Danh sơn Yên Tử với phái thiền Trúc Lâm

09:12 CH @ Thứ Bảy - 20 Tháng Tám, 2022

Lịch sử nước nhà vào giai đoạn cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai (1284-1285) là cực kỳ gay cấn. Số phận cả dân tộc nguy hiểm, tựa như vật nặng ngàn cân treo trên đầu một sợi tóc.

Giữa lúc thế nước lâm nguy ấy, xuất hiện một ông vua trẻ, đứng ra lãnh đạo toàn dân làm cuộc kháng chiến thần thánh. Đó là vua Thiệu Bảo, tức đức Trần Khẩm, miếu hiệu Trần Nhân tông, lúc ấy mới 27 tuổi.

Hình ảnh một ông vua lãnh đạo đất nước đã đành, nhưng lại đồng thời là một vị tướng trực tiếp cầm quân cản giặc, đương đầu với lũ xâm lược nhà nghề lão luyện, được liệt vào hàng các danh tướng bất khả chiến bại của Hốt-tất-liệt như Lý Hằng, Lý Quán, A-lí-hải-nha, Toa-đô, Thoát-hoan v.v... Và các mặt trận, nơi nào nao núng, nhà vua đích thân đem quân thánh dực đi tiếp ứng. Lại nữa, ngài lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh ấy tới ngày toàn thắng.

Một vị vua lẫm liệt chói ngời hào quang như thế bỗng chốc trút vương miện, cởi hoàng bào, bỏ vương trượng cầm lấy thiền trượng, mặc áo nâu sồng, mang dép cỏ, đội mũ rơm đi thuyết pháp, đồng thời sáng lập ra một môn phái Phật, ấy là Thiền Trúc Lâm - một tông phái thiền thuần Việt.

Vậy động cơ nào đã thôi thúc vua Thiệu Bảo sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm? Và Thiền phái Việt Phật ấy đã có những đóng góp gì thiết thực cho sự tự cường dân tộc? Đó chính là trọng tâm vấn đề mà tôi thử lý giải.

Thiền viện Trúc Lâm ở Yên Tử

Ngược dòng lịch sử, thấy Phật giáo được truyền vào nước ta rất sớm, từ những năm đầu của Công nguyên, do các nhà sư Tây Trúc (Ấn Độ) theo các thương nhân du nhập vào. Và đã lập được một trung tâm truyền giáo tại Luy Lâu, mà dấu tích là chùa Dâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Tuy nhiên, lịch sử không để lại cho ta một tư liệu thành văn nào, chứng tỏ ảnh hưởng của môn phái Phật này đối với dân tộc Việt Nam từ 2000 năm trước.

Mãi tới cuối thế kỷ VI và đầu thế kỷ thứ IX sau Công nguyên, mới lại có hai dòng thiền từ Trung Hoa tràn sang. Đó là dòng Thiền do thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi sang ta vào năm 580. Và dòng Vô Ngôn Thông sang ta vào năm 820. Cả hai dòng thiền này, bước đầu đều lấy đất Kinh Bắc nước ta làm nơi truyền giáo.

Đạo Phật vào ta sớm hơn Nho giáo. Nhưng cơ sở để phát triển lại không vững bằng Nho giáo. Bởi Nho giáo được chính quyền thực dân hậu thuẫn. Mặc dù từ thời nhà Hán (thế kỷ đầu Công nguyên) các viên thái thú như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp đều đem văn hóa, phong tục và chữ Hán truyền bá trong dân ta.

Thế nhưng cái thứ văn hóa nô dịch ấy, chỉ ảnh hưởng trong bộ máy quan lại làm việc trực tiếp với bọn thống trị, còn đại bộ phận dân chúng trong làng xã, vẫn bảo lưu được nền văn hóa phong tục thuần Việt. Đặc biệt là việc bảo lưu ngôn ngữ. Hơn mười một thế kỷ bị Trung Hoa đô hộ, tính từ năm 206 trước Công nguyên tới năm 938, đúng 1144 năm. Sở dĩ trong đêm trường dằng dặc ấy, đế quốc Hán - Đường - Tống không đồng hóa được ta, là bởi ta giữ gìn được ngôn ngữ và phong tục, tức là vẫn bảo trì được nền văn hóa của Việt tộc.

Vì sao Nho giáo không chinh phục được nhân dân ta trong hơn 11 thế kỷ đó? Là bởi Nho giáo thuộc dòng văn hóa của bọn thực dân đưa tới, luôn luôn bị nhân dân khước từ. Còn Phật giáo thì sao?

Mặc dù hai dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông từ Trung Hoa truyền sang, tất yếu nó đã được thẩm thấu qua nền văn hóa Trung Hoa, nhưng cái hạt nhân tích cực của giáo lý Phật, do Phật tổ Thích-ca-mâu-ni sáng tạo, vẫn kết thành một khối kim cương khổng lồ, trong suốt và tỏa sáng.

Vì vậy hai dòng thiền này vào Việt Nam được giới trí thức và nhân dân hào hứng đón nhận. Nguyên nhân rất dễ hiểu, bởi đạo Phật giúp con người giải thoát mọi mê lầm. Như vậy, về cơ bản đạo Phật là đạo khai sáng, đạo của trí tuệ. Hơn nữa, nó không có nhân tố thực dân.

Tiếp đến năm 938, Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ của nước nhà, thì các nhà cầm quyền từ Ngô tiếp sang Đinh, Lê đều dùng các bậc thiền sư, đạo sư, đạo cao đức trọng làm cố vấn cho triều đình, chứ không dùng tầng lớp trí thức nho sĩ.

Các thiền sư Ngô Chấn Lưu (Khuông Việt), Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh là các bậc đại trí thức Phật giáo trí tuệ siêu việt, giúp nước, giúp đời để dấu ấn đến muôn sau.

Ta nhớ khi Lê Hoàn (Lê Đại Hành) hỏi thiền sư Pháp Thuận về vận nước. Sư liền đọc cho vua nghe bài kệ:

Quốc tộ như đằng lạc 
Nam thiên lý thái bình 
Vô vi cư điện các 
Xứ xứ tức đạo binh.

(Ngôi nước như dây leo quấn quít 
Ở góc trời Nam (mở ra) cảnh thái bình 
Dùng lối vô vi nơi cung điện 
Thì khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh). 
(ĐOÀN THĂNG dịch)

Ý Pháp sư khuyên nhà vua rằng: muốn cho dân nước được thái bình, khắp hang cùng ngõ hẻm không còn cảnh chém giết nhau, thì nhà vua phải là trung tâm đoàn kết của dân tộc. Tựa như cây mây xoắn xuýt vào nhau vậy. Và nơi triều chính, tức bộ máy cầm quyền, phải thực sự vô ngã. Chữ “vô vi” ở đây nên hiểu là “vô ngã”. Vì vô ngã tức là từ bỏ tham, sân, si. Chỉ khi nào bộ máy cầm quyền trong sạch, hết lòng vì dân, thì dân mới tin yêu. Dân đã tin yêu thì không còn giặc cướp, không còn ai chống lại triều đình nữa. Đất nước tất sống trong an lạc, và không muốn cường thịnh cũng không được.

Có thể coi bài kệ của thiền sư Đỗ Pháp Thuận, là bằng chứng đầu tiên, chứng tỏ giới trí thức Phật giáo tham gia xây dựng đất nước, hướng người cầm quyền đi vào nghiệp thiện - đi hẳn với dân.

Tiếp nối tinh thần Phật giáo đã truyền thừa từ bốn, năm thế kỷ trước, sang thế kỷ XI, vua Thuận Thiên tức Lý Công Uẩn, miếu hiệu Lý Thái tổ chính thức đưa đạo Phật trở thành quốc đạo. Và nhà nước lựa tuyến các bậc cao tăng mời làm quốc sư để vấn kế.

Các bậc thiền sư như Vạn Hạnh, Đa Bảo, Định Hương, Viên Chiếu... ngoài việc hoằng dương đạo pháp, các ngài còn tham gia với triều đình trong kế sách an dân hưng quốc, thật là diệu dụng. Đặc biệt thiền sư Vạn Hạnh, còn là người thầy dạy về mọi mặt cho Lý Công Uẩn, và là người đạo diễn kiệt xuất làm nảy sinh ra vương triều nhà Lý.

Thiền sư Vạn Hạnh (938-1018) - vị thiền sư có tác động tới 
triều đại nhà Lý

Các vua nhà Lý như Lý Thái tông, Lý Thánh tông, Lý Nhân tông, vừa là các bậc quân trưởng sáng suốt, lại vừa là các bậc thiền sư hoằng dương Phật pháp vô cùng đắc dụng. Kể cả việc các vị thân làm tướng xuất chinh. Vì thế mà các triều đại đầu đời Lý đạt tới văn thịnh võ trị, đặt nền móng vững chắc cho nền văn hiến Đại Việt, đồng thời biến một đất nước đói nghèo xơ xác thời Lê Long Đĩnh (vua Ngọa triều), thành một quốc gia thuần từ và giàu mạnh, khiến phương Bắc thì nhà Tống phải trọng thị, phương Nam thì Chăm-pa, Chân Lạp phải kính nể.

Trong khoảng hơn một trăm năm cường thịnh của nhà Lý, ngoài yếu tố vua sáng, tôi hiền, nhân dân siêng năng lao động, còn phải kể đến vai trò đóng góp tích cực của Phật giáo. Đó là thứ Phật giáo hướng nội, giúp nhân dân tìm sức mạnh trong bản thân mình. Chính vì khai mở được tinh thần dựa vào nội lực chứ không ỷ vào tha lực, nên nhà Lý đã động viên nhân dân làm được nhiều việc vĩ đại mà các triều đại trước đó không làm nổi. Đáng tiếc các triều đại cuối nhà Lý, triều đình đã lãng quên nhân dân, còn xã hội thì xa rời tính nhập thế và sức mạnh tự thân, trái lại các khuynh hướng hư vô hoặc sa đọa phát triển. Do đó cả triều đình và giáo hội đều lâm vào tình trạng suy thoái triền miên.

Nhà Trần được nước, vẫn lấy đạo Phật làm quốc đạo, và ngay từ buổi sơ khai đã nắm lấy Phật giáo, đồng thời khắc phục dần những sai lầm mà các triều đại cuối của nhà Lý đã mắc. Tất nhiên không thể một sớm một chiều làm khỏe mạnh lại một cơ thể đã suy kiệt.

Trần Thái Tông (1218-1277) vị hoàng đế đầu tiên của triều Trần. Người đã để lại rất nhiều tác phẩm Phật học có giá trị lớn, khoáng đạt khí chất nhà thiền, như Thiền Tông Chỉ Nam, Kim Cương Tam-muội Kinh Chú Giải, Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi, 
Bình Đẳng Lễ Sám Văn, Khóa Hư Lục, Thi Tập. 

Ta nhớ Trần Cảnh, vị vua mở nghiệp, vì bị ông chú là một cường thần ép làm những việc thương luân bại lý, nên đã bỏ triều đình lên Yên Tử tìm Phật. Gặp thiền sư Phù Vân, tức quốc sư Viên Chứng. Quốc sư thấy nhà vua đột ngột lên núi, chẳng biết duyên cớ dữ lành ra sao bèn thưa:

- Lão tăng đã lánh chốn bụi trần, không màng tưởng đến cả chức quốc sư mà triều trước họ Lý đã ban. Lão đã quen cảnh thân khô, tâm lạnh, xương rắn, mặt gầy; quen uống nước suối, chơi cảnh rừng, lòng nhẹ như đám mây nổi. Phần lão tăng đã đi một nhẽ. Còn nhà vua, sao lại tự nhiên đi bỏ cái thế nhân chủ, tìm đến sự quê hèn của rừng núi? Chẳng hay nhà vua muốn cầu tìm điều chi cao quý hơn cả ngôi vua?

Nhà vua phân vân một lát rồi đáp: - Quyền bính mà làm chi? Ngôi báu mà làm chi? Rốt cuộc cũng chỉ là “vạn pháp quy không”. Nay trẫm vào núi này chỉ cầu làm Phật, chứ không cầu vinh hiển hoặc một điều gì khác.  1)

Quốc sư đáp:
Trong núi vốn không có Phật. Phật ở ngay trong tâm ta. Nay nhà vua ở ngôi cao mà thuần mưu việc thiện, để cứu vớt muôn dân. Lại giữ cho tâm, thân lúc nào cũng hồn nhiên vô trược, con người luôn luôn thể nhập với vạn vật mà không đắm chìm trong cảnh vật, tức là giữ cho cái tâm được trong lặng. Giác ngộ được cái tâm ấy, tức thị nhà vua đã liễu ngộ rồi, hà cớ gì phải đi cầu Phật ở đâu cho phí sức”. 2)

Tới khi thái sư Trần Thủ Độ và bá quan đến Yên Tử, ép nhà vua phải về kinh; trước lúc chia tay, quốc sư còn có lời khuyên:
Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nếu bệ hạ thực lòng hiếu Phật, thì không gì bằng lo cho hạnh phúc của bách tính, giảm nhẹ hình án, chăm lo cây đức của mọi nhà mãi mãi sum suê. Và nữa, sự tìm hiểu nội điển, xin bệ hạ chớ nguôi quên”.

Nhớ lời dặn của quốc sư Viên Chứng, nhà vua không những ra sức tìm hiểu giáo lý Phật, mà còn thực sự giác ngộ đạo Thiền. Vì vậy, khi viết sách “Khóa hư lục”, ngay trong bài “Phả khuyến phát Bồ đề tâm” nhà vua đã nhắc lại cái ý “Phật ở trong lòng ta”, tức “Phật tại tâm” như lời quốc sư khuyến cáo khi Thái tôn lên Yên Tử: “Đừng hỏi là đại ẩn hay tiểu ẩn, chớ phân biệt tại gia hay xuất gia. Cũng chẳng kể là tăng hay tục, cốt yếu là biện tâm, vốn đã không phân biệt trai gái, sao còn chấp tướng”. 3)

Lời Phả khuyến trên có nghĩa rằng: Đại ẩn, là sống trong lòng đời mà vẫn tu đạo. Còn tiểu ẩn là vào chùa mà tu đạo. Và nữa đạo Phật không chỉ dành riêng cho tăng, ni, không bó hẹp trong khuôn viên chùa, tháp mà đạo Phật là của tất cả mọi người từ vua chúa đến dân thường, không phân biệt tại gia hay xuất gia, không phân biệt nam, nữ hãy cứ sống giữa đời mà tu đạo.

Phải nói, cha đẻ của dòng thiền Trúc Lâm đã có một tuyên ngôn rất minh xác rằng, đạo Phật là đạo của thế gian. Vì vậy tổng chỉ của nó là nhập thế gian chứ không lìa bỏ thế gian.

Sau này trong các trước tác của Tuệ Trung thượng sĩ Trần Tung, hoặc các trước tác của Trần Thánh tông cũng phát triển trên cơ sở nhập thế của Trần Thái tông. Đặc biệt, trong bài phú “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân tông, dường như tư tưởng nhà vua đã hòa làm một với tư tưởng của ông nội mình, và phát triển thêm lên.

Chỉnh ngài là một thiền sư, lại tuyên cáo không cần thiền:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, 
Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền. 
Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm, 
Lặng lòng đối cảnh hỏi chi thiền. 4)
(Cư trần lạc đạo)

Điều Ngự Giác Hoàng thành tâm chỉ bảo mọi người, hãy trong lặng soi tìm vào chính mình, lôi cho bằng được ông Phật ở trong tâm mình ra, chớ có vọng động mà cầu tìm tha lực. Đo chính là giáo lý hướng nội khiến người người tự cường, dân tộc tự cường. Trong “Cư trần lạc đạo” “Đệ ngũ hội” ngài viết:

Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuy bản (quên mất gốc)
Nên ta tìm Bụt
Chỉn mới hay
Chính Bụt là ta

Và đó, một lần nữa khẳng định cương lĩnh tức tổng chỉ của Việt Phật, của dòng Thiền Trúc Lâm là Phật giáo hưởng nội Phật giáo nhập thế. Và trên bình diện này, ta xét việc hành hóa của các thiền sư, các ông vua Phật nhà Trần đối với non sông đất nước.

Đúng là “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”. Như Trần Thái tông đó, lúc thường ngài nghĩ đến việc chăm dân như đắp đê phòng lụt, khuyến khích cấy trồng, cải hóa phong tục, mở mang sự học, định lệ thi tuyển đại khoa, kén chọn hiền tài cho nước. Chính nhà vua đã định lệ 7 năm 1 lần thi tuyển, khoa thi lấy tam khôi đầu tiên ở nước ta vào năm Đinh mùi (1247). Và các nhân tài kiệt xuất lại ở mấy trang thiếu niên như trạng nguyên Nguyễn Hiền mới 13 tuổi, sau làm tới thượng thư bộ công, bảng nhãn Lê Văn Hưu 18 tuổi, sau trở thành một sử quan và sử gia danh tiếng, thám hoa lang Đặng Ma La 14 tuổi trở thành một văn quan tiêu biểu.

Tới lúc có giặc, năm Đinh tỵ (1257), 3 vạn quân Mông Cổ do tướng giặc Ngột-lương-hợp-đài tràn vào cõi. Vua tự làm tướng đốc chiến đi trước xông pha tên đạn để cản giặc. Đánh tan giặc dữ, vua lui về với đời và với đạo.

Tiếp các đời sau như Trần Thánh tông, Trần Nhân tông cũng vậy, vẫn cứ là “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”. Hoàng thái tử Trần Khẩm không có chí làm vua. Năm ngài 16 tuổi đã một lần xin vua cha cho xuất gia, Trần Thánh tông không chấp thuận. Năm 20 tuổi được cha nhường ngôi. Ở ngôi quân trưởng, Trần Nhân tông phải lo việc nước. Năm 27 tuổi, giặc tràn vào 50 vạn quân, thế nước chung chiêng. 

Nhưng ngài đã lãnh đạo toàn quân và toàn dân đánh tan giặc dữ. Hai năm sau, lũ giặc lại kéo sang y hệt lần trước. Nhưng lần này thế và lực giữa ta với giặc đã đảo ngược rồi. Vì vậy việc đánh tan đội quân vừa tháo chạy năm trước, đối với vua tôi nhà Trần lần này là việc không khó khăn lắm. Song điều quan trọng là phải đánh cho chúng một đòn thật hiểm, để chúng nhớ đời.

Quả vậy, Tích Lệ Cơ Ngọc, Phàn Tiếp, Ô-mã-nhi và hàng trăm danh tướng khác của giặc, kẻ bị giết, kẻ bị bắt cùng với 50 vạn quân tan tác, 70 vạn hộc lương chìm nghỉm dưới đáy biển Vân Đồn. Hàng nghìn chiến thuyền bị xô vỡ trong thế trận “Cọc Bạch Đằng”; hơn 400 chiến thuyền cùng cả chục vạn quân giặc bị cầm giữ. Và từ đó, mộng xâm lăng Đại Việt để chinh phục Đông Nam Á, vùng đất còn lại của châu Á của cha con Hốt-tất-liệt nhà Đại Nguyên hoàn toàn bị thủ tiêu.

Lãnh đạo cả triều đình và tự mình làm tướng cầm quân đánh giặc, như cha đẻ và như ông nội. Dẹp tan giặc, ít lâu sau nhà vua nhường ngôi cho con, để chuyên lo về phần đạo. Nhân tông đi khắp các chùa lớn trong nước, để giảng đạo. Nội dung rao giảng của nhà vua đều hướng vào thập thiện và ngũ giới. Nhà vua cũng vi hành khắp cõi, khuyến cáo dân chúng bỏ bớt mê tín, hủ tục. Không nên tôn thờ các tà thần, dâm thần, tạp thần. Bởi trong một xã hội nông nghiệp, chính giáo chưa xuất hiện, nhân dân còn mê lầm và tin theo đa thần giáo. Cho nên khi Nhân tông hoằng dương Phật pháp, thì các tạp thần tự nhiên lui dẹp.

Vì sao nhà vua đặc biệt chú trọng giảng về thập thiện và ngũ giới?

Bởi vì chỉ trong 3 năm liên tiếp, phải chống lại hai cuộc chiến tranh cực kỳ khốc liệt. Vì vậy, dư âm của chiến tranh là máu lửa, là tội ác, là vô minh. Do đó phải dùng đạo đức để thiện hóa xã hội mà trừ bỏ vô minh, cũng tức là loại trừ các tệ nạn của thời hậu chiến. Mà trong chiến tranh, người thiệt thòi nhất, đau khổ nhất vẫn là người dân. Có lúc Nhân tông đã phải than: “Lúc thường thì tấp nập kẻ nọ người kia, nhưng lúc họa biến thì chỉ có họ (nhân dân) thôi”.

Chính vì lòng thương dân ấy, mà nhà vua bỏ ngôi vua như thay một đôi dép cỏ. Và ngài dấn thân vào đường đạo, để khai phóng cho toàn dân. Bởi Thiền Trúc Lâm, là một thứ đạo nhập thế, và vị tha.

Thật vậy, nếu một xã hội vô minh, trọc trược, vô luân, thất đức, chỉ chăm lo tư kỷ và trục lợi. Đó là sự mục ruỗng từ bên trong. Một xã hội như thế, chính là sự mời gọi kẻ thù từ ngoài vào chiếm lấy.

Nhân tông là người ái dân, là người từ bi đã đành, nhưng nhân cách cao thượng của Đại sĩ còn tỏa sáng khắp triều đình.

Hãy xem Hưng Đạo suốt một đời làm tướng, coi binh sĩ như tình phụ tử. Triều đình và cả tướng văn, tướng võ đều thân dân, trọng dân. Thông thường trọng dân thì dân mến mà gần. Khinh dân thì dân ghét mà xa lánh.

Trần Hưng Đạo lấy cái thiện tâm của mình đối đãi với gia tướng, gia thần và gia nô. Vì vậy, ông đã vực được hai gia nô là Yết Kiêu, Dã Tượng trở thành hai danh tướng. Đánh giá về những người này, có lần Hưng Đạo nói: “Chim hồng hộc bay được cao là nhờ ở sáu cái lông trụ cánh, nếu không có sáu cái lông trụ cánh ấy thì cũng như chim thường thôi”. 5)

Bởi vậy, trước lúc Hưng Đạo lâm chung, vua Trần Anh tông có hỏi về kế sách giữ nước lâu dài, Trần Quốc Tuấn đáp: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước”. 6)

Nhân tông là tấm gương đạo hạnh ngời sáng cho toàn dân noi theo.

Đối với cha mẹ, nhà vua là người con hiếu thuận. Đối với người dưới, ngài tỏ lòng khoan nhân, đức độ. Đối với con cái, ngài giáo huấn rất nghiêm khắc.

Có lần ngài ghé về triều thăm vua Anh tông, nhân thể kiểm xét sổ ban chầu. Thấy Anh tông ban chầu hơi nhiều, ngài phê vào lề: “Một nước nhỏ bằng bàn tay mà ban chầu nhiều thế này thì ăn hết của dân à?”. Rõ ràng, Nhân tông lúc nào cũng đau đáu thương dân.

Trần Anh tông có lỗi, được cha quở trách, lập tức sửa lỗi. Và nhà vua không chỉ quan tâm đến việc dân, mà còn quan tâm đến đời sống của mỗi đình thần. Sử chép, Mạc Đĩnh Chi vốn thanh liêm, nên gia cảnh thanh bạch. Vua thương cho bỏ 10 quan tiền vào nhà. Hôm sau, ông lại đem việc đó ra tâu trước triều đình. Vua phải nhắc: “Nếu không có ai nhận thì khanh cứ tiêu đi!”.  7)

Lại chuyện sau chiến tranh, viên quan nội hầu dọn dẹp hậu điện là nơi mà Thoát-hoan đã đóng đại bản doanh, ông ta tìm thấy cả một tráp thư xin hàng và ước hàng giặc của các quan trong ngoài triều, đem dâng Trần Nhân tông. Nhà vua không xem, sai đốt cả đi và còn khuyên viên quan nội hầu: “Thế giặc lớn như vậy, đến ta còn hoang mang, huống chi người khác. Hãy quên các chuyện ấy đi. Bây giờ là lúc vua tôi phải đồng lòng kiến thiết đất nước, thay vì việc bới móc ra để nghi kỵ nhau”.

Đạo đức cao thượng và lòng vị tha của nhà vua đã nêu một tấm gương đạo hạnh cho không những triều đình, mà cả nước chung soi.

Do đó, nền đạo đức xã hội được duy trì, nhân dân được sống trong an lạc.

Ảnh hưởng to lớn của nền Việt Phật, một dòng thiền hướng nội đã khai phóng được sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người, kết thành nội lực vô song của toàn dân tộc để dùng vào việc giữ nước. Vì thế, không một kẻ thù nào của dân tộc không bị đánh bại. Đó là một thiện đạo, luôn luôn thu được thành tựu to lớn.

Trần Nhân Tông hoàng đế (1279 – 1293) - Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân tông.
Sau khi nhường ngôi cho con trai Trần Anh Tông, Người đã lên núi Yên Tử xuất gia và trở thành nhà thơ, nhà văn hóa tiêu biểu thời Thịnh Trần – Thế kỉ XIII. Ngài đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền tông Việt Nam. 
(Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông từ khi xuất gia ở động Vũ Lâm, 
đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông)

Như thế chưa đủ sao mà Trần Nhân tông còn phải lập hẳn ra một dòng đạo?

Có lẽ vậy, bởi thiền học đời Trần cái cốt là nhập thế, là khai phóng, là vị tha. Nhưng cái hồn vẫn cứ là cái hồn của hai dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông từ Trung Hoa tràn sang. Nay nhà vua muốn xác lập một nền Phật đạo thuần Việt. Vì thế, nhà vua xúc tiến một cách khá nhanh chóng. Sở dĩ nhà vua muốn lập một nền Việt đạo, là ngài muốn cái tư duy triết học Việt phải trở thành một học thuyết, một học phái. Thật vậy, về học thuyết quân sự thì Trần Hưng Đạo đã hoàn thiện bởi hai trước tác: “Binh thư yếu lược”, dùng vào việc giáo hóa tri thức quân sự về chiến thuật và kỹ năng tác chiến cho binh lính. Và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, là nghiên cứu về chiến lược quân sự cho hàng tướng lĩnh cấp cao.

Bởi vậy, việc ra đời một học thuyết triết học, gói trong một nền đạo là điều rất cần thiết cho nhà nước Đại Việt. Thiền Trúc Lâm ra đời là lãnh nhiệm một sứ mệnh văn hóa siêu việt do lịch sử giao phó. Và nó đã tới lúc chín muồi.

Đây là một học thuyết ứng dụng trong toàn xã hội, nó được chủ trương bởi các nhà đại trí thức. Vì rằng đạo Phật là đạo của trí tuệ. Do đó, đối với đạo Phật điều hèn kém nhất là vô minh. Và để phá tan bức màn vô minh ấy, thì chỉ có sức mạnh của trí tuệ. Trí tuệ cộng với niềm tin tôn giáo, sẽ đem lại cho cả dân tộc một cường lực siêu thần nhập hóa. Và đó chính là ước vọng của Điều Ngự Giác Hoàng. Sau khi đã nhường ngôi cho con, dìu dắt con việc điều hành triều chính 5 năm thì Trần Nhân tông xuất gia. Ngài hết sức để tâm vào việc truyền giảng Phật pháp, giáo hóa đạo đức trong nhân dân. Đồng thời ngài còn lo việc kế tổ truyền đăng. Năm 1304, ngài gặp Đồng Kiên Cương ở châu Nam Sách. Thấy người này hiển lộ quý tướng, ngài bảo: “Đứa bé này có đạo nhân, ngày sau ắt sẽ thành pháp khí”. Năm ấy Đồng Kiên Cương mới 21 tuổi. Vua cho học đạo với các thiền sư danh tiếng, và cho pháp hiệu là Pháp Loa.

Và chỉ 3 năm sau, ngày rằm tháng 5 năm 1307, Trúc Lâm đại sĩ Điều Ngự Giác Hoàng đã lấy y bát và viết tâm kệ trao cho sự tại am Ngọa Vân, vì sư là đệ tử xuất sắc nhất của ngài. Lại ngày 1 tháng giêng năm 1308, Điều Ngự Giác Hoàng chính thức trao truyền ngôi tổ thứ hai của phái Trúc Lâm cho Pháp Loa, khi đó Pháp Loa mới 25 tuổi.

Điều Ngự còn thu nhận Trần Huyền Quang là vị quan đương triều đã từ quan, dốc lòng tu đạo và được đưa về chùa Vân Yên mở trường và soạn kinh.

Qua đó đủ biết Nhân tông là người khao khát nhân tài, muốn đào tạo và tuyển dụng thật nhiều người tài đức để dùng cho nước và cho đạo. Ngài không câu nệ dòng dõi và tuổi tác. Cứ có đức và có tài là được tin dùng. Ngài thật là sáng suốt vô lượng, bởi ngài có nhãn quan thấu thị, nên đã trao truyền ngôi tổ cho một thanh niên mới có 4 năm tu tập, và với 25 tuổi đời. Nhìn vào sự nghiệp của Pháp Loa sau này, đủ biết Điều Ngự Giác Hoàng có con mắt nhìn suốt tám cõi, và tấm lòng hiểu thấu ngàn đời.
Việc ngài tạo dựng phái Thiền Trúc Lâm, chính là ngài dựng lên một cửu trùng đài về tư tưởng triết học của Đại Việt thế kỷ 13.

Thật vô cùng vinh quang cho nước Đại Việt trong thế kỷ này, có được những bậc vua anh minh vừa là đấng minh quân vừa là triết gia lỗi lạc, đôi khi lại kiêm cả vai trò của một vị tướng cầm quân đánh giặc.

Dân tộc ta có được các bậc vua kiêm triết gia, ta càng cảm thông với các triết gia cổ đại Hy Lạp như Socrate (470 - 399 Tr.CN) và Platon (428 - 347 Tr.CN), họ mơ ước cho các quốc gia đô thị của Hy Lạp thời đó, có được các bậc vua chúa kiêm triết gia, để các vị ấy có thể sáng suốt thi hành được đại đạo cho đời.

Sở dĩ họ mong muốn như vậy, là bởi phần nhiều những người có quyền lực lại không có đủ tri thức, nên họ đem dùng quyền lực ấy tiêu khiển trong các thú vui đọa lạc, để làm hại đời. 

Còn người có trí thức đầy đủ lại không có quyền lực, và chẳng có vua chúa nào cần đến họ. Vì vậy gây một sự lãng phí tài năng ghê gớm và làm chậm lại sự phát triển của xã hội.

Hạnh phúc thay, nước ta có những vị vua vừa đức độ, anh minh, vừa là chính trị gia, vừa là triết gia lỗi lạc như Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân tông.

Công bằng mà nói, Thiền phái Trúc Lâm đã dựa hẳn vào dân tộc để phát triển nền đạo. Và dân tộc lấy sức mạnh trí tuệ trong Thiền phái Trúc Lâm làm điểm tựa để Đại Việt có thể bay lên với sức mạnh Phù Đổng.

Vậy đó, Thiền Trúc Lâm đã thuộc về dân tộc.
Tóm lại, các yếu chỉ của Thiền Trúc Lâm, ta có thể nhận thức qua các mặt sau đây:

1 - Tất cả mọi người từ vua quan đến dân thường, ai ai cũng có thể tu thiền; không phân biệt tại gia hay xuất gia; không phân biệt nam nữ; mọi người cứ sống bình thản giữa đời thường mà vui với đạo. Vậy là Thiền Trúc Lâm mang trong lòng nó yếu tố dân chủ và bình đẳng,

2 - Mục đích tu thiền là để mỗi người tự giải thoát khỏi mê lầm. Muốn giải thoát khỏi mê lầm, tức là giải thoát khỏi vô minh để bước qua các chướng ngại tham, sân, si thì phải khởi cho bằng được cái tâm trong lặng, tâm vô nhiễm trong chính mình.

Điều đó có nghĩa là Thiền Trúc Lâm là thiền hướng nội, trí tuệ, tự cường và giải thoát. Đó cũng chính là nguồn nguyên động lực thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.

3 - Mục tiêu của Thiền Trúc Lâm là hướng con người vào các điều thiện và xa lánh những điều ác, điều sai quấy như ngũ giới, ngũ uẩn, mê tín, dị đoan...

Vậy là Thiền Trúc Lâm hướng con người vào cõi thiện, cõi hòa bình an lạc. Tức là khai mở trí tuệ để con người đi vào cõi chân - thiện - mỹ, cũng tức là niết bàn tại thế.

4 - Việc tu thiền không hề có một điều kiện xã hội hoặc kinh tế, tâm linh nào ràng buộc. Nó hoàn toàn tự nguyện đối với mọi người, ai tu cũng được, tu ở mức nào cũng được. Cứ vui vẻ sống ở giữa đời mà tu đạo “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”. Nghĩa là mọi người cứ có thiện tâm và thiện duyên là tu được.

Vậy đó, Thiền Trúc Lâm là thiền của mọi người, thiền của mọi nhà.

Rất tiếc cho dân tộc ta, những triều đại cuối của nhà Trần lâm vào suy thoái triền miên. Thiền Trúc Lâm mất chỗ dựa cơ bản, nên cũng giảm dần vai trò là động lực thúc đẩy xã hội. Tiếp mấy trăm năm trong các triều đại Lê - Nguyễn trọng Nho, một thứ Tống nho hủ lậu mà ức Phật, khiến dân tộc đi vào con đường “khuy bản”, tức là lìa bỏ cái gốc, cái cơ bản mà cha ông đã tốn công tạo dựng.

Sang thế kỷ XXI, với cái Tâm trong sáng cùng khối trí thức khổng lồ, tích lũy được từ mấy thiên niên kỷ, dân tộc ta đủ bản lĩnh nhận thức lại lịch sử. Đặc biệt các giá trị nhân văn của dòng Thiền Trúc Lâm.

Vậy chúng ta phải làm gì?

Để cho các di tích lịch sử văn hóa của danh sơn Yên Tử mãi mãi yên ngủ rồi trở thành phế tích? Hay chúng ta khôi phục lại như xưa?

Để có một câu trả lời đúng, thật không dễ.

Đến Yên Tử, nhìn vào vườn tháp chùa Vân Yên với hàng trăm ngôi tháp lớn nhỏ, của các bậc thiền sư đã viên tịch tại đây, thử hỏi ai mà không rưng rưng cảm động và tự hỏi - có phải các vị lên chốn non thiêng này tu tập là để đắm chìm trong hư vô? Không! Một ngàn lần không phải vậy.

Nghĩ như vậy là mang tội với các bậc tiền bối.

Ngày nay, tu bổ di tích Trúc Lâm Yên Tử, phải dựa trên sự phát huy các giá trị sau đây:

1 - Tinh thần bất khuất và tự cường dân tộc.
2 - Trí tuệ, bình đẳng, dân chủ.
3 - Đạo đức, bác ái, hợp quần.

Những giá trị trên đều nằm trong yếu chỉ của Thiền Trúc Lâm, nó hoàn toàn phù hợp những yêu cầu xây dựng đất nước trong thế kỷ XXI.

Vì vậy chúng ta rất cần thiết phải khơi dậy tinh thần của dòng Thiền Trúc Lâm, bởi đó là một tài sản vô giá góp vào hành trang của dân tộc để sang trang thế kỷ, sang trang thiên niên kỷ.

Việc tu bổ và tôn tạo, thậm chí xây cất lại một vài di tích tiêu biểu là việc làm rất cần thiết.

Bởi lẽ giáo dục truyền thống không gì tốt bằng giáo dục lịch sử. Vả lại các thành tựu do nhà Trần và dòng Thiền Trúc Lâm đem lại cho cả dân tộc thế kỷ XIII, không đủ cho chúng ta tự hào để tạo dựng một kỳ quan Yên Tử sao?

Hạnh phúc hơn nhiều dân tộc khác, là chúng ta còn có cái để mà tự hào, còn có cái để mà tôn tạo.

Tuy nhiên, việc tôn tạo di tích danh sơn Yên Tử, phải đi đôi với việc bảo vệ và tôn tạo sinh cảnh Yên Tử, không chỉ nằm trong vùng bảo vệ mà cả trong các vùng phụ cận.

Danh sơn Yên Tử có một bề dày văn hóa đáng kính. Yên Tử, ngọn núi thiêng hùng vĩ của cả dân tộc chất chứa hào khí nghìn năm, xứng đáng được tôn vinh không chỉ bằng các danh hiệu, mà phải được ghi dấu ấn bằng các công trình kiến trúc tầm cỡ.

Hà Nội, ngày 3 tháng 1 năm 2001

Xem thêm

Chú thích:

1)  Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển V. Nxb KHXH - 1970.
2) Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển V. Nxb KHXH - 1970.
3) Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển V. Nxb KHXH - 1970.
4)  Nguyên văn chữ Hán:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên 
Cơ tắc thực hề, khổn tắc miền 
Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch 
Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền.
5) Đại Việt sử ký toàn thư. Bản kỷ - quyển V. Tr. 57.
6) Bản kỷ - quyển VI. Tr. 89.
7) Đại Việt sử ký toàn thư. Bản kỷ - quyển VI. Tr. 85.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đi tìm một Ngọa Vân

    23/07/2022Nhà văn Hoàng Quốc HảiAm Ngọa Vân chính là nơi mà Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân tông viên tịch. Nhưng am Ngọa Vân nằm ở nơi chôn nào trong quần thể di tích Yên Tử?
  • Việt Nam hóa Phật giáo ở Trần Nhân Tông

    17/03/2019Nguyễn Tài ĐôngTheo tác giả, Trần Nhân Tông là người đã tập đại thành tư tưởng thiền học của một số thiền sư Việt Nam trước đó, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm và qua đó, đánh dấu một bước hoàn tất quá trình Việt Nam hoá Phật giáo. Để làm sáng tỏ vấn đề này, trước hết, tác giả phân tích tiền đề thiền học của Trần Nhân Tông cùng những thiền sư đã có ảnh hưởng lớn đến Trần Nhân Tông. Tiếp đó, tác giả phân tích ba vấn đề đặc sắc trong tư tưởng của Trần Nhân Tông: quan niệm tâm chính là Phật, học thuyết vô niệm và tinh thần nhập thế tích cực.
  • Thiền Sư Vạn Hạnh và sứ mệnh lịch sử

    03/02/2018Đào Ngọc PhongThiền Sư Vạn Hạnh ( sinh khoảng năm 937–mất khoảng năm 1018 ) là một tu sĩ Phật giáo từng được sử sách thừa nhận đã giữ vai trò chủ chốt trong cuộc “đảo chánh” êm ả, không đổ máu đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua lập nên vương triều nhà Lý...
  • Vì sao vua Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành?

    28/02/2016Nguyễn Trần Trương"Vì sao Thượng hoàng Trần Nhân Tông không ở lại Vũ lâm hay lựa chọn một nơi nào khác trên đất nước Đại Việt mà lại chọn Yên Tử để tu hành?" - Câu hỏi được phần nào lý giải trong tham luận của Nguyễn Trần
    Trương (Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh) trong Hội thảo tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn...
  • Đức Vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông – Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn

    25/02/2016Anh ChiTrần Nhân Tông được sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về ông: "... được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thế chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng... Trên vai bên trái có nốt ruồi đen cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm...
  • Trần Nhân Tông và bài học tư tưởng giải phóng nội lực

    07/05/2014Văn QuânTìm hiểu toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp Trần Nhân Tông, trong số những bài học lớn về tư tưởng của Người, cũng là của thời nhà Trần vinh quang - nổi bật và sâu xa nhất chính là bài học về khai phóng nội lực, mà vì nó - Người đã đánh đổi tất cả để dấn thân tìm phương giáo hóa và vượt thoát cộng đồng...
  • Lược khảo tư tưởng Thiền trúc lâm Việt Nam

    11/11/2005Nguyễn Hùng HậuCùng với khuynh hướng tìm về cội nguồn, việc nghiên cứu thiền Trúc Lâm Yên Tử - một thiền phái Việt Nam, do người Việt Nam tạo dựng và phát triển - là một vấn đề cần thiết và cấp bách. Thông qua việc nghiên cứu một trường phái Phật giáo Việt Nam sẽ phần nào giúp chúng ta hiểu tổ tiên chúng ta hơn, hiểu con người Việt Nam trong lịch sử hơn...
  • xem toàn bộ