Chọn người coi quản Thăng Long

11:07 SA @ Thứ Hai - 31 Tháng Giêng, 2022

Thủ đô của một nước thường được coi là đô thị quan trọng bậc nhất. Bởi nó không chỉ có nhà vua và triều đình ngự ở đó. Mà nó hội tụ dường như tất cả tinh hoa của dân tộc được kết tinh từ cổ đại đến đương đại. Hơn hết nó là bộ mặt của cả một quốc gia chứ không của riêng địa bàn Thăng Long.

Hồ Gươm của ất Thăng Long

Từ khi có Thăng Long (1010) thì bản thân nó đã được truyền thừa văn hóa của tổ tiên người Việt, ít ra từ thời Hồng Bàng, khoảng 4000 năm trước. Và cứ thế, trải qua năm tháng, bề dầy lịch sử càng cao, thì trầm tích văn hóa tích tụ càng sâu, và mỗi thời lại bồi đắp thêm. Chẳng thế mà từ năm 2005 đến 2008, khai quật trong lòng đất khu vực hoàng thành đã phát lộ ra, và xác định được tới 5, 6 tầng văn hóa. Đó là văn hóa Đại La, văn hóa Đinh - Lê, văn hóa Lý - Trần, văn hóa hậu Lê (gồm Lê - Trịnh - Mạc), văn hóa Nguyễn. Đó là chưa kể xen kẽ có cả văn hóa thực dân như Hán - Đường.

Tượng vua Lý Thái Tổ tại Hồ Gươm

Nhà Lý mở ra tại Thăng Long một nền văn hiến, mà trước đó mới chỉ manh nha. Văn hóa Lý khởi phát từ Thăng Long, đặt nước ta vào xu thế phát triển mạnh nhất trong khu vực. Nhiều bình diện kinh tế và cả tổ chức quân đội, nhà Tống còn phải học.

Sách "Vân đài loại ngữ" của Lê Quý Đôn có chép " Thái Diên Khánh làm quan ở đất Hoạt, ra sức nghiên cứu binh pháp nhà Lý từ tổ chức quân đội, phiên chế đơn vị, khí tài cho đến hành binh tác chiến v.v.... chia ra từng môn loại. Thái Diên Khánh viết thành sách, dâng lên vua Thần tông nhà Tống, được vua khen và sai áp dụng". Chẳng là thuở ấy, sức chiến đấu của quân Tống yếu kém, bạc nhược. Phía Bắc thì nước Liêu, phía Tây thì nước Hạ đánh cho tơi tả. Nhà Tống phải cắt đất cầu hòa, và chịu triều cống hàng năm với chi phí rất lớn.

Chẳng những thế, đầu thế kỷ 20, toàn quyền Đông Dương Pierre Paskier khi nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam, đặc biệt chính sách "Ngụ binh ư nông" của nhà Lý, ông đã có nhận xét vừa chính xác vừa hàm ý thán phục: "Nước Nam biết dùng binh lính vào nơi đồng ruộng trước cả nước La Mã cổ xưa" (L'Annam à connu le soldat laboureur avant la Rome antique).

La Mã là đế quốc hùng mạnh từng thống trị cả Châu Âu. Thành ngữ: "Tất cả mọi con đường đều dẫn tới thành Rôm", là để nói về vai trò và địa vị độc tôn của La Mã thời Trung cổ.

Về kinh tế, sử sách Trung Hoa còn ghi rành rành, có viên quan họ Lâm cai trị vùng Quảng Đông, thấy dân chúng liền năm mất mùa đói kém. Khi qua Giao Châu được mời ăn một thứ đặc sản gọi là "Khoai lang" liền hỏi cách trồng và xin giống về cho dân trồng thử. Ba năm sau Quảng Đông chấm dứt được nạn đói kinh niên. Sau khi ông mất, dân nhớ ơn lập đền thờ gọi là "Lâm Công miếu", hiện vẫn được sùng kính. Ngoài ra nghề làm lụa từ tơ dứa, tơ chuối, tơ sen hoặc nấu thủy tinh từ cát đều lấy từ nước ta. Thế nhưng nhiều kẻ mất gốc sùng ngoại, nhất nhất cái gì của ta, chúng cũng nói có gốc từ Tầu.

Thời nào cũng vậy, Thăng Long đều hội tụ được nhiều nhất các nhân tài và hiền tài, tập trung làm việc trong bộ máy của triều đình và của Thăng Long.

Thử hỏi đất nước có việc gì lớn như chủ trương, quyết sách lại không phát ra từ thủ đô. Thủ đô là nơi mở ra các cuộc thi đại khoa để kén nhân tài. Thủ đô là đầu mối chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Thủ đô còn là trung tâm giao tế, nơi đón tiếp các sứ đoàn ngoại quốc đến và đi.

Vai trò của kinh đô quan trọng là vậy, nên tất cả mọi thời đại, triều đình đều phải kén người có đủ đức, đủ tài để coi quản kinh đô.

Thời nhà Lý gọi người đứng đầu cai quản các tỉnh là An phủ sứ. Riêng người đứng đầu kinh thành Thăng Long gọi là Đại an phủ sứ. Nhà Lý coi trọng người có thực tài, không phân biệt nguồn gốc xuất thân. Tuy vậy, người tài ấy còn phải có phẩm hạnh tốt, còn để làm gương cho dân chúng. Các vua nhà Lý sống rất sát dân nên các quan coi quản công việc không thể làm tắc trách được.

Lấy ngay việc hình án, vua thường răn các quan phải thận trọng, chớ để người dân bị hàm oan. Và để các quan án yên tâm làm việc, ngoài lương bổng nhà vua còn cấp cả tiền và hiện vật như lúa, cá khô … Những thứ tiền và hiện vật đó, gọi chung là vật dưỡng liêm. Quan chức cao nhất ở ngành án, luật (đô hộ phủ sĩ sư) mỗi năm được cấp thêm 100 bó lúa, 5 giành cá khô và 100 quan tiền. Cấp phó cũng được hưởng số hiện vật như cấp trưởng, nhưng số tiền chỉ bằng một nửa: 50 quan.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải đi điền dã (tóc bạc trong ảnh)
Nhà văn Hoàng Quốc Hải và TS. Nguyễn Xuân Diện tại tư gia, xuân Nhâm Dần 2022

Mùa đông giá rét, vua Lý Thánh tông (1054 - 1072) còn vào tận trại tù xem xét chế độ chăm nuôi có khả dĩ hay khắc nghiệt. Vua thường nhắc các án ngục lại rằng, người dân đôi khi không hiểu pháp luật mà vô tình mắc tội, có khi bị áp bức, bị vu oan giá họa nên mắc vòng lao lý. Cũng có khi người xử án không công tâm, án phạt nặng nề khiến người dân chịu đời đau khổ. Do vậy, nhà vua hạ lệnh tất cả người tù đang chịu án đều nhất loạt được khoan giảm một bậc và phát chăn, áo ấm cùng mỗi ngày hai bữa cơm no.

Vua như thế, quan nào dám lơ là trách  phận. Chính vì thế mà vị quan nào được cử làm Đại an phủ sứ ở kinh sư (nay gọi là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội), phải là người đức độ, thực tài thì mới trụ được. Bởi mỗi việc quan Đại an phủ sứ làm, không chỉ người dân kinh thành giám sát, mà còn hàng trăm cặp mắt của các đại quan của cả triều đình nhìn ngó.

Đền Quan Thánh, ngôi đền cổ xưa của Hà Nội

Nhà Lý tuyển chọn chức Đại an phủ sứ đã kỹ. Nhà Trần chọn người vào vị trí này còn kỹ hơn nhiều. Có tiêu chí, có giám sát nhân cách và tài năng từ khi người được dự tuyển còn làm việc tại các nơi khác.

Năm Mậu ngọ (1258) vua Trần Thái tông nhường ngôi cho con, ngài ở vị thế thượng hoàng để giám sát việc triều chính do vua nối điều hành. Thượng hoàng chỉ uốn nắn các việc vua nối, để nói là được hoặc chưa được, chứ không tự mình điều hành. Ngài quan sát bộ máy rất kỹ và tới năm Ất sửu (1265) ngài khuyên nhà vua (Trần Thánh tông) ban bố chính lệnh tuyển chọn người đưa vào chức vị coi quản kinh thành Thăng Long. Trước hết, người đó đã ở chức An Phủ sứ các lộ (tỉnh), biểu hiện được chân tài và được dân mến. Tức là trong 18 quan đầu tỉnh, chọn lấy một người xuất sắc nhất cho về làm An phủ sứ phủ Thiên Trường, nơi ấy có Thượng hoàng (Trần Thái tông) đang an  ngự. Mọi việc quan An phủ sứ phủ Thiên Trường điều hành đều có sự giám sát của Thượng hoàng. Qua các kỳ khảo duyệt hàng năm, nếu đạt chuẩn, sẽ điều về kinh sư. Trước hết được giao giữ chức Thẩm hình viện sự, nếu làm tốt việc này mới cho nhận chức Đại an phủ sứ của kinh sư.

Tượng vua Trần Thánh Tông

Tại sao quan Đại an phủ sứ phải kinh qua chức Thẩm hình viện. Đây là chức Chánh án Tòa án? 


Nắm giữ chức này để kiểm tra xem người sẽ đứng đầu kinh thành có thông hiểu luật pháp không. Và qua xét xử không có án oan sai, không có án tồn đọng mới chứng thực được là người có tài, có đức. Chỉ người như thế mới xứng đáng được giao phó việc coi quản Thăng Long.

Việc Thượng hoàng Trần Thái tông đích thân tuyển chọn nhân sự cho Thăng long, viên quan nội hầu liền bầy tỏ lòng trung:

- Tâu Thượng hoàng, con nghĩ, Người đã vất vả suốt đời rồi, nay chỉ có việc nhỏ là cử người coi quản Thăng Long, Thượng hoàng cứ giao hẳn cho Quan gia và triều đình tuyển lựa, chứ như Thượng hoàng theo dõi năng lực tất cả các An phủ sứ trong cả nước, rồi chọn lấy một người về Thiên Trường, cũng lại Thượng hoàng giám sát, thấy được rồi mới cho bổ nhiệm về Thăng Long. Con nghĩ như thế, Thượng hoàng chẳng có lúc nào được nghỉ ngơi.

- Sao ngươi dám ăn nói càn rỡ; dám bảo việc chọn người đứng đầu kinh thành Thăng long là việc nhỏ. Ta vẫn thường nói, Thăng Long vừa là tinh hoa, vừa là bộ mặt của cả nước, không thể cẩu thả, xem thường kẻ sĩ và dân chúng Thăng Long mà đặt bất kỳ đứa cha căng chú kiết nào vào chức vị đó cũng được đâu.

Việc bổ nhiệm quan Đại an phủ sứ của kinh sư được các nhà Lý - Trần rất coi trọng. Vì thế Thăng Long luôn giữ vị trí hàng đầu để làm gương cho các lộ (tỉnh).

Hoàng thành Thăng Long

Sang các thời Lê rồi Lê - Trịnh và Mạc, Nguyễn, chức vụ người coi quản kinh sư gọi là Phủ Phụng Thiên. Tuy nhiên, người coi quản sau này thường là người của các phe nhóm, nên không phải Thăng Long thời nào cũng là đô thành mẫu mực. Nhất là thời Lê - Trịnh, kinh thành đôi phen nhếch nhác, bởi loạn kiêu binh nhà Trịnh, khiến dân chúng oán giận triều đình, và truy sát lũ kiêu binh như truy sát giặc.

Lịch sử đã để lại cho ta bài học vô cùng quí báu. Các đời sau, nếu khiêm tốn học lấy bài học bổ nhiệm cán bộ của thời Lý, thời Trần, chắc chắn Thăng Long - Hà Nội vẫn là đô thành đáng sống nhất của cả nước. Và nếu các tỉnh theo kịp Hà Nội, thì bất cứ nơi nào của nước ta cũng là nơi đáng sống.

​Hà Nội 25 tháng 12 năm 2017
(Đã đăng tạp chí Văn Hiến Việt Nam Xuân Nhâm Dần 2022)

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Dáng hình Hà Nội xưa qua những bức ảnh

    10/10/2017Năm 1805, vua Gia Long lệnh phá bỏ thành cũ, xây lại thành mới nhỏ hẹp hơn rất nhiều so với Hoàng thành các thời vua trước vì cho rằng đây chỉ còn là Trấn Bắc thành...
  • Những đặc sắc của văn hóa Thăng Long - Hà Nội

    10/10/2017Nguyễn QuânVăn hóa Đại Việt khởi phát và hoàn mỹ ở Thăng Long bởi nó hội tụ không chỉ ‘tinh khí’, tinh lực của bốn xứ đàng ngoài mà cả vùng Thanh Nghệ, Trung Bộ và là nơi hội nhập văn hóa Việt Chăm sớm nhất và toàn diện sâu sắc nhất mà mở đầu là mỹ thuật kiến trúc với việc xây dựng thành Thăng Long và các chùa - tháp quy mô lớn thời Lý Trần; sau đó là âm nhạc, ca múa…
  • Bàn về Hiền tài

    17/03/2017Nguyễn Tất ThịnhỞ bài này tôi viết về Hiền Tài ( như cách nói xưa về Người Giỏi có Đức - mà nếu ai đó thiếu một trong hai điều này thì nguy cơ gây hại cao hơn nhiều so với cơ hội mà họ có thể mang lại cho Xã hội – vì sự ảnh hưởng của Tài hoặc Đức với công chúng không hề nhỏ ). Tôi suy tư về trường hợp của Người Xưa, cô đọng lại thật ngắn, nén lại cho tư tưởng tôi muốn truyền tải: Hiền tài luôn là yếu tố khởi động, trung tâm, dẫn dắt cho mọi sự nghiệp phát triển của Xã hội- Trước tác của họ chính là Công quả được Đời ghi nhận, gọi là Tư Tưởng…
  • Trước khi có thiên tài

    07/04/2016Lỗ TấnTôi thấy hiện nay, trong tiếng hò hét của những người đòi hỏi giới văn nghệ, có thể nói mãnh liệt nhất là đòi hỏi thiên tài xuất hiện. Rõ ràng cái đó có thể chứng tỏ hai điều: một là Trung Quốc hiện nay không có thiên tài nào, hai là mọi người đã chán ngấy cái nền văn nghệ hiện nay rồi. Thế thì, có thiên tài hay không?
  • Nhân tài chính trị - Lời giải cho bài toán phát triển

    08/07/2014Nguyễn Trần BạtNhững bài toán chính trị truyền thống bao giờ cũng chứa đựng trong nó những yếu tố riêng biệt của từng thời đại và do đó, nhà chính trị buộc phải giải các bài toán chính trị truyền thống bằng những lực lượng trong thời đại của mình trên cơ sở tính đến những nhân tố riêng biệt đó. Trong trường hợp của Việt Nam, một nhân tài chính trị cần phải giải quyết sáu vấn đề căn bản nhất - đó là định vị Việt Nam trong tiến trình phát triển của thế giới, xây dựng hệ tư tưởng kinh tế Việt Nam, xây dựng hệ tư tưởng quân sự Việt Nam, xây dựng chương trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa bên cạnh Trung Quốc, xây dựng tầng lớp thượng lưu và đội ngũ trí thức trong xã hội Việt Nam và thừa nhận các giá trị phương Tây...
  • Hào khí Thăng Long nghìn năm hội tụ cho Việt Nam bay lên

    11/10/2010VietnamnetHồn núi sông nghìn năm đang hội tụ nơi mảnh đất rồng thiêng. Lịch sử dân tộc được viết bằng máu của những bậc tiền nhân mang gươm đi mở cõi, và lớp lớp cha anh đã ngã xuống bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng. Hào khí Thăng Long, được hun đúc qua bao biến thiên lịch sử, nay lẽ nào không thể trở thành điểm tựa tinh thần cho thế hệ hôm nay làm nên giấc mơ “Bay lên Việt Nam”?
  • xem toàn bộ