Câu đố của con nhân sư

08:23 SA @ Thứ Bảy - 20 Tháng Chín, 2008

Làn sóng chấn động thứ 5 trên thị trường tài chính Mỹ trong hơn 14 tháng qua đã không chỉ xóa sổ thêm một vài ngân hàng lừng danh của Mỹ mà còn tác động lây lan đến các thị trường và hệ thống tài chính ở những khu vực khác.

Chính phủ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải áp dụng những biện pháp mạnh mẽ để ngăn cản hệ thống tài chính sụp đổ và ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng như Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã phải liên tục bơm tiền vào thị trường tài chính để hậu thuẫn Chính phủ Mỹ và hạn chế tác động tiêu cực lây lan.

Biện pháp cứu trợ này giống như con dao hai lưỡi, có tác dụng và cả phản tác dụng. Nó giúp các ngân hàng còn lại trên thị trường duy trì được khả năng thanh toán, không để "viên đá domino" tiếp theo bị đổ và như vậy tránh được phản ứng dây chuyền có thể đưa đến sự sụp đổ của cả hệ thống tài chính.

Mặt trái của nó là khả năng can thiệp kiểu như vậy của các chính phủ và các ngân hàng trung ương bị hạn chế, không thể vô tận và vô điều kiện. Người dân vừa nghi ngờ vào khả năng tự điều chỉnh của thị trường tài chính vừa không muốn các chính phủ dùng tiền nộp thuế của mình để bù đắp thiệt hại do các ngân hàng bị phá sản gây ra.

Liệu pháp cứu trợ của các chính phủ càng mạnh thì càng chứng tỏ mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính, cho nên lòng tin của người tiêu dùng vào hồi kết chóng vánh của cuộc khủng hoảng này hiện đang bị tổn hại nặng nề.

Hậu quả trước hết đối với kinh tế Mỹ là tiêu dùng giảm và xuất khẩu giảm. Sự sa sút của hai động lực kinh tế này khiến cho triển vọng kinh tế Mỹ trong năm nay và cả cho thời gian trước mắt không được sáng sủa cho lắm. Chính phủ và các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia như thể vẫn còn bị đặt trong tình trạng báo động, luôn phải sẵn sàng ứng phó như trực cứu hỏa trong một thời gian nữa.

Một tác động đã có thể thấy được từ những diễn biến nói trên là làn sóng sáp nhập ngân hàng trên các thị trường tài chính và tình trạng đó đã được coi là hồi tiếp theo của cuộc khủng hoảng tài chính.

Ví dụ điển hình là Morgan Stanley, một trong số 2 ngân hàng đầu tư độc lập còn lại ở Mỹ (cùng với Goldman Sachs), đang tìm cách hợp nhất với Ngân hàng Wachovia (Mỹ); ngân hàng tiết kiệm lớn nhất của Mỹ là Washington Mutual cũng đang tìm cách tránh bị phá sản; Ngân hàng Lloyd của Anh đã mua lại ngân hàng tài chi cho xây dựng lớn nhất nước Anh HBOS,...

Điều đó báo hiệu diện các đối tác tham gia thị trường tài chính sẽ ngày càng bị thu hẹp, ít ngân hàng hơn, ít lợi nhuận hơn, dự trữ trong ngân hàng ngày càng phải cao hơn, quy trình và cách thức kinh doanh tài chính sẽ phải ngày càng minh bạch hơn.

Rất có thể sẽ có xu hướng trở lại với các ngân hàng thương mại truyền thống và chấm dứt thời kỳ huy hoàng, làm mưa làm gió trên các thị trường tài chính của loại hình ngân hàng đầu tư và quỹ bảo lãnh đầu tư. Điều chắc chắn là thị trường tài chính Mỹ và thế giới không còn được như trước nữa, nhưng bao giờ mới hết khủng hoảng thì lại là câu hỏi khó trả lời như câu đố nổi tiếng của con nhân sư Ai Cập.


Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED): Lấy tiền dân để cứu tư bản lũng đoạn
(Vũ Quang Việt, từ New York, Báo Lao động)

Chính phủ Mỹ hôm 16.9 đã quyết định bơm 85 tỉ USD vốn của FED để cứu tập đoàn bảo hiểm lớn nhất nước American International Group (AIG) đang có nguy cơ phá sản.

Mỹ dùng 85 tỷ USD tiền thuế để cứu Công ty tư nhân AIG khỏi nguy cơ phá sản.
Đây là lần thứ hai trong tháng, Mỹ dùng tiền thuế của dân để cứu một công ty tài chính tư nhân.

Tại cuộc họp tối 14.9, FED không giảm lãi suất và cho rằng nguy cơ lạm phát tăng đang ở phía trước. Cho đến nay, FED không nói gì về những định chế cần thiết để kiểm soát thị trường tài chính trong tương lai. Họ còn đang sốt vó lo sửa soạn các hành động mang tính xã hội chủ nghĩa của mình.

Không có gì chắc chắn

Sáng 14.9, báo Wall Street Journal viết rằng bộ mặt tài chính nước Mỹ sẽ thay đổi khi hai công ty từng sống còn và vượt qua cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 1930 đã ngã quỵ và bị xoá tên trên thị trường.

Đó là Lehman Brothers với 158 tuổi đời và Merrill Lynch, 94 tuổi. Họ đánh giá thị trường tài chính sẽ trở về với thế giới như trước đây: Đó là hoạt động tài chính có kiểm soát với hệ thống ngân hàng thương mại đóng vai trò cổ điển của nó, hoạt động cẩn trọng, làm trung gian giữa người có tiền và người đầu tư.

Điều tiên đoán này cũng chưa có gì là chắc. Ngân hàng Bank of America mua Merrill Lynch chỉ vì cho đến nay nó chưa bành trướng nổi ra khu vực kinh doanh tài chính chứng khoán và giấy nợ rác. Và đây là dịp may hiếm có. Hệ thống ngân hàng thương mại Mỹ cũng chưa có thể nói là vững chãi vì nhiều ngân hàng có thể sở hữu rất nhiều giấy nợ rác này. Những giấy nợ đó không thể bán được khi cần tiền mặt. Thị trường hiện nay đang quá sợ các loại giấy nợ đầy rủi ro này, nên hầu như đã đóng băng.

Các bảng kết toán tài sản của các Cty tài chính hoặc ngân hàng hiện nay không nói lên được điều gì vì giá trị thực của giấy nợ họ sở hữu không biết là bao nhiêu (trong sổ họ chỉ ghi theo giá lúc mua vào). Nếu vì một lý do nào đó, dân chúng kéo nhau rút tiền thì ngân hàng thương mại ôm nhiều giấy nợ này như là tài sản có, cũng có thể đi đời nhanh chóng nếu FED không nhảy vào. Thế nhưng hiện nay Cơ quan Liên bang bảo hiểm tiền gửi (Federal Deposit Insurance Corp) - cánh tay phải của FED - đang cảnh báo là không còn nhiều khả năng vốn và có thể cần thêm tiền vốn từ Bộ Tài chính.

Tình hình bi đát hiện nay chưa thể chấm dứt chừng nào giá nhà tiếp tục xuống và do đó giá trị các chứng khoán dựa vào nhà đất tiếp tục không có người mua, trong khi đó số người sở hữu nhà mất khả năng chi trả, bỏ của chạy lấy người vẫn tiếp tục tăng.

Quốc doanh hoá khoản nợ

Trong bối cảnh trên, FED có thể làm gì? Có thể nhân danh nhà nước, lấy tiền thuế của dân, làm một hành động cứu nguy khác. Cựu Chủ tịch FED Paul Vocker - người có công giải quyết lạm phát cao ở Mỹ thời năm 1970-1980 gợi ý nên lập công ty mua nợ nhà nước, giống như Resolution Trust corp ngày xưa.

Công ty này có trách nhiệm đứng ra mua các chứng khoán rác để lập lại thị trường mua bán. Giá như thế nào là tuỳ thuộc người bán và kẻ mua. Làm như thế thì rõ ràng là hành động quốc doanh hoá nợ. Quốc hội phải biểu quyết lập ra công ty quốc doanh trên và bỏ vốn (bằng tiền thuế) để mua chứng khoán rác. Nếu thị trường trở lại bình thường, giá trị chứng khoán kia tăng thì nhà nước có thể lời. Nhưng nếu làm thì ngân sách phải bỏ tiền. Tức là lấy tiền dân để cứu tư bản lũng đoạn.

Mới đây nhất, tối 16.9, FED đã quyết định bơm 85 tỉ USD vốn để cứu tập đoàn bảo hiểm lớn nhất nước American International Group (AIG) đang có nguy cơ phá sản. Trước đó, đề nghị của FED là hai công ty JPMorgan-Chase và Golden Sachs cho AIG vay 75 tỉ đã không thành công.

AIG hiện có khoản đầu tư chứng khoán trên 400 tỉ mà không thể bán để trả lại nếu người bỏ tiền vào tài khoản đầu tư của AIG muốn rút ra. Đây là phần đầu tư rủi ro mà AIG chui vào, không chỉ mua chứng khoán rác mà còn bảo hiểm chứng khoán rác của người khác. Nếu FED không ra tay kịp thời, sự phá sản của AIG sẽ có ảnh hưởng toàn cầu và làm trầm trọng hơn những gì mà Lehman đang tạo ra.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan