Bộ trưởng giáo dục lại hứa ''sẽ...''

03:51 CH @ Thứ Sáu - 31 Tháng Mười, 2003

Chiều 30/10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển đã trao đổi với các phóng viên về một số vấn đề bức xúc trong hệ thống giáo dục nước ta hiện nay. Và cũng như không ít dịp trao đổi tại các kỳ họp Quốc hội trước, Bộ trưởng lại tiếp tục khẳng định ''sẽ xử lý nghiêm các sai phạm đã và đang diễn ra trong ngành''.

- Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng 'chất lượng ảo' trong giáo dục là do chỉ tiêu quá cao về lên lớp, tốt nghiệp. Và một hiện tượng tiêu cực đáng báo động là giáo viên để học sinh học bài mẫu trước hoặc nâng điểm bài thi. Làm sao chặn được kiểu bệnh thành tích này?

 - Bộ GD-ĐT không bao giờ khuyến khích việc chạy theo thành tích. Chúng tôi thậm chí đã xử lý rất nghiêm song bệnh vẫn kéo dài. Bàn về ngăn chặn nói ra hơi dài, cần phải phân tích, nghiên cứu nguyên nhân tình trạng rồi mới có hướng khắc phục. Nguyên nhân thì nhiều, chúng tôi sẽ có giải trình trước QH.

- Nhiều giáo viện phàn nàn tình trạng tăng ca tăng tiết, dạy thêm nhiều, họp hành liên tục khiến họ bị vắt kiệt sức. Đây cũng xuất phát từ căn bệnh ham thành tích, Bộ có biện pháp gì để chấn chỉnh?

- Đây không phải hiện thực phổ biến cả nước mà chỉ xảy ra ở một số trường, một số địa phương. Các Sở GD-ĐT sẽ có biện pháp xử lý.

- Nhiều ĐBQH mong muốn Bộ trưởng có thể tuyên bố “tuyệt nhiên không còn tình trạng dạy thêm, học thêm”. Bao giờ thì Bộ trưởng làm được việc này?

- Bài học của Đà Nẵng về chấn chỉnh dạy thêm, học thêm khá tốt, rất đáng để các địa phương cả nước rút kinh nghiệm. Vấn đề là cách tổ chức triển khai phải tốt.

- Hiện nay có trường ngay tại Hà Nội sử dụng giáo viên môn Địa phải kiêm dạy môn Kỹ thuật nông nghiệp. Cô giáo là người thành phố, không biết cày, cấy, gieo mạ nên cô và trò cứ lúng túng, ảnh hưởng chất lượng giảng dạy, học tập. Bộ trưởng nghĩ sao về hiện tượng này?
- Cái đó do tuyển chọn giáo viên không đúng yêu cầu. Việc này đương nhiên phải sửa.

- Đợt thi tuyển sinh ĐH vừa qua cho thấy thi hộ, thi kèm là vấn đề quá nhức nhối. Bộ trưởng có thể việc này sẽ được xử lý như thế nào?

- Phải xử rất nghiêm. Trước đây đã có hiện tượng đó nhưng quy chế thi không chặt nên xử lý không đến nơi, đến chốn, thậm chí không phát hiện ra. Nay xử nghiêm để cảnh cáo.

- Việc đưa ra quá nhiều loại sách khác nhau đã triệt tiêu sự sáng tạo của giáo viên và chỉ nặng về hình thức. Bộ trưởng thấy thế nào?

- Tôi ngạc nhiên thấy rất nhiều sổ sách không có trong hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, và tôi cũng nghĩ Sở GD-ĐT các thành phố cũng không có những hướng dẫn như vậy. Trên cơ sở báo chí đã phản ánh, chúng tôi sẽ bàn với các giám đốc Sở để xử lý.

- Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa có nói Bộ GD-ĐT phải tự kiểm điểm trách nhiệm của mình, đề ra biện pháp xử lý thích hợp trong việc để chất lượng giáo dục thấp. Bộ trưởng thấy trách nhiệm của mình và của Bộ GD-ĐT như thế nào?

- Tôi sẽ giải trình trước Quốc hội vấn đề này, cụ thể là chất lượng và trách nhiệm của Bộ, giải pháp khắc phục ra sao. Nhưng như tôi đã nói, chất lượng GD là vấn đề không đơn giản. Ngay như việc phân loại chất lượng giáo viên Việt Nam theo thang điểm 10 là không đúng, vì thế có khi đưa ra những con số rất cảm tính rồi khái quát thành điểm chung của ngành giáo dục. Việc ấy rất không nên. Nếu nói chất lượng học sinh, sinh viên bây giờ yếu thì phải hết sức thận trọng. Rõ ràng thế hệ trẻ bây giờ giỏi hơn trước nhiều chứ.

- Trong một cuộc họp, Bộ trưởng từng cho biết có thể sẽ mời các chuyên gia tư vấn nước ngoài để đánh giá lại chất lượng của ngành giáo dục. Phải chăng, chúng ta không tin cậy chuyên gia giáo dục trong nước?

- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD-ĐT có chủ trương đánh giá cụ thể và toàn diện ngành giáo dục, trong đó có chất lượng giáo dục. Chúng tôi cũng muốn việc đánh giá được thực hiện một cách khách quan bởi các tổ chức, cơ quan khác, chứ không chỉ gói trong ngành. Việc này sẽ không định tính mà phải định lượng rõ ràng. Bộ GD-ĐT cũng đặt vấn đề với một số tổ chức Quốc tế để họ hỗ trợ tài chính và chuyên gia.

- Kỳ tuyển sinh ĐH 2003, một số ĐHDL ở Đồng Nai và Bình Dương hạ xét tuyển xuống còn 4 điểm, mức điểm tuyển này được Vụ ĐH và sau ĐH đồng ý. Bộ trưởng có chính kiến gì?

- Việc này chắc tôi sẽ giải trình trước QH hôm tới vì cũng nhiều ĐB thắc mắc.

- Bộ trưởng có ý kiến gì về ngân sách phân bổ cho GD năm nay? Mức phân bổ như thế đã đảm bảo cho cán bộ, giáo viên yên tâm trên bục giảng?

- Bộ không có ý kiến gì hơn về ngân sách được cấp, bởi như thế đã là quan tâm ưu tiên rất lớn của Nhà nước, chỉ có điều cần sử dụng sao cho hợp lý.

Nguồn:VietNamNet
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: