Chuyện ghi ở bệnh viện
Xem thêm>>Chuyện chép ở bệnh viện của Mỹ
“Mai phục” vòng ngoài Bệnh viện K là đàn cò mồi, đợi từ khi cổng còn chưa mở. Khi ông lớ ngớ bước vào, thằng con đang loay hoay tìm chỗ gửi xe, đã có hai chị trung niên chạy ra ríu rít: “Hai chục nghìn thôi, đến tận trưởng khoa khám ngay lập tức. Có khám không?”
- Ơ hay, chưa biết người ta khám cái gì đã có trưởng khoa rồi
- Bác ơi, em có người nhà làm to ở viện này, giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác muốn ai khám cũng được, 20.000 đồng công giới thiệu thôi, phục vụ tận chân răng. Bác yên tâm chưa?
Ở bên kia hàng rào, hai thanh niên trông xe xa xả: Dắt vào tít trong góc kia, mù à? Năm nghìn một xe... Đắt à, đắt thì dắt xe ra đường gửi mấy công an kia kìa.
Cách vài bước chân, một chị có vẻ như từ dưới tỉnh lên đang luống cuống giữa hai thanh niên: “Có mua sổ khám bệnh không? Năm nghìn đồng, không mua hả? Chốc nữa không có sổ đừng ra xin nhé. Cho trắng mắt ra, đồ ngu”.
Lạng lách toát mồ hôi, cuối cùng hai bố con anh cũng đến được nơi xếp hàng lấy phiếu khám bệnh. Mới 8 giờ sáng mà đã đến bệnh nhân thứ 80.
Bàn đăng ký khám, cô nhân viên tóc vàng loe hoe lờ rờ từng tờ giấy, số 50 đâu? Không có à, 51? Bùi T. Bàng à? Bàng hay Bằng?
- Dạ, Bằng ạ, bác trung niên khúm núm
- Viết với lách, thế này thì ai mà đọc được!
- Thì các cô bệnh viện viết chứ tôi có viết đâu.
“Tóc vàng” liếc xéo một cái: Ơ, thế bác khám bảo hiểm y tế à? Thế thì không khám ở đây, phải ra nhà E xếp hàng, đằng kia.
“Chết, ung thư mà không có bảo hiểm thì chết”, tiếng rì rầm. Bác trung niên nháo nhác quơ cái nón đi tìm nhà E. Lại xếp sổ, số 120.
“Đợi đến chiều bác ạ”, người ta nói. Cái loa có đám người bu quanh mới gọi đến số 47. Ghế ngồi đợi không có, nắng và bụi dội lên bao khuôn mặt thẫn thờ trên cái khoảnh trống vừa gọi là sân vừa gọi là bãi xe ở bệnh viện điều trị ung thư lớn nhất miền Bắc này.
Hết từ chối bà ngô luộc, ông vé số, chị bán kẹo cao su, anh bán báo dạo... gần 2 tiếng, rồi cũng tới lượt hai cha con anh. Anh chen mãi mới vào được nơi đăng ký khám bảo hiểm y tế, cô nhân viên vừa cắm cúi viết vừa hỏi: Thẻ bảo hiểm đâu? Đây ạ. Ơ, chưa photo à? Photo gì cơ ạ? Photo làm năm bản, anh không nhìn đây à? Cái tờ giấy bé xíu dán trên góc tường bị ai xé rách đang phất phơ như trêu ngươi đám bệnh nhân. “Đi photo đi rồi mới về đây đăng ký nhé!”.
Chen ra khỏi đám người, anh chạy đi kiếm chỗ photo. “Năm nghìn, giá bèo đấy”, ông xe ôm ở cổng bệnh viện chưa nghe khách trình bày xong đã chốt lại. “Không có cách nào đâu, bệnh viện không có máy photo cho bệnh nhân”, mặt ông tỉnh rụi.
Rồi cũng có năm bản photo, anh quay lại nơi đăng ký. “Ơ cái anh này, số 82 hả, qua rồi, xếp hàng lại từ đầu nhé, ai đợi được anh?”... Khi hai cô nhân viên đưa phiếu khám với một danh sách các loại xét nghiệm cho anh thì đã 11 giờ trưa.
Hai bố con leo lên tầng 2 đăng ký siêu âm. “Siêu âm à? Hết số rồi bác ạ. Chiều bác quay lại nhé”, chị y tá lạnh lùng. Quay sang bên, chị nói tiếp: Đây, số của anh đây. Đồng thời với cử chỉ của chị y tá, anh thanh niên kia giúi tờ giấy 20.000 đồng vào túi áo của chị. Anh đã hiểu, vội vàng móc ví lấy 20.000 đồng nhét vào túi áo blouse: Cô giúp bố tôi, nhà tôi ở xa Hà Nội lắm - Thế ạ, cháu mách bác cái này, bác ra phòng khám ở Hai Bà Trưng siêu âm rồi cầm kết quả về đây nhé - Nhưng phòng khám tư nhân mà cô? - Phòng khám của các bác sĩ ở đây, kết quả cũng như của bệnh viện, cô giảng giải.
Thì ra không phải mình ông, nhiều bệnh nhân cũng đứng xếp hàng chờ siêu âm để lấy kết quả đem vô bệnh viện cho bác sĩ khám: Siêu âm ổ bụng? 80.000 đồng bác ạ. - Ô hay, tôi thấy phiếu bệnh viện ghi 50.000 đồng - Bác không làm thì thôi để cho người khác còn làm bác ạ!... - Thôi, vậy cô cứ làm cho tôi...
Tới lượt chụp X quang, anh y tá giải thích: Cháu sẽ chụp cho bác chiều nay nhưng hai ngày sau mới có kết quả bác nhé - Ấy chết, sao lâu thế hả anh? - Bệnh nhân đông lắm bác ạ, phải lần lượt. Anh con trai móc ví lấy ra tờ 100.000 đồng: Anh giúp em, nhà em ở xa không đợi được - Vậy à, vậy thì 4 giờ chiều bác đến lấy kết quả nhé.
Hết thủ tục nhập viện, anh đưa bố đến phòng truyền hóa chất. Mỗi ngày, qua lần lượt từng phòng, từng khoa, những cuộc đổi chác vẫn diễn ra bình thản, công khai và dần trở thành chuyện cũ, chuyện nhỏ trước mắt anh. Cái áo blouse kia thật khéo, có những chiếc túi tiện lợi cho cả bệnh nhân và bác sĩ.
Một lần, khi anh đang lúi húi đếm những tờ tiền để cho vào từng phong bì thì bị một bà lớn tuổi mắng vào mặt: “Đếm vừa vừa thôi kẻo người khác lại khổ”. Anh như bị điện giật, ngẩng lên: Ở trong góc phòng kia, một cụ ông một tay đeo chai hóa chất, tay kia cầm chiếc bánh mì nhai trệu trạo. Ở góc khác, cô vợ trẻ đang chuẩn bị cặp lồng để xuống xếp hàng đợi suất ăn từ thiện của nhà chùa giúp đỡ cho hai vợ chồng.
Xem thêm: Chuyện chép ở bệnh viện của Mỹ
Bạn đọc Phúc Trung - Washington DC, USA ([email protected])
Đọc bài viết của “Ghi chép ở bệnh viện” của Hồng Phúc đăng trên chungta. mà thấy chua xót quá. Mọi giá trị, chuẩn mực có vẻ như bị đảo lộn trên cơ sở đồng tiền. Nhiều nơi, nhiều lúc bạn có thể dễ dàng bắt gặp những cảnh tương tự như vậy. Không chỉ có bệnh viện K, nơi diễn ra hầu hết các cuộc hội thoại được nêu trong bài viết của Hồng Phúc, mà nhiều bệnh viện khác, nhiều nơi tiếp dân (người làm chủ) khác, cũng xẩy ra tình trạng tương tự.
Là một người Việt Nam được tiếp xúc trực tiếp, là người đi mua dịch vụ y tế ở hai nước, Việt Nam và Mỹ, tôi viết về những lần tôi đi khám ở một phòng khám ở thị trấn, ở Mỹ để bạn đọc tự so sánh.
Phòng khám nơi tôi lần đầu tiên đến khám ở Mỹ là một phòng khám tư cấp thị trấn tọa ở một tòa nhà 5 tầng. Đang phân vân không biết mọi việc sẽ diễn ra như thế nào (cái cảm giác giống hệt như lần đầu tiên tôi đưa chị tôi đi khám ở bệnh viện K Hà Nội), tôi bất ngờ với tấm biển to để ngay cửa ra vào đề “Cẩn thận, sàn nhà ướt”, dù toàn bộ sàn nhà của phòng khám này được trải một lớp thảm dày, hệt như hành lang và phòng hội nghị của khách sạn 5 sao ở Hà Nội. Có lẽ chỗ hiếm hoi không được rải thảm là lối lên cầu thang bộ từ tầng 1 lên tầng 2 của bệnh viện, lối lên mà một vài người đến khám bệnh vẫn thỉnh thoảng chọn đi để thay đổi trạng thái sau khi xuống khỏi ô tô. Chỉ vậy thôi, mà tấm biển kia vẫn được để ngay ở lối ra vào, đủ để người đến cảm thấy mọi thứ đều được quản lý đâu vào đó, và mọi bệnh nhân đều được quan tâm như nhau, không phân biệt quốc tịch, màu da, giới tính, tình trạng kinh tế, trang phục, cách thức thanh toán,… Thực tế đúng là như vậy.
Tôi rời thang máy vào tầng hai của tòa nhà, nơi mọi bệnh nhân đều phải đăng ký khám qua phòng tiếp đón. Trước mắt tôi là một phòng chờ rộng chừng 50 m2: sàn nhà rải thảm, bàn ghế được xếp theo hình chữ V cho bệnh nhân chờ khám, có hai chiếc tivi ở hai đầu của phòng chờ đang phát chương trình tin tức sáng, mỗi bàn chờ có một giỏ báo địa phương trong ngày, có sẵn nước uống giống hệt hệ thống phục vụ nước uống ở phòng bán vé của Vietnam Airlines ở phố Quang Trung, Hà Nội,… Phòng chờ yên tĩnh, sạch sẽ, ngăn nắp và trật tự không thể hơn được. Tôi đứng vào hàng chờ đăng ký. Có ba bệnh nhân khác xếp hàng trước tôi, vui vẻ cười nói một cách lịch thiệp. Tôi tò mò lắng nghe cách hỏi của cô tiếp đón bệnh nhân: “Xin chào, ông cảm thấy thế nào hôm nay? Trời vẫn còn hơi mưa thì phải?”, cô tiếp tân vừa nói vừa cười. “Vâng, chào chị”, ông bệnh nhân khoảng chừng 50 tuổi đáp. “Ông cho tôi biết tên, thưa ông?”, “Tôi là Jon, Jon Harriss”, ông bệnh nhân đáp. “Ông sẽ thanh toán bằng bảo hiểm y tế, đúng không ông?” “Đúng vậy”, ông bệnh nhân trả lời và đưa cho cô lễ tân thẻ bảo hiểm y tế của mình.
Cô lễ tân nhanh nhẹn photo thẻ bảo hiểm y tế, nhập tên, tuổi, số bảo hiểm y tế của bệnh nhân và tên bác sỹ vào máy tính. Hệ thống máy tính ở phòng lễ tân được kết nối với hệ thống máy tính ở phòng bác sỹ và phòng làm việc của các y tá. Hai tờ giấy khám với đầy đủ thông tin vừa hỏi trên được cô tiếp tân in ra và trao cho bệnh nhân, ông bệnh nhân ký vào một tờ để cô tiếp tân dùng làm cơ sở thanh toán với công ty bảo hiểm y tế, tờ còn lại do ông bệnh nhân giữ. Cô lễ tân dặn ông bệnh nhân: “Cảm ơn ông Jon vì đã chờ đợi, xin vui lòng cầm tờ giấy này, ngồi chờ ở phòng chờ, y tá sẽ gọi ông vào khám trong giây lát”.
Tôi thấy nhẹ cả người vì những gì vừa xảy ra trước mắt tôi, từ cô nhân viên lễ tân, những thông tin phòng khám cần biết, và đặc biệt là cách ứng xử nhẹ nhàng của cô ta đối với bệnh nhân, khác hẳn với cảnh tôi đã nhiều lần chật vật đưa người thân đi khám bệnh ở Hà Nội, khác hẳn với cái cảm giác khi nhìn thấy bệnh nhân bị y tá tiêm đau phát khóc vì không dúi tờ tiền 10 nghìn vào túi áo blouse, và cũng khác lắm lắm so với những gì được Hồng Phúc ghi.
Tôi được cô lễ tân tiếp đón, những tưởng tôi không là người Mỹ, những tưởng tôi mang bảo hiểm y tế sinh viên, thủ tục sẽ phải khác. Nhưng không, cuộc hội thoại giống hệt như trên, thông tin cần biết giống hệt như với vị bệnh nhân người Mỹ kia, và niềm vui và nụ cười vẫn nở trên khuôn mặt của cô tiếp tân lịch thiệp. Tôi lại nhớ hình ảnh một cụ già chừng khoảng 70 tuổi rụng hết tóc bị cô y tá tên Thanh, chừng 25 tuổi, ở khoa Hóa chất, bệnh viện ung thư nọ quát như mưa vào mặt khi ông nhờ cô thay bình hóa chất tiếp theo một buổi sáng năm 2007, mặc dù ông vẫn nộp viện phí đầy đủ theo quy định.
Chưa kịp đọc xong lời mở đầu của một bài báo, cô y tá gọi tên tôi vào khám. Với câu chào thân thiện, cô y tá khiến tôi thoải mái và yên tâm hơn nhiều trong phòng khám riêng được bố trí cho từng bác sỹ. Một căn phòng chừng 10 m2, có giường khám, có bàn ghế cho cả bệnh nhân và bác sỹ, có chậu rửa và các thiết bị vệ sinh khác, và sạch. Ở đây, y tá làm nhiệm vụ thu thập thông tin ban đầu như tại sao lại muốn gặp bác sỹ, kiểm tra cân nặng, nhiệt độ, huyết áp và nhịp tim. Sau khi có những thông tin trên, cô y tá sẽ chuyển cho Bác sỹ. Tiếp đó chừng vài phút, bác sỹ sẽ khám cho bệnh nhân, chẩn đoán, kê đơn thuốc. Trong trường hợp cần làm thêm các xét nghiệm, bác sỹ cho bệnh nhân biết, nhưng mọi thủ tục làm xét nghiệm đều được y tá chuyển qua hệ thống máy tính của phòng khám. Bệnh nhân sẽ được y tá của bác sỹ hướng dẫn đến phòng xét nghiệm đầu tiên, mọi hướng dẫn tiếp theo sẽ được các nhân viên y tế ở phòng xét nghiệm trước đó hướng dẫn theo thông tin trên máy tính. Thật đơn giản, thuận tiện, và thoải mái biết chừng nào. Lúc này, hình ảnh những tờ tiền 20 nghìn được kẹp vào sổ khám bệnh khi xếp hàng chờ lấy số xét nghiệm khi ở Hà Nội lại hiện ra trong tôi. Ôi, thương quá những người nông dân quanh năm chật vật với ruộng, vườn, chắt chiu từng quả trứng gà đem bán để lấy tiền dành dụm khi cơm chiều dọn với mắm cáy. Cũng thương quá những bà mẹ quê mang từng quả ổi trong vườn ra chợ bán dành tiền thuốc thang trong khi đám trẻ thèm nhỏ dãi. Số tiền dành dụm sao đủ bỏ “phong bì” cho những lần ốm đau.
Lịch khám lại hoặc lịch chẩn đoán kết quả được bác sỹ dặn y tá, lịch cụ thể về ngày giờ được khẳng định trên cơ sở trao đổi giữa y tá và bệnh nhân. Cứ thế, mọi việc diễn ra tiếp theo theo lịch sắp sẵn. Trước ngày khám lại một ngày, phòng khám sẽ có nhân viên gọi điện nhắc bệnh nhân về lịch khám, vừa để tỏ ra quan tâm tới bệnh nhân, vừa để không làm đảo lộn lịch đã sắp xếp của bác sỹ. Có khi các lần khám cách nhau hàng tháng, thậm chí định kỳ hàng năm, mọi việc vẫn đâu vào đấy, diễn ra theo lịch định sẵn. Trường hợp vì lý do nào khác cần thay đổi lịch khám, bệnh nhân chỉ cần gọi điện cho y tá để bố trí lại lịch mới.
Nếu bác sỹ đã đủ thông tin để kê đơn thuốc và lịch khám lại đã được sắp xếp với y tá, việc khám bệnh của bệnh nhân đã hoàn thành. Nếu không làm xét nghiệm, khoảng thời gian để khám bệnh chừng 30 phút.
Những lần đến khám lại, bệnh nhân chỉ cần đọc tên cho cô nhân viên lễ tân, lấy tờ phiếu khám được in ra từ máy tính với những thông tin đã nhập sẵn từ lần khám trước, và những thông tin về thuốc đang điều trị. Bằng cách làm việc như vậy, bệnh viện, y tá, và bệnh nhân tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức, thậm chí là tiền của.
Về thanh toán, nếu thanh toán bằng bảo hiểm, mọi thủ tục thanh toán sẽ do phòng khám và công ty bảo hiểm y tế tự thu xếp. Bệnh nhân (người thụ hưởng dịch vụ bảo hiểm) chỉ cần ký vào tờ giấy đăng ký khám ban đầu ở phòng tiếp đón là đủ. Nếu thanh toán bằng tiền mặt, séc hoặc thẻ tín dụng, bệnh nhân sẽ thanh toán trực tiếp ở phòng đăng ký sau khi khám xong. Mọi thủ tục diễn ra trong vòng vài phút là cùng. Điểm này khác xa so với cái cách mà bệnh nhân khám bằng bảo hiểm y tế ở Việt Nam được hưởng. Theo những gì tôi chứng kiến, ở một số bệnh viện ở Hà Nội, bệnh nhân khám bằng bảo hiểm y tế luôn có cảm giác bị hất hủi, dịch vụ chậm hơn, chất lượng phân biệt, kể cả đối với danh mục thuốc được dùng để điều trị cũng phân biệt. Đến nỗi, nhiều người ngại không dùng bảo hiểm y tế khi đi khám chỉ vì bất bình với cách ứng xử của các cô lễ tân ở bệnh viện, hoặc nếu dùng bảo hiểm y tế để khám bệnh thì mất nhiều thời gian và công sức hơn khám thanh toán bằng tiền mặt (dân gian gọi là tiền tươi) cho bệnh viện.
Sẽ có người cho rằng tôi thanh toán $70 cho một lần khám bệnh thông thường không xét nghiệm ở phòng khám này lớn hơn so với 30 nghìn đồng/lần khám ở bệnh viện công ở Hà Nội (dù còn gọi là bệnh viện công - được hưởng kinh phí từ ngân sách cấp - tiền thuế của nhân dân đóng góp). Cũng sẽ có nhiều cô y tá, những người luôn tìm đủ mọi cách để vòi vĩnh những đồng tiền đầy nước mắt và nhiều khi là mạng sống của của bệnh nhân, sẽ cho rằng 30 nghìn đồng là quá ít so với 70 đô la Mỹ. Nhưng khi so sánh chi phí một lần khám bệnh như trên với thu nhập bình quân đầu người ở từng nước, chi phí thăm khám không kể xét nghiệm như trên của Việt Nam còn cao hơn so với ở Mỹ: 0,25% so với 0,21% ($70 tương đương 0,21% thu nhập bình quân đầu người Mỹ/năm 2007; 30.000 đồng tương đương 0,25% thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2007).
Chi phí một lần khám bệnh so với mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn ở Mỹ trong khi vẫn hưởng kinh phí ngân sách nhà nước cấp hàng năm chắc chắn không phải là cách lý giải được thái độ vô văn hóa của các nhân viên ở phòng đón bệnh nhân, thái độ vòi tiền vô liêm sỉ của các cô y tá, và kể cả cho thái độ côn đồ của các “nhân viên” ở một số bệnh viên ở Hà Nội. Điều có thể lý giải ở đây là cách tổ chức, quản lý yếu kém của bệnh viện, sự vô cảm của nhân viên y tế với bệnh nhân, đạo đức và tự trọng nghề nghiệp của họ, sự buông xuôi và dễ dãi của người dân và sự vô cảm của các vị dân biểu, các nhà hoạch định chính sách. Cách quản lý khác hiệu quả hơn, quy cũ hơn, nhiều tình người hơn được ghi nhận ở một số bệnh viên tư ở Hà Nội cho thấy khả năng có thể cải thiện chất lượng và cung cách phục vụ ở bệnh viện công ở địa bàn này. Đến bao giờ tình trạng trên mới được cải thiện vẫn là một câu hỏi lớn đang được trả giá hàng ngày bằng những đau đớn và mệt mỏi, thiệt thòi và tủi nhục của hàng vạn bệnh nhân ở mọi miền quê tập trung về đây.
Washington tháng 11 năm 2008.
Phúc Trung
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005