Danh và phận

12:00 SA @ Thứ Sáu - 11 Tháng Mười, 2013

Con người ta trong đời ai cũng có phận. Nói với màu sắc định mệnh: đó là số phận. Số phận đã định thế. Vậy chẳng nên băn khoăn, than vãn làm gì! Còn danh, là cái gắn với phận, để thành danh và phận trong một kết cấu gắn bó, nương tựa vào nhau. Nhưng dẫu có gắn bó, cả hai thưởng lại có so le ít nhiều. Sự so le này thường đưa lại nhiều suy ngẫm, và ở các trường hợp so le lớn, lại gây nên nhiều cám cảnh hoặc bất ngờ, trên hai nẻo hài và bi.

Cam phận tức là biết phận. Biết phận để an tâm chấp nhận cái phận của mình. Thuộc loại này theo tôi là số đông. Ở đây số đông còn được hiểu là vô danh, là không mấy quan tâm đến cái danh. Họ chỉ nhận những cái họ có, cũng như người khác có một cách khiêm nhường. Nhưng số đông cũng có sức mạnh của nó, bộ mặt của nó. Theo chủ nghĩa duy vật mácxít đó là lực lượng làm nên lịch sử. Và, ở phía khác, ít hơn, thậm chí rất ít những người có một bản lĩnh cao, vượt hẳn lên mà coi thường mọi cái gọi là danh, là vinh hoa phú quý, là cái bả danh lợi. Bởi họ ý thức rõ: đó là một trường chiến trận, một cuộc đua tranh chẳng những không vui vẻ mà còn gây nên thương tích. “Ra trường danh lợi vinh liền nhục. Vào cuộc trần ai khóc lộn cười” (Nguyễn Công Trứ).

Ở giữa hai còn đó là những người ít nhiều bị ràng buộc bị co kéo bởi danh và phận. Họ muốn có một cái danh tương xứng và điều này là chính đáng nhưng thưởng là to hơn thực, lớn hơn phận, nên mới sinh ra chuyện để mà bận tâm. Suốt cả một đời họ tỏ ra vất vả mất sức trong việc chạy theo cái danh, để vượt phận và cố nhiên là trội hơn thực. Cuộc chạy đuổi mang theo nhiều biểu hiện bi và hài.

Một khía cạnh mới trong câu chuyện danh và lợi được xây dựng trên sự phân công xã hội.

Mỗi người sinh ra trên đời đều phải có một nghề từ nghề mà có danh và phận. Xã hội cũ trong sự đơn giản của phân công nghề nghiệp đã có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Ấy là một kinh nghiệm thực tiễn để chống với tâm lý sùng chuộng hư danh. Xã hội mới ở trình độ cao của phân công xã hội và phát triển khoa học công nghệ, đòi hỏi một sự chuyên môn hoá thật sâu, thật cao trên tất cả mọi ngành nghề, từ nghề Bộ trưởng đến nghề lao công, từ nhà bác học đến người chữa bông in... Tất cả, không trừ ai đều cần được đào tạo chu đáo, quy củ để có một chuẩn bị vững vàng cho nghề. Và nếu khả năng hành nghề là tinh thông, là theo kịp các đòi hỏi của nghề nghiệp, nếu danh là khớp với phận, nếu danh là đi đôi với thực, thì đó chính là cái bảo đảm cho xã hội một sự phát triển hài hoà và cho mỗi con người một sự yên tâm trong cống hiến và hưởng thụ.

Cố nhiên, xã hội còn được phát triển trên nguyên tắc: ai có tài năng cần được tự do phát triển. Và đó là mục tiêu cao nhất của một xã hội dựa trên nền tảng công bằng và nhân đạo. Tài năng của con người và con người tài năng - đó là cái vốn quý của nhân loại lúc nào cũng có. Đó là lực lượng đem lại khả năng chinh phục tự nhiên và cải tạo xã hội làm nên bộ mặt mới của thế giới. Những tài năng như vậy xứng đáng được hưởng một cái danh to, mặc dầu trong đời, có người chịu một cái phận không xứng, thế nhưng sớm muộn họ vẫn là danh nhân, được cuộc đời nhớ ơn.

Trở lại với cuộc đời thường nhật của chúng ta. Quả còn nhiều điều đáng suy nghĩ, nhiều vướng ngại còn đặt ra trên con đường hướng tới một quan niệm và cách xử lý thật phù hợp và đáp ứng cho nhu cầu phát triển đất nước, trên mối quan hệ danh và phận. Quả là còn nhiều khó khăn và còn lâu dài mới hết được những quán tính của tâm lý cũ, cách đánh giá cũ. Đó là tâm lý chưa thật sự coi trọng những người tài, chưa thấy sự phát triển tinh thông mọi nghề nghiệp mới chính là nền tảng của sự phát triển xã hội. Nhìn vào các lực lượng đích thực là chuyên gia trên nhiều loại ngành nghề thấy không ít người trong họ còn phải vất vả với sự mưu sinh, họ còn phải làm nhiều nghề, chứ đâu dễ được chuyên tâm với nghề - “sinh ư nghệ, tử ư nghệ". Ngay chuyên gia cũng phải gắn với một chức danh nào đó, một chức quyền nào đó mới mong tồn tại. Con đường tiến thân của số đông, kể cả chuyên gia thật ra chưa phải là người giỏi nghề, giỏi chuyên môn. Mà là giỏi ứng xử, giỏi tìm sự chở che ... Sự truy cầu danh và khó khăn với phận, hoặc không yên với phận vẫn cứ là câu chuyện làm hao tổn năng lượng và gây nên nhiều khúc mắc trong đời.

Tôi nêu một ít tồn tại mà hẳn ai cũng thấy - nói điều này không mới, nhưng vẫn cần.

Để rồi đây trong một tương lai không xa lắm chúng ta có được một nền tảng xã hội và tâm lý cho con người được thực sự yên tâm hướng chuyên sâu vào nghề và nghiệp, vào tư cách chuyên gia, cả thầy và thợ chứ không phải vì cái danh càng không phải là danh hão.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: