Đừng biến mình thành Don Quixote đánh cối xay gió!
Ni sư Ayya Khema đã sử dụng hình ảnh Don Quixote đánh nhau với cối xay gió để nói đến việc mỗi người chúng ta luôn tự dằn vặt, tự tìm cái khổ não và khiến cuộc sống trầm luân trong những trận chiến liên miên...
Tuần Việt Nam giới thiệu với độc giả nội dung phần Chiến tranh và hòa bình, sách Ốc đảo tự thân của Ni sư Ayya Khema, dịch giả Diệu Liên - Lý Thu Linh, Thái Hà Books phát hành.
*****
Chiến tranh và hòa bình
Chiến tranh và hòa bình – thiên sử ca của nhân loại – là tất cả những gì chứa trong các sử sách, vì đó cũng là những gì được chứa chất trong lòng ta.
Nếu bạn đã từng đọc qua Don Quixote, bạn sẽ nhớ rằng anh ta chỉ chiến đấu với các chiếc cối xay gió, với những kẻ thù tưởng tượng của mình.
Don Quixote tự cho rằng mình là một chiến sĩ tài giỏi. Anh ta tưởng tượng rằng kẻ thù là những chiếc cối xay gió mà anh đi qua và quay ra đánh nhau với chúng.
Đó cũng chính là những gì đang xảy ra trong nội tâm ta và cũng vì thế mà câu chuyện này đã được lưu truyền mãi về sau. Đó là câu chuyện của chính chúng ta. Các nhà văn, nhà thơ luôn tìm cách thể hiện những cá tính của con người.
Nhưng ta nào có lắng nghe, vì có ai muốn nghe sự thật không tốt đẹp về mình. Chính ta phải tự khám phá ra sự thật đó thôi, nhưng cũng không mấy ai làm được điều đó.
Chiến đấu với cối xay gió, có nghĩa là gì? Nghĩa là chúng ta đấu tranh với những gì không quan trọng hay không thực có, chỉ là những kẻ thù, những chiến trận trong tưởng tượng – những chuyện vụn vặt mà ta tự biến thành quan trọng và giữ mãi trong lòng.
Ta tự nhủ: “Tôi không thể chịu đựng nổi”,thế là ta phải phản kháng; “Tôi không ưa hắn”, thế là một cuộc chiến tranh xảy ra; “Tôi bất mãn”, thế là một cuộc chiến sôi sục khởi lên trong lòng ta. Trong lúc chúng ta cũng chưa thực sự hiểu mình không vừa lòng với điều gì.
Thời tiết? Món ăn? Tha nhân? Công việc? Thú vui? Nơi chốn? Có lẽ là bất cứ lý do gì cũng được. Tại sao điều đó lại xảy ra cho ta? Tất cả là vì chúng ta không muốn buông xả để trở thành con người thật sự của mình, đó không là ai cả. Nhưng có ai muốn làm thế đâu.
Ai cũng muốn mình phải là người quan trọng, người hiểu biết, người có ý kiến quan điểm thế này, thế nọ, dầu tất cả cũng chỉ giống như chàng Don Quixote với những chiếc cối xay gió.
Hình ảnh Don Quixote đánh nhau với cối xay gió trong tưởng tượng phải chăng tồn tại trong mỗi chúng ta? Nguồn: cgsociety.org |
Chúng ta đôi khi còn khăng khăng đeo bám cả những tà kiến, chỉ vì điều đó khẳng định được một cái “tôi” to lớn. Chúng ta nghĩ rằng không là ai cả, không có gì cả, thì cuộc đáng buồn biết bao.
Đâu biết rằng, khi đã tự khám phá ra sự thật, ta sẽ thấy rằng làm được như thế, ta cảm thấy hạnh phúc, tự do biết bao. Nhưng chỉ vì chúng ta sợ bị những chiếc cối xay gió tấn công, chúng ta đã chẳng muốn buông bỏ những ảo tưởng của mình.
Tại sao chúng ta khó tìm được cuộc sống bình an trong đời? Thưa, vì không ai muốn buông bỏ khí giới cả. Không có đất nước nào sẵn sàng ký hiệp ước buông bỏ vũ khí hoàn toàn.
Ai cũng trách cứ sự kiện đó, nhưng chúng ta có tự xét lại xem mình có buông bỏ vũ khí chưa? Nếu chính chúng ta còn chưa thể làm được, trách gì ai? Không ai muốn làm người đầu tiên buông bỏ vũ khí vì sợ bị người khác tấn công.
Có vậy thì đã sao? Nếu không có cái Ngã, làm gì có sự chinh phục? Làm gì có sự chiến thắng trước cái vô ngã? Hãy để những ai thích gây chiến thắng cuộc, việc quan trọng là ta được tâm bình an.
Ở bên ngoài ta nhận biết chiến tranh vì sự bạo động, hung hãn, tàn sát lẫn nhau. Nhưng làm sao ta nhận biết chiến cuộc trong lòng ta? Mỗi chúng ta chứa một kho vũ khí bên trong, đó là lòng sân hận, oán thù, tham ái. Chúng ta tự làm tổn thương mình bằng chính những vũ khí đó.
Bằng cớ là ta khó tìm được sự bình an trong nội tâm. Đôi khi ai đó đến gần ta, trong tầm đạn và cũng bị thương tổn; đôi khi một trái bom nào đó nổ bên trong ta, tạo ra bao điêu tàn.
Chúng ta hãy cứ tự xét lại xem ta có thực sự cảm thấy trong lòng bình an, vui vẻ không. Thiếu vắng niềm vui ở nội tâm, nhiều người tìm kiếm chúng ở bên ngoài. Đó là lý do dẫn tới chiến tranh. Lúc nào cũng là do lỗi của nước khác, hoặc nếu không tìm ra lỗi, thì đổ cho nhu cầu phải mở mang, nhu cầu phải có đất đai để trị vì.
Đối với cá nhân, thì người ta đi tìm thêm thú tiêu khiển, thêm các trò vui, những sự hưởng thụ. Nếu không tìm được mục tiêu để đổ lỗi thì ta tin rằng đó là những nhu cầu không được thỏa mãn.
Rất ít người trong chúng ta biết rằng những chiếc cối xay gió ta đang chạy đuổi theo chỉ là ảo ảnh, chúng sẽ tan biến đi ngay nếu ta không dung dưỡng cho chúng thêm sức mạnh, thêm quan trọng. Rằng ta có thể mở rộng lòng khoan dung, không sợ hãi, dần dần buông bỏ, bớt chấp nhặt vào quan điểm, ý kiến, thói quen hành động. Khi tất cả những thứ đó đã phai nhạt, ta còn lại gì? Một không gian rộng lớn tràn đầy để ta có thể chứa đựng những gì ta muốn có.
Nếu khôn ngoan, ta sẽ chứa đựng trong đó những từ bi hỉ xả. Vậy là ta sẽ không còn gì phải tranh đấu nữa. Chỉ còn có niềm vui và an bình. Nhưng điều đó ta không thể tìm kiếm ở thế giới bên ngoài.
Tất cả đều phải được bắt đầu từ bên trong nội tâm chúng ta và lan tỏa ra ngoài. Không thể có trường hợp ngược lại. Nếu ta không hiểu rõ điều đó, ta sẽ mãi còn lang thang trên đường viễn chinh.
Những cuộc thập tự chinh đẫm máu, những cuộc chiến tranh hung tàn vô nghĩa phải chăng cũng chỉ vì ai cũng khăng khăng với "bản ngã" riêng mình? Nguồn: ordotempli.org |
Hãy tưởng tượng ra những ngày tháng của các cuộc thập tự viễn chinh! Đã có bao hiệp sĩ đổ hết cả của cải vào việc trang bị cho mình những vũ khí tối tân nhất, sắm sửa những chiến mã và quân lính thiện chiến nhất, để rao truyền tôn giáo đến những kẻ vô đạo.
Có nhiều người đã bỏ mình ngoài chiến trận hay vì kiệt sức, những người còn lại, dầu có đặt chân được đến đất thánh, cũng không mang lại kết quả gì, ngoài mầm mống chiến tranh. Ngày nay, khi nhìn lại, ta thấy những việc làm đó thật điên rồ, nực cười.
Vậy mà ta cũng làm như thế ngay trong cuộc sống của mình. Thí dụ, nếu có ai đọc lại những dòng nhật ký của mình, viết về những thất vọng, khổ đau của chính mình trong vài ba năm trước, giờ hẳn cũng thấy tự buồn cười. Chúng ta không thể nhớ tại sao lúc đó chúng lại nghiêm trọng đến thế.
Nhưng chúng ta vẫn không ngừng làm những việc ngốc nghếch đó đối với bao chuyện vụn vặt hàng ngày, chúng ta vẫn đổ bao sức lực cố gắng để uốn nắn mọi thứ theo ý muốn của mình. Nếu ta có thể bỏ qua tất cả các tâm hàng đó để dốc tâm trí vào những việc thật sự quan trọng không tốt hơn sao?
Chỉ có một điều quan trọng đối với tất cả mọi chúng sinh, đó là tâm bình an, hạnh phúc. Đó là thứ không thể mua, không thể kiếm tìm hay ban tặng. Ramana Maharshi, một vị thánh ở miền nam Ấn Độ, đã nói: “Không phải ai sinh ra cũng được bình an, hạnh phúc. Muốn được như thế, con người cần phải nỗ lực, kiên trì.”
Nhiều người lầm tưởng rằng bình an, hạnh phúc đồng nghĩa với không phải làm gì, không đeo gánh trách nhiệm hay bổn phận gì, và luôn có người chăm sóc mình. Đó là lười biếng. Trong khi muốn đạt được sự bình an, hạnh phúc, chúng ta phải nỗ lực chuyển hóa nội tâm không ngừng nghỉ.
Chúng ta sẽ không có được sự bình an, hạnh phúc bằng cách tích lũy thêm của cải, tài sản, mà phải bớt lòng tham muốn, để tâm thêm trống trải cho đến ngày tất cả chỉ còn lại là một không gian tràn đầy để hạnh phúc, bình an có thể ngự trị nơi đó. Khi trái tim ta còn đầy cái yêu cái ghét, thì còn chỗ nào cho bình an, hạnh phúc len vào?
Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ ở đâu, lúc nào, ta cũng có thể tìm được sự bình an cho tâm hồn, nhưng không phải bằng chính nỗ lực nội tâm, chứ không phải bằng sự trốn tránh.
Thế giới bên ngoài có đủ trò để chúng ta tiêu khiển như các sắc dục đầy quyến rũ. Càng bám víu vào những thứ đó, tâm ta càng xao lãng, ta càng ít có cơ hội để nhận nhìn ra những khổ đau của mình. Nếu có thì giờ và cơ hội để soi rọi lại nội tâm, ta sẽ nhận thấy một thực tại nội tâm hoàn toàn khác với những gì chúng ta tưởng tượng.
Đa số không dám chấp nhận sự thật đó, họ lảng nhìn nơi khác. Khổ đau không phải là do lỗi của ai tạo ra. Chỉ có buông xả là phương cách chữa trị khổ đau hữu hiệu nhất. Điều đó quá đơn giản, khiến ít ai tin tưởng để làm theo.
Nếu khỉ ta chịu bỏ tay ra, thì đã không chịu kết cục thảm thương như thế... Nguồn: estellegraphics.com |
Có một truyện ngụ ngôn nổi tiếng về một cái bẫy khỉ ở Á châu – đó là một cái hộc bằng gỗ có khe hở nhỏ, bên trong đựng kẹo. Khi con khỉ muốn lấy kẹo, phải bỏ tay vào cửa nhỏ để lấy.
Khi tay đã đầy kẹo, khỉ không thể rút tay ra, thế là khỉ bị mắc kẹt ở đó, cho đến khi gã thợ săn đến bắt đi. Con khỉ không ngờ rằng, để thoát được khỏi cái bẫy, nó chỉ cần thả tay không, bỏ kẹo ra.
Cuộc đời ta cũng như thế. Ta bị dính mắc vào đó, vì ta muốn hưởng những vị ngon ngọt của cuộc đời. Không biết buông bỏ, ta vướng mắc vào cái vòng lên xuống của hạnh phúc và khổ đau, hi vọng và thất vọng.
Chúng ta chưa biết tự giải thoát mình bằng cách buông xả, ngược lại chúng ta còn phản kháng, chống cự, nếu có ai buông lời khuyên như thế. Dù tất cả chúng ta đều đồng ý rằng chỉ có sự bình an, hạnh phúc trong một tâm hồn tự tại mới là điều đáng quý nhất trong đời.
Có một câu chuyện kể rất hay về Nazrudin, lão phù thủy, có tài kể chuyện rất kỳ quặc. Chuyện rằng, có lần ông sai đệ tử ra chợ mua một bịch ớt. Người đệ tử làm theo ý ông, mang về bịch ớt cho Nazrudin. Ông cầm ớt lên ăn, hết trái này qua trái nọ.
Chẳng bao lâu, mặt ông bắt đầu đỏ lên, nước mắt, nước mũi chảy ra ròng ròng, ho sặc sụa, người đệ tử đầy kinh hoàng, nhìn sư phụ mình, sau đó thưa: “Bạch thầy, mặt thầy đã đỏ, nước mắt nước mũi ràn rụa thế kai, lại ho sặc sụa. Sao thầy không ngừng ăn ớt?” Nazrudin trả lời: “Vì ta đang chờ một viên kẹo”.
Đúng là bài học của những trái ớt! Chúng ta cũng thế, chỉ biết chờ đợi một điều gì đó, một nơi nào đó, sẽ mang đến cho ta sự bình an, hạnh phúc. Còn trước mắt thì chỉ có khổ đau. Nước mắt, nước mũi chúng ta cũng đang ràn rụa, nhưng chúng ta không muốn bỏ qua những ảo tưởng của mình. Chúng ta chờ đợi vị ngọt ở dưới đáy bịch ớt chăng?
Nếu chỉ suy tưởng, đọc hay nghe về những điều này, tất cả đều chẳng lợi ích gì: chúng ta phải tích cực soi rọi, quan sát lại lòng mình để tìm ra thực tại nội tâm của mình. Tâm ta càng có nhiều ham muốn, tham ái, thì cuộc đời ta càng có lắm khổ đau.
Tại sao phải chạy đuổi theo những chiếc cối xay gió đó? Chúng ta đã tự tạo ra chúng, thì cũng phải chính ta hủy diệt chúng. Biết được trái tim ta vương vấn những gì, cũng đem lại cho ta nhiều lợi ích. Ta sẽ thấy tất cả chỉ là những cảm thọ, hết lớp này đến lớp khác, xô đuổi nhau.
Nhưng thay vì tìm lý do để biện minh cho chúng, ta cần phải biết rằng chính chúng tạo nên những cuộc chiến tranh ở trên đời. Hãy buông bỏ khí giới, thì sự giải trừ quân bị sẽ trở thành hiện thực.
(Trích sách Ốc đảo tự thân – Tác giả: Ayya Khema, Dịch giả: Diệu Liên-Lý Thu Linh, Thái Hà Books & NXB Phương Đông)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh