Chỉ có mình là nhất!

10:52 SA @ Thứ Tư - 10 Tháng Hai, 2021

Theo nhà nghiên cứu Nhật Shiba Ryôtarô (1923-1996), một khuynh hướng của người Việt là “xem người dân tộc mình ưu việt so với người dân tộc khác ” .. do đó là một sự cản trở đối với việc học hỏi và chung sống với thế giới. Điều này tôi đã dẫn ra trong bài viết Hội chứng “ít chịu học hỏi” “ tự mình mê mình”ở người Việt đưa trên FB của tôi ngày 27-7-2015.

Trên đường học lại lịch sử VN, tôi rất cảm ơn tập san Nghiên cứu Huế (NCH) của Nguyễn Hữu Châu Phan nơi có hàng loạt bài về xã hội VN qua các thời kỳ lịch sử.

Từ số một ra đầu năm 1999, Nghiên Cứu Huế có in bài  Việt Nam vào thế kỷ XIX  qua hồi ký  của John White, John Crawfurd George Gibson,  tác giả là người Anh Patrick J. Honey. 
Ông này là nhà nghiên cứu kỳ cựu về Việt Nam.

Ở trang  221, số Nghiên Cứu Huế nói trên, sau khi nói về nhiều mặt sinh hoat khác của người Việt,  Patrick J. Honey có trích một đoạn trong hồi ký của Crawfurd:

“ Người Việt rất tự kiêu và tự coi như dân tộc bậc nhất trên thế giới, không cả chịu nhận người Trung Hoa là người hơn mình. Họ coi người Cao Mên là man rợ và đối với người Xiêm La thì cũng chẳng nể nang gì hơn.

Tôi  thấy tin thêm ở các nhận xét loại này, khi nhớ lại  một chi tiết trong truyện Tấm Cám, mà trong bài viết về truyên này tháng 10-2015, tôi chưa nhắc tới.

Đó là đoạn vua hay hoàng tử  cho mọi phụ nữ vào thử hài để tìm cho ra người đẹp. Khi Tấm đến thử, mẹ Cám cũng có mặt ở đấy. Bà ta khinh rẻ Tấm coi thường Tấm không muốn cho Tấm nên người, nên bảo Cám:

Chuông khánh còn chả ăn ai
Nữa ư mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre.

Ta có thể đoán trong thâm tâm của mẹ Cám, lúc này nảy sinh một cảm giác tự nhiên không cần nghĩ ngợi gì nhiều cứ buột ngay ra. Là sự kiêu căng thấy mình thuộc loại ưu hạng (chuông khánh), còn mọi kẻ khác đều là méo mó nửa đời nửa đoạn( mảnh chĩnh vứt bờ tre).

Ngẫu nhiên chăng? Không phải.

Quan họ Bắc Ninh cũ cũng có đôi câu phảng phất tinh thần trên:

"Tôi đi khắp bốn phương trời
Không đâu lịch sự như người ở đây"

Rồi thì làng nào khen làng ấy vùng nào khen vùng ấy, cái tinh thần kiêu ngạo lây lan khắp nơi. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, tức “thiên hạ là cứt hết” “chỉ có mình là nhất, chỉ mình mới xứng đáng với những gì cao đẹp” và không còn nghi ngờ gì nữa “mình đây hơn hẳn thiên hạ”.

Lục lại ký ức, một người thất thập như tôi còn thấy đây là một cảm giác thường trực ở người Việt mình trong khi nhìn nhận những gì ngoài mình.

Nó cũng ăn vào tâm lý cộng đồng và trở thành  một nét tâm lý dân tộc bền vững trong  trường kỳ lịch sử, chi phối các cá nhân  khi phải xử lý mối quan hệ với người các dân tộc khác.

Lúc còn trẻ con chúng tôi đã được nghe  người lớn bảo nhau  Ngớ ngẩn như chú Tầu nghe kèn.

Lớn lên, ở miền Bắc thì nghe chê Nga ngố. Vào Sài Gòn sau 1975 cũng thấy người dân bảo nhau rằng nhiều khi thằng Mỹ rất dại.

Những gì ta thường tự nghĩ là  ẩn kín trong lòng, và chỉ nói với nhau chỗ riêng tư, nhiều người nước ngoài khi tiếp xúc với người Việt, đã nhận ra từ rất sớm.


Thế còn tại sao từ các thế kỷ trước người mình lại có lối nghĩ thế này và những biến tướng của nó trong xã hội hiện đại ra sao, đấy là các đề tài tôi sẽ suy nghĩ tiếp.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đức khiêm tốn

    20/07/2009Huy DungTrên 1 tờ lịch vô tình đọc được câu “Kiêu căng là đặc quyền của kẻ khờ dại" (ngạn ngữ Cổ Hy Lạp)”. Bỗng nhớ lại trước Tết này, tôi đọc được trong bài của Thái Doãn Hiểu, có nhận xét sắc sảo mà đại ý là người thật sự giỏi thơ thì rất khiêm tốn, người có chút tiếng tăm về thơ thì hay vỗ ngực hoặc xem trời bằng vung, thậm chí lục bát tạm sạch lỗi chỉ mới dăm bài đã, như ai nói, liền gọi Nguyễn Du bằng anh ngay!