Di nguyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trước khi viên tịch: "Đừng xây tháp mộ gì cho thầy"
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế lúc 0h ngày 22/1, ở tuổi 96 theo cáo phó của tăng đoàn Làng Mai.
Ngày 22/1, Hoà thượng Thích Huệ Phước, Chánh thư ký Ban trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, Thiền sư Thích Nhất Hạnh tân viên tịch vào lúc 0 giờ 0 phút ngày 22/1 (tức ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), tại Tổ đình Từ Hiếu.
Sau những năm tháng an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Niên Trưởng Trú trì Tổ đình Từ Hiếu đã thâu thần thị tịch tại Tổ đình, nơi Người đã xuất gia cách đây 80 năm.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm nay 95 tuổi, xuất gia tu học tại chùa Từ Hiếu, người thành lập Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp và nhiều trung tâm tu học khác tại Mỹ, Đức, Hồng Kông, Thái Lan. Sau hơn 40 năm kể từ khi rời Việt Nam, Thiền sư trở về quê nhà hoằng pháp lần đầu tiên vào năm 2005 và sau đó là vào năm 2007, 2008… Năm 2017, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Thái Lan về Việt Nam, trở về Tổ đình Từ Hiếu tịnh dưỡng và lưu trú cho đến hôm nay.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sư ông Làng Mai có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình.
Thiền Sư được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục nghìn người và hơn 120 tác phẩm xuất bản giá trị. Thiền sư đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khoá tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ… Bên cạnh sự nghiệp hoằng pháp Thiền sư cũng đã tổ chức nhiều Đại Giới Đàn và lễ Truyền Đăng, Việt hoá Nghi lễ và tân tu Giới bản để tiếp dẫn hậu lai.
Mục sư Martin Luther King vinh danh Thiền sư như là "một Thánh tông đồ của hòa bình và bất bạo động" khi đề cử Người cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư là một trong những người tiên phong mang đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo Dấn thân cho thế kỷ XXI với gần 1250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và hàng trăm triệu độc giả trên khắp năm châu. Rất nhiều học trò của Thiền sư đã gặt hái được nhiều hoa trái trong sự thực tập và tiếp nối được sự nghiệp hoằng hoá mà Thiền sư trao truyền suốt những thập kỷ qua.
Trước đó, tháng 11/2014, Thiền sư Thích Nhất Hạnh gặp một biến cố về sức khỏe, được chẩn đoán là tai biến mạch máu não. Sau đó, Thiền sư đã được đưa sang Hoa Kỳ điều trị, sự phục hồi sức khỏe của Thiền sư được cho là "kỳ diệu".
Khi trở về tổ đình Từ Hiếu tịnh dưỡng và lưu trú, Thiền sư Thích Nhất Hạnh hàng ngày được các tăng ni chăm sóc, lo việc ăn uống, đi lại. Những ngày thời tiết đẹp, Thiền sư ngồi trên xe lăn đi thiền hành trong khuôn viên chùa.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tâm thư gửi đến các Chư tăng, nói rõ ý nguyện sau khi trở về Tổ đình Từ Hiếu. Ông dặn các đệ tử của mình:
“Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền.
Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?!
Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền toạ, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy!
Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì.” Thầy không nằm trong tháp ấy đâu.
“There is nothing inside”. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa “Ngoài kia cũng không có gì.” Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.” Đó là điều Thầy căn dặn các Thầy các sư cô ở chùa Đình Quán Hà Nội và ở Tổ Đình.
Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới.
Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy…”
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)