Con đường đi đến những vòng nguyệt quế
Đường đi đến những vòng nguyệt quế phải vượt qua rất nhiều thử thách, gian khổ. Trước hết phải đấu tranh với chính mình, phải thắng được những kẻ thù trong bản thân mình. Sau đó phải thắng được những trở ngại xã hội, chứng minh được rằng mình không phải là người tầm thường mà là người sống có khát vọng, có trí tuệ, có ích cho cộng đồng.
Tất cả những ai chịu rèn luyện, có tài có đức, vượt qua được thử thách của cuộc đời để thành đạt đều được cộng đồng xã hội chào đón, tôn vinh"
I. Tự cởi trói mình
Tính bảo thủ và tính tự mãn như hai sợi dây để người ta tự trói mình. Cởi bỏ được hai sợi dây này đi không dễ, nhưng chỉ khi nào cởi bỏ được chúng, con người mới có thể tiến bước đến thành công.
1. Khắc phục tính bảo thủ
Bảo thủ là vật cản của đổi mới, dẫn đến trì trệ, lạc hậu. Mỗi người đều có tính bảo thủ, quan trọng là tỉnh táo để nhận biết được mức độ của nó mà xây dựng cho mình một lịch trình khắc phục.
Người bình thường mà bảo thủ thì chỉ gây hại cho bản thân, cho một tổ chức nhỏ; còn người có quyền chức càng cao mà bảo thủ thì càng gây hại cho nhiều người.
2. Khắc phục sự tự hài lòng và tính tự mãn
Sự tự hài lòng và tính tự mãn đều mang tính tiêu cực và trói buộc con người.
Sự hài lòng và tính tự mãn sẽ làm cho người ta dậm chân tại chỗ, thậm chí sẽ bị dòng chảy thời gian cuốn trôi về nơi lạc hậu.
Cần tự cởi trói mình từ trong cách nghĩ. Cách nghĩ tích cực là tiền đề của hành động tích cực, hành động tích cực sẽ thúc đẩy mỗi cá nhân, mỗi tổ chức và toàn xã hội biến đổi theo chiều hướng tích cực.
3. Tự cởi trói cho mình là điều khó khăn nhưng rất cần thiết
Một số người tự trói mình không phải chỉ bằng sự tự hài lòng về mình mà còn bằng tính bảo thủ, tính tự mãn, tính hiếu thắng.
Một số người tự trói mình bằng một số giáo điều, bằng một số kiến thức nông cạn do học hoặc do kinh nghiệm làm việc mà có được. Coi những thứ có trong đầu mình đã là toàn bộ tri thức của nhân loại đang ở trong đầu mình!
Một số người khác được đào tạo, có học vấn nhất định và tự cho mình đã là một ngọn núi cao, nhưng không hiểu rằng “núi cao còn có núi cao hơn”.
Để cởi trói mình, trước hết cần khiêm tốn học hỏi, cần có tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến người khác, quan sát thái độ, đánh giá của người khác về mình. Từ đó, tự cởi sợi dây vô hình đã trói buộc mình làm cho mình một thời mê muội cứ tưởng mọi ý nghĩ và hành động của mình đều là chân lý!
Phía trước mỗi người, kiến thức còn rộng lớn như biển cả. Học tập và tự đổi mới mình chưa bao giờ muộn và khi đã học nghiêm túc sẽ biết rõ mình còn có nhiều điều chưa biết.
II. Cần thay đổi về sự đòi hỏi và đánh giá về mình
Chủ động đòi hỏi mình cần sống tốt với người khác, như vậy đúng đắn hơn là đòi hỏi người khác phải sống tốt với mình.
Hãy để người khác đánh giá về mình sẽ khách quan hơn, chính xác hơn là mình tự đánh giá về mình.
1. Đòi hỏi về sự giúp đỡ
Lòng tốt và sự giúp đỡ đang diễn ra trong đời sống xã hội. Nó mang ý nghĩa tích cực khi người ta chủ động thể hiện lòng tốt và giúp đỡ người khác khi cần thiết. Nó sẽ mang ý nghĩa tiêu cực khi người ta đơn phương đòi hỏi lòng tốt và sự giúp đỡ người khác còn chính mình lại không hề có ý thức về lòng tốt và giúp đỡ người khác.
Những người chỉ lợi dụng lòng tốt của người khác, thậm chí chiếm đoạt tiền của người khác sẽ trở thành người mất nhân cách, khi gặp người quen không dám nhìn thẳng mặt.
Người ta cần học cách đòi hỏi bản thân hơn là học cách đòi hỏi người khác.
2. Đòi hỏi về sự đổi mới
Công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế của Việt Nam ngày càng cao trong quan hệ quốc tế. Môi trường xã hội hiện nay là cơ hội thuận lợi cho mỗi cá nhân phát huy hết tài năng của mình, đem lại lợi ích cho mình và cho xã hội.
Xã hội sẽ tiếp tục đổi mới sâu rộng hơn nếu mỗi thành viên xã hội tự đổi mới mình. Mỗi thành viên xã hội không nên đòi hỏi xã hội tiếp tục đổi mới và phát triển còn chính mình thì cứ giữ lối sống cũ.
Người ta cần phải học cách khám phá bản thân và tự phê bình mình một cách nghiêm túc.
3. Xã hội đánh giá về mình sẽ khách quan hơn
Thông qua sự đánh giá của tập thể, của xã hội giúp mỗi chúng ta hiểu về mình hơn. Luận điểm “không ai hiểu tôi bằng tôi” có phần chủ quan, phiến diện.
Mỗi chúng ta hiểu mình qua đánh giá của người khác hoặc của xã hội sẽ khách quan hơn, toàn diện hơn.
III. Học cách tôn trọng và biết ơn
Mỗi chúng ta có nhiều điều phải học, trong đó phải học cách tôn trọng người khác, học cách biết ơn người khác sẽ giúp chúng ta hướng thiện và khi đó chúng ta sẽ được người khác tôn trọng và quý mến
1. Tôn trọng người khác chính là biết tôn trọng mình
Khi bạn quan tâm đến người khác, chia sẻ khó khăn với người khác phát hiện những ưu điểm của người khác, thực tâm tôn trọng người khác bạn sẽ học được nhiều điều và được đền đáp bằng sự tôn trọng xứng đáng.
Ai đó khi cố ý hạ nhục người khác, coi thường người khác sẽ bị người khác coi thường lại.
2. Xây dựng lòng biết ơn giúp chúng ta hướng thiện
Mỗi chúng ta đều mang trên vai gánh nặng những khoản nợ xã hội và có lẽ không bao giờ chúng ta trả hết được mỗi khi chúng ta suy nghĩ nghiêm túc trong sự hướng thiện.
Người ta rất ngại khi mang tiếng là người vô ơn, tệ bạc. Ai đó mang tiếng là người sống vô ơn và tệ bạc sẽ không có bạn, không có cộng sự, cuộc sống của người đó sẽ trở nên khó khăn, trở nên cô đơn.
Người nào đó có lối sống “ăn cháo, đái bát” thường có kết cục cuộc sống không ra gì.
Người nào có lòng biết ơn và thể hiện sự trả ơn đúng cách, đúng lúc sẽ được xã hội tôn trọng và được những người khác giúp đỡ.
Có những hành động chia sẻ, hành động trả ơn đúng lúc, đúng địa chỉ không những giúp cho tâm chúng ta sáng hơn mà còn giúp cho tầm chúng ta cao hơn.
Xã hội càng có nhiều người biết trả ơn, biết chia sẻ thì xã hội càng xuất hiện thêm nhiều người tốt, việc tốt; cuộc sống càng có thêm nhiều điều kỳ diệu.
3. Học cách quý trọng những gì đang có
Ta khao khát những gì chưa có
Đã có rồi lại nghĩ là không!
Cái đang có ta cần hiểu rõ
Đánh mất rồi nuối tiếc chỉ hoài công
IV. Phát triển nhân cách và tư duy phản biện
Nhân cách con người mang tính thời đại. Con người phải không ngừng hoàn thiện nhân cách.
Con người vượt trội hơn hẳn các động vật khác là có khả năng tư duy phản biện, sáng tạo và đổi mới không ngừng.
1. Tư duy phản biện và phản biện chính sách
Tư duy phản biện không đồng nhất với sự phê phán chê bai, thiếu tính xây dựng. Tư duy phản biện cần phải được xuất phát từ lý luận khoa học và am hiểu thực tiễn sâu sắc.
Người có tư duy phản biện đòi hỏi phải có bản lĩnh trên cơ sở tư duy độc lập, sáng tạo.
Trong xã hội, có nhiều thành viên đạt được trình độ tư duy phản biện sẽ góp phần tích cực phát triển cá nhân và phát triển xã hội.
Phản biện xã hội đối với các văn bản luật, các chính sách của Nhà nước chỉ có giá trị khi còn là Dự thảo (trước khi ban hành). Còn đối với các luật, các chính sách đã ban hành, người phản biện khách quan nhất là thực tiễn cuộc sống.
2. Phản biện lần ba vẫn chỉ ra nhược điểm
Trong thế giới của vạn vật, không có vật nào hoàn mỹ tuyệt đối. Thông qua tư duy phản biện để nhận biết mặt đẹp và mặt chưa đẹp của vạn vật. Chúng ta, vạn vật xung quanh chúng ta và cả các công trình khoa học đang hướng tới sự hoàn thiện chứ chưa phải là đã hoàn thiện.
Trong cuộc sống, cần nhận diện được những cái đẹp để nhân lên, đồng thời nhận diện được những cái chưa đẹp để có giải pháp giảm thiểu đi.
Mỗi người đều có mặt tích cực và mặt chưa tích cực. Mỗi người cần tự “phản biện” mình và hướng tới sự hoàn thiện.
3. Sáng tạo và đổi mới không ngừng
Mỗi chúng ta hãy cố gắng vượt qua cách nghĩ cũ mòn kìm hãm sự phát triển. Cần hình thành cách nghĩ mới, cách tiếp cận mới đối với mọi hiện tượng và sự vật.
Sáng tạo và cải tiến sẽ giúp cho xã hội có thêm sản phẩm mới. Các sản phẩm ở xung quanh chúng ta (dù sản xuất trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài) đều đang hướng tới sự hoàn thiện chứ chưa phải là đã hoàn thiện.
Khi chưa có sáng tạo mang ý nghĩa phát minh thì chúng ta sáng tạo trong cải tiến. Thời chiến tranh chống Mỹ chúng ta đã cải tiến tên lửa của Liên Xô sản xuất để đủ tầm cao bắn rơi máy bay B52 của Mỹ. Gần đây một người nông dân Nam Bộ cải tiến thành công máy cắt cỏ thành máy gặt lúa…
Sáng tạo và đổi mới không ngừng là con đường đưa mỗi chúng ta và đưa dân tộc ta lên tầm cao mới, đồng thời là phẩm chất của nhân cách con người Việt Nam trong xã hội hiện đại.
4. Phát triển nhân cách con người trong xã hội hiện đại
Có ba câu hỏi đặt ra và cần trả lời:
Câu hỏi 1: Những đặc trưng cần thiết của nhân cách con người Việt Nam trong xã hội hiện đại đã có trong đời sống chưa?
Trả lời: Đã hình thành và đang phát triển, nếu có sự dẫn dắt thì sẽ phát triển tốt hơn.
Câu hỏi 2: Xây dựng và phát triển con người Việt nam trong xã hội hiện đại có cần không?
Trả lời: Rất cần. Điều này không những bảo đảm cho con người thích ứng với sự vận động của xã hội mà còn góp phần tích cực trong sự phát triển xã hội.
Câu hỏi 3: Có cần tìm hiểu và xây dựng những đặc trưng của nhân cách con người Việt Nam trong xã hội hiện đại không?
Trả lời: Rất cần, nhằm đáp ứng những yêu cầu của xã hội và cá nhân trên con đường đi tới tương lai.
Các bạn có thể tham khảo:
Nhân cách con người Việt Nam trong xã hội hiện đại là cách sống của những người đề cao pháp luật, luôn hướng tới tương lai trên nền tảng tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, năng động trong tư duy và tích cực trong hành động, sáng tạo và đổi mới không ngừng, gắn lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng, có ý thức tự trọng cá nhân cao và tinh thần tự tôn dân tộc cao.
Trong thực tiễn: Khi người ta đã xác định cái đích cần đến, không đợi có đường người ta mới đi, nhất là ở nông thôn và miễn núi. Người ta rẽ cây, vạch cỏ để đi, cứ đi rồi lâu ngày sẽ thành đường.
Còn con đường hình thành và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam trong xã hội hiện đại đã mở ra trong lộ trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xác lập vị trí xứng đáng của Việt nam trong cộng đồng quốc tế.
Phát triển và hoàn thiện nhân cách con người Việt nam trong xã hội hiện đại không chỉ để sống thích ứng với xã hội đang không ngừng vận động mà còn góp phần tăng tốc cho sự phát triển xã hội theo đúng quy luật.
Bạn và tôi cùng tự vấn: Mình đã có những đặc điểm của nhân cách con người Việt Nam trong xã hội hiện đại chưa?
V. Thời gian và cuộc đời hữu ích
Người nào biết quý thời gian và sử dụng thời gian một cách hữu ích, người đó càng có nhiều thành công trong đời.
Người nào dám cống hiến chân thành vì cộng đồng hoặc cống hiến trí tuệ, của cải cho cộng đồng thì người đó sẽ được cộng đồng tôn vinh và sống mãi với thời gian.
1. Không phải chỉ sống cho mình
Trong xã hội có người sống trở thành gánh nặng của xã hội (nghiện hút, lười biếng…), có người sống ích kỷ - chỉ sống cho mình, có người sống vì những lý tưởng cao cả - vì cộng đồng, vì dân tộc…
Nếu trong xã hội có nhiều người sống có lý tưởng cao cả, lấy sự cống hiến làm mục đích sống thì xã hội sẽ có những bước phát triển đột biến.
2. Cống hiến là một hành động tích cực
Giữa cá nhân và xã hôi có mối quan hệ mật thiết. Khi xã hội gặp khó khăn thì cần có sự cống hiến của cải vật chất từ mỗi cá nhân. Nhờ những cống hiến lớn lao của các nhà hảo tâm góp phần giúp cho chính quyền cách mạng còn non trẻ đã diễn ra trong lịch sử vượt qua được khó khăn.
Xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn, trong mỗi giai đoạn của lịch sử dân tôc, toàn dân ta đã góp sức người sức của để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến thành công.
Nhưng xã hội không bao giờ hết được khó khăn vì xã hội luôn ẩn chứa sự phân tầng giàu nghèo và những rủi ro do thiên tai gây ra. Vì vậy, xã hội luôn cần những tấm lòng vàng, những sự đóng góp, hiến tặng.
3. Nói về một con người không phải chỉ lúc người đó còn sống
Cuộc sống vốn phức tạp, xã hội càng phát triển thì các quan hệ xã hội càng phức tạp.
Mỗi cá nhân chúng ta đều được các cơ quan chức năng của Nhà nước quản lý. Những người càng thành đạt thì càng được các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội quan tâm nhiều hơn.
Thông qua cộng đồng xã hội dễ hình thành dư luận xã hội về một người nào đó. Những điều tốt (và những điều xấu) của một con người không phải chỉ được người đời nói đến khi còn sống mà cả khi đã chết.
4. Thời hiện tại mỗi chúng ta có thể còn làm được nhiều việc
Vàng là kim loại quý, nhưng thời gian còn quý hơn vàng. Thời gian trôi đi không trở lại. Việc gì là đúng, là có ích thì cần phải làm ngay đừng nghĩ là đã muộn và đừng nghĩ là còn sớm.
Tuổi thọ cuộc đời của một người là một tiêu chí quan trọng. Nhưng tiêu chí quan trọng hơn là trong cuộc đời của một con người đã làm được bao nhiêu việc có ích cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội, khi qua đời rồi vẫn để lại tiếng thơm.
Xem tiếp: Thay lời kết...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh