Chúc Xuân 2019
Tết đến xuân về là cơ hội để chúng ta bày tỏ một cách rõ ràng những hy vọng, để những giấc mơ của mình được “nâng cánh".
Minh hoạ: Lê Thiết Cương.
.
Đêm qua, tôi mơ thấy mình qua đời.
Linh hồn tôi tiến về phía một cái cổng lớn trang hoàng bằng những chiếc đèn led đầy màu sắc, khi lại gần, chúng bắt đầu nhấp nháy. Vừa đến nơi, một giọng nữ ngọt ngào cất lên từ một chiếc loa vô hình nào đó như những thông báo ở sân bay: “Chào mừng quý vị đã đến với thế giới bên kia. Trước khi vào cửa, xin hãy nhập những thông tin cần thiết chỗbàn phím bên tay phải. Cổng sẽ tự động mở khi bạn hoàn thành”. Quả đúng là có một bộ bàn phím và một màn hình cạnh cửa. Tôi nhập tên mình, tích vào ô giới tính “Nam” mặc dù không chắc điều đó vẫn còn phù hợp. Tôi nhập ngày, tháng, năm sinh của mình nhưng không biết phải gõ gì cho ô ngày mất. Sau ba lần thử không thành công, tôi đã nhấp vào tùy chọn Câu hỏi thường gặp (FAQ) và biết rằng nếu không biết ngày mất của mình thì có thể để trống ô đó và tôi đã làm như vậy. Câu hỏi tiếp theo là: “Số điện thoại di động*?”. Dấu hoa thị, như được giải thích trong phần chú thích, có nghĩa là ô bắt buộc phải điền. Vì chưa bao giờ sở hữu một chiếc điện thoại di động, tôi đã gõ 999 nhưng bị từ chối vì không đủ số; tôi đành gõ thêm một cách ngẫu nhiên cho đến khi được chấp nhận. Câu hỏi tiếp theo là “Tôn giáo?”. Tôi gõ “Không” nhưng một hộp thoại xuất hiện: “Xin vui lòng nhập một trong những tôn giáo sau: Phật giáo, Hồi giáo, Kitô giáo”. Không thấy có dấu hoa thị, tôi bỏ trống ô này. Cho mục: “Quốc tịch*?” Tôi nhập “Pháp” nhưng bị từ chối với thông báo: “Bạn đã không phải là người Pháp hơn 50 năm nay; vui lòng nhập đúng thông tin”. Chà, tôi đành thử “Việt Nam” và, hết sức ngạc nhiên, nó hoạt động. Một lá cờ Việt Nam xuất hiện, bao phủ toàn màn hình và dưới ngôi sao vàng tại trung tâm tôi đọc được: “Nếulà Đảng viên, nhập 1, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, nhập 2”. Tôi gõ 0. Tiếp theo, đi kèm với giai điệu của bản Tụng ca niềm vui (Ode to Joy) của Beethoven là dòng thông báo: “Nếu đã đăng ký tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên1, Kỳ Sơn, hãy nhập mật khẩu và số thẻ căn cước, cổng sẽ tự động mở”. Cùng lúc đó, một khuôn mặt tươi cười xuất hiện trên quảng cáo của Google với giọng nói vang lên “Lạc Hồng Viên Vĩnh Hằng trực tuyến, hơn 100’000 lượt likes và theo dõi”. Tiếp đến là: “Nghề nghiệp?” Ngay khi vừa nhập “nhà vật lý”, tôi được hỏi có đóng phí thường niên cho Hội Vật lý Việt Nam không; đã khai là người Việt, tôi cảm thấy nếu giải thích thì quá phức tạp vì thực ra tôi là người Pháp và Hội Vật lý Việt Nam không chấp nhận thành viên là người nước ngoài… Tôi bỏ trống ô đó. Câu hỏi tiếp theo là đã từng đọc sách báo, tài liệu tuyên truyền tư tưởng chính trị đi ngược đường lối chưa; sợ thú nhận rằng mình đã từng đọc những loại sách báo như vậy, tôi bỏ trống ô này. Câu hỏi cuối cùng về “Thành phần?”. May mắn thay, tôi nhớ đến Điều 2 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam về liên minh giai cấp công nhân, nông dân và trí thức; nhưng cảm thấy có lẽ quá tự phụ khi tự nhận là công nhân hay trí thức, đồng thời nhớ ra rằng ông bà mình đã từng là nông dân ở vùng tây nam nước Pháp nên tôi nhập “nông dân”, hy vọng có ông bà là nông dân là cái cớ tốt. Nhưng màn hình lại thông báo: “Vui lòng nhậpđúng thông tin”… và một lần nữa, tôi phải để trống.
.
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy đã hoàn thành hết các bước, nhưng một thông báo mới lại xuất hiện: “Để đảm bảo thông tin cung cấp, vui lòng trả lời ít nhất một trong ba câu hỏi sau đây*: 1) tên người bạn đầu tiên của bạn là gì? 2) tên con thú cưng đầu tiên của bạn là gì? 3) đội bóng yêu thích của bạn là đội nào?” Tôi chưa bao giờ có thú cưng và cũng không phải là người hâm mộ bóng đá, nhưng tôi nhớ một vài người bạn thời thơ ấu của mình như Philippe, Eric, Jacques… Ngay khi gõ “Jacques” và nhấn “Nhập” màn hình lại nhấp nháy: “Xin lỗi, chúng tôi không thể để bạn vào vì có quá nhiều ô bị bỏ trống”.
Tôi bừng tỉnh, phần nào cảm thấy nhẹ nhõm, và sực nhớ tới lời mời viết một vài dòng chúc Tết hạnh phúc tới độc giả của Tia Sáng; chủ đề của năm nay là “Xã hội trong kỷ nguyên số”.
Tôi không biết viết gì. Tôi có ấn tượng rằng thế giới, dù là số hay không, đang phần nào ngoài tầm kiểm soát. Có quá nhiều giấc mơ của chúng ta đã trở thành “ảo tưởng quá khứ”, chẳng hạn như ảo tưởng rằng “tất cả các quốc gia” có thể “hợp nhất” trong khi: nước Mỹ của Trump đang xây dựng bức tường bao ở biên giới phía Nam hay nước Anh của Nigel Farage đang quay lưng lại với châu Âu. Thậm chí, ở rất nhiều nơi trên thế giới dân chủ cũng trở thành ảo tưởng; ở Mỹ, dân chủ đã trở thành một nền chính trị với một chính phủ trong tay các tỷ phú và chủ nghĩa dân túy đang tồn tại và phát triển ở khắp mọi nơi, điều này cho thấy việc người dân dễ bị lừa mị như thế nào. Trong khi đó ở Việt Nam, chúng ta đã không thể ngăn chặn, hay thậm chí làm chậm, nạn chảy máu chất xám mà đất nước đang phải hứng chịu. Chúng ta cũng không thành công trong việc đem lại những hỗ trợ cần thiết cho thế hệ trẻ để họ có thể đối mặt với thế giới đang liên tục thay đổi. Toàn cầu hóa đã cho chúng ta thấy những bất công sâu sắc đang thống trị trên hành tinh này, là nguyên nhân của những cuộc di dân và chiến tranh. Với tình hình như vậy, lạc quan giả tạo là vô trách nhiệm nhưng bi quan cũng là điều không nên: Tết đến xuân về là cơ hội để chúng ta bày tỏ một cách rõ ràng những hy vọng, tránh để những giấc mơ của mình trở thành ảo vọng, mong cho những giấc mơ được “nâng cánh” như khẩu hiệu của viện nơi tôi đang làm việc. Việt Nam cũng có một khẩu hiệu quốc gia rất ý nghĩa: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Hãy đừng quá tham vọng, chúng ta chỉ đơn giản mong rằng ba từ này được để ý, và không bị lãng quên; hãy làm cho những từ ngữ đó trở thành hiện thực chứ không chỉ là khẩu hiệu. Độc lập khỏi chủ nghĩa thực dân mới của các công ty đa quốc gia luôn thèm khát khai thác lao động giá rẻ của đất nước. Tự do nói những gì muốn nói và làm theo những gì đã nói, tự do tiếp nhận thông tin cho bản thân để biết người khác nghĩ gì, để được trang bị tốt hơn chống lại bất công và bảo vệ những giá trị mà chúng ta tin tưởng. Hạnh phúc khi thấy nụ cười của trẻ thơ hay ngắm Mặt trời mọc, hạnh phúc khi được sống trong hòa bình bên những người mình yêu thương, hạnh phúc khi vẫn còn sống.□
Phạm Ngọc Điệp dịch
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015