Bước đường lưu lạc của cặp ấn kiếm cựu Hoàng Bảo Đại trao

12:00 CH @ Thứ Hai - 31 Tháng Tám, 2015
Cặp ấn (ấn "Hoàng đế chi bửu") - kiếm đúc đời Minh Mạng thứ tư năm 1823 mang giá trị lịch sử lớn lao, tượng trưng cho quyền lực quốc gia của nền quân chủ phong kiến.

Vào chiều ngày 30-8-1945, tại tầng 2 của lầu Ngũ Phụng, dưới sự chứng kiến của những người có phận sự, vua Bảo Đại đã trao ấn Hoàng Đế Chi Bảo và thanh kiếm chuôi nạm ngọc cho phái đoàn đại diện chính quyền cách mạng gồm các ông Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận. Sau nghi thức trao ấn kiếm, hoàng đế Bảo Đại đã đọcChiếu thoái vị, chính thức tuyên bố từ bỏ ngai vàng để trở thành công dân của nước Việt Nam mới. Trong bản chiếu có câu nổi tiếng: "Trẫm nguyện làm dân một nước tự do hơn là làm vua của một nước nô lệ".

Sau khi trao ấn kiếm xong, ông Bảo Đại “lúng túng" không biết làm gì, nói gì. Một lúc sau, ông nói: “Bây giờ tôi được làm dân một nước độc lập, xin đoàn đại biểu Chính phủ cho tôi một vật gì làm kỷ niệm giờ phút này”.

Sau khi trao đổi ý kiến giữa các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận, ông Cù Huy Cận lấy một huy hiệu cờ đỏ sao vàng (mà Ủy ban Cách mạng Huế đã gài vào áo các thành viên) gài cho Bảo Đại. Rồi ông Cù Huy Cận báo cho đồng bào biết điều đó và đề nghị đồng bào hoan nghênh "người công dân Vĩnh Thụy". Nghe đồng bào “hoan hô”. Bảo Đại có vẻ cảm động, rồi chào ra về..." (theo lời kể của ông Cù Huy Cận)

Một hồi sau, tại Ngọ Môn, lá cờ vàng của triều nhà Nguyễn được hạ xuống, thay vào đó là lá cờ đỏ sao vàng.

Ấn Hoàng Đế Chi Bảo bằng vàngnặng 10,534 kg vua Bảo Đại trao lại tại lễ thoái vị chiều 30/8/1945. Ảnh: Tiến sĩ Sử học Phan Thanh Hải cung cấp.
Đôi kiếm vàng triều Nguyễn đúc vào thế kỷ XIX, nặng 1,25kg tượng trưng cho quyền lực của vua

Cặp ấn kiếm sau khi được trao cho chính phủ lâm thời đã được chôn lại Hà Nội khi chính phủ rời lên chiến khu năm 1946. Khoảng cuối năm 1951, quân Pháp đào đất xây đồn bốt ở ngoại thành, khu vực Nghĩa Đô đã bắt gặp 1 thùng dầu hỏa bằng sắt tây bên trong có cái kiếm bị bẻ đôi sơn màu đen cùng một cái ấn. Tháng 3-1952, Pháp tổ chức lễ long trọng tại Quảng trường Ba Đình trao lại cho quốc trưởng Bảo Đại (khiếm diện). Ông Lê Thanh Cảnh chuyển vào Buôn Mê Thuật cho Bảo Đại.

Năm 1953, chiến sự ác liệt nên Bảo Đại đã viết giấy ủy quyền cho bà Mộng Điệp mang 2 bảo vật này qua Pháp. Tại Pháp, bà Mộng Điệp trao cho Nam Phương hoàng hậu. Về sau hoàng tử Bảo Long giữ thanh kiếm, vợ Pháp của Bảo Đại Monique Marie Eugène Baudot (tên thân mật là Monica) giữ ấn. Từ đó, cặp ấn kiếm này đã nằm bên ngoài Việt Nam và rơi vào quên lãng...

Ấn Hoàng đế Chi Bửu của vua Bảo Đại. Ấn có hình vuông, mỗi cạnh dài 12 cm; dày 2 cm; cuốn núm hình con rồng lượn cong, nặng 10,534 kg, bằng vàng. Ấn chỉ dùng đóng trên giấy tờ liên quan đến lễ khánh tiết, ghi ân, dụ thân huân, tuần du các địa phương, ban sắc thư cho nước ngoài. Bằng chiếc ấn này vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn đã ban hành nhiều chiếu chỉ cải cách triều chính như: ra đạo dụ Tuyên cáo Việt Nam độc lập, tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam...

Được biết, ngoài ấn kiếm trao tượng trưng, vua Bảo Đại còn chuyển giao toàn bộ tài sản quý giá của vương triều cho chính quyền cách mạng. Phái đoàn của chính quyền cách mạng đã cho chuyển gần 3.000 món bảo vật quý giá (bao gồm ấn tín bằng vàng bạc, ngọc ngà, những cổ vật quý giá, những tặng phẩm ngoại giao…) ra miền Bắc. Trải qua bao năm chiến tranh với vô vàn khó khăn gian khổ, nhưng số bảo vật này vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Hiện nay, số cổ vật quý giá này đã được bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia để bảo quản, trưng bày.
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tuyên bố thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại

    01/09/2016...nay Trẫm nhất định thoái vị để giao vận mạng quốc gia cho một Chính phủ có đủ điều kiện huy động hết cả lực lượng của toàn quốc giữ vững nền độc lập của nước và mưu hạnh phúc cho dân....
  • Cuộc phỏng vấn trực tiếp Cựu hoàng Bảo Đại trước khi ông qua đời

    09/05/2015Tôi nói với nhân dân Việt Nam rằng : Khi tôi đã làm xong nhiệm vụ của tôi, tức là cụ thể hóa nền độc lập, xây dựng lại đất nước, đến lúc đó, chính nhân dân sẽ chọn lấy chế độ mình muốn. Tôi không chủ trương một chế độ nào cả. Tôi chỉ tự phong một cách đơn giản là Quốc trưởng thôi...
  • Cuộc phỏng vấn trực tiếp Cựu hoàng Bảo Đại trước khi ông qua đời

    07/05/2015Trước khi Bảo Đại qua đời (1997), nhà sử học trẻ Fédéric Mitterand – cháu của Tổng thống Mitterand đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp cựu hoàng tại nhà riêng. Lần đầu tiên cựu hoàng nói về những kỷ niệm và thổ lộ ước vọng của ông về đất nước Việt Nam, trong đó có việc ông thành lập chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật và trong trường hợp nào ông đã thoái vị làm cố vấn cho chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà...
  • Con số 13 bí ẩn và vua Bảo Đại

    20/03/2015Vua Bảo Đại trở thành vị vua triều Nguyễn thứ 13...