗi khi có một chiếc xe máy hoặc ôtô nào phóng vèo qua đầu xe thì hãy nhìn cách anh ta hành xử vẫn ngồi ung dung, thản nhiên ôm eo cậu con trai từ phía sau và mặc cho cậu "quý tử" vừa ngó nghiêng mắt sang hai bên vừa điều khiển xe máy trong dòng xe xuôi ngược. Nét mặt anh ta thì không biểu lộ một tâm trạng nào ngoài thái độ bình thản, lạnh lùng đến thách thức tất cả những người xung quanh. Anh ta quả là người vô cảm, vô trách nhiệm không chỉ với bản thân mà với cả con trai anh ta nữa...
Hành động ngu xuẩn của người lớn khi giao tay lái cho một đứa trẻ lên 3.
PV: Và khi vô trách nhiệm ngay cả với bản thân, ruột thịt thì...
TS. Khuất Thu Hồng: ...Chắc chắn những con người đó không thể có trách nhiệm với toàn xã hội, với cộng đồng họ đang sinh sống được.
PV: Trong các dự án nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, những đối tượng như vậy có nhiều không và nguyên nhân nào dẫn đến quan niệm sống ấy của họ, thưa bà?
TS. Khuất Thu Hồng: Chỉ cần bước ra đường là gặp ngay những người như vậy và phải nói một điều đáng buồn là xu hướng này xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là ở lớp trẻ. Không tin, bạn cứ ra đường vào buổi tối xem, một người (có thể già hoặc trẻ) ngang nhiên xách túi rác ra thả phịch xuống lòng đường và quay đi mà không thấy ngượng ngùng, xấu hổ. Một người khác tạt xe vào bên đường để "vệ sinh" ngay vào tường rào, gốc cây... trước mặt bàn dân thiên hạ... Hoặc một người vừa đi xe máy vừa nhổ nước bọt phì phì xuống đường mà bất cần quan tâm đến người đi bên cạnh... Tất cả đó đều là hình ảnh của những người thiếu trách nhiệm với bản thân, xã hội...
Và vì sao họ lại như vậy? Đơn giản vì lối sống thiên về vật chất, thích hưởng thụ đã chi phối quan niệm sống của họ để rồi dẫn đến tính ích kỷ "chỉ biết mình mà không biết đến người" trong cuộc sống. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng chỉ so với các quốc gia Châu Á thôi, Việt Nam cũng bị đánh giá ở "thứ hạng cao" về điều này.
PV: Cô gái điều khiển xe máy bằng chân ở video clip thứ 2 cũng có thể nằm trong số những người này phải không thưa bà?
TS. Khuất Thu Hồng: Chắc chắn là vậy rồi. Vì hành vi của cô gái này đã thể hiện rõ tính cách thích làm gì là làm của cô. Cô điều khiển xe máy bằng chân, không thèm đội mũ bảo hiểm, ngang nhiên đi giữa Quốc lộ 5, cầu Vĩnh Tuy... mà bất luận quan tâm đến quy định của pháp luật, tính mạng của những người đi cùng chiều, ngược chiều với cô và cả sự an toàn của chính bản thân cô nữa. Thôi thì, nếu tính mạng của cô, cô không quý thì chẳng bàn đến làm gì. Nhưng còn mạng sống của người khác, nếu vì cô mà họ bị ảnh hưởng, thì cô phải tính đến. Đằng này, cô gái vô tư quá, tự tin quá, đơn giản hóa cuộc sống quá, bất cần quá nên mới dẫn đến hành vi ngỗ ngược của mình...
Nhưng với tư cách là một nhà xã hội học, từng nghiên cứu nhiều đối tượng ở lứa tuổi thanh thiếu niên, tôi cho rằng, hành vi của cô gái cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Mà nguyên nhân ấy bắt đầu từ chính người lớn, từ trách nhiệm của xã hội với đối tượng thanh thiếu niên.
...và trách nhiệm của người lớn
PV: Vậy nguyên nhân ấy theo bà là gì?
TS. Khuất Thu Hồng: Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhất là tuổi mà người ta vẫn gọi là "choai choai", các em rất thích khám phá bản thân, thích khẳng định mình bằng những việc làm dị biệt và càng dị biệt càng tốt.
Đối chiếu với quy luật đó thì hành vi của cô gái điều khiển xe máy bằng chân hay bạn trai bay nhảy trên xe như "thiên thần" trên đường Nghệ An ở video clip còn lại không có gì... bất thường, thậm chí rất được ngưỡng mộ ở những người cùng trang lứa với các em. Vậy nó bất thường ở đâu? Ở chỗ, các em đã không chọn đúng địa điểm để thể hiện khả năng đặc biệt của mình cũng như suy nghĩ chưa thấu đáo trước khi thể hiện khả năng đó.
Nhưng vì sao các em lại không chọn đúng địa điểm? Câu trả lời công minh nhất lại là một câu hỏi: chúng ta có bao nhiêu địa điểm vui chơi ở chốn công cộng để cho các em lựa chọn? Hạ tầng cơ sở xã hội khi quy hoạch phát triển đã quan tâm, xây dựng những khu giải trí như vậy cho lứa tuổi thanh thiếu niên chưa hay chỉ chú trọng vào phát triển kinh thế thay vì con người?
Còn trong trường hợp nếu có một nơi giải trí như thế, các em phải có bao nhiêu tiền mới mua được vé vào cửa... Nói tóm lại, đó chính là nguyên nhân dẫn đến hành vi tiện đâu làm đó của các em, thích đùa giỡn, mạo hiểm với tính mạng của mình và của người khác ngay tại nơi công cộng. Tôi thực sự đang lo lắng về sự phát triển không toàn diện của các em hiện nay.
PV: Hình như, một nhà xã hội học nổi tiếng của Pháp đã nhận định: Việt Nam có tỷ lệ công viên và khu vui chơi công cộng thấp nhất thế giới?
TS. Khuất Thu Hồng: Không những thế ông và chúng tôi còn đánh giá các chương trình hoạt động dành cho thanh thiếu niên ở ta còn mang nặng tính hình thức, phong trào mà chưa thực sự khơi dậy sự sáng tạo, phát huy thế mạnh của lứa tuổi "teen". Và điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, lối sống của các em.
PV:Còn về "suy nghĩ chưa thấu đáo khi thể hiện khả năng của mình" thì sao?
TS. Khuất Thu Hồng: À, đó là một câu chuyện nữa. Bây giờ, bạn hãy đi ra đường, bất kể ở đâu, hình ảnh những người lớn vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chen lấn xô đẩy... có trở nên quen thuộc với bạn không? Vậy, giới trẻ sẽ đặt ra câu hỏi: "Tại sao người lớn làm được mà mình không làm được". Bắt đầu từ suy nghĩ đó cùng với sự nông nổi, bồng bột, tâm lý của lứa tuổi mà nhiều em đã có những hành vi ngang ngược, bất chấp pháp luật, tính mạng sống của mình và của người khác ...
Ngoài ra, cần đề cập đến giáo dục và môi trường gia đình nữa. Có thể nói chỉ vì tập trung giáo dục kiến thức mà coi nhẹ chuyện giáo dục con người cho nên chính hành vi ngỗ ngược của một số học sinh đã là hệ lụy của chủ trương giáo dục của họ.
PV:Theo bà làm thế nào để có thể ngăn ngừa tối đa những hành vi như các video clip đã quay xuất hiện trong xã hội?
TS. Khuất Thu Hồng: Hãy quan tâm một cách thực sự đồng thời giáo dục đến nơi đến chốn cho giới trẻ thì sẽ ngăn ngừa được những hành vi như vậy. Cùng với đó, người lớn hãy là tấm gương sáng, mẫu mực cho các em về quan niệm và lối sống để từ đó các em có thể học tập và hành động theo.
PV: Xin cảm ơn TS Khuất Thu Hồng
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh