Chuyện lan man từ những chiếc xe gắn máy
Có những lúc trong đầu óc người ta nảy sinh ra một vài ý nghĩ chính mình cũng không ngờ, lại thấy như là kỳ cục, không hiểu sao nó lại tìm tới mình để rồi mọc rễ trong đầu, muốn gạt đi cũng không nổi. Thuộc loại cái “ý nghĩ khi khỉ” đó - chữ của Nguyễn Công Hoan - xuất hiện nơi đầu óc tôi ngay trong những năm chiến tranh là một chút khó chịu với chiếc xe đạp.
Hồi đó Hà Nội nghèo lắm, nhìn ra đường chỉ thấy xe đạp, và cái món “tự hành xa” này lúc đó cũng còn ít, mỗi con phố hẹp Hà Nội lưa thưa vài chiếc.
Với những thanh niên mới vào đời như một số bạn bè tôi lúc đó, việc mua được một chiếc xe là một sự kiện lớn. Tôi như biết bay trên con ngựa sắt của mình.
Vậy mà đôi lúc, tự nhiên thấy nó kỳ cục, ý tưởng sao mà lạ vậy… Cho đến lần tôi được đọc truyện ngắn Người trong bao của nhà văn Nga A.Tchekhov. Trong truyện có cái cảnh hai người giáo viên, một nam một nữ, mặt đỏ gay, cưỡi xe đạp phóng qua một ngọn đồi vùng quê, lại còn trò chuyện với nhau ầm ĩ. Trong con mắt nhân vật chính Belikov, cái cảnh ấy kỳ quái tới mức không thề tưởng tượng nổi. Hắn báo với một người khác: “Cái gì lạ thế? Hay là tôi lóa mắt? Chẳng lẽ giáo viên trung học và đàn bà con gái lại có thể cưỡi xe đạp sao tiện?”.
À ra thế, không phải riêng mình mã hóa ra nhiều người đã thấy buồn cười khi nhìn vào một xã hội mỗi người nhông nhông một chiếc xe đạp, tôi tự nhủ. Chẳng qua không còn có cách nào nên đành chịu vậy!